Có phải có những lúc bạn luôn suy nghĩ về những xấu nhất của một sự việc thì thật không may, tình huống ấy lại xảy ra y chang như những gì bạn nghĩ về nó. Ngày mai có cuộc họp và bạn sợ mình sẽ đến trễ và trở nên luống cuống một cách thiếu chuyên nghiệp,, hay bạn sợ bị điểm thấp vì chỉ bỏ học duy nhất một bài trong danh sách những bài phải học và không ngoài dự đoán thì bài mà bạn bỏ lại nằm trong đề thi chính thức, do đó điểm thấp thật.
Không phải là bạn có khả năng dự đoán được tương lai đâu, mà đó là do não bộ của bạn gây ra đó. Nghe thì có vẻ kỳ nhưng hiệu ứng này trong Tâm lý học được gọi là “Lời tiên tri tự ứng nghiệm”. Cơ chế hoạt động của nó hết thảy sẽ phụ thuộc vào não bộ của chúng ta, bởi vì não bộ của con người có chức năng sàng lọc thông tin, như các bạn biết đấy, thông tin nào càng kích thích thì con người chúng ta sẽ càng có hứng thú tiếp thu đúng không? Não bộ của bạn cũng giống như vậy, thông tin nào mà bạn đưa vào để nó tiếp nhận càng kích thích, nó lại càng muốn sàng lọc để giữ lại những thông tin đó. Ví như bạn luôn suy nghĩ về tình huống xấu nhất xảy ra thì tình huống đó là thông tin kích thích và não bộ của bạn sẽ lưu giữ thông tin này, từ đó tác động vào trạng thái và hành động của bạn trong vô thức (bởi theo thuyết phân tâm học của Freud thì hành vi của con người có đến 85% đến từ vô thức), chính vì thế bạn sẽ có những hành động và dẫn đến những cái kết quả tiêu cực mà mình đã nghĩ đến.
Vậy làm thế nào để hạn chế những tình huống xấu mà bản thân bạn không muốn nó xảy ra? Đơn giản thôi, thay vì nghĩ đến kết quả xấu nhất thì tại sao bạn không nghĩ đến kết quả tốt nhất nhỉ? Bởi cốt lõi của hiệu ứng tâm lý này cũng đến từ vô thức thôi thúc hành vi của bạn, bạn có những suy nghĩ về một kết quả tốt đẹp thì sẽ thúc đẩy bạn làm những điều để đạt được kết quả ấy. Cái bạn nên nhớ ở đây chính là thứ quyết định kết quả của việc bạn làm chính là HÀNH ĐỘNG còn suy nghĩ hay mong muốn chỉ là một phần thôi thúc bạn chứ nó chẳng phải là một thứ phép màu giúp con người tiên tri tương lai đâu. Bạn không thể chỉ suy nghĩ về những điều tốt đẹp mà chẳng muốn hành động một tí gì để biến cái mong muốn của mình thành sự thật thì kết quả tất yếu cũng sẽ như những dòng đầu trong bài viết của mình thôi, mọi thứ chỉ toàn là thất bại.
Cái thông tin này mình biết được nhờ quyển sách “Xa lạ với chính mình” mà mình đọc xong 2 hôm trước, quyển sách này do nhà Tâm lý học Trung Quốc viết nên có những phần như đâm trúng vào tim đen của mình luôn, nó đưa ra giả thuyết và có những cách giải quyết cần thiết đối với mình. Tuy nhiên, cũng có một vài phần chưa phù hợp với mình lắm vì có lẽ độ tuổi của mình chưa đủ để trải qua những thứ mà tác giả đã gặp phải nên mình đã note lại để mai mốt đọc lại lần nữa. Đây là một quyển sách hay, bổ ích và có thiết kế rất đẹp. Nếu có hứng thú thì mọi người có thể tìm đọc thử.