5h sáng cả nhà đưa ông đi Thanh Hóa. Ông nằm xe to đi trước, con ngồi xe 7 chỗ theo sau.
Lên xe dăm bảy phút, mọi người ngủ thiếp vì thấm mệt. Thức cả đêm qua mà. Không hiểu sao con lại không ngủ được. Đi xe từ Hà Nội 8h tối qua, về đến nhà là 2h sáng rồi thức đến giờ, người ngợm mệt lả không một giọt sức nhưng đầu óc tỉnh táo. Hoặc là giọt sức cuối cùng của cả cơ thể con đang dồn để cho đầu óc tỉnh táo. Con nghĩ mình nên nói gì với ông đây nhỉ. Mọi người nói con giỏi công tác tâm lý, ông lại hay nghe lời Hạnh. Cứ có Hạnh là ông dậy đi bộ. Hạnh video call về nói tập cơ hàm là ông ngáp ngáp tỏ vẻ chăm chỉ tập cơ hàm. Dì Bình bảo ông chỉ uống tí bột dinh dưỡng chứ không chịu ăn cháo, có Hạnh ở đây không khéo đưa cơm ông cũng ăn đó. Ủa sao ông nghe con thế nhỉ? Con giỏi lừa gạt giỏi làm ông dịu lòng phải không?
Lần đầu đưa ông đi khám và phát hiện ra khối u, quẹt nước mắt rồi bước ra từ nhà vệ sinh, con bảo: "Chúc mừng ông. Mình tìm ra bệnh rồi nhé. Mổ khối u là xong thôi". Ông thấy đúng, bảo "Ừ thế là biết nguyên nhân rồi đó. Tìm mãi mấy tháng không ra".
Lần ra Hà Nội khám lần hai, con ngồi xoa xoa tay ông ở hàng ghế chờ thỏ thẻ: "Bác sĩ ở Hà Nội còn khen bác sĩ ở Vinh tay nghề giỏi thật. Khó vậy mà mổ cũng được. Là do ông may mắn đó. Lần này ông lại may mắn thôi". Ông Ừ an tâm, trong mệt mỏi.
Hôm ông thoát cửa tử từ cuộc đại phẫu thuật, con đến, nhìn thấy ông nằm đó mà nghẹn không thở được, nước mắt cứ ào ào. Trước khi đi đã nghĩ mình sẽ nói gì cho vui nhỉ. "Ông ơi xong xuôi rồi. Phục hồi nữa là mình đi sang Nhật thăm Quân thôi". Thế mà lúc đó con nghẹn không nói được. Lúc ông hé mắt, thứ âm thanh con có được từ cổ họng tắc nghẽn là "Chúc mừng ông nha" không rõ tiếng. Nước mắt ông chảy ra. Ông gật đầu thều thào bằng hơi "Mừng lắm. Mừng lắm", dù bác sĩ không cho ông nói. À, ông còn cố gặng hỏi con ăn chưa. Đi ăn đi cơ đấy.
Thế lần này con nói gì được nhỉ? Ông này, hỏa thiêu này nhanh gọn lắm. Ông là người tiên phong đi đầu ở họ hàng thế hệ của ông đó. Cũng chưa chắc ông xuôi tai lắm. Mấy năm trước có lần ông tỏ ý là ai lại thiêu đốt bao giờ, tục lệ xưa nay cứ là chôn đất. Nói sao được nhỉ? Mà nhá, nếu ông hỏa táng thì sẽ sớm được đưa vào lăng của chi họ. Cái công trình mà cuộc đời ông tâm huyết nhất ấy. Mới năm trước ông còn hùng hục lên đào cỏ bê đá thi công như một người thợ thực thụ đó thây. Con đoán đoạn này ông sẽ im im, có vẻ xuôi xuôi một chút. Tiếp đà đó con sẽ thủ thỉ: Với lại nhé. Nếu hỏa thiêu thì chỉ cần hai năm thôi là cả nhà mình sẽ đưa hài cốt của ông với bà vào lăng cùng một lúc. Hai người được về cùng nhà chung một ngày, bọn con sẽ về tề tựu đông đủ tổ chức chung một lễ. Chứ không thì hai năm nữa bà vào. Cơ thể ông có hóa chất xạ trị, phải mất tận 8,9 năm đó. Lâu chết đi được. Đoạn này thì ông Ừ chắc cú. Nhắc đến bà ông sẽ bị thuyết phục ngay thôi. Con thừa rõ.
Thế là xe đến chỗ hỏa thiêu ông. Người con trống rỗng không một giọt sức. Con bước chậm cách đoàn một quãng dài. Bước chân không rõ là nặng hay không vì thực sự con không cảm nhận được nữa. Một anh trẻ tuổi đương nhiên là lạ mặt, mặc bộ đồng phục trắng chỉn chu, đọc một bài diễn văn theo một công thức từ câu từ đến việc nhấn nhá cảm thán. Chắc một ngày anh phải đọc cả trăm lần bản này, cần gì tờ giấy nữa nhỉ. Điều anh cần hơn, chắc là nhìn vào chiếc quan tài của người mất. Hoặc chủ động va chạm vào một vài ánh mắt đau thương của người nhà. Đương nhiên tất cả cũng chỉ đều là giả vờ và theo công thức, nhưng vậy thì vẫn xứng đáng để được gọi là lễ mai táng hơn. Chắc con khó tính nên yêu cầu cao. Xong bài diễn văn, mọi người chưa kịp chuẩn bị gì thì Chiếc quan tài cùng ông được hạ xuống rồi mất hẳn. Người nhà đứng hụt hẫng ngỡ ngàng, rồi được mời đến một khu vực khác. Con lại trống rỗng bước theo sau mọi người một đoạn dài. Người con trống rỗng. Đầu con cũng trống rỗng. Con nhìn ông thầy cúng gõ mõ tụng kinh trong trống rỗng. "Lại vẽ chuyện ra". Con thầm nghĩ. Thấy chú chủ đoàn gửi "anh" thầy cúng mấy trăm ngàn, con thở dài, vẫn trong trống rỗng.
Cả nhà ra quán ăn sáng ngồi nghỉ chờ ông. Mọi người ngồi nói chuyện. Con ngồi đần người, mệt mỏi lôi chiếc điện thoại đã không check từ tối qua. Mấy bạn bè nhắn gọi con mà không được hồi đáp, họ lo lắng loạn xạ lên. Bạn này nhắn hỏi bạn kia dù trước nay không quen biết. Rồi không hiểu sao mò ra được người nhà mình để hỏi thăm. Ông thấy không, cháu ngoại ông được người ta thương yêu quan tâm lo lắng vậy đó. Một người sống hết đỗi nhiệt thành vì người khác, và lấy việc được người khác hỏi han quan tâm làm niềm vui như ông, nếu biết được sẽ cười đúng không?
Sau mấy tiếng, gia đình đến nhận hài cốt của ông ở một quầy ngăn kính giống như quầy giao dịch ở ngân hàng. Khung hình ông đặt cách những khung ảnh người khác tầm mấy chục cm. Có người già nua gần trăm tuổi, có người nom còn trẻ... Con nhìn hết nhìn rõ. Không biết những người đó có đang kêu nóng cùng ông không. Chưa kịp nghĩ hết thì anh nhân viên đưa hài cốt của ông ra. Mẹ và các dì khóc lớn tiếng lên, mắt con vẫn ráo hoảnh. Nó không có sức để tự chảy được nữa. Thì ra mình cũng không đau buồn quá.
Những ai nói "thì ra", thì họ thường phải nói từ đó nhiều lần.
Thì ra, lúc con đau buồn là cái lúc đưa ông về lại nhà mình. Cái việc đi từ đầu ngõ bước vào cổng nhà, rồi đứng ở cổng nhà nhìn vào bộ bàn ghế ở sân... mới chính là thứ làm con quặn thắt đau đớn.
Cái nơi giao thừa năm đó con đứng cùng ông lặng ngắm pháo hoa. Bộ bàn ghế con cùng ông ngồi cắt bánh trung thu. Mảnh vườn ông xuống cắt bắp cải để tối Hạnh đi Hà Nội. Cả cái bếp có nồi cá hâm đi hâm lại của ông... Chính những thứ này, chứ không phải mấy bài điếu văn tụng kinh gõ mõ công thức kia, mới làm con quặn thắt.
À thì ra, giây phút mất đi một người rất đau đớn. Nhưng kinh khủng hơn ấy là quãng thời gian sau này, khi ta nhận ra rằng thế giới của mình, thật sự, thật sự là đã vĩnh viễn mất đi người đó.
Con vốn thích phân tích dòng suy nghĩ và cảm xúc của mình, theo cách mình có thể. Vậy nên con tự hỏi nỗi buồn của con khi mất ông là gì? Có đơn thuần là con mất đi người ông hiền- chốn bình yên của mình hay không. Nói ông đừng buồn. Năm 20 tuổi ông nội mất, con còn đòi chết theo bằng được. Năm 30 tuổi ông mất, sự đau buồn thương nhớ ông đi song song cùng sự buồn bã lo lắng da sạm xấu mắt thâm quầng. Chắc là, theo năm tháng, cuộc sống đã cho con nhiều nỗi buồn, để những nỗi buồn (đáng ra) to lớn lại được vơi nhỏ đi.
Và con nhận ra là, mất chốn bình yên, con mất đi hẳn khoảng trời tuổi thơ của mình. Mất ông- người ông cuối cùng của 4 người ông bà nội ngoại, con vĩnh viễn trở về đúng tuổi 30 mà không thể trẻ thơ lại được nữa. Hồi trước, con bảo mất bà, ông mất đi sự trẻ con ngờ nghệch trong mình để quay về làm một ông già đúng tuổi. Nay con mất ông, ngồi bố gối ở thềm nhà sẽ là một Hạnh 30 tuổi. Không còn ai chỉ hỏi con những câu hỏi đã- được- dùng- đi- dùng- lại- kể- từ- lúc- con- bé- xíu- xiu: Hạnh ăn chưa con? Có nóng không con? Thích thì cầm về đi con. Bộ tuyển tập những người 30 tuổi được hỏi là gì ông biết không? Năm nay thưởng Tết bao nhiêu? Lương bao nhiêu rồi? Hạnh bao giờ lấy chồng đấy nhỉ?... Ơn trời là ông bà không bao giờ hỏi con chuyện đấy, cứ như thể con vẫn là Hạnh 7 tuổi.
Đêm ra xe để về quê, con sốt ruột mà video call cho ông, dù tai nghe bluetooth Cún kết nối chưa kịp. Trên xe trung chuyển đông người, con vẫn video call- điều mà con chưa bao giờ làm khi ở chỗ đông người, để muốn nhìn ông. Tất cả những gì con muốn là nói Ông phải chờ Hạnh về nhé. Nhưng tiếc là con bị nghẹn, không nói được gì cả. May mắn thay là cậu Hoài cầm máy, lia camera về phía đó để con được nhìn thoáng qua ông trong 2 giây. Ông nằm đó, thở bình oxy, nghe tiếng cậu nói "Hạnh. Hạnh gọi" thì đầu có cử động nhẹ một chút. Đó là 8h kém 2 phút. 2h sáng con về, giẫm chân giữa nhà như một đứa trẻ 3 tuổi bị giằng kẹo mút, kêu rằng Ông không đợi Hạnh chi cả. Ông không đợi Hạnh chi cả. Mẹ bảo ông đi lúc gần 8h10'. Cún đùa bảo, chắc ông biết Hạnh gọi, nghĩ Hạnh đang về bắt ông đi bộ, ông sợ quá nên đi luôn.
Con cười. 
Con biết không phải ông nhỉ, dù ông có không thích vận động thật. Thời gian ốm ông chỉ muốn nằm luội, bác sĩ khuyến khích đi lại nhưng ông vẫn kệ. Chỉ có lúc nào có Hạnh bên cạnh là ông đi, con biết ông cố gắng lắm chứ không hoàn toàn tự nguyện vui vẻ.
Nhưng con biết ông không hề sợ, chính ông cũng muốn đi cùng con. Nhớ lần cuối cùng con đi bộ cùng ông, là hôm con đi từ Hà Nội về Vinh đến thẳng bệnh viện, chỉ ở cùng ông mấy tiếng rồi lại đi ra. Trước lúc xe đón, ông tự đứng dậy. Dì Bình ngạc nhiên hỏi Ủa ông đang nằm đứng dậy làm chi, ông không nói gì cả. Hạnh hiểu ý, xoa vai ông cười bảo Ông đi bộ với Hạnh một chút trước khi Hạnh đi, ông nhỉ. Ông lặng im gật đầu. Con kéo áo và chỉnh mũ len cho ông, hai ông cháu mình lại cùng đi bộ những bước thật chậm đoạn ngắn quanh bệnh viện. Vẫn là cái cách dịu mềm bình yên như những lần trước, ở bất kỳ bệnh viện nào. Con vẫn đút tay túi quần sau, bước thong thả, bên cạnh ông mặc bộ đồ bệnh nhân bước từng bước chậm mệt. Thi thoảng con sẽ nói một câu gì đó. Ông trả lời hoặc không tùy hôm, tùy tình trạng sức khỏe. Nhưng con biết ông nghe. Và con (tự tin) biết ông cháu mình đang tạo ra một khối năng lượng bình yên lan tỏa cả khu bệnh viện này. Một vài người nhìn ông cháu mình và cười. Một vài người chỉ trỏ. Con sẽ tả những điều đó lại cho ông nghe. Nếu biết đó là lần cuối, con sẽ tả thêm nhiều một chút, khen ông thêm nhiều một chút.

Nhưng mà may mắn, con rất tự hào vì ông cháu mình đã làm được nhiều chút lần cuối cùng nhau. Đưa ông đi thăm thú Hà Nội chuyến cuối. Cùng ông uống lon bia cuối cùng. Mua bát bún bò Huế ông thích lần cuối... Nhiều lắm nữa. Chưa kể cái áo khoác, cái quần ngày cuối cùng ông mặc cũng là của Hạnh... Hạnh với ông đặc biệt vậy, thảo nào ông cứ tự hào về Hạnh. Mỗi lần khám quan trọng, dù có mẹ với cậu, ông vẫn rụt rè hỏi "Hạnh có đến được không con". Con xin nghỉ làm mấy hôm đã bị sếp mắng te tua, ông thì nghĩ như một tay Hạnh chống trời được đó, cứ nói các cháu ra Hà Nội học vì có chị Hạnh ở đây.
-----
Hôm trước Thủy kể, Thủy về thăm bà nội. Bà già yếu và trí nhớ kém đi nên không nhận ra Thủy, nhầm tưởng cháu mình là cô y tá. Thủy giật mình, vừa hoảng sợ vừa đau lòng nhấn giọng: "Bà, sao bà lại quên con được. Bà quên ai cũng được nhưng phải nhớ con!".
Con nghe mà cười, nhưng con hiểu.
Khi mình xem một người là quan trọng, cách người ta nhớ đến và cảm nhận về mình chính là một điều rất quan trọng.
Và vì Hạnh là điều quan trọng với ông, suốt thời gian khỏe đến ốm ông đều trăn trở chuyện Hạnh phải "kiếm một ai", nên hôm trên xe về con đã cầu nguyện rằng mình về kịp, để ghé bên tai ông mà nói rằng "Nhiều người thương con lắm lắm. Con được lo lắng chở che và sẽ sống an vui. Ông đừng lo nha!". Ấy mà con chỉ nói được câu đó 2 lần, bên chiếc hộp gỗ vuông bọc vải đỏ, cùng niềm tin rằng ông sẽ nghe thấy.
Và vì ông là điều quan trọng của đời Hạnh, nên nếu được nhắn nhủ điều gì lần cuối, thì con sẽ nói với ông, y chang cái cách Thủy mạnh mẽ nói với bà: "Ông, sao giờ này ông còn đi lo cho ai nữa. Ông phải quên hết đi. Ông chỉ cần ra đi bình an thanh thản thôi".
Con cũng sẽ nguôi ngoai mà bình thản dần.
Bà ngoại mất, con mất gần ba năm để thay đổi thói quen, dùng từ "lên ông" thay vì "lên bà". Đến bây giờ khi quen dần từ "lên ông ăn cơm", "lên ông chơi"... thì nơi con "lên" lại chẳng còn ai nữa. Bây giờ ông về với bà, con phải trở lại dùng từ "lên bà" cho đúng vai trò nóc nhà của bà, ông ha?
Đám cưới (sau này nếu có) của con, sẽ không có ông ngoại mặc com lê đưa lên bục trao tay chú rể như từng mong ước. Chắc là ngày đó, con sẽ khóc một chút khi nhớ về điều này.
Nhưng chắc chắn là, từ nay trở đi con sẽ bớt đau lòng nhiều chút.
Con sẽ không còn thấy cảnh ông lúi húi trong bếp một mình hâm đi hâm lại nồi cá mấy ngày. Không còn phải la ông chuyện sáng mua bún mà ăn dư đến trưa rồi lại bỏ tủ lạnh ăn tối. Mỗi chiều từ nhà ông về sẽ không nhói ở ngực vì biết sau lưng mình là ông già 80 tuổi ngồi một mình ở thềm chưa buồn lên đèn... Chắc nay ông lại về bên bà rồi. Ông được tự do chừng đó năm đủ rồi ông ha? Con biết ông vẫn mong muốn được về bên bà thôi. Dù bị bà quát nhiều quản chặt, nhưng nơi đó bên bà, ông mới được trở về thành một đứa trẻ. Con an lòng khi nghĩ như thế, để chấp nhận sự thực rằng mình mất ông.
----
Thế là năm 2023 âm lịch của con đã có câu trả lời khác đi, cho câu hỏi "Dạo này có gì mới không"- cái câu hỏi mà mỗi lần được hỏi con lại chần chừ nghĩ ngợi rồi bảo: "Vẫn bình thường vây. Mà thế nào là mới nhỉ".
Giao thừa năm nay của con sẽ khác đi nhiều chút.
Nhưng điều quan trọng, thì vẫn là lời năm nào bên ông con từng nói: