Thống lĩnh (Đầu danh trạng hay The Warlords) là giai thoại bi tráng về mưu cầu công danh, lập thân lập nghiệp và tình nghĩa huynh đệ trong bối cảnh loạn lạc cuối thời nhà Thanh. Tôi nhận thấy trong hoàn cảnh đặc biệt như chiến tranh, thì phẩm chất cố hữu của con người dù nguyên vẹn hay bị biến đổi cũng đều bộc lộ rõ.
Là viên tướng duy nhất không tử nạn trên chiến trường trở về, Bàng Thanh Vân tưởng như sẽ tuyệt vọng. Nhưng cuộc gặp gỡ với người phụ nữ Liên Sinh đã khiến ông khôi phục lại ý chí sống còn. Thoát khỏi cửa tử, Bàng Thanh Vân tìm thấy cửa sinh khi gặp gỡ rồi kết nghĩa huynh đệ cùng Triệu Nhị Hổ và Khương Ngọ Dương.
Họ lập lời thề “có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu. Tuy sinh không cùng giờ nhưng sẽ chết cùng giờ”.
Đối với Thanh Vân, đó là việc cần làm để thuyết phục Nhị Hổ và Ngọ Dương đầu quân. Ngược lại, đối với Nhị Hổ và Ngọ Dương đó là lời thề vô cùng thiêng liêng.

Cả ba huynh đệ cùng lăn xả nơi chiến trường, chịu nhiều cay đắng, tủi nhục và thương thế, thậm chí nguy hại tới tính mạng, nhưng họ vẫn không lùi bước để lập nên công trạng. Danh trạng từ công trạng đó là chí hướng để lập thân, lập nghiệp vì những người họ yêu thương. Nhưng năm tháng trôi qua, dần dần đó không còn là điều cả ba người cùng hướng đến.
Sau cùng, lòng người luôn là điều khó nói trước…

Mưu cầu công danh

Vì đói nghèo, vì tay trắng, vì bị vứt bỏ mà họ sẵn lòng mạo hiểm tính mạng để tranh đoạt lương thực, tiền bạc. Chính bước đường cùng tạo ra cho con người khao khát và cũng chính nó đẩy con người xuống vực thẳm.
Trong mắt huynh đệ và binh lính dưới trướng thì Bàng Thanh Vân là một viên tướng mưu lược, can đảm, nghiêm minh. Tuy nhiên, khi thành tựu càng lớn thì những phẩm chất đó càng bị bóp méo. Từ mưu lược, trở thành mưu mô, thủ đoạn. Từ can đảm trở nên bất nhân. Nghiêm minh cuối cùng trở thành nghiêm minh với tất cả, trừ chính bản thân mình.
Sự biến đổi đã khiến ông thành viên tướng không có trái tim mà chỉ còn những mục tiêu ích kỷ núp dưới danh nghĩa đại cuộc, những ham muốn cá nhân đội lốt lý lẽ hơn thiệt dựa trên toàn thể.
 Bàng Thanh Vân chấp nhận hy sinh tất cả mọi thứ xung quanh để đạt được danh vọng. Đỉnh điểm chính là việc phản bội lại lòng tin của người anh em Nhị Hổ và có quan hệ bất chính với Liên Sinh, vợ của Nhị Hổ.
Lẽ đời luôn là quy luật lấy độc trị độc, toan tính tưởng tinh vi của Thanh Vân rốt cuộc cũng chỉ là trò trẻ con trong chốn triều chính thâm độc.
Để rồi cuối cùng, chính những kẻ quyền quý từng nhử ông bằng miếng mồi danh lợi đã hất ông vào cảnh thân bại danh liệt, mang tiếng vong ân bội nghĩa và chết thảm thương dưới làn đạn của chúng và mũi dao đầy oán hận của người huynh đệ còn lại.
Đối với Nhị Hổ, Ngọ Dương thì điều đáng tiếc nhất của họ là lầm lỗi lập lời thề với một kẻ có dã tâm quá lớn. Trong khi họ đơn thuần là những nghĩa sĩ chất phác, tư tưởng chỉ cần người thân được ăn no, mặc ấm, trên hết là sống trọng chữ tình.

Họ không biết rằng ma lực của vòng công danh có sức hút kinh người nên đã đi theo vị đại ca của mình để rồi phải nhận kiếp chết cho người không đáng để cùng chết.
Tham vọng là mầm mống của sự tha hóa nhưng nó cũng là động lực để con người vươn lên, nhưng nếu vươn lên bất chấp mọi thủ đoạn thì đó chính là đang từng bước bị tha hóa.
Hành trình tha hóa của Bàng Thanh Vân thực chất đã bắt đầu ngay từ khi biết Liên Sinh là vợ Nhị Hổ mà vẫn tiếp tục dan díu, ra lệnh thảm sát toàn bộ kẻ địch không vũ khí khi hạ thành, sẵn sàng thí mạng binh lính để giành thắng lợi.
Viên tướng tài mà bất nhân thì trước tưởng chừng kết cục có “Hậu” thế nhưng sau khi kịch hạ màn thì mới biết tiếp theo còn có chữ “Quả” bi thảm.
Bàng Thanh Vân từng biết khóc, thế nhưng nước mắt của kẻ đang tâm chọn con đường “bán bạn cầu vinh” chỉ là trò hề trong gánh tuồng “mèo khóc chuột” của hệ thống quan lại tráo trở thời bấy giờ.

Tình nghĩa huynh đệ

Bàng Thanh Vân, Triệu Nhị Hổ, Khương Ngọ Dương lập lời thề “Có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu. Tuy sinh không cùng giờ nhưng sẽ chết cùng giờ”.
Lời thề là chuyện trọng đại, bởi quân tử nhất ngôn. Lập lời thề với bậc quân tử, thì dù có là kẻ tiểu nhân cũng buộc phải tôn trọng lời thề ấy.
Nhị Hổ là quân tử khi nhận ra sự giết chóc vô nghĩa để xưng bá của đại ca mình nên chỉ muốn thu phục binh lính với mong muốn giữ tính mạng cho họ. Hơn nữa, dù từng được dụ dỗ phản bội Thanh Vân song ông đã kiên trung với lời thề. Chính Thanh Vân đã lợi dụng điểm yếu trọng tình nghĩa của Nhị Hổ để ám sát ông.
Có thể nhận thấy khác với Bàng Thanh Vân- nhả lời rồi cũng nuốt lời để được việc, thì Nhị Hổ nói lời giữ lời. Ngọ Dương cũng ghi lòng tạc dạ lời thề đến độ sẵn lòng ra tay sát hại kẻ phản trắc, hai lòng là Liên Sinh và Bàng Thanh Vân rồi tự sát.
Vậy là tình anh em huynh đệ có bền lâu phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh, chí hướng của họ và những người cùng họ lập lời thề.
Đã là quân tử nhất ngôn, thì một lời nói là một lời thề.
Một lời thề thì dù có phải đánh đổi bằng tính mạng cũng phải cố giữ gìn.
Trong tình huống buộc phải dứt tình, thì kiên quyết giữ nghĩa.


Thay cho lời kết

Bộ phim Thống lĩnh đã cho người xem thấy được thảm cảnh do chiến tranh mang lại. Người chết thì mất xác thân, còn người sống thì mất linh hồn.
Ở hoàn cảnh đặc biệt biệt này, người ta bất chấp để đạt được sự sinh tồn, tính cá nhân được đẩy cao đến cực điểm. Rốt cuộc vì mê mờ, cố chấp tất cả cùng đưa nhau đến bế tắc.
Vậy thì, chỉ biết đặt mục tiêu để rồi sẵn sàng làm tất cả để đạt được mục tiêu của bản thân, liệu có phải là minh đạo của kiếp người ngắn ngủi hay không?
Ngoài ra, tôi thấy khá ấn tượng với diễn viên Lưu Đức Hoa, khi anh đảm nhận các vai diễn rất độc đáo trong các phim Vô Gian Đạo, Tân Thiếu Lâm Tự và Thống Lĩnh. Nhân vật của anh luôn lầm lạc và có kết thúc gắn liền với cái chết. Phải chăng, đó là cách để anh gửi thông điệp từ sự sống thông qua việc giúp khán giả nhìn vào cái chết?
Đọc thêm: