(spoiler alert – bài viết sau có tiết lộ một số nội dung phim, các bạn cân nhắc khi đọc nhé)
Mình review phim tại instagram @sol.imdb
“Thời bình, giết người là tội nhân; thời chiến, giết hàng vạn người là anh hùng”. Nếu vậy, J. Robert Oppenheimer là anh hùng vĩ đại nhất của người Mỹ trong thế chiến II, cũng là tội nhân tàn ác nhất trong lịch sử nhân loại. Và ‘Oppenheimer’ của Christopher Nolan đã khai thác việc này đến triệt để; một bộ phim tiểu sử choáng ngợp, vĩ đại và.. im lặng.
‘Oppenheimer’  có hai tuyến truyện song song xuyên suốt chiều dài ba tiếng, được dựa trên cuốn tiểu sử ra mắt năm 2005 ‘American Prometheus’ của Kai Bird và Martin J. Sherwin, phim xoay quanh J. Robert Oppenheimer, "cha đẻ" của bom nguyên tử.
Prometheus stole fire from the gods and gave it to man. For this, he was chained to a rock and tortured for eternity."
Tuyến đầu tiên nói về quá trình từ lúc bắt đầu đi du học ở châu Âu và nghiên cứu về vật lý lượng tử tới lúc Oppenheimer chiêu mộ các nhà khoa học tới Los Alamos ở New Mexico (Mỹ) – căn cứ nghiên cứu bom nguyên tử. Câu chuyện còn lại là những tranh cãi trong phiên điều trần an ninh năm 1954 với những cáo buộc ông là gián điệp của Liên Xô cùng với những âm mưu chính trị sau đó.
Xuyên suốt bộ phim, hai tuyến truyện sẽ được đan xen lẫn nhau với hai tông - có màu và đen trắng cũng như sự cắt ghép các dòng thời gian rất ‘Nolan’. Nếu như ai đã từng xem những phim trước đây của ông như Tenet, Inception,.. thì đều biết là nó vô cùng phi tuyến tính và có thể gây ra nhiều sự khó hiểu cũng như câu hỏi cho những bạn lần đầu tiếp cận, nhưng trái lại chính vì thế mà đạo diễn Nolan đã thành công làm cho một bộ phim tiểu sử trở nên vô cùng kịch tính với nhịp phim dồn dập, làm nó thoát khỏi sự buồn chán của cách kể chuyện A-B-C như những phim tiểu sử điển hình.
Bộ phim đưa chúng ta tới một diễn biến chi tiết hơn về tình hình nước Mỹ trong thế chiến II, về số phận những nhà khoa học người Do Thái lưu vong vì Đức quốc xã, về vật lý lượng tử sau thời đại Einstein, sự chạy đua vũ trang của các nước đế quốc cho tới những nan đề đạo đức sâu xa bên trong Lầu năm góc. Tất cả tập trung xoay quanh góc nhìn của J. Robert Oppenheimer, xoáy sâu vào những diễn biến tâm lý cũng như đời tư phức tạp của nhân vật khi đặt vào bối cảnh cuối thế chiến II và sự căng thẳng Mỹ - Nga. Phải nói là Cillian Murphy quá xuất sắc khi đảm nhận vai diễn, những biểu cảm trên gương mặt khi đau khổ, cắn rứt, sự ngạo mạn hay lúc nói dối đều được nam tài tử làm chân thực hết mức có thể. Chúng ta hoàn toàn có thể cảm nhận được sự lo lắng của ông trong những cuộc điều tra, sự đau khổ khi hai tay nhuốm máu hàng trăm ngàn sinh mạng và sự thất vọng đối với chính phủ Mỹ lâm thời.
Ngoài cách kể chuyện phi tuyến tính độc đáo, đạo diễn Christopher Nolan còn có nhiều trường đoạn lồng ghép những bản nhạc vô cùng hùng tráng ở đầu, giữa và cuối phim kèm theo những hiệu ứng khuếch trương âm thanh rất thực như tiếng dậm chân, hay tiếng gió buốt hậu một vụ nổ nguyên tử kéo tới sau ánh sáng đến vài giây, vô cùng chân thực. Chính những điều đó làm cho bộ phim 3 tiếng trở nên ‘rất ngắn’ vì nhịp điều quá dồn dập và làm người xem không thể rời mắt cho dù đó chỉ là vô số những cuộc hội thoại.
Sự thành công của phim còn nằm ở chỗ những lý thuyết vật lý về phân hạch, sự co giãn của không thời gian, lỗ đen vũ trụ được nói một cách chặt chẽ. Nó như thực sự bắt bạn đọc một cuốn sách về vật lý lượng tử nhưng lại ngấu nghiến nó như một quyển truyện tranh không thể rời mắt vậy.
They won't fear it until they understand it. And they won't understand it until they use it." - J. Robert Oppenheimer
Điều cuối cùng mà mình tâm đắc nữa đó là sự mỉa mai mà Nolan khắc họa dưới góc nhìn của ông đối với bộ máy chính phủ lâm thời và sự đấu đá của các đảng phái chính trị không chỉ của thời điểm trong bộ phim mà nó còn như thể đang nói về hiện thực, bây giờ. Mình sững người khi biết rằng những kẻ thống trị có thể chọn ai để chết như một nan đề đạo đức ‘có nên giết một người để cứu nhiều người?’. Tình huống đã xảy ra trong bộ phim cảnh tỉnh chúng ta rằng mình có thể chết bất kỳ lúc nào trong bối cảnh hiện tại, và điều đó thể hiện rất rõ trên mặt của J. Robert Oppenheimer khi ông biết mình đã tạo ra thứ gì và quyết định dung tất cả phần đời còn lại để đấu tranh ngăn chặn sự lây lan của thứ vũ khí mà mình thành danh, vì sau Hiroshima và Nagasaki, tất cả những cuộc chiến sau này đều sẽ kinh hoàng hơn Hiroshima và Nagasaki.
Nếu hỏi mình về ‘Oppenheimer’ thì nó là một tuyệt tác quan trọng của thế kỷ này, nếu hỏi mình về J. Robert Oppenheimer thì có lẽ ông không nên tồn tại như ‘một người quan trọng nhất của thế kỷ này’.
Now I am become death, the destroyer of worlds." - J. Robert Oppenheimer