Đoạt giải Akutagawa năm 2019, “Cô gái mặc váy tím” của nữ nhà văn Imamura Natsuko là một tác phẩm “kỳ quặc” – từ các nhân vật, tình huống truyện, cho đến cách truyền tải đầy điên rồ về nỗi cô đơn và khao khát được sống đúng với bản thân. Truyện được dẫn dắt theo ngôi thứ nhất, bởi một nhân vật xưng “tôi”, nhưng lại không hề kể về “tôi” mà xoay quanh “cô gái mặc váy tím”. Theo lời “tôi”, cô gái mặc váy tím là một người con gái hết sức kì dị. Chính đặc điểm “không ai có thể tiếp cận” ấy đã khiến cô gái mặc váy tím trở thành chủ đề bàn tán “nóng hổi” giữa mọi người xung quanh, cũng như trở nên cực kỳ thu hút trong mắt “tôi”. Vì muốn được kết bạn với cô gái mặc váy tím, “tôi” đã lẳng lặng quan sát và theo dõi từ xa. Mới đầu, sự rình rập chỉ dừng lại ở việc ghi chép về sinh hoạt hàng ngày, nhưng dần dà, “tôi” đã tìm mọi cách để can thiệp vào cuộc sống của cô gái mặc váy tím. Tôi để xấp báo có thông tin tuyển dụng trên chiếc ghế mà cô gái mặc váy tím hay ngồi, tôi treo túi đựng mẫu thử các loại dầu gội trên cửa nhà của cô gái mặc váy tím, tôi bám theo cô gái mặc váy tím trên chuyến xe bus đi làm, tôi đánh dấu những ngày gã trưởng phòng ngủ lại nhà cô gái mặc váy tím,…

Xã hội của những đàm tiếu

Trong toàn bộ 158 trang của cuốn sách, cô gái mặc váy tím chỉ xuất hiện qua lời kể của “tôi” cùng những cuộc hội thoại của người xung quanh: Lời dị nghị của hàng xóm, lời đàm tiếu của người làm cùng, lời tự thuật của gã trưởng phòng. Dường như luôn có một sự mơ hồ bao phủ bên trên sự tồn tại của cô gái mặc tím, dẫu mỗi động thái của cô đều được “tôi” cập nhật liên tục và đều đặn. Ta có thể biết được những điều xảy ra với cô, những sự đổi thay xoay quanh cô, nhưng chẳng thể biết được suy nghĩ sâu bên trong của cô gái mặc váy tím. Cô là một người bất thường, là một người phù hợp với công việc dọn dẹp khách sạn, là một người xức nước hoa nồng đến mức khiến đồng nghiệp khó chịu, là một người ám ảnh với tình cảm của trưởng phòng và cưỡng ép hắn ta yêu đương với mình. Có điều, cô gái mặc váy tím ấy có thực sự là “cô gái mặc váy tím” không? Hay, cô ấy chỉ là muôn bản thể được xây đắp bởi các câu chuyện bị đẽo gọt trong lời truyền miệng của người xung quanh? Cô gái mặc váy tím, “tôi”, hoặc bất cứ nhân vật nào khác trong cuốn tiểu thuyết này cũng tồn tại một cách mơ hồ. Họ không được phép tự bày tỏ thái độ, suy nghĩ của bản thân, mà chỉ được phép sống trong những lời đồn thổi và nhận định của người khác.
Một xã hội bình thường, với những quy chuẩn bình thường, cùng những con người bình thường. Để được làm một nhân tố bình thường, cô gái mặc váy tím buộc phải khoác lên mình bộ đồng phục – cái bộ đồ khiến chục người trông giống nhau y như đúc. Lồng ghép trong lời nhận xét của “tôi” là các quan niệm, góc nhìn thường thấy; chúng đã trở thành “tiêu chuẩn” từ lúc nào không hay, trở thành “thước đo” để con người đánh giá lẫn nhau. Thế nào là chỉn chu, thế nào là ngoại hình ưa nhìn,… và thậm chí, khi nạn nhân thuộc về phía “người không bình thường” thì tội lỗi sẽ thuộc về họ, thay cho những kẻ đã bắt nạt họ. Lúc bị đồng nghiệp đổ dồn trách cứ, hay lúc chất vấn gã đàn ông đang ngoại tình với mình, câu hỏi “chẳng phải mọi người đều như thế sao” được lặp lại không ngừng. Mọi điều mà số đông tuân theo, sẽ trở thành quy luật vận hành của xã hội, những con người đang sống trong xã hội này chỉ có thể được công nhận nếu đóng tốt vai “người bình thường” của mình. “Cái tôi” phải bị phủ bụi mờ, phải bị lãng quên, phải bị gạt bỏ, chỉ có làm như vậy mới xã hội mới công nhận sự tồn tại của ta. Có lẽ, đây cũng là lý do tại sao ở phần mở đầu, “tôi” luôn tìm thấy dáng dấp quen thuộc của cô gái mặc váy tím nơi những người từng đi qua đời “tôi”. 

Xã hội của những lạc lõng

“Tôi” từng nghĩ về sự hiện diện của bản thân, nhưng ngay cả điều ấy cũng được dựa trên thước đo là “cô gái mặc váy tím”. Tôi nghĩ, khi người ta nhìn thật chăm chú cô gái mặc váy tím, rồi có một ngày họ sẽ phát hiện ra cô gái mặc áo len vàng ở phía rìa. Nỗi ám ảnh của “tôi” với cô gái mặc váy tím, có lẽ không phải nằm ở mong muốn bắt chuyện, kết bạn với cô gái, mà nằm ở chính khao khát được sống đúng với bản thân của “tôi”. “Tôi” tìm thấy sự đồng cảm với cô gái mặc váy tím, bởi “tôi” cũng là một người “ngoài rìa” xã hội, bị xa lánh, bị ruồng bỏ. “Tôi” tìm thấy mối liên kết với cô gái mặc váy tím, bởi “tôi” đã chứng kiến cách xã hội đay nghiến, phá hủy người con gái váy tím ấy. “Tôi” hòa thành một phần với “cô gái mặc váy tím”, bởi trên chuyến tàu đi tới vùng đất xa xôi không ai biết đến, “tôi” đã đặt một mảnh của lòng mình trong chiếc vali của cô gái. Dẫu cơn bão của đời người có bất ngờ ập đến, chỉ cần vẫn đứng vững trên đôi chân của mình giống như buổi chiều muộn cô gái trở về sau bữa nhậu, thì chắc chắn không có gì khuất phục được cô gái – dù là lời dị nghị bủa vây, sự lạnh nhạt của xã hội, hay là thói xấu ghen ghét.
Câu chuyện khép lại bằng hình ảnh cô gái mặc áo len vàng ngồi trên băng ghế thuộc về cô gái mặc váy tím. Một đứa nhóc chợt đến vỗ vai “tôi”, tựa như ngày tháng khi trước, “tôi” chứng kiến những đứa nhỏ xoay vòng quanh cô gái mặc váy tím. Cô gái mặc áo len vàng giờ đây đã trở thành cô gái mặc váy tím, tiếp tục tồn tại ở một xã hội chối bỏ những người như cô. Trong cái xã hội không chấp nhận dấu ấn riêng biệt, sự tồn tại của những người như hai cô gái bị phủ nhận; dần dần, cô gái mặc váy tím hay cô gái mặc áo len vàng tự xây đắp nên một thế giới riêng cho họ, nhưng đáng tiếc là cái thế giới đó méo mó và bị bao phủ bởi sự lạc lõng, cô đơn đến cùng cực. Đó là thế giới của một người phụ nữ không quan tâm đến tóc tai áo quần, thất nghiệp nhiều tháng trời, thất thểu khắp dọc đường ngõ phố.
Đó là thế giới của một người phụ nữ liên tiếp rơi vào mối tình ngang trái, bấu víu tình yêu của mình vào một gã đàn ông tệ bạc đã có vợ con, tìm kiếm lời khẳng định cho sự tồn tại của mình qua những cuộc điện thoại không lời với vợ của gã đàn ông kia. Đó là thế giới của một người phụ nữ vô vọng, đành nghĩ tới thứ công việc mua bán trên thể xác của mình. Đó cũng là thế giới của tầng tầng lớp lớp con người mang tội lỗi trên mình, nhưng che giấu sự sai trái của mình bằng sự sai trái của rất nhiều người khác, để rồi cảm giác tội lỗi lẫn nhận định đúng – sai đều mòn giũa. Và, chắc chắn, đó còn là thế giới lạnh nhạt và xa cách, con người không sẵn lòng sẻ chia cùng nhau, thứ chúng ta quan tâm không phải sự thật mà là điều tiếng, bịa đặt – những điều làm người khác trở nên xấu xa, thứ tệ bạc đủ sức lấp kín và che mờ tội lỗi của ta. 

Xã hội của những “nhãn dán”

Kết cấu của “Cô gái mặc váy tím” có nét tương đồng với kịch nói: Ngay từ đầu, nhân vật đã được đề cập với đầy đủ thông tin nhận dạng; nhưng càng diễn, mỗi nhân vật trên “sân khấu” càng biến đổi không lường trước được. Về cuối truyện, tưởng chừng mọi sự đã “vỡ lẽ”, hóa ra một câu hỏi lớn hơn lại xuất hiện. Phải chăng cô gái mặc váy tím chính là “tôi”, hay nói đúng hơn, “tôi” chính là “cô gái mặc váy tím”? Hành trình mà cô gái mặc váy tím trải qua, đồng thời là hành trình “tôi” đã trải qua và sẽ tiếp tục trải qua. Thế giới méo mó được thành hình để “tôi” chống chọi với xã hội xám nghét, sau cùng, “tôi” vẫn không thể là một phần của xã hội đó… Giữa cô gái mặc váy tím và cô gái mặc áo len vàng, ai mới là người bình thường? Lời bỏ ngỏ của vụ điều tiếng mà cô gái mặc váy tím phải đối mặt cũng là câu hỏi mà người đọc cần tự tìm ra câu trả lời. Cô gái mặc váy tím không trộm đồ đem bán, vậy phải chăng “tôi” mới là người đem bán? 
Tác giả Imanura Natsuko đi tìm cốt lõi của “cái tôi”, của xã hội, của cuộc sống bằng ngòi bút “đâm thẳng” vào sự thật. Tác giả đặt dấu hỏi với những nhãn dán được gán lên mỗi người, chúng có đích thực là ta hay chăng? Những nhãn dán ăn sâu vào ta, trở thành dáng dấp của ta trong mắt người xung quanh. Những nhãn dán kỳ quặc hệt như câu chuyện của “Cô gái mặc váy tím” – ta tưởng mình thấu tỏ, hóa ra ta lại chẳng thực sự hiểu được điều gì. 
“Trước khi soi xét khuyết điểm của người khác, hãy thừa nhận những việc mình đã làm đi đã.” Chúng ta xét nét người khác qua góc nhìn của bản thân, áp đặt tiêu chuẩn của mình lên họ, và bỏ quên mất sai phạm thuộc về mình. Nhưng, ngay cả khi ta thừa nhận những việc mình đã làm, thì ta vẫn tìm cách bào chữa cho mình “Thế thì sao? Việc đó ai chẳng làm?”.
🎯 Ghé chơi blog của mình nhé ^^