Trong phim Thất Nguyệt An Sinh, mẹ Thất Nguyệt nói con gái không đi đâu được cả, chỉ đi từ nhà này sang nhà khác thôi. Hôm trước Tết nói chuyện với Xoăn, Xoăn kêu Tết này là Tết đầu lấy chồng, bố mẹ ở nhà chắc buồn. Tớ cũng nói lại câu đó, thay phiên bản là Mày chỉ đón giao thừa từ nhà này sang nhà khác thôi. Đành vậy. Cứ xem đó là một quy luật thường tình, cho những người muốn theo quy luật đấy.
Năm nay tớ cũng đón giao thừa ở nhà khác, lần đầu trong cuộc đời 27 năm, cùng với một người đàn ông siêu quan trọng trong đời, là Ông ngoại.
Năm nay ông đón Tết thiếu bà, lần đầu. Trớ trêu cũng là lần đầu cả hai cậu đều không về được vì dịch Covid ở Gia Lai. Thế là hàng ngày lủi thủi một mình, nay Tết ông lại vẫn một mình.
Mẹ tớ và hai dì đều lấy chồng gần nhà ông bà. Mỗi ngày đều có thể ghé qua được. Nhưng những ngày này, tớ thấy sự ghé qua rõ ràng đúng là ghé qua. Mẹ tớ qua vội đưa thức ăn, sắp ra đĩa, rồi lại về. Các dì cũng vậy. Trưa 30 mẹ lên soạn mâm cúng cơm, ông bảo mẹ thôi xong rồi con về dưới nhà con đi. Nếu nhà tớ không mâm cúng gì không khách khứa nào thì mẹ ở lại ăn cùng ông. Còn mẹ về thì cử tớ đến ở với ông. Chiều 30 tớ ở đây đón giao thừa luôn. Hôm nghe tin mình sẽ đón giao thừa ở một nơi khác nhà mình, tớ như bị sốt cao vậy. Hơi choáng váng mơ hồ. Nhưng nghĩ lại, năm ngoái tớ ngủ quên nên mồng 5 không lên sớm chụp hình với ông bà ngày Các cụ của xóm tổ chức. Tớ đã định ngồi chung với ông bà trong đại lễ các cụ (mà tớ không biết mặt ai), và chụp một tấm ảnh kỷ niệm. Năm nay tớ không muốn bị hối hận như thế nữa. Vậy nên buổi chiều tớ khăn gói ra đi.
Mợ Thoa bảo nhà bác Lập o Liên có 3 con trai mà cũng chẳng khác gì nhà 3 con gái, đều đón giao thừa mỗi hai ông bà. Tớ nhận ra là, trai hay gái, đều sẽ có gia đình của riêng mình. Lúc đó, người con không còn thấy đó là nhà mình nữa. Chỉ có người bố mẹ là vẫn nghĩ vẫn mong con mình về "nhà".
Hồi trước, tớ bảo nếu là người ủng hộ theo làn sóng nữ quyền, tớ chỉ đòi hai điều. Một là có bia size mini 200ml. Và hai là được đón giao thừa ở nhà mình, suốt đời. Nhưng mà, tớ đã rất đau lòng khi nghĩ rằng, kể cả con trai hay con gái, nơi các cậu đang gọi là nhà mình ấy, đang nghĩ là nơi quen thuộc như hơi thở ấy, sẽ có một ngày không còn là nhà các cậu nữa. Bố mẹ các cậu vẫn ở đó, vẫn là bố mẹ. Nhưng khi các cậu chuyển tên mình vào một hộ khẩu nhà khác, hay tự tạo cho mình một hộ khẩu mới, các cậu sẽ bớt xem đó là nhà mình hơn.
Tối giao thừa, ông cúng xong thì hai ông cháu ra ngoài cổng xem pháo hoa. Một ông già đúng tuổi và một đứa cháu không đúng tuổi cứ đứng lặng yên cạnh nhau, đầu ngước nhìn những đốm sáng phía trên. Tớ ngoảnh sang ông, không biết ông đang nghĩ gì. Mỗi lần xem pháo hoa, tớ lại nhớ một cảnh phim trong 5cm/s. Nhân vật nam đứng cạnh nhân vật nữ, cùng ngước nhìn sao băng. Lúc đó nhân vật nữ tính tỏ tình với bạn nam, nhưng giây phút đó bạn nữ biết là trong lòng ảnh không có mình. Vì giây phút ngước nhìn sao băng đó, anh ấy chỉ ngước đầu nhìn sao băng mà không một lần ngoái lại. Tớ nghĩ là, giây phút đó, trong đầu họ có câu chuyện hay hình ảnh gì, về ai, thì ắt hẳn rất là đáng nâng niu lưu giữ. Vậy nên tớ nghĩ lúc đó ông nhớ đến bà.
Sáng mồng 1 tỉnh dậy tớ chẳng có cảm giác gì sất. Muốn bịa ra một chút gì đó, ví như hụt hẫng khi mở mắt ra không phải là nhà mình như mọi năm, hay là khoan khoái trào dâng một thứ cảm xúc năng lượng của năm mới chẳng hạn. Nhưng chẳng có. Cảm giác chỉ như một ngày thường. Ông đã dậy và cứ ở trên phía nhà trên, đi đi lại lại nơi có hai bàn thờ. Tớ rửa mặt cột tóc, pha một cốc cafe thong thả nhấm nháp rồi chuẩn bị làm đồ cúng buổi trưa. Nghe thì to tát nghi thức nhưng thực ra mọi thứ đã được nấu trong tủ lạnh sẵn, tớ chỉ việc cắt ra và bày mâm. 
Ông bảo còn miếng su hào hôm qua dở, xào từng đó là được rồi. Dạ ông vậy. Nhưng nghĩ lại hôm nay là mồng 1, cần gì tranh thủ đến vậy. Phải trang hoàng một chút chứ. Thế là đi dép ra vườn, nhổ một củ su hào. Tỉa tót lá rồi gọt vỏ. Cạo vỏ thêm củ cả rốt nữa cho có màu đỏ, đưa vô cắt xào. Dù cũng chỉ xào 1/4 củ su hào (nhỏ hơn nửa củ cũ) và 1/2 củ cà rốt, nhưng cảm giác thật khác.  
Sợ nhất vẫn là phần tét bánh tét. Ở nhà là luôn nhường mẹ phần này đó. Bây giờ thì chẳng có ai Bánh gì mà dẻo từ ngoài vỏ dẻo vào. Mới bóc lớp lá ngoài thôi mà đám nếp chín dẻo phía trong đã lên tiếng. Thả bánh đó, tớ rửa tay sạch rồi thấp chút nước lọc vào tay. Đeo găng tay thì không thích mà tay khô thì dính. Có chút nước đỡ dính vào tay hơn. Tương tự thì xé nhỏ lấy một sợi giang trong đám giang lúc nãy cột bánh. Xé cho giang nhỏ chút nhưng phải đều khoẻ. Sợi khoẻ mới kéo tét được bánh. Mà sợi nhỏ thì lát bánh mới mịn. Một tay cầm bánh, một tay cầm một đầu sợi giang. Miệng ngậm đầu kia sợi giang rồi cúi người xuống, căn đưa sợi giang vào chiếc bánh để kéo. Hơi khó một chút vì tay trơn cầm cứ bị tuột. May chớ mang găng tay nữa thì thôi, tớ lấy dao cắt bánh còn hơn. Tớ soạn soạn, ông thì nghe video call các cậu mợ gọi về, cứ chạy vào quay hình tớ cho mọi người thấy. Thi thoảng ông ấn nhầm đâu đó, lại kêu sao ông không thấy gì Hạnh ơi. Dù mạng có kém thật, nghe không rõ tiếng thật, nhưng tớ đều thỏa mãn hài lòng mà hào phóng đánh giá Chất lượng cuộc gọi 5 sao. 
Vật vã thì cũng xong. Bàn thờ bà mâm nhỏ đĩa chén nhỏ. Bàn thờ tổ tiên mâm lớn. Bê lên rồi kêu ông cúng. Ông vui lắm, khen Hạnh làm tươm tất. Hạnh cười. Đương nhiên phải hơn ông rồi. Một hồi hạ mâm, ông cứ chờ xem có đứa nào sang không. Tớ gắng chờ một chút, rồi giục ông ăn: Nhà đứa nào cũng có Tết cũng có mâm hết mà ông. Thế là hai ông cháu ngồi ăn mâm cỗ mồng 1 Tết trong yên lặng.
Sẽ có một ngày các cậu sẽ có nhà mình mới, đón giao thừa ở một nhà khác, ngồi ăn gà giao thừa hay mâm cỗ với những con người khác. 
Hoặc như cuối phim thì Thất Nguyệt đã từ bỏ các ngôi nhà, đi tìm niềm vui và sự tự do cho riêng mình.
Nhưng có sao.
Với tớ, quan trọng là lúc ngẩng đầu ngắm pháo hoa, các cậu nghĩ tới ai.
-