Cueball và Megan đang dạo bộ trên đường, bỗng thấy một người mẹ bồng một đứa con đang khóc, vừa đi vừa dỗ dành. Megan liền nói:
-  Này, hôm qua xem YouTube tớ thấy có bài nói chuyện của một thiền sư về từ bi dễ hiểu lắm. Ông ấy nói mà khuôn mặt lúc nào cũng mỉm cười, nhìn hạnh phúc lắm
-  Ừm, nhưng có nhiều lúc từ bi cũng rắc rối lắm đấy
-  Rắc rối ư?
-  Ừ. Ví dụ nha, khi cậu muốn giúp một ai đó, mà họ nhất định không lắng nghe cậu thì thế nào?
-  Thì chắc là chịu thôi. Nếu họ không chịu lắng nghe thì không làm gì được đâu
-  Liệu có chắc là không làm gì được không?
-  Ý cậu là sao?
-  Ý tớ là có khi đó là do cậu không đủ sự kiên trì thôi
-  Tất nhiên tớ biết sự kiên trì là quan trọng trong mọi việc, nhưng liệu đó có phải là bắt ép họ nghe theo ý mình hay không?
-  Không. Cậu biết là nếu họ nghe theo thì họ sẽ tốt hơn mà?
-  Nhưng làm sao cậu lại có thể chắc chắn là họ sẽ tốt lên? Cậu đâu phải là họ, sao cậu biết họ cần gì nhất?
-  Thì thế mới nói là từ bi cần đi kèm với trí tuệ. Mấy ông sư ra rả suốt mà. Cậu phải thật sự biết là điều cậu làm là tốt thì cậu mới làm, còn không thì đúng là bắt ép họ
-  Nhưng một lần nữa, sao cậu biết chắc chắn được? Bao nhiêu chuyện bố mẹ vì muốn tốt cho con mà vô tình làm hại con. Hay chuyện vợ chồng nhiều khi tưởng như đã hiểu nhau rất rõ rồi còn nhiều lúc nhận ra mình chẳng hiểu gì người kia. Sao cậu có thể dám chắc là mình đúng chứ?
-  Thì thế, nên họ mới phải kiểm tra những gì mình nghĩ, lúc nào cũng phải giả sử là mình đang sai thì mới được. Cứ hễ mình nghĩ ra được lý do nào là phải phủ nhận ngay, dù nó đúng rành rành ra đó. Còn không thì sẽ có ngày ngộ nhận là mình biết rõ thôi
-  Nhưng nếu cứ nghĩ là mình sai rồi sao giúp người ta?
-  Bởi vậy mới nói là rắc rối. Hiểu biết thực sự đòi hỏi sự phản tư, sự can đảm đánh đổ những gì mình biết. Nhưng sự giúp đỡ đòi hỏi sự dìu dắt, am hiểu, vững vàng, và có khi là cứng rắn nữa. Hai cái đó về cơ bản là không thể làm cùng một lúc, và vào một thời điểm nào đó họ phải thôi cho rằng mình có thể đang sai để mà còn giúp người khác. Đó là bi kịch của người từ bi đấy.
­­­-  Nhưng tớ không hiểu. Như trong kinh Đức Phật có nói điều thiện là sẽ “không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai". Sự từ bi vốn là để thoát khổ cho cả hai, giờ nếu họ đau khổ như vậy, liệu đó có thật là từ bi nữa không? Muốn giúp ai thì cũng phải giúp bản thân trước chứ?
-  Không, đây không phải là khổ. Đây là rắc rối. Họ đã biết mình cần phải làm gì rồi, nhưng họ muốn kiểm tra lại thêm lần nữa. Người có hiểu biết thực sự là người thực sự tin rằng việc tin vào hiểu biết của mình là buồn cười. Họ đã có tấm bản đồ trong người rồi, nhưng lại cứ thích đi lạc. Họ không khổ, vì họ luôn quán xét tâm mình thường xuyên, và trong họ không hề có tham sân si gì cả. Nhưng nhìn từ ngoài vào thì lại trông họ rất khổ. Rắc rối ở chỗ đó đó.
-   Có khi đó là do họ suy nghĩ quá nhiều thôi. Cứ chạy theo vọng tưởng mà không có lối ra. Người có hiểu biết thực sự thì sẽ nói đơn giản chứ chẳng rối rắm đến như vậy
-   Thật ra ấy, khi cậu đặt mình hoàn toàn vào vị trí của người khác, cậu sẽ tự nguyện dấn thân vào một mê cung của ý niệm. Vì có bước vào mê cung thì mới có thể giúp người khác thoát ra khỏi mê cung được. Vả lại, người được giúp cũng cần phải luôn giả sử là mình có thể sai thì mới được. Còn không thì bao nhiêu lời nói của cậu sẽ bị bóp méo hết thôi. Bị những điều không liên quan phá đám cũng bực mình lắm, mà thấy họ bóp méo lời cậu nói cũng buồn cười lắm
-  Thế giờ phải làm sao?
-  Thì như tớ nói đấy, tới một lúc nào đó họ phải thôi tin rằng mình đang sai thì mới giúp được. Còn không thì cả hai sẽ chạy lòng vòng rồi làm mệt nhau thôi
-  Đúng là rắc rối thật đấy


(Đây là câu chuyện mở đầu cho loạt bài Rắc rối của từ bi của mình. Mời các bạn đón đọc.)