Mình viết lần 1 là bởi vì mình biết chắc chắn sẽ có một ngày mình đọc lại Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Chưa phải vì nó hay, mà bởi mình chưa hiểu hết mọi thứ, chưa cặn kẽ được trình tự các câu chuyện. Phần vì bị ngợp trong câu từ của tác giả; phần vì mạch truyện phức tạp thật, nó đan xen và chồng chất các mốc thời gian, lộn xộn theo mạch suy nghĩ rất con người, tản mạn từ quá khứ đến hiện tại, rồi tương lai, qua những mặt người vừa quen vừa lạ, qua những cảm xúc vừa hưng phấn vừa não nề. 
<i>Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh</i>
Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh
Đọc Nỗi buồn chiến tranh lần đầu có thể chưa ngấm hết những tầng lớp ý nghĩa, nhưng dễ bị ám ảnh, ám ảnh theo kiểu phải suy nghĩ mãi, giống hệt như cách chiến tranh khiến con người phải ám ảnh. Nỗi buồn ấy không phải chỉ là nỗi buồn của một kiếp người, một cuộc đời, một thế hệ: đó là nỗi buồn của muôn vạn kiếp sống, kéo dài từ đời này sang đời khác, khiến bất kì ai từng đi qua cũng phải ám ảnh không thôi. Ở Nỗi buồn chiến tranh có cái gì u uất lắm của những người đã chết, đang chết và cố chạy trốn khỏi cái chết tất yếu. 
Người trở về từ chiến tranh dù lành lặn vẫn phải chịu những di chứng tinh thần khủng khiếp, đó hẳn là vết thương không thể lành lại được, một vết thương cứ lở loét trong óc người. Chiến tranh, tự nó đã là một dạng thù hình ghê gớm của những xấu xa trong muôn vạn con người, lại được nuôi lớn ngày qua ngày bởi những đau thương chồng chất, nên dễ dàng cấu xé bất cứ một cuộc đời nào. Người lính Hà Nội hào hoa, non nớt, nhạy cảm bậc nhất, dễ tổn thương bậc nhất chính là con mồi hấp dẫn của những cấu xé rách nát cùng cực đó. 
Thân phận con người trong chiến tranh là nội dung chính của tác phẩm. Thân và phận, phận là số mệnh, thân là thân xác và t.ử th.i. Trong truyện của Bảo Ninh, và của Kiên, nhiều vô kể là xác chết. Những cái chết chậm rãi lướt qua phân quyển sách thành nhiều mảnh, đặt chồng chất ám ảnh lên suy nghĩ của người đọc. Góc nhìn của một người nửa say mất trí và mạch văn tựa tư duy của một người nửa mê sảng, lú lẫn, choáng cần sa quay cuồng người đọc trong mê cung ký ức, trong lớp lớp dối lừa, để rồi đến cuối cùng người ta phải băn khoăn mãi và buồn mãi. Nhất là cái chết của những cô gái. Những cô gái trong Nỗi buồn chiến tranh chết đi chẳng có ai được chết lành lặn và trong trắng. Họ đều bị l.àm nhu.c bởi không chỉ một người.
Cũng còn chuyện tình yêu. Tình yêu đau khổ của Kiên và Phương, trong trắng bậc nhất, kiêu kỳ bậc nhất, hiếm lạ bậc nhất trên đời mà cũng bẩn và rẻ mạt bậc nhất, và cũng là tình yêu bình thường nhất trong muôn vạn tình yêu từng có trên đời ấy, khiến mình không thể nào hiểu nổi. Chẳng biết do trải nghiệm tình yêu không đủ hay vì chính Kiên và Phương đã vô cùng khó hiểu, nên mình mãi không thể tự kết luận giữa họ rốt cuộc còn lại gì, tình yêu, lòng thương xót, nỗi thương hại, hận thù hay niềm tin sẽ giúp nhau giải thoát. Mình không hiểu nổi một Phương rực rỡ điên loạn không phải người của thế kỷ ấy. Mình thậm chí không biết đến cuối cùng Phương là ai, tốt hay xấu, thực hay hư, Phương lầm lạc do bản chất Phương là thế hay dòng đời nghiệt ngã bóp chặt cô ấy. Phương là một tồn tại kỳ lạ, lạc điệu giữa thế kỷ hai mươi thế kỷ anh hùng. Nỗi buồn tình yêu ấy không biết là hệ quả trực tiếp của chiến tranh hay của chính sự tha hóa của cô ấy. Nếu không có chiến tranh Phương sẽ thế nào? Nhưng hỏi chỉ để hỏi thế thôi, đôi khi sự trần trụi còn khiến nỗi sợ đáng sợ hơn nhiều.
Nỗi buồn chiến tranh là một bi kịch trường ca với vô vàn mâu thuẫn trong lòng. Mâu thuẫn định hình mạch truyện là mâu thuẫn giữa số phận đất nước và hạnh phúc con người. Thế kỷ hai mươi vô số người mang thân mình ném vào ngọn lửa chiến tranh để đất nước hát lên khải hoàn ca bất diệt, và Nỗi buồn chiến tranh đặt cho người đọc một câu hỏi rằng anh có sẵn sàng hi sinh mình để chứng minh mình không? Mâu thuẫn giữa sự sống và cái chết, giữa mong ước được sống và mong muốn được chết, giữa lương tri và an toàn, một tệp những mâu thuẫn sinh tồn. Có lẽ chỉ ở trước mặt cái chết người ta mới trần trụi. Bảo Ninh ca ngợi người dũng cảm, nhưng đắn đo trước khi bất kỳ sinh mạng nào ném mình vào vòng lửa chiến tranh. Bảo Ninh cũng mâu thuẫn và có lẽ viết ra chỉ để tự vấn mà thôi.
Mình đã tưởng rằng Nỗi buồn chiến tranh sẽ là một hồi quy dằng dặc chỉ kết thúc ở điểm cuối cuộc đời Kiên cho đến khi đọc đến cuối truyện Bảo Ninh viết: “ký ức tình yêu và ký ức chiến tranh kết thành sinh lực và thành thi hứng, giúp anh thoát khỏi cái tầm thường bi đát của số phận anh sau chiến tranh”. Dù tất cả vẫn còn mịt mù, và dù ký ức đau thương vẫn có thể khoét sâu vào ngực Kiên, nhưng có lẽ chính nỗi đau ấy mới khiến cho anh được sống, và chỉ nỗi đau ấy mới giúp anh có thể cảm nhận rằng anh đang sống. 
Những triết lý nhỏ cài cắm vô số trong Nỗi buồn chiến tranh, trong mỗi câu văn mà Bảo Ninh đã viết. Nó nhiều đến mức mình không thể kể hết ở đây được. Tình cảm gia đình, sự bao dung, sự bao dung với những điều kỳ lạ trên đời, những tiên cảm đầy huyền hoặc, vẻ đẹp người Hà Nội, vẻ đẹp con người, … và vô số dòng xúc cảm triết lý khác có lẽ đã nâng tác phẩm lên một tầm cao mới; một tác phẩm hay, mình nghĩ, là một tác phẩm không chỉ nhân bản không chỉ đầy tính người, mà còn ngụ những điều khiến mình đọc mãi đọc mãi vẫn thấy ôi câu chữ này vẫn biết mấy biết mấy bao la. 
Một điều mình thấy kì lạ nữa là, Bảo Ninh viết Nỗi buồn chiến tranh rất buồn rất khùng, nhưng những lời khác, ở đoạn mở đầu chẳng hạn, đều cực kỳ tỉnh táo, lý trí, sạch sẽ và nhiều hóm hỉnh. Đọc truyện mình đã nghĩ Kiên là tác giả, tác giả là Kiên, nhưng thoát ra rồi mới gần như chắc chắn hai người này khó lòng là một. Mà có gì chắc chắn đâu, chiến tranh mà. Sau chiến tranh, một cơ thể người có thể sẻ làm hai, cũng như muôn vạn tâm hồn cũng có thể sống cùng một cuộc đời hoài cổ.
Không dám nhận là hiểu rõ quyển sách, mình biết những gì mình tiếp thu được là vô cùng nhỏ, là vô cùng nông cạn nếu so với tầm vóc của Nỗi buồn chiến tranh. Thật ra với mình đây không phải kiệt tác cần người ta dựng tượng (không, chắc chắn không ai dựng tượng một tác phẩm về mặt trái của chiến tranh cứu nước thế này đâu), mà là thứ văn lạ, khiến người phải nghĩ ngợi ít nhiều. Chắc chắn sẽ còn đọc lại nhiều lần nữa, trước hết là nắm cho rõ cốt truyện không để mọi thứ rối nhằng nhịt vào nhau, thứ nữa là để đi vào tầng sâu của thứ văn học ấy.