Bài viết này mình sẽ chia sẻ cảm nhận của bản thân, đứng dưới góc nhìn của 1 thanh niên 20 tuổi sống và học tập tại Hà Nội với nguồn lực ít ỏi.

1. Quarter Life Crisis

Quater Life Crisis - thuật ngữ tâm lí nói về sự bất an và mất định hướng trong sự nghiệp và cuộc sống thường thấy ở những người thuộc độ tuổi 20.
Đã có quá nhiều bài viết cả trên mạng nói chung và Spiderum nói riêng nói về chủ đề này. Tuy nhiên, bài viết này là để chia sẻ trải nghiệm cá nhân của mình như 1 thanh niên đã và đang trải qua Quarter Life Crisis.

2. Trải nghiệm cá nhân

Kì 2 năm 3 của giáo trình Đại học, 21 tuổi, mình hiện tại không có gì trong tay từ những nguồn lực vô hình đến hữu hình. Và ở Việt Nam, 21 tuổi là độ tuổi mà sinh viên chuyển giao giữa xã hội thu nhỏ là trường học và xã hội thực tế ngoài kia. Nói là sinh viên ở Việt Nam vì nếu không phải là sinh viên, bạn có thể đã đi làm công nhân khi mới tốt nghiệp cấp 3, hoặc đi nghĩa vụ. Còn sinh viên ở những nước khác như Mĩ và các nước phương Tây thì đã đau đầu với khoản vay đại học từ năm 18 tuổi.
Và ở giai đoạn chuyển giao này, mình thấy sự lạc lõng và vô định, không muốn và không biết phải làm gì. Nhưng mình nhận ra sự vô định và lạc lõng này đến từ việc mình có quá nhiều thứ mình có thể làm, và muốn làm mọi thứ. Tuy có vể trái ngược và vô lí nhưng có 1 điều chúng ta phải đồng ý với nhau rằng giới trẻ bây giờ có quá nhiều thứ để làm, nhưng thiếu đi định hướng rõ ràng. Và bản thân mình cũng vậy.
Hiện tại, mình đang trong quá trình tìm kiếm hướng đi cho bản thân, bắt đầu bằng việc tìm nơi thực tập và cố gắng hoàn thành chương trình học. Nhưng sau đó mình sẽ làm gì? Làm thật tốt ở nơi thực tập và cố kiếm 1 vị trí ở đó sao? Hay mình sẽ cố lấy cái bằng sau đó đi làm điều mà mình thích? Hay là mình đi học thêm ngành IT hay lớp chứng khoán nhỉ? ...... Có quá nhiều thứ mà 1 người trẻ hiện nay có thể làm. Và việc có quá nhiều ngã rẽ khi bạn không biết đích đến của bạn là gì còn nguy hiểm hơn không có ngã rẽ nào.
Vốn ngành học hiện tại mà mình đang theo học không phải là điều mà mình yêu thích. Mình chỉ chọn đại như đại đa số sinh viên tầm trung khác. Vì thế nên mình không có hứng thú trong việc học là 1 và không muốn theo ngành khi ra trường là 2, nhưng mình cũng không có tài năng hay sở thích nào đặc biệt để "bỏ học để theo đuổi đam mê".
Những ngày tháng vờ vật trên giảng đường, rồi lại vờ vật tìm chỗ thực tập, rồi lại vật vờ ôn thi. Chương trình đại học là chương trình chuyên sâu chứ không phải phổ thông như chương trình phổ thông nên nếu không thích và không chăm chỉ thì sẽ rất khó để hoàn thành tốt. Khi đã bắt đầu học không tốt thì thành tích sẽ như cái xe mất phanh khi lao xuống dốc - không thể cản lại được. Sự kém cỏi trong học tập lại tạo thêm sự chán nản và áp lực. Nó cứ như là 1 vòng lặp không thể nào thoát ra được.
Đó là trên phương diện học tập, thời sinh viên còn 1 phương diện khác là đi làm thêm.
Mình đã đi làm thêm từ năm nhất, từ trợ giảng tiếng anh, đến sales khóa học tiếng anh, đi làm quán nước đến trông quán net,.... Sự nghiệp làm thêm có thể nói là khá đa dạng. Và mọi việc mình đều làm ở mức ổn và tốt chứ không hề tệ. Tuy nhiên, mình không tìm được sự thích thú và định hướng cho bản thân trong những công việc đó. Mọi công việc đều mang lại cho mình sự mới mẻ lúc đầu và chán nản về sau. Dần dần, thứ mà bất cứ công việc nào mang lại cho mình, ngoài lương, không còn là sự vui vẻ, mà thay vào đó là sự nhàm chán. Cộng dồn vào áp lực từ việc học, nó khiến mình lo lắng và căng thẳng khi nghĩ về cuộc sống sau này.
"Đi làm có bao giờ là vui đâu, không ai thích đi làm cả, nếu cứ chán việc là mày bỏ thì sau này mày định làm gì để nuôi bản thân, xa hơn là gia đình mày??????"
Câu hỏi đó luôn luẩn quẩn trong đầu mình và khiến mình càng thêm áp lực, 1 áp lực vô lí đến từ tương lai.
Nhận biết được rằng mình đang trải qua Quarter Life Crisis, mình đã và đang thử làm theo những lời khuyên để ổn định lại tâm lí bản thân. Mình đi nhiều hơn, xa hơn khỏi thành phố. Mình bắt đầu những thói quen mới như đọc sách và thiền. Còn thể thao thì mình vẫn chơi đều từ đó giờ. Mặc dù áp lực cơm áo gạo tiền vẫn còn đó, nhưng mình đã không còn đặt nặng nó như trước. Mình cũng đã quyết định rằng nếu cả đi làm và đi học đều khiến mình chán nản thì mình sẽ tập trung vào việc hoàn thành chương trình học trước. Có lẽ nó sẽ khiến mình chậm hơn các bạn năng động khác khi ra trường do thiếu kinh nghiệm thực tế nhưng đó là điều mình sẵn sàng chấp nhận.

3. Lời kết

Đó là tất cả suy nghĩ và trải nghiệm của mình, 1 sinh viên đang trải qua Quarter Life Crisis. Có lẽ mình cũng đang chịu ảnh hưởng của peer-presure nữa nhưng nó không lớn và nặng nề như Quarter Life Crisis. Mình mong rằng mình sẽ sớm tìm được điều mà mình thực sự đam mê và thích thú.
_Simple_