[REVIEW SÁCH] Chuộc tội - Minato Kanae: Một góc nhìn khác
Review Chuộc Tội - Minato Kanae (Có spoil)
Giải mã vụ án hay bức tranh hiện thực xã hội?
Gấp lại cuốn sách này, sự u ám, nặng nề vẫn đeo bám mình khi Minato Kanae lần lượt khắc họa những biến cố cuộc đời của từng nhân vật: Sae, Maki, Akiko, Yuka và cô Asako. Mặc dù truyện gắn mác Trinh Thám - Kinh Dị nhưng cá nhân mình nghĩ thuộc dòng tâm lý xã hội hơn.

Chuộc Tội - Minato Kanae
Sơ lược về nội dung cuốn truyện. Vụ án mạng xảy ra tại một vùng quê hẻo lánh Nhật Bản. Nạn nhân là một cô bé học lớp 4 bị cưỡng hiếp và bóp cổ đến chết. Vụ án xảy ra trong buổi chiều vắng vẻ của lễ Obon, chỉ có 4 cô bạn cùng lớp là nhân chứng của vụ án mạng kinh hoàng. Tuy nhiên, cả 4 đứa trẻ đều khai không nhớ mặt hung thủ. Vụ án cứ thế trôi qua, tuy nhiên người mẹ của nạn nhân luôn mang trong mình nỗi hận thù mà trút hết lên 4 đứa trẻ đó một lời nguyền rủa độc địa:
"Hãy tìm cho ra hung thủ trước khi quá thời hạn khởi tố. Nếu không làm được điều đó, hãy tìm ra cách chuộc tội khiến tao có thể chấp nhận được. Còn nếu không làm được một trong hai điều trên tao sẽ trả thù chúng mày."Chuộc tội - Minato Kanae
Mỗi chương truyện là góc nhìn tường thuật của mỗi cô bé và người mẹ về vụ án và số phận của từng người như mảnh ghép của bi kịch năm nào. Tác giả không đi quá sâu vào cách thức gây án, động cơ gây án và quá trình truy bắt tội phạm. Thay vào đó, từng hành động, suy nghĩ của mỗi nhân vật diễn biến từ vụ án đều được tái hiện lại tỉ mỉ. Giọng văn của Minato Kanae chậm rãi đều đều chứ không cao trào, hồi hộp. Cách kể truyện cũng hơi lan man, nhiều chi tiết mình thấy cũng không quá liên quan đến vụ án. Nhìn chung mình thấy cách dẫn truyện như này cũng để thể hiện dụng ý của tác giả trong việc đi sâu vào nội tâm nhân vật, chứ không hẳn chỉ để cung cấp thêm manh mối cho độc giả.
Chủ đề của truyện xoay quanh về sự ảnh hưởng của giáo dục từ gia đình đến con trẻ. Những suy nghĩ một đứa trẻ đều được nhào nặn từ những lời nói và hành động của người thân trong gia đình. Liệu những bậc phụ huynh có bao giờ nghĩ đến việc dành nhiều sự quan tâm hơn cho người chị thì người em sẽ luôn tìm kiếm sự quan tâm từ những người khác, thậm chí là cảnh sát không? Hay tư tưởng cố hữu không bao giờ được mong muốn những thứ quá tầm tay, phải biết thân biết phận thì sẽ khiến đứa trẻ lớn lên mà giam mình trong lối suy nghĩ đóng khung không? Trong truyện, tác giả cũng phản ánh thực trạng phụ huynh luôn đổ lỗi cho nhà trường nếu như con cái mình có vấn đề gì, dù là nhỏ nhất mà không bao giờ xem lại cách dạy dỗ của mình, thông qua lời phát biểu của Maki trong cuộc họp phụ huynh bất thường. Điều này không chỉ đúng đối với Nhật Bản mà mình thấy ở Việt Nam có nhiều phụ huynh mang lối suy nghĩ đó.
Ngoài ra, truyện cũng phản ánh nạn ấu dâm và sự cách biệt về tầng lớp giàu nghèo ở Nhật Bản. Ấu dâm không phải là đề tài mới mẻ, nhưng luôn là vấn đề nhức nhối vì nạn nhân thường là trẻ em không có khả năng phản kháng, mà thường hung thủ lại là người gần gũi với nạn nhân. Truyện không phát triển theo hướng tâm lý nạn nhân diễn biến như thế nào như trong Bạch Dạ Hành mà tác giả cho chết luôn :v. Ngoài ra về vấn đề phân biệt giàu nghèo. Trong truyện tác giả sử dụng điểm nhìn của người dân trong thôn quê khi gia đình giám đốc một công ty sản xuất lớn chuyển từ Tokyo. Là nghèo phân biệt giàu chứ không phải ngược lại :v. Đó là sự ngột ngạt khi ở trong căn nhà quá đỗi sang trọng; là sự dè dặt, không mấy chào đón đối với người giàu có hơn mình; và là sự ghen tị thầm kín lấn át cả tình bạn thuần khiết.
ĐÁNH GIÁ TỔNG QUAN
Điểm cộng: phản ảnh hiện thực xã hội khá triệt để, xây dựng tâm lý nhân vật ổn, mạch truyện không quá chậm.
Điểm trừ: ôi dời ơi tâm lý nhân vật vặn vẹo biến thái thặc sự, kiểu như người bình thường sẽ méo bao giờ làm thế ý. Bầu không khí truyện u ám nặng nề đọc xong không hề thấy thỏa mãn nha. Cách giải quyết vụ án không thuyết phục lắm vì mấu chốt vấn đề là mặt hung thủ mà hung thủ chỉ được đề cập rõ ở phút cuối.

Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất