Không cần phải bàn luận hay tranh cãi gì hết, Bạch Dạ Hành là cuốn tiểu thuyết để đời của Higashino Keigo, là masterpiece mà không tiểu thuyết nào của ông có thể bì tới được. Tôi không phải fan cuồng của Keigo nhưng tôi đã đọc và nghe đủ nhiều sách của ông (Phía sau nghi can X, Bí mật của Naoko, Thư, Sự cứu rỗi của thánh nữ, Ảo dạ, Điều kỳ diệu của tạp hóa Namia ...) để có thể thảng thốt đưa ra kết luận trên.
Câu chuyện bắt đầu vào năm 1973 bằng án mạng của ông chủ tiệm cầm đồ Yosuke Kirihara – cha của Ryoji Kirihara, một trong hai nhân vật chính. Cái chết của ông liên quan tới gia đình cô Fumiyo Nishimoto – mẹ của Yukiho Nishimoto, nhân vật chính còn lại. Cảnh sát đặt giả thuyết về sự tồn tại một mối quan hệ ngoài luồng giữa người đàn ông có vợ và bà quả phụ cô độc nhiều năm rồi tình nghi rằng chính Tadao Terasaki – người yêu hiện tại của cô Fumiyo Nishimoto đã ra tay sát hại ông chủ tiệm cầm đồ trong sự ghen tuông. Không lâu sau, Tadao Terasaki bỗng chết vì tai nạn giao thông và Fumiyo Nishimoto chết do ngộ độc khí gas trong một nghi án tự tử.
Ảnh copy không rõ nguồn :(
Ảnh copy không rõ nguồn :(
Đừng vội chỉ trích vì tôi đã spoil một phần cốt truyện bởi nếu ví cuốn tiểu thuyết như tảng băng trôi không lồ đã đánh chìm con tàu Titanic thì phần cốt truyện vừa nêu chỉ bé bằng một con chim cánh cụt đang tung tăng trên chóp đỉnh của tảng băng mà thôi. Cuốn tiểu thuyết trải dài hai mươi năm, kể về cuộc đời của Ryoji và Yukiho – hai đứa bé mất đi người thân và phải tự sinh tồn giữa cuộc đời theo cách của chính mình. Theo chân hai nhân vật chính người đọc đắm mình trong một nước Nhật thời kỳ đổi mới khi nền công nghệ máy tính mới chập chững bước đầu phát triển với vô số góc tối như ăn cắp và đạo nhái ý tưởng, làm game lậu, gián điệp thương mại hay rò rỉ thông tin ATM …
Mười ba chương truyện là mười ba chương lớn trong cuộc đời hai nhân vật với vô vàn sự kiện tưởng chừng như nhỏ nhặt, ngẫu nhiên đan xen vào nhau thành một mạng lưới phức tạp khiến người đọc rối trí. Nhưng tác giả chỉ với những gợi ý nhỏ thôi đã khiến cho mạng lưới tưởng chừng như xoắn xuýt ấy trải ra trước mắt ta một cách lớp lang logic và người đọc vừa thán phục, vừa rùng mình trước bí mật đang dần hé lộ.
Tôi không rõ tác giả phải dụng tâm tới mức nào để có thể thêu dệt, đan cài và móc nối các sự kiện lại một cách tinh tế hài hòa tới mức ấy. Những câu hỏi, những mối hồ nghi các chương trước chợt dội lại và chìa ra một đáp án ngỡ ngàng chỉ qua một sự kiện nhỏ nhoi ở chương sau. Độc giả không phải một con rối cho tác giả giật dây, kéo đi hết chỗ này tới chỗ khác thay vào đó chúng ta thực sự tham gia vào cuốn tiểu thuyết, cùng nghi hoặc và suy đoán hòng lấp đầy những khoảng trống mà tác phẩm bỏ lại. Mỗi một chỗ trống được lấp đầy thì một mảnh ghép trong bức tranh toàn cảnh được lộ ra và cuối cùng khi nhìn thấy trọn vẹn bức tranh, ta sẽ rùng mình sợ hãi trước tất cả các sự kiện, vừa căm giận cũng vừa thương xót cho hai nhân vật chính.
Tôi không muốn viết thêm bất cứ điều gì về hai nhân vật chính của tác phẩm vì tin rằng bất cứ thông tin nào lộ ra cũng sẽ tiết lộ một phần nội dung của nó. Chi tiết duy nhất tôi có thể tiết lộ cho những người đọc tò mò chính là: Nhã Nam đã thực sự làm rất tốt trong khâu thiết kế bìa cuốn sách này! (Tưởng không liên quan mà liên quan không tưởng luôn đấy nhé).
“Bạch Dạ Hành” nghĩa là đi trong đêm trắng còn tựa tiếng Anh của tác phẩm là “Journey Under the Midnight Sun” tạm dịch là : Hành trình dưới ánh mặt trời nửa đêm. Tôi thích tựa tiếng Anh của tác phẩm hơn bởi nó mang lại cho tôi chút ít tươi sáng và hy vọng trong tác phẩm đen tối này. Và tôi tin rằng một khi đã mở cuốn sách ra thì bạn sẽ chìm trong nó nhiều đêm trường và mong rằng ánh bình minh sẽ chiếu sáng và xoa dịu nỗi buồn phủ xuống tâm hồn của bạn khi hoàn thành cuốn sách.