Trên Internet cái gì cũng có. Mình chưa từng tin câu này cho tới khi tìm thấy trên YouTube đoạn video dài không tới hai phút điểm lại đầy đủ 272 lần chửi thề trong phim Reservoir Dogs, phim đầu tay - và theo ý mình, cũng là phim hay nhất, của Quentin Tarantino, mà mấy trang web xem phim lậu đặt lại cái tựa rất gay cấn là Tập đoàn tội phạm.

Phim này, Tarantino làm đã 27 năm trước, khi ông mới 29 tuổi. Phim ngân sách eo hẹp, có vài sao hạng B. Bản thân Tarantino cũng thủ một vai nhỏ. Đại khái phim kể về một toán cướp nhà băng sử dụng bí danh ông Tóc vàng (Mr. Blonde), ông Lam (Mr. Blue), ông Trắng (Mr. White), ông Cam (Mr.Orange)..., nhưng trong toán cướp lại có một tay cảnh sát chìm, chỉ có điều không biết là đứa nào, đâm ra nghi kỵ lẫn nhau, rồi bắn giết, cắt tai, thịt văng tung tóe, máu chảy như suối.

Một phần lớn phim diễn ra trong một nhà kho tồi tàn, vì kinh phí thấp, nhưng cũng nhờ thế mà phim tạo ra được hiệu ứng tối giản vốn lúc nào cũng hợp thời. Mình xem phim này nảy ra so sánh với phim đầu tay của Steven Spielberg Duel, cũng kinh phí thấp, cũng cốt truyện đơn giản và bạo liệt, nhưng cũng lại là phim hay nhất, theo ý mình, của Spielberg.
Ngân sách bộ phim chỉ là 1,2 triệu USD, vẫn là một khoản tiền lớn, nhưng Tarantino không hề biết ông sẽ nhận được khoản tiền đó khi bắt tay vào thực hiện. Ngoài ra, nó chẳng là gì so với những cuốn phim sau này của ông (chẳng hạn Pulp Fiction: 40 triệu USD, Inglourious Basterds: 70 triệu USD, rồi Django Unchained: 100 triệu USD - mấy con số này cũng cho thấy một chuyện với Tarantino: phim càng tốn tiền càng dở :)).
Chính bởi/nhờ ít tiền, Reservoir Dogs đã có nhiều bước đột phá. Phim về một vụ cướp, nhưng không hề theo kiểu chương hồi như trước và sau đó loại phim kiểu này vẫn hay thế (chẳng hạn mãi những năm 2000, phim ăn cướp được ca tụng là bom tấn và lắm ngôi sao như The Ocean Tam bộ khúc - The Ocean's Trilogy vẫn làm kiểu đó, nhân đây, mình thấy phim Ocean này dở ẹc, cả ba phần): Cảnh 1: Chuẩn bị vụ cướp; Cảnh 2: Vụ cướp; Cảnh 3: Sau vụ cướp. Reservoir Dogs bỏ nguyên Cảnh 2. Dù là vì ý đồ của Tarantino hay là vì không có tiền, thì đó vẫn là một ý tưởng hay hớm. Nó khiến cho Cảnh 1 và Cảnh 3 trở nên hay hơn rất nhiều.
Trong Cảnh 1, lần đầu tiên ta thấy những tay anh chị xã hội đen đối thoại với phông nền là văn hóa đại chúng: cãi nhau về bài hit của Madonna lúc bấy giờ, Like A Virgin; về việc có phải cho tiền tip ở quán ăn hay không; và cả dọa nạt nhau: "You shoot me in a dream, you better wake up and apologize." (Mày mà bắn tao, dù chỉ trong mơ, thì mày cũng liệu hồn thức dậy mà xin lỗi nha con). Fun fact: Câu này nhái lại một câu trong phim Angels With Dirty Faces (1938), trong đó James Cagney nói: "Cô mà tát tôi khi đang mơ, thì tốt hơn là cô nên thức dậy mà xin lỗi." Đoạn hội thoại đầu phim này cũng cho thấy tính cách từng nhân vật và dự báo số phận của họ ở Cảnh 3: Sau vụ cướp.
Vì thiếu hẳn Cảnh 2, Cảnh 3 trở thành một tình huống Rashomon: câu chuyện của mỗi người về vụ cướp được tái dựng, với những chi tiết và diễn giải khác nhau, thêm phần lộn xộn và khó đoán bởi trong họ có một cảnh sát chìm, và bởi những kẻ chủ mưu lại không tham gia.
Về dàn diễn viên, từng người họ có thể không quá nổi bật, nhưng khi tập hợp tất cả lại, Tarantino đã thực sự tạo ra một bộ khung vô tiền khoáng hậu. Tất cả đều rất hợp với vai của mình, nổi bật nhất tất nhiên là Harvey Keitel (Mr. White/Larry), Tim Roth (Mr. Orange/Freddy), Vic Vega (Mr. Blonde) và Steve Buscemi (Mr. Pink), nhưng những người khác đều xuất sắc, bao gồm Tarantino trong vai trò diễn viên. Trường đoạn Mr. Blonde cắt tai viên cảnh sát trong nhà kho ("Listen kid, I'm not gonna bullshit you, all right? I don't give a good fuck what you know, or don't know, but I'm gonna torture you anyway, regardless. Not to get information. It's amusing, to me, to torture a cop. You can say anything you want cause I've heard it all before. All you can do is pray for a quick death, which you ain't gonna get." - "Thằng nhóc, tao sẽ không giỡn mặt với mày đâu. Tao đéo quan tâm là mày có biết gì không, đằng nào tao cũng tra tấn mày thôi. Tao cần đéo gì thông tin. Còn gì vui bằng tra tấn một thằng cảnh sát. Mày thích nói gì thì nói, đéo nói gì cũng được. Rồi mày sẽ xin được chết nhanh, nhưng mà đâu có dễ thế.") từng khiến phim bị cấm một thời gian ngắn ở Anh, nhưng không biết mình có bệnh quá không, mà thấy bạn Blonde nói đúng: vui đáo để, nhất là khi bạn ấy thì thầm vào cái tai bị cắt của anh cảnh sát tội nghiệp, rồi nheo mắt hỏi: "nghe rõ không?"

Chính Tarantino từng nói đừng ngại chôm chỉa một khi bạn đang cố gắng sáng tạo. Xét cho cùng, chẳng có gì trên đời này là nguyên bản. Thực ra, Reservoir Dogs có kịch bản khá giống phim Long hổ phong vân (City on Fire, có Châu Nhuận Phát) của điện ảnh Hong Kong và đạo diễn Lâm Lĩnh Đông (Ringo Lam) làm năm 1987. Chính Lâm đạo diễn sau này nói là Tarantino đơn giản lấy 10 phút cuối của Long hổ phong vân và dựng lại thành 1 tiếng 40 phút Reservoir Dogs. Cũng vì thế, điều trọng yếu của toàn bộ cuốn phim, như nhận xét rất hay ho của một khán giả trên imdb, không phải là bạo lực, không phải là tình tiết, thậm chí không phải phát hiện ra ai là tay cảnh sát chìm, mà là "những cuộc đối thoại."
Mình sẽ nói điều này để cho thấy những cuộc đối thoại đó hay cỡ nào. Mình đã coi nhiều phim Mỹ trong đó người ta chửi thề liên tục, nhưng vô duyên nhạt nhẽo, chẳng có lý do gì cả. Còn với phim này, 272 lần chửi thề đó, đéo có lần nào là không thích đáng.