Nếu bạn đang cảm thấy mệt mỏi và chán nản khi phải đối mặt với hàng tá nỗi lo mỗi ngày thì tin tôi đi, “Trò bịp bợm của lo âu” sẽ là cuốn sách mà bạn cần tham khảo ngay lập tức. 
HIỂU VỀ NỖI LO ÂU
Ai trong chúng ta cũng từng lo âu. Ồ, có khi bạn đang đọc những dòng này mà vẫn đang lo về những chuyện khác đấy (như bài kiểm tra ngày mai, bản kế hoạch sắp tới, cuộc họp vào cuối tuần, bài thuyết trình cho một đề án quan trọng,… chẳng hạn).  
Thực tế, lo âu vô cùng phổ biến và khá phiền phức đối với hầu hết nhân loại. Đó đơn giản là những suy nghĩ và hình ảnh mà ta trải qua, dự báo về điều tồi tệ trong tương lai. Không ai biết trước được tương lai, nhưng những nỗi lo lắng vờ như là chúng biết, và theo chúng thì tương lai là tồi tệ. Vô cùng tồi tệ. 
(Ảnh 1)
Lo âu giống như một vị khách không mời vậy. Chẳng ai thích những mối lo lắng xuất hiện. Người ta cũng chẳng cảm kích trước những lời cảnh báo chúng mang đến, bởi theo họ, những lời cảnh báo đó là phóng đại, hi hữu, tập trung vào một vấn đề giả định ít có khả năng xảy ra. 
Ấy vậy mà rất khó xua chúng ra khỏi đầu bạn. Sự chú ý của bạn bị lôi kéo ra xa khỏi mục tiêu của bản thân, khỏi thế giới xung quanh bạn. Bạn chuyển hướng tập trung vào thế giới nội tâm của mình, đầy ắp suy nghĩ về những rắc rối tồi tệ có thể xảy ra, giống như những người lái xe rời mắt khỏi con đường trước mặt để chú ý đến vụ tai nạn bên đường.  
Trong cuốn sách “Trò bịp bợm của lo âu”, tác giả David A. Carbonell sẽ giúp bạn thấy rõ mối quan hệ của mình với lo âu và cách để thay đổi nó theo hướng có lợi. Theo đó, khía cạnh quan trọng nhất trong mối quan hệ giữa con người với lo âu là cách chúng thường xuyên lừa bịp ta. 
TRÒ BỊP BỢM CỦA LO ÂU
Vậy chúng ta đã bị nỗi lo âu “dắt mũi” như thế nào nhỉ? 
Chúng ta đều sống như thể chúng ta biết rõ điều gì sẽ xảy ra trong đời mình. Tác giả David A. Carbonell chia sẻ, hầu như mỗi ngày, khi rời văn phòng làm việc, ông đều nói cho vợ con biết sẽ về nhà vào lúc nào, dù không thực sự chắc chắn về điều đó. Có thể xe ông sẽ bị xì lốp. Có thể ông sẽ gặp tắc đường. Có thể công việc xảy ra một vấn đề khẩn cấp cần xử lý ngay. Nếu đó là một ngày tồi tệ, “tôi thậm chí còn có thể đột tử ấy chứ”, tác giả viết.  
Ông không thường quá để tâm tới những nỗi lo này. Ông biết chúng có tồn tại, bởi suy cho cùng thì tương lai là một ẩn số, nhưng chúng thường không quấy rầy ông quá nhiều. Chúng chỉ đơn giản là “sự ngờ vực”. 
(Ảnh 2)
Và trò bịp bợm của lo âu sẽ xuất hiện khi ông trải nghiệm “sự ngờ vực” nhưng lại coi nó như “mối nguy hiểm”. Khi ta bị đánh lừa và coi sự không thoải mái của cảm giác ngờ vực lả sự nguy hiểm, điều này sẽ khiến ta phải vật lộn với mối nghi ngờ đó, cố gắng loại bỏ những suy nghĩ không mong muốn ra khỏi tâm trí mình. Ta càng cố gắng “không nghĩ về nó nữa” thì lại càng thêm lo lắng hơn. Đó là mấu chốt của trò bịp bợm. 
Chính nỗ lực của con người nhằm ngăn chặn những lo âu của họ lại duy trì và tiếp sức mạnh cho chúng. Nếu bạn đang đổ lỗi cho bản thân về những rắc rối liên quan đến lo âu của mình thì bạn đã nhầm. Nếu bạn càng cố gắng bao nhiêu, nỗi lo lắng càng trở nên tồi tệ bấy nhiêu thì nghĩa là phương pháp mà bạn đang áp dụng có vấn đề, chứ không phải bạn.  
Nhìn thấu trò bịp bợm của lo âu trong cuộc sống của chúng ta sẽ là một sự trợ giúp đáng giá trong việc giải quyết vấn đề này. 
AHA! BA BƯỚC ĐỂ ĐƯƠNG ĐẦU VỚI LO LẮNG
Vậy chúng ta cần làm gì để sống thoải mái hơn nếu ta luôn lo lắng mỗi ngày? Trong cuốn sách “Trò bịp bợm của lo âu”, tác giả David A. Carbonell sẽ giúp bạn khám phá cách để đối phó với lo âu. Dưới đây là khoảnh khắc “AHA!” mà bạn có thể sử dụng để giúp bản thân nhớ một số bước cần thực hiện, khi bị những suy nghĩ gây lo lắng quấy rầy. 
A – Acknowledge and accept: Công nhận và chấp nhận
Ta công nhận điều gì ở đây? Rằng, một lần nữa, bạn lại đang có những suy nghĩ gây lo lắng! Không sao hết, bạn có một bộ não và bạn có những suy nghĩ là chuyện bình thường. Không cần cố gắng ngó lơ nó, cũng không cần giả vờ là nó không có ở đó. Việc này chẳng có gì sai trái cả, thật đấy! 
Chấp nhận điều gì? Sự thật rằng bạn đang có một suy nghĩ mà bạn không thích! Bạn không được phép lựa chọn những suy nghĩ nào mà mình sẽ có, những suy nghĩ nào thì không - không ai được phép cả! Chẳng cần cố phủ nhận suy nghĩ, bác bỏ nó, khiến nó biến mất hay giúp bản thân được an lòng làm gì.  
Bước đầu tiên - công nhận và chấp nhận - là bước quan trọng và mạnh mẽ nhất trong 3 bước. Mặc dù nghe có vẻ dễ dàng nhưng nếu muốn thực hiện nó, bạn phải thật sự kiên trì. Nuôi dưỡng một thái độ chấp nhận những suy nghĩ mà bạn căm ghét và sợ hãi thường sẽ là một quá trình dài, từng bước một. 
(Ảnh 3)
H – Humor: Chiều lòng những suy nghĩ gây lo âu 
Khi đã công nhận sự hiện diện tạm thời của suy nghĩ, chấp nhận sự tồn tại của nó tốt nhất có thể, giờ đây bạn có thể thấy việc đáp lại suy nghĩ lo âu theo một phong cách vui vẻ, phản trực giác là có hiệu quả. 
Vì vậy, hãy làm một điều gì đó thật khác biệt đi. Hãy áp dụng Quy tắc Đối lập. Cuốn sách “Trò bịp bợm của lo âu” sẽ đưa ra một số cách bạn có thể sử dụng để phản hồi lại những suy nghĩ gây lo âu như: hát một bài hát về lo lắng, viết một bài thơ haiku, diễn tả nỗi lo lắng bằng ngoại ngữ, liệt kê những lo lắng của bạn, thu âm những lo lắng của bạn. 
Những đề xuất này có thể sẽ khiến bạn khá bất ngờ đúng không nào? Thay vì kháng cự và nghiêm trọng hóa nỗi lo âu, hãy thử chơi đùa với nó xem. 
A – Activity: Tiếp tục thực hiện những việc quan trọng với bạn ở “thế giới bên ngoài” (và mang theo những lo lắng của bạn nếu cần thiết) 
Sự tham gia của bạn vào những hoạt động ở thế giới bên ngoài có xu hướng điều hướng năng lượng và sự chú ý của bạn vào nó - và ít dành cho những gì “trong đầu bạn” hơn.  
Như vậy, chúng ta đã xem xét một từ viết tắt bạn có thể sử dụng để dẫn dắt những phản hồi của bản thân đối với lo lắng mỗi khi chúng xuất hiện. Từ viết tắt đó là AHA! 
(Ảnh 4)
Không chỉ vậy, tác giả David A. Carbonell còn cung cấp thêm các bài tập hằng ngày trong cuốn "Trò bịp bợm của lo âu" mà bạn có thể áp dụng để giảm mức độ lo lắng mỗi ngày của bản thân và giảm bớt mức độ gây rối của nỗi lo.  
Nhìn chung, ngày càng có nhiều cuốn sách self-help trên thị trường, nhưng đây là một cuốn sách không thể bỏ qua. Nếu bạn thấy bản thân lo âu hơn mức bình thường trong cuộc sống và khó chịu với những nỗ lực mình bỏ ra để giảm bớt chúng, thì có những cách tốt hơn để đối phó với lo âu. Cuốn sách này sẽ giúp bạn khám phá và áp dụng những phương pháp khoa học đó. 
Đôi nét về tác giả David A. Carbonell: 
Ông là một nhà tâm lí học lâm sàng, chuyên gia trong lĩnh vực điều trị rối loạn lo âu tại Chicago, Illinois. Ông là “huấn luyện viên” tại www.anxietycoach.com và là tác giả của cuốn sách Panic Attacks Workbook