Tác giả gốc: Andrés Neuman
Dịch qua tiếng Anh: Nick Caistor & Lorenza Garcia
Đoạn trích đăng trên Granta
---
Minh họa của Furuya Korin
Tôi nhớ hôm gặp hắn ta trời tuyết đang rơi. Tôi không nhớ chính xác ngày cũng chẳng nhớ nốt địa chỉ, nhưng không thể quên tuyết. Ký ức thật nhàm chán biết bao: chỉ giữ lại những chi tiết làm thành một câu chuyện hay.
Tôi nhớ bữa tiệc. Tôi không nhớ chủ xị. Tôi nhớ cha mẹ của đứa chủ xị đi đâu xa vào dịp cuối tuần đó. Tôi không nhớ đi đâu. Tôi nhớ chiếc sofa mà chúng tôi động tay chân. Tôi không nhớ các chi tiết còn lại của ngôi nhà. Tôi nhớ lúc đó đã trễ. Tôi không nhớ đã nốc bao nhiêu. Tôi nhớ thức ăn rất nhanh chóng đã hết sạch. Tôi không nhớ hắn ta mặc gì. Tôi nhớ đã phát bực khi phát hiện một vết rượu vang đỏ trên chiếc áo kiểu mới. Tôi không nhớ đã từng có thể làm sạch vết ố đó hay không. Tôi nhớ chúng tôi nhìn nhau rất nhiều lần. Tôi không nhớ ai lên tiếng trước. Tôi nhớ hắn đã rúc vào một góc và cười suốt. Tôi không nhớ liệu có phải tôi từng nghĩ hắn làm thế là mâu thuẫn không. Tôi nhớ mái tóc đen mướt của hắn. Tôi không nhớ tóc tôi ra sao. Tôi nhớ hắn là người ngoại quốc duy nhất. Tôi không nhớ ai mời hắn đến dự tiệc. Tôi nhớ lúc còn trẻ ấy tôi thấy đàn ông ngoại quốc có vẻ lý thú hơn. Tôi không nhớ sự thơ ngây ấy kéo dài bao lâu.
Yoshie sang Paris để học. Hắn nói mình thích ngôn ngữ, mặc dù chỉ nói được chưa tròn hai thứ tiếng. Gần như lúc nào cũng muốn du lịch, muốn đến những nơi xa xăm nhất có thể. Cũng như tôi, chắc vậy. Giờ nghĩ lại, ý nghĩ đi đó đi đây của hai chúng tôi giống với một kế hoạch tẩu thoát hơn. Hắn cho tôi ấn tượng rằng đang kiểm chứng về bản thể, như ai đó thường trực ướm lên người quần áo xem chúng có vừa vặn hay không. Khi tới Paris, hắn từng nghĩ Sorbonne lãng mạn, hệt như bất kỳ ai chưa từng đặt chân tới đây để học tập.
Nói cho đúng, không khí khi ấy bắt đầu trở nên lý thú. Rất nhiều người bọn chúng tôi có trong lòng những tơ tưởng về đổi thay. Nói chính xác hơn, 1968 hãy còn vài năm nữa mới đến. Cả hai là hai thời điểm rất khác biệt nhau, dường như tất cả mọi thứ đều sắp sửa xảy ra. Quyển Libération thậm chí còn chưa tồn tại! Sách chúng tôi đọc, như một thứ thay thế cho Kinh Thánh, là L’Humanité. Tôi và bạn bè cảm thấy mình thật quan trọng, thật chắc nịch về bản thân mỗi khi lặp lại những slogan ủng hộ Xô Viết.
Vấn đề là tôi gặp Yoshie tại một tiệc sinh viên. Tiệc tùng ngày nay vẫn có vẻ như vậy, tôi chẳng bao giờ biết phải giải thích với lũ cháu ra sao. Ngày trước, chỉ việc vui đùa cũng đã là một hành vi phản kháng chống lại chính quyền. Một đáp trả chính trị. Tôi nghĩ vui đùa một phần là một biện minh đạo đức, bởi chúng tôi muốn cái khao khát được hưởng thụ giản đơn trở nên xứng đáng hơn. Hay có khi chúng tôi chỉ làm như vậy, bởi đã bị dồn nén tới nỗi cần tới những biện minh thanh tao để làm những thứ mỗi người trẻ đều muốn làm. Nhưng đó còn một phần nữa thuộc về chân lý thế hệ. Khoái lạc đến chẳng dễ dàng gì, chúng ta phải giành lấy nó. Tôi nghĩ tới điều này mỗi lần nhìn thấy đứa cháu, Colette, vốn cũng say sưa vào hết thảy những khoái lạc trong đời, ấy vậy mà vẫn tỏ ra bảo thủ vô cùng. Thú thật, tôi càng lúc càng không thể hiểu nổi đường hướng chúng ta đang tới là gì.
Có người giới thiệu bọn tôi với nhau, tôi chả nhớ là ai, và bọn tôi bắt đầu tâm sự. Chúng tôi nói rồi ngưng. Kể cho nhau rất ít nhưng lại ngỡ hiểu nhau rất nhiều. Đêm ấy, chẳng biết sao, tôi cảm thấy cực kỳ lạ lùng. Chẳng do chỗ rượu đã uống. Mà là một thứ choáng váng khác, khá ư dễ chịu.
Trước tiên, chẳng có tí gì đáng nói trong câu chuyện giữa hai chúng tôi. Có một sự chấp thuận, nói thế nào nhỉ, bất thành văn. Hay nói cách khác, nó được chôn dưới ngôn từ, trong trường hợp của hắn ta rắc rải đầy những lỗi ngữ pháp nhỏ nhặt, duyên dáng. Như thể chúng tôi có quá nhiều thứ để nói cùng nhau, nhưng lại chẳng có nhu cầu nói bất cứ điều gì. Hắn cho tôi ấn tượng là một chàng trai trẻ nhút nhát rụt rè. Rõ là chi tiết này thu hút tôi quá chừng. Bởi vì tôi, kẻ lúc nào kiêu kỳ với đàn ông, buộc lòng phải ngả ngớn hơn thông thường.
Chúng tôi khiêu vũ một ít lâu, hắn giỏi hơn tôi. Thường là vậy mỗi khi gặp cánh đàn ông nhút nhát. Họ hoặc chẳng nhảy nhót, và ghét bị mời nhảy, hoặc họ nhảy tài hơn bất kỳ ai. Yoshie không thể ngừng nhảy. Hắn ta lướt đi bằng một sự dẻo dai đáng kinh ngạc, lách qua hết thảy mọi người trên sàn. Một số xoãi tay chân trên thảm chỉ để nghỉ lấy hơi, số khác nằm nốc rượu để giải khuây, và vẫn còn số nữa vì lý do nào ấy không phải hai cái trên. Ngà ngà say, tôi nghĩ thế, bèn hỏi hắn đã uống gì mà giàu năng lượng dường ấy. Tôi nhớ hắn trả lời rành rọt: chẳng uống gì cả. Chúng ta phải uống bù lại! Tôi cười phá lên. Đúng một thằng hâm. Hắn cũng cười lớn. Quả là một gã ngọt ngào, và một thằng hâm dở.
Tôi cũng nhớ là Yoshie chẳng hề ép người vào tôi tẹo nào. Hắn né tránh mọi động chạm từ hông trở xuống. Hắn khiêu vũ cùng tôi gần như chỉ theo phương chéo, buộc tôi phải kéo hắn về phía mình thay vì giữ khoảng cách với hắn. Tôi mê ly trước mức độ trang trọng này. Và đó rõ là một thách thức đáng gờm. Một thoáng chốc tôi e hắn không thấy tôi quyến rũ. Hay có lẽ hắn chẳng thấy phụ nữ quyến rũ chút nào. Nhưng tôi biết chẳng phải là vậy từ cách hắn nhìn tôi. Tôi làm mọi thứ để buộc hắn mở miệng. Ngay khi trên sofa trống chỗ, tôi mau chóng ngồi xuống, vỗ nhẹ vào chỗ cạnh mình. Hắn ngoan ngoãn tham gia. Đây là chiến tích đầu tiên trong tối hôm đó của tôi.
Vậy là hắn ta đang học kinh tế. Thú thật, chi tiết này làm tôi hẫng. Tôi kể với hắn các lớp lịch sử của mình. Hắn giải thích rằng rất muốn học ngành nhân văn, hơn hết là ngữ học. Vẫn còn thất vọng đôi chút, tôi nói rất lấy làm tiếc khi hắn từ bỏ sở nguyện để thay thế bằng một môn học quá chán chường như vậy. Yoshie đáp, thực tế hai thế giới ấy có nhiều điểm chung hơn những gì ta hình dung. Rằng có rất nhiều tương đồng giữa ngôn ngữ của một quốc gia với các hệ thống sản xuất của quốc gia đó. Cả hai đều trải qua các chu kỳ bùng nổ rồi lại suy thoái. Cả hai đều gìn giữ một sự kế thừa, kiểm soát của cải, và thương thảo xoay quanh tài sản ngoại lai.
Đó là lần đầu tiên hắn nói với tôi nhiều hơn ba mươi giây, và cho dù chủ đề ấy chẳng phải thứ ta gọi là lãng mạn, chút gì đó trong quan điểm và niềm nhiệt thành mà hắn dùng để bảo vệ chúng khiến tôi thấy thu hút. Như thể đổi chủ đề đã biến hắn thành một con người khác. Hay như thể hắn trở nên gần với chính mình hơn khi nói về những chủ đề kém riêng tư hơn.
Ngoài ra (hắn bổ sung, cuối cùng cũng nhìn thẳng vào mắt tôi khi đang cố sức nói trọn câu trong thì hiện tại), nếu tôi không học ngành đó, ngay ở đây, có lẽ tôi chẳng bao giờ gặp em.
Bởi chẳng còn lát bánh mì nào còn sót lại, và cả hai đều cồn cào, tôi gợi ý ra ngoài tìm gì đó nhét bụng. Cha mẹ tôi biết tôi sẽ chưa về nhà trước bình minh. Mỗi khi dự tiệc ở nhà bạn, ông bà muốn tôi cứ ở yên đó cho tới lúc an toàn đón metro chuyến đầu ngày về nhà. Biện pháp phòng hờ này chỉ thêm có lợi với tôi.
Tuyết ngừng rơi. Con đường thật đẹp đẽ, phủ một màu trắng tinh. Đúng, trời lạnh. Nhưng là thứ lạnh giá có thể khiến chúng ta hưng phấn, khiến chúng ta muốn chạy. Lúc đó đang là cuối tuần, nên chỉ còn dăm ba dân quẩy ở đó. Đúng rồi, tôi nhớ rồi. Chúng tôi ở đâu đó tại Marais. Trước khi có những biến đổi do André Malraux tạo ra, có lẽ. Phố xá chẳng chút gì giống như ngày nay, và vẫn còn một nét quyến rũ vô sản. Quyến rũ vô sản! Tôi ghét thật sự ba cái cách nói ấy lúc còn trẻ.
Chúng tôi bách bộ chốc lát, tới khi nhác thấy một cửa hàng mở cửa cả ngày đêm. Chúng tôi mua một ổ baguette, ít phô mai, và chai rượu vang rẻ tiền nhất tìm thấy được. Tôi chắc chắn đó không phải loại thượng hạng. Chúng tôi nhờ họ khui giúp, và rồi Yoshie nhồi nút bần đóng nắp lại.
Lúc chúng tôi gặp nhau, Yoshie không có nhiều tiền, nhưng hắn lại có rất nhiều trí tưởng tượng về cách tiêu pha. Tôi cũng trong một tình cảnh rất khác bây giờ. Và cha mẹ, chắc là với ý tốt, hàng tháng vẫn cho tôi phụ cấp chỉ đủ trang trải chi phí đi lại cơ bản ở Paris. Số tiền này giúp tôi trân trọng những món tủn mủn nhất bằng lòng nhiệt thành đặc biệt. Thi thoảng, tôi lại nhớ lối sống đó, và rồi xấu hổ trước cảm giác ấy và tự mách bản thân rằng tôi xứng đáng đánh mất đi tất cả cùng một lúc. 
Yoshie đòi trả tiền. Như thường lệ với bọn con gái ngày đó, tôi sẵn lòng để hắn ra tay. Lúc nào tôi cũng cảm kích cách Yoshie không bao giờ đưa tiền trực tiếp, cho tới khi tôi quen với cách ấy hay có lẽ khi hắn ta không như vậy nữa. Hắn không bao giờ đưa tờ bạc vào tay người bán hàng. Hắn né tránh động chạm tay chân, và đồng thời dường như cũng lo lắng ai đó sẽ cho rằng hắn kém lịch sự. Ta có thể nói hắn tiến vào một vùng mơ hồ giữa sợ hãi và tôn kính. Hắn y hệt như vậy với tôi. Có một khúc mắc, một mong mỏi, và một kháng cự, mà rõ là tôi thấy vô cùng lý thú. Giờ đây tôi đã quá tuổi cho niềm ham thích đó.
Cắp của cải trong bọc ni lông, chúng tôi tìm kiếm một chiếc ghế đá để ngồi. Chúng tôi rúc sát vào nhau. Lần này có cớ hẳn hòi. Nghe có thể là kỳ lạ, nhưng tôi nhớ cảm giác cái lạnh ấy đang sưởi ấm chúng tôi. Yoshie xé ổ baguette ra làm hai nửa gọn ơ. Chúng tôi ăn trong im lặng, mỉm cười với nhau trong sự gượng gạo ngọt ngào. Tôi ráng nhai thật kỹ. Phô mai có thể khó xơi. Khi đã xong, tôi kiểm tra răng cỏ bằng chiếc gương soi bỏ túi, và tô son lại. Cuối cùng, hắn ta cũng uống với tôi. Chia sẻ chai rượu là chiến tích thứ hai của tôi tối đó. Khi tới lượt mình nốc, tôi ra sức để lại một vệt son thật to trên mép chai.
Lúc chúng tôi chuyền rượu qua lại, hai đứa nhìn lên các vì sao. Kỳ thực có rất ít sao, vì bầu trời khá quang. Mỗi lần nhìn thấy một ngôi sao, chúng tôi reo vang.
Em cũng thấy phải không? Yoshie vừa hỏi vừa thử giới hạn của văn phạm. Bầu trời cũng tiết kiệm đêm nay.
Như mọi khi, mỗi lần chẳng biết nói gì, tôi lại đốt một điếu Gauloise để trở nên thú vị hơn. Rồi hắn (người không hút thuốc, nhưng sắp sửa vì tôi mà bắt đầu) lấy ra khỏi túi một ít khăn giấy. Bằng vận tốc ánh sáng, hắn gấp chúng thành một bông hoa origami. Rồi hắn hỏi mượn hộp diêm, để đốt các mép của bông hoa bằng một sự tinh tế hết mực, thổi khẽ để ngọn lửa không kịp lan đi. Khi hài lòng với hình thù của đóa hoa, hắn trao nó cho tôi, choãi dài bàn tay một cách khoa trương, như thể cơ thể chúng tôi cách nhau xa lắm. Tôi ngồi ngắm nhìn đóa hoa. Nom như một bông cẩm chướng lụi tắt giữa đêm. 
Yoshie nói thứ tiếng Pháp dở tệ của hắn rất cừ. Khi mối quan hệ giữa chúng tôi sâu đậm hơn, tôi bắt đầu nghiện cách hắn đọc tên tôi: Vio-ré. Mỗi khi không phát âm được một cái tên nào đó, hắn sẽ trách bộ chữ katakana. Tôi chẳng biết tẹo gì về katakana. Nhưng những phát âm sai kia đều có một tác dụng quyến rũ không ngờ với tôi. Chúng khiến tôi chăm chú lắng nghe hơn những gì hắn nói hơn với bất kỳ ai khác trước đó. Hắn bập bẹ, lắp bắp, chú trọng vào từng câu rất kỹ lưỡng tới nỗi tôi có ấn tượng là sắp sửa nghe thấy một mặc khải từ đấng trên cao. Và mặc dù hiếm khi nào xảy ra, tôi vẫn mê dại sẵn theo.
Nói về nhấn nhá, Yoshie lại có một cách rất khác. Khi phần đông chúng ta chú trọng tới từ vựng, hắn ta lại dành chú ý vào các đặc tính khác của từ ngữ. Hắn sẽ sốc chẳng bởi lý do nào rõ rệt, hoặc thấy bị xúc phạm ở những câu trả lời với chúng ta dường như vẫn bình thường. Hắn hay nói rằng tiếng Pháp nhấn nhá quá nhiều hễ khi bày tỏ quan điểm, và sự tự tin của chúng ta khiến hắn sợ. Chẳng phải tự tin, tôi trấn an. Đó là sự õng ẹo.
Tôi xem những nhạy cảm này - ngây thơ biết bao - là dấu hiệu của một thứ tâm linh siêu phàm nào đó. Về sau, tôi hiểu hắn rõ hơn.
Theo tự nhiên, chúng tôi hiểu sai về nhau. Thường tôi cho rằng mình có thể phát hiện ra sự chênh lệch giữa điều hắn đang nói với tôi và cách hắn nói về điều đó, như thể phim lồng tiếng bị lỗi. Hắn làm tôi hình dung về một diễn viên đọc thoại mà chẳng hiểu mình đang đọc gì. Đôi khi hắn nói một điều gì đó ngọt ngào với tôi và nghe cứ như ra lệnh. Hoặc hắn đưa ra nhận xét hàng ngày bằng giọng mà với tôi nghe như thảng thốt. Hoặc hắn cố sỉ vả ai đó, và người kia lại ngỡ đó là một câu hỏi.
Khi hắn không chắc về cách diễn đạt, hay mệt mỏi vì cứ phải đi tìm cách diễn đạt, hắn sẽ im lặng và mỉm cười. Những khoảng lặng ấy chinh phục tôi hoàn toàn. Chẳng có gì kém quyến rũ hơn những tuyên ngôn ái tình của một người đàn ông. Từ ngữ của hắn có thể (và thường) khiến ta thấy bất mãn. Nhưng một khoảng lặng thì không bao giờ.
Nếu tôi nhớ đúng, Yoshie đã có mặt tại Paris chừng một năm trước khi chúng tôi gặp nhau. Có thể là hai. Ngay khi ai đó giới thiệu hắn với họ, hắn sẽ xin lỗi vì tiếng Pháp của mình, vốn giỏi hơn nhiều bộ tịch của hắn. Hắn bịa rằng đã học hỏi từ văn học, điện ảnh và âm nhạc Pháp. Tôi phải nói hắn có mọi cớ để tự hào. Thật khó tin hắn chưa từng học tiếng Pháp trước khi sang đây. Đó cũng một phần lý do vì sao tôi yêu hắn.
Mỗi ngày, mỗi giờ, gần như mỗi lượt mở miệng, cái thằng cha tội nghiệp cứ bị giới từ tra tấn. Các đốm ngôn ngữ khiến người ngoại quốc phát điên. Hắn cũng chẳng giỏi giang gì hơn với thì của động từ. Từ lúc đầu, hắn cảm ơn bằng thì quá khứ. Chẳng hạn khi mua thuốc lá, trước khi rời đi hắn nói, Cảm ơn vì đã từng bán thuốc lá cho tôi. Hoặc nếu hỏi đường khách bộ hành, Cảm ơn vì đã từng tử tế dường ấy.
Hắn có hứng thú với động từ nguyên mẫu. Theo hắn động từ nguyên mẫu là thể hiện hoàn hảo, toàn bích nhất của động từ. Hắn lẫn lộn thì quá khứ và hiện tại trong tiếng Pháp. Hắn không thể hiểu vì sao thời gian buộc phải phân chia chặt chẽ dường ấy. Hắn xem cách làm này, tôi chẳng rõ, là một ngụy biện triết học. Rõ ràng trong tiếng Nhật quá khứ không thể chia nhỏ, tiếp diễn, với chỉ một thể duy nhất. Họ không chia thành thì hoàn thành, quá khứ hoàn thành, và tất cả những cái tôi xem là bình thường. Và, chính tôi, mỗi khi bất chợt phải giải thích chúng cho hắn, cũng cảm thấy vô nghĩa lý.
Khi chúng tôi bắt đầu quen nhau, tôi bảo hắn dạy tôi tiếng Nhật.
Không thành, bởi hai nhân tình trẻ tuổi không thể học hành cùng với nhau mà không bị gì khác làm xao nhãng. Tôi thử cho tới khi các chướng ngại đánh bại. Tôi đoán sức ì của bản thân còn nằm ở chỗ tiếng Pháp của hắn tiến bộ cực nhanh. Tôi muốn cho rằng những bức tình thư nồng nàn, dài ngoằng chúng tôi viết cho nhau cũng góp phần đôi chút.
Mặc dù khoản chính tả của hắn thảm hại (như bất kỳ người Pháp trẻ tuổi nào ngày nay), ta có thể nói đôi tai của hắn chẳng đánh lừa hắn chút nào. Tôi nhận ra hắn không ngừng tìm kiếm những âm thanh quen thuộc trong một bảng chữ cái xa lạ, phát minh ra một thứ ngữ âm tiên phong. Theo thời gian, tôi dần quen với cách hắn đọc những từ quen thuộc nhất. Khi ai đó phát âm đúng, thì tai tôi lại thấy chúng dễ đoán và tẻ nhạt.
Cái tôi hứng thú nhất chính là khi các trao đổi thường nhật của chúng tôi bỗng vô tình trở nên mềm mại hơn. Khi rời gác xép tôi bảo với hắn, em đi đây, tình yêu ạ. Và, thay vì nói tạm biệt, hắn lại nói, anh ở lại nhen, em yêu. Theo cách những lời lẽ kia thốt ra nồng nàn, tôi cố hình dung xem ngôn ngữ mẹ đẻ của hắn sẽ ra sao. Thay vì tự nói, tôi lại muốn biết thông qua hắn. Dần tôi phát hiện ra chúng ta có thể học ngôn ngữ mới nhờ những lỗi sai mà người nơi đó mắc phải khi dùng ngôn ngữ của chúng ta. Như trong tình yêu, lỗi lầm hé lộ nhiều về chúng ta hơn những thành công.
Tương phản hoàn toàn với mọi khó khăn vừa nêu, Yoshie ngưỡng mộ tự do cú pháp trong tiếng Pháp. Thoạt đầu hắn thấy cú pháp ấy rối bời, không sao kiểm soát. Về sau, hắn lại thấy nó truyền cảm hứng, cách mạng.  Hắn tin rằng điều này phần nào ảnh hưởng tới lịch sử nước Pháp. Cái suy nghĩ ấy thậm chí còn chưa bao giờ lóe lên trong đầu tôi. Tôi nhớ hắn đã ngạc nhiên tới dường nào trước sự linh hoạt của tính từ của chúng ta. Hắn lúc nào cũng cho chúng đứng trước danh từ, tới khi tôi trỏ ra làm như vậy câu văn hóa ra lại nên thơ đến kỳ quặc. Nên thơ thì có gì kỳ quặc chứ? Hắn cự lại.
Những tháng đầu chúng tôi quen nhau là quãng thời gian đẹp nhất, bởi chính sự thể chúng tôi đang tìm hiểu nhau. Đó là điều lúc nào tôi cũng kể với đứa cháu gái, chỉ là con bé chẳng thèm nghe. Vì sao lúc nào cũng hấp tấp muốn bên nhau, trong khi cái phần lý thú nhất nằm ở chỗ chẳng biết gì về người kia cả? Tôi thấy các cử chỉ lịch thiệp của Yoshie rất quyến rũ. Ngốc thay, tôi xem chúng là sự trân trọng hắn ta dành cho tôi. Cách hắn ta nói có mới dễ chịu xiết bao.
Phải một thời gian sau tôi mới hiểu rằng, bất luận sự lịch lãm kia, từ với hắn ta lại mang ý nghĩa khác hẳn ý nghĩa với tôi. Hắn nói có để không phải nói không. Rồi tôi bắt đầu cảm thấy cực kỳ bất an, nghi ngờ tất cả những gì chúng tôi nói với nhau. Hắn đồng ý hay chỉ nuông theo tôi? Hắn có thật sự muốn nói những gì hắn muốn không? Và quan trọng hơn, liệu hắn có yêu tôi hay không? Có hay không?
Khi những căng thẳng đầu tiên nảy sinh giữa hai bên, chúng tôi khiếp sợ. Chưa bao giờ chúng tôi có bất cứ bất đồng nào, do đó hai chúng tôi chẳng biết phải xoay xở ra sao. Thậm chí tôi còn thấy đó là hồi kết. Chỉ tại tôi. Đó mới là khởi đầu thật sự. Không có mặt nạ hay hão mộng. Hắn và tôi. Một cặp. Hai kẻ khờ. Tình yêu. Tôi thú thật, từ đầu, tôi không chịu tin các xung đột ấy là thật.
Tôi thà gán ghép chúng vào những lệch lạc trong thấu hiểu ngôn ngữ. Ở mức lý tưởng, tôi tin rằng giả sử cả hai có cùng tiếng mẹ đẻ, hai chúng tôi đã đồng tình với nhau về mọi thứ. Tôi đáp lại y hệt trước sự thiếu thành thật của hắn. Mỗi lần bắt gặp hắn ta nói dối, tôi trấn an mình bằng suy nghĩ chúng tôi có ý niệm "có" và "không" khác hẳn nhau. Ở Pháp, nơi chúng ta thường xuyên nói không và xung đột với láng giềng, đó là một khác biệt đáng kể. Để trao đổi với ai đó, chúng ta cần thiết phải bất đồng.
Bất đồng và phản kháng. Yoshie thường nói với tôi rằng với người Pháp, biểu tình là một hình thái của hạnh phúc. Bởi với hắn biểu tình là một thái độ hắn không thể nào nghĩ ra được, nên hắn bất đồng với tôi bằng cách chỉ tán đồng một phần mà thôi. Cách này khiến tôi bối rối, và tệ hơn, giúp tôi hiểu điều tôi muốn được hiểu. Hắn chỉ trích tôi vì lúc nào cũng trả lời theo cách có sẵn. Vì không thể diễn tả sự từ chối khôn khéo hơn. Sự tường minh này xúc phạm hắn, ta có thể nói như vậy.
Khi thuần thục sử dụng tiếng Pháp, Yoshie bắt đầu nuối tiếc được cái này lại mất cái kia. Sự tập trung của hắn vào cuộc thoại, mà giờ đây hắn đã hiểu hết, làm hắn bỏ quên ngữ điệu, ánh nhìn, và giọng nói. Theo Yoshie, kẻ hay tóm tắt mọi vấn đề bằng một ẩn dụ kinh tế, tích lũy vốn ngôn ngữ của hắn đang làm khánh kiệt quá trình thâu tóm tư liệu sản xuất phi ngôn ngữ. Càng giỏi ngôn ngữ của tôi, hai chúng tôi càng có nhiều bất đồng hơn. Đôi khi, giữa lúc tranh luận, hắn lại buồn bã nói với tôi rằng, anh sẽ hiểu em hơn nếu như bớt hiểu em lại.
k.