Vũ trụ, một chủ đề tuy không còn mới mẻ, nhưng nó vẫn luôn là một đề tài hấp dẫn, và mang lại sự tò mò trong mỗi người xem về cách nhìn nhận, cách khai thác vũ trụ và cuộc hành trình phiêu lưu trong vũ trụ dưới góc nhìn của những đạo diễn, nhà làm game hay các tác giả truyện tranh. Bản thân mình, một đứa cực kỳ yêu thích sự khám phá những hành tinh xa lạ, những thiên hà bên ngoài không gian bao la kia, vẫn luôn cực kỳ hào hứng mong chờ 1 ngày nào đó được bay ra ngoài không gian để khám phá những chân trời mới. A Space Odyssey của Stanley Kubrick, The Martian, Gravity,... là những nguồn cảm hứng lớn nhất để tạo nên tình yêu của mình đối với không gian bên ngoài hành tinh xanh kia. Nhưng rồi khi lớn lên, khi bắt đầu biết đến những Life, series game Dead Space và đặc biệt nhất chính là Alien của đạo diễn Ridley Scott, mình nhận ra vũ trụ không còn đẹp như những gì mình nghĩ cho lắm, với mình lúc này vũ trụ lúc này chẳng khác gì một khoảng không gian vô tận, tăm tối, nơi có hàng đống sinh vật kỳ dị, đáng sợ đang tồn tại và con người của chúng ta trong vũ trụ thật nhỏ bé đến nhường nào. Alien có lẽ là đại diện rõ nhất về sự đáng sợ của vũ trụ, con người chúng ta thật nhỏ bé trong vũ trụ bao la này, họ luôn sợ hãi những gì mà họ không thể kiểm soát được, cảm giác chìm trong bóng tối và trở thành con mồi cho sinh vật đi săn tối thượng mang tên Xenomorph luôn là 1 thứ gì đó rất đáng sợ, hồi hộp và căng thẳng đối với người xem.
Để rồi đến năm 1997 hãng phim nhận ra là họ không thể nào có thể tiếp tục hù dọa người xem bằng đám quái vật không gian này nữa, chính vì thế mà thương hiệu này cần phải thay đổi. Và thế là chúng ta có có 2 phần phim kể về cuộc chiến Xenomorph và Predator, xong nó vẫn là không đủ để đưa thương hiệu này quay trở lại với những gì mà nó đã từng làm được vào giai đoạn năm 1979-1986. Đến năm 2012, Fox quyết định sẽ kể về nguồn gốc của đám Xenomorph thông qua 1 phần tiền truyện với cái tên là Prometheus, bộ phim nhận về khá nhiều đánh giá tích cực từ cả giới phê bình cũng như cộng đồng fan của dòng phim. Thừa thắng xông lên, Ridley Scott tiếp tục với Alien Covenant vào năm 2017, nhưng lần này nó lại nhận về những đánh giá trái chiều nhất định từ bộ phận người hâm mộ, đặc biệt là khi thay vì tiếp tục kể về nguồn gốc của Xenomorph, đạo diễn lại quyết định đẻ ra thêm 1 chủng loài mới là Neomorph, cũng như 1 con quái vật khác là Protomorph khiến cho bộ phim càng trở nên rối ren hơn. Ngoài ra thì việc để con quái vật xuất hiện quá nhiều, đi cùng với đó là dàn nhân vật chính trong phim với chỉ số IQ ngang với những nhân vật trong phim kinh dị của Mỹ, đã khiến cho sức nặng, sự ám ảnh mà con quái vật Xenomorph mang lại giảm đi đáng kể. Có thể nói Alien Covenant giống như là 1 bước lùi khá lớn của dòng phim khi nó vừa mới chỉ tạm gọi là ngồi dậy được sau Prometheus. Và để rồi đến năm 2024 năm nay, 1 phần phim nữa của Alien lại được ra mắt với cái tên Alien Romulus, nhưng lần này, thay vì tiếp tục với câu chuyện còn đang dang dở ở Covenant, Romulus quyết định đưa dòng phim trở về với cội nguồn, thứ thực sự đã làm nên cái chất cho thương hiệu này, đó chính là sự đáng sợ, bất an mà con quái vật Xenomorph mang lại cho con mồi của chúng

GIỚI THIỆU

Alien Romulus, là một bộ phim kinh dị khoa học viễn tưởng của Mỹ năm 2024. Được đạo diễn bởi Fede Álvarez , người đồng sáng tác với Rodo Sayagues, bộ phim được sản xuất bởi Scott Free Productions và Brandywine Productions . Đây là phần thứ bảy trong loạt phim Alien và đóng vai trò là phần phim độc lập xen kẽ giữa các sự kiện của Alien (1979) và Aliens (1986). Bộ phim kể về 1 nhóm bạn trẻ trong khi đang tìm kiếm ở nơi sâu thẳm nhất của một trạm vũ trụ bỏ hoang, họ đã phải đối mặt với 1 dạng sống đáng sợ nhất trong vũ trụ này.

NỘI DUNG

MỘT CÂU CHUYỆN AI CŨNG XEM ĐƯỢC

Để nói về nội dung của Romulus, nếu bảo nó là 1 sự đột phá thì câu trả lời của mình sẽ là KHÔNG, bởi Romulus sở hữu 1 cốt truyện khá đơn giản, nếu không muốn nói là có phần lặp lại so với các phần phim trước. Vẫn là câu chuyện của 1 nhóm người, sau khi biết được có 1 trạm vũ trụ bỏ hoang, cả nhóm quyết định lên đó để tìm kiếm đồ đạc, tài nguyên,... tuy nhiên họ lại không hề biết rằng trên trạm vũ trụ đó đang tồn tại 1 bí mật vô cùng đen tối. Có thể nói nội dung của Romulus khá đơn giản, nó dễ xem, dễ hiểu đủ để cho cả những người chưa từng xem bất cứ 1 phần phim nào của thương hiệu này vẫn có thể xem được phim. Bên cạnh việc tạo nên 1 câu chuyện dễ xem đối với cả những non-fan, đạo diễn Fede Álvarez cũng rất khéo léo lồng ghép các chi tiết của các phần phim trước như 1 sự tri ân tới chính thương hiệu phim năm nay đã bước sang tuổi thứ 45.

CÁCH TIẾP CẬN RẤT “ALIEN”

Nếu như bạn chưa bao giờ xem hay chơi game Alien Isolation của nhà Sega, đây có lẽ sẽ là 1 điểm trừ khá lớn đối với các bạn, nhưng đối với các fan, những người xem đủ kiên nhẫn và chờ đợi thì cách tiếp cận của Romulus sẽ không khiến họ thất vọng. Tại sao mình lại nói Romulus có 1 cách tiếp cận rất “Alien”, lý do là bởi giống như những bộ phim Alien trước kia, cách mở đầu của phim diễn ra 1 cách rất dài và chậm rãi. Lý do là bởi có quá nhiều thông tin, có quá nhiều thứ mà người xem cần phải biết và với những khán giả đại chúng, lượng thông tin này cần 1 chút thời gian để có thể xử lý hết được. Chính vì lẽ đó mà thời lượng khoảng ⅓ đầu của bộ phim diễn ra là vô cùng chậm, cảm giác mọi thứ quá yên bình, đơn điệu và chẳng có mấy cảm giác là giống như 1 bộ phim kinh dị cho lắm. Tuy nhiên hãy tận hưởng nó khi còn có thể, bởi khi đám Facehugger xuất hiện, nhịp phim bắt đầu được đẩy lên cực kỳ nhanh và hồi hộp. Lúc đó chúng ta lại ước sẽ được trở lại cái không khí yên bình như trước kia, nhưng thực sự điều đó là rất khó khi đám quái vật không gian đã xuất hiện và phải hiếm hoi lắm mới có được 1-2 khoảnh khắc tạm gọi là quãng nghỉ cho phim để người xem bình tĩnh lại. Còn lại phần lớn ⅔ về sau của phim, cảm giác hồi hộp, lo sợ sẽ luôn là thứ hiện hữu với người xem.

HÙ DỌA KHÔNG ĐẾN MỨC LẠM DỤNG

Có 1 vấn đề của các bộ phim kinh dị, đặc biệt là những bộ phim kinh dị của Hollywood đó là đôi khi bị lạm dụng quá nhiều hiệu ứng Jumpscare, oke 1-2 lần còn có thể khiến cho người xem cảm thấy sợ đó, nhưng đến lần thứ 3-4 thì những mánh khóe đó đã trở nên quá cũ rồi thì người xem có khi chỉ cảm thấy nhạt chứ chẳng còn sợ hãi nữa. Và Alien Romulus đã không mắc vào sai lầm này. Cả bộ phim, con quái vật Xenomorph xuất hiện không quá nhiều, thậm chí rất ít khi khán giả có thể nhìn thấy toàn bộ cơ thể của 1 con Xenomorph. Tuy nhiên, cứ mỗi lần nó xuất hiện, cảm giác bất lực, sợ hãi, và không thể đoán trước được nó sẽ làm gì sẽ hiện ra. Romulus với cá nhân mình làm cực kỳ tốt 3 yếu tố để làm nên 1 game, 1 phim kinh dị hay đó là: Sự bất ổn (The Inconsistency) – Cái c.h.ế.t (D.e.a.t.h) – Sự vô định hay không xác định (The Unknown).

NHÂN VẬT

Để nói về các nhân vật trong phim, mình nghĩ đây không phải là 1 điểm quá mạnh của Romulus, bởi trong phim có kha khá các nhân vật được coi là tiềm năng, song cuối cùng họ lại bỏ mạng theo 1 cách khá tiếc nuối, thậm chí là còn chưa khai thác được hết thì đã bay màu rồi. Nếu để nói 2 nhân vật đáng nhớ nhất trong phim và được khai thác tốt có lẽ mình sẽ chọn nhân vật chính Rain do nữ diễn viên Cailee Spaeny thủ vai, nếu như nhân vật Jessie của cô trong bộ phim Civil War của nhà A24 cho mình cảm giác giống như 1 đứa trẻ, 1 phóng viên mới vào nghề và chưa trải qua được những ám ảnh của nghề báo thời chiến. Thì với Romulus, mình nhìn thấy hình tượng 1 nhân vật nữ mạnh mẽ, hiện đại, nhưng không hề độc hại như cách mà Hollywood đang làm với rất nhiều các nhân vật nữ của họ. Rain là 1 nhân vật đủ hay và đủ hấp dẫn để người xem có thể theo dõi bộ phim, cô có 1 hành trình trọn vẹn, có những người bạn, người thân để từ đó làm động lực phát triển, và trên hết là phim dám để cho cô nhận ra sai lầm, thất bại của mình, 1 thứ mà rất nhiều phim Hollywood ngày nay không dám làm với nhân vật nữ. Họ cho rằng nhân vật nữ thất bại sẽ khiến cho họ trở nên yếu đuối, nhưng không hề, trái lại chính thất bại mới là 1 phần để khiến họ trở nên tốt hơn, mạnh mẽ hơn và kiên cường hơn. Cái mình thích nữa ở nhân vật Rain này có lẽ còn là ở lý do cô chiến đấu. Nó không chỉ là để bảo vệ những người bạn của mình, bảo vệ bản thân mà nó còn là bảo vệ Andy, 1 Robot phục vụ do tập đoàn Yutani làm ra, song cậu ta bị coi là sản phẩm lỗi và đã bị vứt bỏ. Nhưng với Rain, Andy chưa bao giờ là 1 sản phẩm lỗi, cô luôn yêu thương, bảo vệ Andy, cô coi cậu giống như em trai của mình chứ không đơn thuần chỉ là 1 robot giúp việc.
Về phía Andy, nhân vật robot do nam diễn viên David Jonsson thể hiện cũng làm cực kỳ tốt vai diễn của mình. Có thể cậu không phải là kiểu robot nham hiểm, độc ác giống như những gì mà David của Michael Fassbender đã làm Covenant hay Prometheus. Song, cậu vẫn để lại dấu ấn cho riêng mình trong phần phim này, đó là 1 robot có phần nhút nhát, gọi dạ, bảo vâng lúc đầu, cho đến lúc những nguy hiểm bắt đầu xảy ra, chúng ta có phần ghét Andy vì những quyết định của cậu và để rồi cuối cùng là chúng ta hiểu ra và thông cảm cho cậu robot tội nghiệp này. Câu thoại cuối cùng của phim giữa Rain và Andy cho mình thấy được mối quan hệ chị/em của 2 người từ lúc đầu có phần xa cách, nay đã trở nên gắn kết hơn rất nhiều lần.

KỸ XẢO, HÌNH ẢNH, ÂM THANH

Về mặt kỹ xảo của phim, mình không có quá nhiều thứ để chê Alien, đặc biệt là với kinh phí chỉ vỏn vẹn 80 triệu USD, 1 con số chỉ gọi là tạm ổn nếu so với các phim bom tấn của Hollywood hiện nay. Ấy thế mà đội ngũ làm kỹ xảo của phim vẫn cho ra được những thước phim, hình ảnh cực kỳ đẹp với phong cách sci-fi từ thập niên 60s, 70s. Bên cạnh hình ảnh, kỹ xảo đẹp, mình cũng phải nói là khá ngưỡng mộ đạo diễn Fede Álvarez cùng đội ngũ của mình khi khéo léo sử dụng bóng tối, môi trường nhằm che đi những hạn chế trong kỹ xảo, đồng thời cũng làm tăng tính bí ẩn, sự căng thẳng trong phim tốt hơn rất nhiều. Cuối cùng, thứ mình muốn khen đó là âm thanh của phim làm siêu đỉnh, từng tiếng máy của tàu vũ trụ cất cánh cũng giúp ta phân biệt đây là tàu cũ hay mới, tiếng rít của đám Xenomorph hay Facehugger cũng đủ khiến nhiều khán giả phải nín thở khi xem, thậm chí 1 thử tưởng như rất đơn giản là điện thoại trong phim cũng nhờ âm thanh mà trở nên có sức nặng và sự đáng sợ rất nhiều (Alien Isolation đã xem).

TỔNG KẾT

Alien Romulus dù không mang đến 1 câu chuyện quá đột phá, mới mẻ, dàn nhân vật đáng lẽ có thể làm tốt hơn,... Song nó vẫn là 1 bộ phim rất đáng để ra rạp trong tháng 8 này, với 1 bộ phim an toàn, đủ để khiến cả fan lâu năm lẫn non-fan có thể xem được, cũng như sở hữu phần hình ảnh, âm thanh, kỹ xảo cực kỳ tốt. Mình xin chấm bộ phim này 8,5/10 với những gì mà phim đã mang lại cho mình : >