Tranh phù thế (Ukiyo-e), dịch ra là “những bức tranh của thế giới hư ảo”. Đây là dòng tranh mô tả đời sống hưởng lạc của tầng lớp thương nhân Nhật trước Thế chiến II. Cũng giống như những tác phẩm của mình, họa sĩ Ono không thể thoát khỏi cái bóng của quá khứ huy hoàng, ông mắc kẹt trong suy nghĩ về cuộc sống rực rỡ vốn chỉ còn là hư ảo và không thể sống hết mình trong thời đại mới.
Một điểm mình thích ở Kazuo Ishiguro và những cuốn sách của ông, đó là ông luôn bắt các nhân vật của mình phải đối diện với phần tối của họ trong quá khứ. Tuy nhiên cách để họ tiếp cận lại không hề khắc nghiệt theo kiểu "đấu tố", "hội đồng", Kazuo để các nhân vật của mình đối mặt trong những tình huống hoàn toàn tự nhiên, qua những trải nghiệm đầy tính cảm thông và những cuộc nói chuyện rất đỗi dịu dàng. Nó giống như kiểu, thay vì dồn ép tự trọng của người khác, ta để họ tự thất bại, tự vỡ ra những bài học của riêng mình bằng cả lý trí lẫn cảm xúc. Có như vậy, họ mới không biến những sai lầm của mình trở thành vòng lặp cho thế hệ sau.
Trong cuốn "Một họa sĩ phù thế" này cũng vậy. Cuốn sách là một phiên bản phức tạp hơn của "Tàn ngày để lại", người đọc cần một sự kiên nhẫn nhất định để vượt qua những sự thật ngầm hiểu, những lối nói ẩn ý mang đậm tính Á Đông, để nắm được cái suy nghĩ gốc của nhân vật, và của cả tác giả.
Mình sẽ để link bài review cuốn "Tàn ngày để lại" ở cuối bài viết để cậu có thể tham khảo thêm. Còn bây giờ, cùng Manh khám phá tầng ý nghĩa ẩn sau cuốn "Một họa sĩ phù thế" nhé.
*Disclaimer: trong bài review, mình có spoil một chút nội dung để giúp quá trình phân tích dễ dàng hơn.

1. Sơ lược nội dung:

“Một họa sĩ phù thế” là hành trình tự vấn của Matsuji Ono, một họa sĩ nổi tiếng với những tác phẩm phụng sự cho đế quốc Nhật. Cuốn sách lấy bối cảnh nước Nhật thời hậu chiến với sự thất bại của phe Phát xít. Xuyên suốt cuốn sách là cuộc gặp gỡ của Ono với gia đình, những người học trò, người bạn của mình để nghiệm lại về hào quang quá khứ, về hiện tại bi thảm, về khoảng cách thế hệ ngày một lớn…

2. Review "Một họa sĩ phù thế":

a. Ono và nỗ lực níu kéo hào quang đã mất:

Ở phần đầu câu chuyện, ta thấy Ono - một ông già bảo thủ, luôn cho mình là đúng, ngấm ngầm áp đặt tư tưởng, suy nghĩ của bản thân lên con cháu, thậm chí âm thầm dìm người khác xuống để nâng mình lên. Xen lẫn là những hồi tưởng về một thời rực rỡ, về một thứ được gọi là “khu phố hoan lạc của chúng tôi”.
Trải nghiệm của mình khi đọc nửa đầu sách có phần hơi… khó chịu, bởi nội dung tương đồng với mâu thuẫn về khoảng cách thế hệ mà mình trải qua hằng ngày. Ono - một con người thuộc về thời đại trước Thế chiến 2, mâu thuẫn với các con của ông - những con người thuộc về thời đại hậu chiến, và mâu thuẫn với Manh - một độc giả ở thời hiện đại. Nhưng càng đọc về cuối, mình chợt nhận ra người đàn ông này rất đáng thương, bởi thế giới ông từng thuộc về đã biến mất. Ono không thể thích nghi với tư tưởng của thời đại mới nhưng lòng tư tôn của ông quá mạnh, ông không còn gì để bám víu, để tự hào ngoài việc sống với những ảo tưởng về thành tựu trong quá khứ và vô tình đem những tổn thương đó trút lên thế hệ sau.

b. Một sự thật đau đớn, nhưng đối mặt là cách duy nhất để vượt qua:

Tìm hiểu về lý do cho mối hôn thất bại của cô con gái chỉ là cái cớ, nhưng Ono đã có cơ hội gặp lại những người cùng thời với ông. Đó là Rùa, cậu bạn cùng khóa đã trở thành giáo viên mỹ thuật, một nghề không được coi trọng trong quá khứ nhưng lại rất cần thiết ở thời đại mới. Đó là Kuroda, cậu học trò từng được Ono yêu quý nhưng lại trở nên xa cách sau khi chiến tranh kết thúc. Đó là Matsuda, người từng mang quan điểm đối nghịch với Ono, nay đã trở thành người bạn tâm giao của ông.
Mình sẽ không kể chi tiết về về hành trình thay đổi quan điểm của Ono vì mình muốn để các cậu tự cảm nhận khi đọc cuốn sách này. Mình chỉ nói về một điều, chí ít Ono đã chấp nhận mở lòng mình đối diện với quá khứ, chấp nhận để bản thân tổn thương và xấu hổ để tiếp nhận những thay đổi của thời đại với một tâm thế mới. Từ đó ông cũng mở lòng với con cháu của mình hơn, có thể không đồng ý hẳn nhưng cũng không phán xét. Và trên hết, ông đã vẽ trở lại, đã đối mặt với một công cụ trước đây chỉ mang đến cho ông tội lỗi. Mình thật sự khâm phục khi một người lớn tuổi có thể làm vậy.

c. Nhưng không phải tất cả những gì thuộc về quá khứ đều xấu:

Mình không tin quá khứ của Ono chỉ toàn tội lỗi, xấu hổ; nhất là với một người đàn ông nỗ lực hết mình để đạt được ước mơ bất chấp sự phản đối của gia đình. Trong số những người Ono từng gặp, mình ấn tượng nhất với mối quan hệ giữa Ono và thầy Mori. Chàng trai Ono khi đó nhận thức rõ phong cách nghệ thuật của mình, từ chối sống trong chiếc bóng của người thầy và quyết tâm rẽ hướng sang một trường phái riêng. Hành động đó đã trở thành mấu chốt trong bước phát triển sự nghiệp vượt bậc của Ono.
Giống như nhân vật Matsuda từng nói:
“ít nhất chúng ta đã hành động theo đức tin của mình, và đã cố gắng hết sức”.
Trích "Một họa sĩ phù thế"
Suy cho cùng, Ono vẫn chỉ là một người nghệ sĩ, một người quá nhỏ bé để đoán biết được vận mệnh của đế quốc Nhật Bản cũng như để xoay chuyển cục diện xã hội khi ấy, nhưng chí ít, ở thời đại tiền chiến tranh ấy, ông đã cố gắng đổi mới chính mình và bảo vệ những gì ông tin là đúng, đó là điều mà không phải ai trong thời đại ấy cũng làm được.
“Chỉ là, rốt cuộc chúng ta hóa ra cũng chỉ là những người bình thường. Những người bình thường không được phú cho sự thấu suốt. Chúng ta chỉ đơn giản là không may khi làm những người bình thường trong những thời đại như thế.”
Trích "Một họa sĩ phù thế"

d. “Một họa sĩ phù thế” và “Tàn ngày để lại”:

Có rất nhiều điểm trong “Một họa sĩ phù thế” làm mình liên tưởng tới “Tàn ngày để lại” cũng của Ishiguro. Cả hai đều nói về những con người ở phe bại trận sau Thế chiến, đều là hành trình chiêm nghiệm lại quá khứ, thoát khỏi nó và lĩnh hội những điều mới. Điều khác biệt lớn nhất có lẽ nằm ở phong cách viết.
Thú thực ban đầu mình không thoải mái với cách viết của “Một họa sĩ phù thế” vì câu cú lòng vòng, khó theo dõi. Tuy nhiên khi ngẫm lại, thì cách viết ấy phản ánh đúng văn hóa Á Đông, toàn bộ cuốn sách đậm chất những câu nói “rào trước đón sau”, mang nhiều hàm ý của người châu Á. Thậm chí trong mạch truyện cũng hàm chứa tư tưởng phân định rạch ròi giữa nam và nữ rất rõ ràng. Điểm này khác so với cuốn “Tàn ngày để lại” vốn mang tính kiểu cách và thẳng thắn đúng kiểu phương Tây.
Đó là điều ở Ishiguro mà mình vô cùng ngưỡng mộ. Ông rời khỏi Nhật khi mới 5 tuổi, với những ký ức hết sức mờ nhạt về quê hương. Ishiguro mong nhớ về nước Nhật bằng cách khắc họa lại đất nước ấy. Ông hình dung về nước Nhật qua sách báo, phim và manga; kết hợp với trí tưởng tượng của mình - cái mà sau này báo chí và chính ông gọi là "My own private Japan"; để truyền tải nhiều nhất "hồn cốt nước Nhật" trong cuốn sách này.
Để rõ hơn về sự tương đồng và khác biệt giữa "Một họa sĩ phù thế" và "Tàn ngày để lại, mời các cậu đọc review cuốn "Tàn ngày để lại" của mình dưới đây nha:
--- Xin chào, mình là Manh Đi Viết Thuê (hay còn gọi là Manh). Mình chia sẻ về sách, văn hóa đọc và các góc nhìn về cuộc sống. Mời mọi người vào trang @manh.di.viet.thue để theo dõi thêm các bài review sách khác của mình nha.