HIẾN PHÁP MỸ ĐƯỢC LÀM RA THẾ NÀO & ĐÔNG CHU LIỆT QUỐC
1. Lời mở đầu
Ban đầu tôi dự định chia làm 2 phần review, mỗi phần một bộ. Nhưng sau đó, tôi quyết định nên gộp chung để cùng so sánh ưu nhược, khác biệt, và qua đó đẩy mạnh hơn các bài học lớn cho chính Việt Nam. Với hai bộ sách mà tôi chuẩn bị giới thiệu đến các bạn đây, tôi hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp mở một cánh cửa đến sự đọc hiểu, mà từ đó đun rúc ra được lý do đã tạo nên cái vĩ đại của hai cường quốc Mỹ - Trung Hoa.

Điều đầu tiên là về cá nhân tôi. Thú thực tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều sau khi đọc và nghiền ngẫm kỹ 2 bộ sách đây, và tôi muốn mọi người cũng được tiếp xúc với một bộ sách giá trị như thế. Nhưng tôi lưu ý là đọc + nghiền ngẫm nhé. Khi không có được 2 điều kiện cần và điều kiện đủ nêu trên, thì dù bạn đọc ngàn bộ sách thì cũng không thay đổi được tâm tính. Điều tiếp theo mà tôi muốn chia sẻ là tôi không muốn giữ kiến thức này chỉ riêng cho mình. Kiến thức mà không chia sẻ thì chỉ tăng tính tự mãn, chứ không giúp ích được gì cho đời. Với 2 bộ sách này, tôi mong sẽ giúp cho cộng đồng người Việt Nam và những thế hệ vô tình được đọc bài viết hôm nay có được nhiều hành trang hơn trong chặng đường phát triển của dân tộc.

Đừng cho rằng đọc một cuốn sách là nhỏ bé. Vì đôi khi “một cánh bướm đập cánh ở Amazon, có thể gây ra cơn lốc ở Texas”.
2. So sánh
“Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?” Chỉ nghe tiêu đề sách thôi đã thấy “dội”. Cuốn sách này hoàn toàn có thể “quật ngã” bất kỳ người nào không chuyên chạm vào nó. Ngay cả tôi nếu không vì vụ việc Facebook xóa mất bài “Ta Li Băng và Áp Ga Ni Sờ Tan” hot xình xịch của mình, thì chắc tôi cũng dự định 4 năm nữa khi bầu cử Mỹ mới mở ra đọc để còn chém gió. Nhưng vì bị xóa bài, nên tôi mới lần mò lên giá sách của mình lấy ra đọc, mục đích để còn “kiện” Mỹ. Hóa ra, cái Facebook lấy mất của tôi chỉ là một chút thủ dâm tinh thần đếm likes, đếm share, còn cái nó cho tôi là cả một bầu trời kiến thức.
Đông Chu Liệt Quốc thì khác. Đây là pho tiểu thuyết kinh điển tề danh cùng Tam Quốc Diễn Nghĩa, đã ở trong văn hóa Á Đông, văn hóa Việt Nam với các câu chuyện đã đi vào dân gian như “Việt Vương Câu Tiễn nhịn nhục giết Phù Sai”, “Tín Lăng Quân cướp binh phù cứu Triệu”, “Kinh Kha hành thích vua Tần”, “Tô Tần với thuyết hợp tung”, “Trương Nghi lại liên hoành”…
Tuy nhiên cả hai cuốn sách lại hội tụ về một điểm: dựng xây những hệ tư tưởng làm nền tảng cho sự phát triển của quốc gia.
Với cuốn sách “Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?” thì cuốn sách đã giải đáp cho tôi câu hỏi vì sao nước Mỹ vĩ đại? Không chỉ vì làm giàu từ 2 cuộc chiến tranh thế giới, không chỉ vì địa lý, không chỉ vì tài nguyên khoáng sản. Bởi lẽ “rừng vàng biển bạc đất phì nhiêu” mà làm gì khi người thực hiện nó không xuất sắc? Tất cả mẫu số chung đem đến đều là ở con người. Ngày 25/5/1787, cách đây 234 năm, đã có 55 con người xuất chúng, đã cùng tề tựu lại bên nhau trong tòa nhà Hạ viện tiểu bang Pennsylvania để cùng tham dự Hội nghị Liên Bang, vạch ra Hiến Pháp Mỹ, vẽ ra tương lai nước Mỹ. Họ đã tranh luận sôi nổi với một tinh thần cao cả trong một suy nghĩ vĩ đại là sẽ làm gì để mang lại sự thịnh vượng cho đất nước, sẽ làm gì để xây dựng một quốc gia có hiệu quả. Để làm được điều này, tất cả những vấn đề chính trị quốc gia, hoàn cảnh quốc gia, các bài học từ thời Hy Lạp cổ đến những nền chính trị sụp đổ ở Châu Âu đã được mổ xẻ, hòng đun rúc ra được một nền Hiến Pháp tốt nhất, được miêu tả qua lời của James Madison, trong một bức thư chưa từng được gửi đi, rằng : “Không có chính quyền nào hoàn hảo, và đây chính là mô hình ít khiếm khuyết nhất và do vậy sẽ là chính quyền tốt nhất.”
Họ, những con người như James Madison, Benjamin Franklin, George Washington hay Alexander Hamilton…đã tạo nên những cuộc tranh luận, những bức thư qua lại, những bài báo nổi tiếng, những tác phẩm luận văn chính trị, mà tất cả trong đó sau này đều là tài sản trí tuệ của nhân loại. Đời sau đọc lại thấy được sự uyên thâm trong đó. Dù đã có những bài tranh luận bị bác bỏ, nhưng bất kỳ ý kiến nào đưa ra trong sự kiện này sẽ “không bổ ngang cũng bổ dọc” cho bất kỳ người nghiên cứu nào. Điều quan trọng nhất mà họ hướng tới vẫn là các giá trị cho đời sau. Thời gian đã chứng minh sự đúng đắn ấy, với vị thế mà Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ đã có suốt 100 năm nay. Tổng thống Lincoln đã viết cho điều đó: “Những người cha của chúng ta đã mang đến lục địa này một quốc gia mới, thiết lập sự công bằng, thúc đẩy sự thịnh vượng và đảm bảo tự do cho tất cả chúng ta”.
Thế còn Đông Chu Liệt Quốc? Nếu cuộc hội ngộ của 55 người cha nước Mỹ để lập nên hiến pháp Mỹ được ví là “Sự quần tụ của những người con của thánh thần”, thì thời đại trước Tần đầu Hán cũng là thời đại anh hùng nhất của dân tộc Trung Hoa, một thời đại anh hùng trọng anh hùng, một thời đại của khí chất quý tộc và đầy cảm giác cao quý của những con người trong thời chiến loạn. Đấy là thời các mưu sĩ như Tô Tần, Trương Nghi, …tung hoành thiên hạ, đấy là thời của những hiệp khách như Kinh Kha, Dư Nhượng, là thời của những quân tử chiêu hiền đãi sĩ, bồi dưỡng trí thức như Mạnh Thường quân, Tín Lăng quân, Bình Nguyên quân và Xuân Thân quân, là thời của những tướng lĩnh quân sự như Ngũ Tử Tư, Tôn Vũ, Tôn Tẫn, Bạch Khởi... là thời của những vị bá chủ mà tên tuổi đã vinh danh ngàn thu như Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công, Sở Trang Vương, Tần Thủy Hoàng, và đặc biệt là thời đại “Bách gia tranh minh”, tức văn hóa thức tỉnh và trăm nhà đua tiếng. Cụm từ “Bách gia chư tử” được hình thành nói về những tư tưởng triết học thời cổ đại của Trung Quốc sinh ra trong giai đoạn ấy, đó chính là Nho gia, Mặc gia, Đạo gia, Pháp gia, đã góp phần tạo nên hệ tư tưởng cho cả nền văn minh Trung Hoa. Với những nhà tư tưởng như Khổng Tử, Lão Tử, Mạnh Tử, Hàn Phi, Trang Tử…

Vậy mà 550 năm bão táp ấy, 550 năm “trăm hoa đua nở” từ thời Xuân Thu đến Chiến Quốc ấy đã được gói gọn trong 108 hồi của bộ sách “Đông Chu Liệt Quốc” này, gửi vào đó cả một hệ thống tư tưởng và bài học phong phú tràn đầy, luôn có tính thời sự vĩnh viễn cho đời sau. Để rồi khi soi chiếu cả một nghệ thuật đối nội-đối ngoại thế kỷ 21, ta vẫn gặp trong đó bóng hình của những Sở Trang Vương, Tần Thủy Hoàng hay Thương Ưởng ngày nào của Trung Quốc thời hiện đại.
3. Bài học cho Việt Nam
3.1 Khi đọc “Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?”, tôi đã đun rúc được 3 bài học lớn sau:
Điều 1: Luôn soi chiếu lịch sử, và luôn lo cho tương lai.
Điều 2: Hãy tạo ra văn hóa tranh luận.
Điều 3: Không có mô hình nhà nước nào là hoàn hảo.
Điều 1 được thể hiện rõ qua những bài luận văn của các chính khách. Để thuyết phục và tranh luận, những gì họ nói ra đều được dẫn chứng qua các bài học về diệt vong và sụp đổ của những mô hình chính quyền trong lịch sử thế giới. Dịch giả Nguyễn Cảnh Bình đã tiết lộ, để chuẩn bị cho Hội nghị này, vào mùa xuân-hè năm 1786, Madison đã rời bỏ mọi công việc tại chính quyền tiểu bang và liên bang để một mình lặng lẽ trở về ngôi nhà của ông tại Montperlier, tiểu bang Virginia để vùi đầu vào hàng trăm cốn sách. Đó là Khế ước xã hội, Tinh thần Pháp Luật..về lịch sử tồn tại và diệt vong của các nhà nước Hy Lạp, La Mã, Hợp bang Thụy Sĩ, Liên bang Bỉ - Phổ. Ông ghi chép và phân tích các ưu nhược điểm, nguyên do sụp đổ, để tìm ra cho bản thân nước Mỹ một mô hình vững mạnh nhất. Chính James Madison là người đã đề xuất “Phương án Viginia” là mô hình “tam quyền phân lập” nổi tiếng. Lưỡng viện là cơ quan lập pháp, tổng thống là hành pháp, và tòa án là tư pháp, để 3 cơ quan này kiểm soát lẫn nhau, kiềm chế lẫn nhau và xây dựng cùng nhau cho một quốc gia thịnh vượng.
Lo lắng cho tương lai là sao? Những quy định được đưa ra thảo luận như về bầu cử lưỡng viện, bầu cử tổng thống hay tòa án tối cao, thì đều tạo ra một mô hình làm sao không sinh ra các “hôn quân”, sự phụ thuộc vào những đám đông ngu xuẩn và dễ bị dẫn lối, hay những cơ quan có quyền lực quá lớn, để rồi sau đó sự thịnh vượng / lầm than của nước Mỹ phụ thuộc ở sự sáng suốt/đen tối của một cá nhân hay tổ chức. Geo Mason trong bức thư gửi con trai đã nói “Cha thà tự chặt cánh tay mình còn hơn ký vào đó” Cho thấy một tấm lòng kiên trung cho lý tưởng cao đẹp. Các tranh luận đều để tránh những khiếm khuyết mà mô hình có thể sinh ra.
Lo lắng cho tương lai là sao?
Alexander Hamilton luôn đặt ra quan điểm một bản hiến pháp tốt cần được thực thi bởi những lãnh đạo có tầm nhìn. Còn Thomas Jefferson lại xác định cải cách hệ thống giáo dục để lớp lớp sinh ra người tài, tiếp nối nhau để nước Mỹ không thể tàn lụi với lý do quyền lực không còn được trao cho lãnh đạo giỏi. Chính sự kế thừa từ giáo dục là điều Việt Nam cần ghi nhớ.

Văn hóa tranh luận là thế nào? Khi xưa nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn trong chương trình “Thúy Nga by night” đã từng nói một câu rất thâm thúy “Văn hóa Mỹ thiên về khuyến khích/Văn hóa Việt thiên về chỉ trích”. Dù hiểu câu nói đó qua thực tế đang diễn ra, nhưng phải đọc tác phẩm này tôi mới hiểu ra được cái văn hóa đó hóa ra là từ màn thảo luận của nhóm 55 Founding Fathers này. Trong các cuộc tranh luận để tạo nên hiến pháp Mỹ, những con người đó luôn thể hiện một tinh thần cầu tiến, chia sẻ, và lắng nghe nhau. Họ có thể phản đối nhau nhưng là phản đối bằng những lý lẽ có chuyên môn, sự lo lắng rằng nếu áp dụng mô hình thì sẽ dẫn đến điều gì? Qua đó, những người đề xuất mô hình ấy lại nghĩ thêm các điều khoản để kiện toàn nó. Chính việc này đã sinh ra những con người như Alexander Hamilton – người cho rằng mô hình chính quyền Anh là tốt nhất thế giới. Nhưng cũng chính ông, bằng sự uyên thâm của mình khi thất bại với phương án đó đã chuyển sang người bảo vệ hăng hái nhất cho bản hiến pháp mới theo mô hình Virginia do Madison đề xuất.

Văn hóa tranh luận, tầm vóc chính khách còn thể hiện qua cách mà Hamilton cùng Madison đã làm khi đối diện với sự công kích và phản đối hiến pháp mới của một bang quan trọng là New York. Để giải bài toán này, cùng nhau họ viết ra 85 bài luận văn Người Liên Bang, xuất bản từ tháng 10/1787 đến tháng 5/1788 để giải thích về Hiến Pháp một cách chi tiết. Washington đã ca ngợi và gọi đó là “Đem nguồn ánh sáng mới vào khoa học chính quyền”.

Điều đặc biệt 55 con người này, đó là họ đến từ mọi thành phần xã hội. Chứ không phải là những kẻ mọt sách, quan liêu ngồi trong bàn giấy rồi tưởng tượng ra hiến pháp. Không chỉ thuần túy là luật sư, đây còn có những thương gia, những chủ tàu. Họ cũng rất giàu có với một cái tâm sáng để xây dựng đất nước. Có người đã già, và những người còn rất trẻ. Có những người học thức cao, lẫn những người tự học.

So sánh với Việt Nam thì chúng ta thấy rõ sự hạn chế của chính tập tính con người nước mình, đặc biệt trên mạng xã hội. Chúng ta thích phủ nhận sạch trơn lẫn nhau, chúng ta ném đá, ném gạch thậm chí ném đá mà chẳng biết mình đang ném cái gì. Chúng ta soi mói, biến con kiến thành con voi, dùng những ngôn từ độc địa và tàn nhẫn, những câu chuyện được dựng lên như thể đang bò dưới gầm giường để làm tổn thương đối thủ. Về phía chính quyền, đơn phương đưa ra các ý kiến quan liêu không có sự tham vấn. Thay vì lắng nghe những lời trí giả thì lại xua những kẻ hung hãn vào chửi bới. Thay vì làm ra những bài luận văn để bảo vệ, thì lại hay dùng những đòn truyền thông bẩn. Điều này dẫn đến gì đây? Trí giả thì im lặng, người có tài nhưng vì thiếu độ “chì”, thiếu bản lĩnh thì dễ bị gục ngã bởi đám đông kém hiểu biết. Tôi, Dũng Phan khi viết đến đây, cảm thấy một sự xót xa dành cho anh Nguyễn Hà Đông và trò chơi Flappy Bird huyền thoại của anh. Trong khi có những chính sách của chính phủ dù đúng/dù sai cũng không được mổ xẻ một cách triệt để. Cuối cùng, kẻ sĩ thì ngoảnh mặt còn nhân tài ở ẩn vì sợ hãi. Đây phải chăng cũng là một phần nguyên do khiến chúng ta luẩn quẩn, lặp đi lặp lại các vết xe đổ trong việc chống dịch đợt này?

Điều cuối cùng, là sự khiêm tốn qua chính các nhận định rằng “không có mô hình nào là hoàn hảo”. Rất nhiều quốc gia đã được nêu ví dụ. Tuy vậy, những người Mỹ uyên thâm ấy đã bác bỏ hết sự bê nguyên xi nào. Ngược lại họ lấy tinh hoa của tất cả các mô hình từ cổ chí kim để tạo nên một hiến pháp phù hợp với chính nước Mỹ. Đó là những điều luật 234 năm sau vẫn còn dùng tốt. Nhiều quốc gia sau này (ví dụ Philippines) đã bê nguyên hiến pháp Mỹ, nhưng vì không có sự tương thích văn hóa, con người nên khi ứng dụng vào thì một trời một vực. Người Mỹ cũng muốn nói với thế giới qua cách xây dựng ấy: hãy chắt lọc tinh hoa nhân loại, và nghiên cứu văn hóa, con người, lịch sử, địa lý bản địa. Mà từ đó gây dựng cho mình một mô hình phù hợp nhất.

3.2 Và đó là lý do người Việt Nam cần bộ sách thứ 2 tôi giới thiệu ở đây: ĐÔNG CHU LIỆT QUỐC

Năm 1787, khi nước Mỹ đang soạn thảo Hiến pháp, thì tại Việt Nam Nguyễn Huệ đang vây Nguyễn Nhạc ở thành Quy Nhơn. Ngoài Bắc là vua Lê, chúa Trịnh, trong Nam là Nguyễn Ánh đang ôm mộng phục quốc. Ví dụ lạnh lùng ấy để nói lên tầm vóc hoàn cảnh của chúng ta, để không nên ôm những giấc mộng quá lớn. Tuy nhiên, cũng ví dụ ấy phản ánh 2 điều:

1/ Không thể đòi hỏi Việt Nam một bước đến nước Mỹ. Đúng là nước Mỹ chỉ có được hơn 200 năm lịch sử. Nhưng sự hoàn thiện của nước Mỹ đến hôm nay là một sự đồng nhất suốt 234 năm qua. Khác với thế giới biến thiên qua nhiều mô hình.

2/ Hai năm sau khi hiến pháp Mỹ được ký, Quang Trung đại phá quân Thanh ngày mồng 5 Tết Kỷ Dậu.

Điều 1 nói với chúng ta: đừng mặc chiếc áo quá rộng và không phù hợp. Nhưng điều 2 nói với chúng ta rằng, đối thủ năm ấy của vua Quang Trung giờ đã vươn lên để thành đối trọng xứng đáng nhất của nước Mỹ: CHND Trung Hoa.

Thời Xuân Thu đến thời Chiến Quốc đã vô tình tạo cho Trung Hoa hôm nay những bài học ngoại giao cực kỳ tuyệt vời trong thời đại toàn cầu hóa. Vì sao? Đây là thời đại tranh chấp của hơn mười mấy nước. Nên đó giống như một thời đại toàn cầu hóa đã được Trung Quốc xây dựng từ cách đây mấy nghìn năm. Cách họ đi dây, cách họ sắp đặt mưu kế, cách họ cài gián điệp, cách họ xây dựng đất nước, cách mà những nhà du thuyết như Tôn Tần, Trương Nghi thực hiện đều là các bài học ngoại giao quý báu cho Ngoại trưởng Trung Quốc hôm nay….Tất tật đều được rút ra từ trong pho sách này. Đấy là giá trị mà tôi đã nghiền ngẫm ra được khi đọc xong bộ sách và đối chiếu với thực tế hôm nay.

Khi Châu Hu giết anh mình là Vệ Hoàn công để cướp ngôi, lòng dân không phục, trong nước rối loạn. Châu Hu bàn với Thạch Hậu nên làm thế nào, Thạch Hậu trả lời “Đánh nước Trịnh để lập uy với lân bang, hiếp chế người trong nước”. Bài học ngoại giao kinh điển này 2000 năm sau vẫn sử dụng như bình thường. Khi trong nước loạn, lập tức có một chiêu bài đối ngoại để đoàn kết toàn dân. Hay nước Mỹ trước các kỳ bầu cử tổng thống là lại đi thả bom một nước khác.

Vào thời Xuân Thu, nhà Chu suy yếu, chư hầu nổi lên, giao tranh mười mấy nước. Nhà Chu tuy mất vị trí bá chủ quần hùng, nhưng không hoàn toàn vô dụng. Khi bạn đọc hết 108 chương hồi, sẽ thấy cách các nước lớn (như Tề, Tần, Sở), áp đặt, rồi tranh giành ảnh hưởng với nhà Chu như cái cách mà các siêu cường đang làm với Liên Hợp Quốc. Bản thân hôm nay Liên Hợp Quốc chính là một nhà Chu thu nhỏ. Mang tính chính danh, phụ thuộc triều cống, và nể sợ nước lớn.

Hay khi Nga bị EU cấm vận, còn Mỹ gây chiến tranh thương mại với Trung Quốc, thì Trung Quốc và Nga tạo ra “con đường tơ lụa” mới để tăng cường hợp tác với nhau. Đấy đều có thể gặp các bài học tương tự như cách Tô Tần, Trương Nghi, Mạnh Thường Quân tư vấn cho các chúa công của mình khi có chiến tranh với các nước.

Cái cách khi Trung Quốc nổi lên và gây chiến với các nước láng giềng, không khác gì cách nước Tần lúc vươn cánh. Tức dùng sức mạnh và bá khí để áp đảo với chính sách “thân xa-nuốt gần”. Việt Nam hãy cẩn thận!

Và đặc biệt nhất, quan trọng nhất là cách xây dựng đất nước. Như đã nói, Xuân Thu-Chiến Quốc là thời đại mà các tư tưởng triết học thời cổ đại được xây dựng. Trung Quốc đã có đủ các triết gia xuất chúng, có đủ một chuỗi lịch sử với hàng ngàn bài học và một chữ viết đơn nhất. Vì vậy các học giả Trung Quốc không cần đi kiếm tìm nhiều trên thế giới. Họ có thể học cách xây dựng đất nước từ cách mà Quản Trọng đã gây dựng cùng Tề Hoàn Công, cũng có thể học hỏi từ cách mà Thương Ưởng đã giúp Tần Vương. Riêng câu chuyện liên quan đến Thương Ưởng với đường lối Pháp Gia rất có đường nét với Trung Hoa hôm nay. Tần Hiếu công hỏi “Nhà ngươi có ba thuật sao không nói trước cho ta nghe?”. Thương Uởng trả lời : “Không phải là tôi không muốn nói, nhưng bá thuật cùng với đế vương khác nhau: đạo đế vương cốt thuận dân tình mà bá thuật thì tất phải trái dân tình mới được.” Chính ông cũng cho ví dụ “Ngày xưa Quản Trọng giúp Tề Hoàn công, đặt ra phép nội chính và phép quân lệnh, chia nước Tề làm hai mươi nhăm hương, đổi hết pháp luật cũ nuớc Tề. Vậy thì bọn tiểu nhân há lại vui lòng mà tin theo được hay sao? Đến khi chính sự đã thành ở trong, địch quốc chịu phục ở ngoài, nước được cường thịnh, dân được sung sướng, thì dân bấy giờ mới biết Quản Trọng là một bậc đại tài.”
Chính sách mà nhà Tần theo chính là Pháp Gia, được đặt nền móng từ Thương Ưởng mà ra, sau này Lý Tư, Hàn Phi đều làm dày thêm điều này cho nhà Tần. Bàn về Hàn Phi với tác phẩm Hàn Phi Tử lừng danh. Tác phẩm “Quân Vương” của Machiavelli được đánh giá là nền tảng lý thuyết chính trị và ngoại giao của phương Tây. Vậy mà trước đó cả ngàn năm, người Trung Hoa đã có Hàn Phi Tử được nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông Trần Ngọc Vương so sánh: "Trong thời cổ đại không có một học thuyết pháp trị nào tinh vi và kỹ lưỡng như Hàn Phi Tử, không có một nhà tư tưởng chính trị nào thông minh đến mức quái đản, sắc sảo như Hàn Phi. Nếu có thể so sánh thì phải thấy rằng, Hàn Phi là ông thầy nhiều tầng của Machiavelli. Machiavelli chưa là gì cả nếu ta đọc đối chứng. Khi tôi đọc cuốn Il Principe (Quân Vương) của Machiavelli thì tôi thấy buồn cười, bởi vì Il Principe so với Hàn Phi Tử không là cái gì cả."

Bên cạnh vấn đề triết học, phẩm chất anh hùng và suy nghĩ anh hùng ở trong Đông Chu Liệt Quốc cũng tạo nên sức mạnh tinh thần cho người Trung Hoa. Họ là quốc gia biến đổi nhanh nhất mấy thập kỷ qua, đã đưa tàu vũ trụ có người lái lên không gian, và từ một công xưởng làm đồ giả đã thành quốc gia phát minh. Sức mạnh Trung Hoa là vũ bão, thực hiện trong những bài học lớn với quan điểm nhất quán rằng “Minh chúa và hiền thần có thể tạo nên sự thịnh vượng của quốc gia” như trong Đông Chu Liệt Quốc. Trung Quốc yêu nhân tài và truyền bá vào đó các ước mơ lớn. Khi trả lời cho kênh Discovery, một nhà khoa học Trung Quốc đã nói “Chúng tôi có những ước mơ và tầm nhìn. Chúng tôi tin rằng mình không chậm chân trong việc đóng góp cho nhân loại”. Họ luôn có một lòng kiêu hãnh sâu sắc.
Việt Nam học được gì từ đó? Rất nhiều vì ta cùng học có sự tương đồng. Đấy là những bài học cổ nhân, tấm gương soi chiếu lịch sử, bàn cờ lớn chính trị, và một hệ tư tưởng, triết học phù hợp.

“Đọc bộ sách này bằng mấy mươi sách khác.”

Vị khuyết danh đã ngạo nghễ phê vào sau bộ sách Đông Chu Liệt Quốc 9 chữ ấy quả thật có lý do để nói như vậy. Và chúng ta hãy đọc và học hỏi từ đó.

4. Lời kết:

Khi bạn đọc đến đoạn kết này, bạn đã trải qua 4000c. Bạn có thể thấy được điều gì đã khiến tôi (Dũng Phan) phải tâm huyết đến vậy và cố gắng gửi bài này lên trong thời điểm Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đến thăm Việt Nam. Khi mà sự quan tâm của người Việt Nam cho người Mỹ lại tăng lên. Nhưng cái quan tâm tôi muốn nhấn mạnh, là cần đúng mục đích, chứ không phải bắt đầu làm 3 bước: “Chửi Tàu – Chửi Mỹ - Chửi nhau”.

Việt Nam là quốc gia thế nào? Việt Nam là một quốc gia nhỏ nhưng có sự giằng xé trong lịch sử giữa phương Đông và phương Tây. Trước thế kỷ 18, Việt Nam gắn liền với Trung Hoa. Sau thế kỷ 18, Việt Nam có thêm sự can thiệp của phương Tây. Chúng ta là người Á Đông, gần chủng tộc với người Hán. Nhưng chúng ta mang cả một duyên nợ với nước Mỹ. Sự giằng xé bởi vậy là có lý do, nhưng thay vì chuyển sang đả phá nhau, chửi bới nhau, thì đòi hỏi chúng ta phải luôn luôn hướng về suy nghĩ tích cực, tìm hiểu thật sâu, và học hỏi thật nhiều từ các bộ sách lớn của hai quốc gia ấy.

Trong Đông Chu Liệt Quốc có câu chuyện Tống Tương Công sau khi Tề Hoàn Công chết muốn thay ngôi bá chủ, nhưng công tử Mục Di đã nói nước Tống không đủ mạnh, làm hành động đó rồi sẽ bị Sở Thành Vương lừa lại. Alexander Hamilton đã nói “Mỗi chính quyền phải phù hợp với từng quốc gia, như thể mỗi chiếc áo hợp với mỗi cá nhân”.

Bài học cổ nhân để lại không thiếu, sự phơi bày bí quyết tinh hoa của các cường quốc không phải không có, chỉ chúng ta là có tập trung vào những ước mơ lớn hay không mà thôi?

Sài Gòn, 24/8/2021