Lý do mình viết bài này bắt đầu từ một đôi vợ chồng trẻ mà mình bắt gặp vào tối hôm trước ở quán ăn. Bắt đầu bằng một cuộc điện thoại mà người vợ gọi điện cho một phụ huynh của bạn của con trai mình để hỏi xem có đúng con mình đi tập bóng rổ không hay là nói dối để đi chơi.
Nếu chỉ dừng lại ở một cuộc điện thoại như thế thì cũng chả có vấn đề gì, ai mà chả có lúc hoài nghi, khác ở chỗ mỗi người thể hiện và hành động ra sao thôi. Tuy nhiên kết thúc cuộc điện thoại ấy, mình nghe được vài câu chuyện mà hai vợ chồng đó nói với nhau (những câu nói dưới đây không phải là mạch đối thoại xuyên suốt mà chỉ là những câu tôi nhớ):
"Nó không mở lòng với em anh ạ"
"Toàn dán mắt vào điện thoại thôi"
"Nó tan học lúc 4h15 mà 5h15 mới về đến nhà, chắc là lại đi chơi rồi, thời gian đấy nó chỉ chơi đủ 1 trận thôi"
"Có lẽ em phải thuê một bác xe ôm, trả cho bác ý 1 triệu một tháng để bác quan sát xem là con nó ra ngoài với tần suất như nào"
"Anh nghĩ nếu mình mà cảm thấy không quản được thì ra ngoài cứ khóa cửa lại, nó có làm gì được đâu"
Mình không phải phụ huynh của bất kì ai cả nên không thể biết được cảm giác của bậc làm cha mẹ khi muốn quản lý con cái. Cái mình biết là mình vẫn đang ở tuổi lớn và ở với cha mẹ hàng ngày nên mình biết được những điều cha mẹ làm khiến con cái thấy thoải mái. Và đương nhiên trong số đó không nên có việc bỏ tiền ra thuê người quan sát.
Mình chưa học môn triết học nhưng mình vẫn muốn gửi tới các bậc phụ huynh câu này vì khi nói cảm giác rất sang mồm:
"Mâu thuẫn và xung đột sẽ xảy ra khi nhu cầu không được thỏa mãn"
Hãy nói riêng trong trường hợp của đôi vợ chồng này là con của họ đi chơi điện tử sau giờ học và CÓ KHẢ NĂNG là nói dối bố mẹ để đi chơi. Mình cũng từng có một khoảng thời gian như thế đơn giản bởi vì máy tính nhà mình không chơi được game. Tuy nhiên sau khi có máy mới thì mình chả việc gì phải nói dối nữa vì nhu cầu đã được thỏa mãn rồi và mình cũng hiểu là không nên đòi hỏi thêm khi bố mẹ đã tạo điều kiện như thế. Tại sao lại phải bỏ 1 triệu 1 tháng để thuê người trong khi có thể bỏ tầm 5-10 triệu để mua một cái máy tính cho con nó chơi.
Ở cảm nhận của một người con, khi muốn chơi mà bị ngăn cấm thì cảm giác ham muốn ấy sẽ càng mãnh liệt hơn và cái bất thiện nó bắt đầu le lói.
Còn nếu nói rộng ra tất cả các trường hợp khác, cấm đoán sẽ tạo tâm lý tò mò, đặt ra luật thì sẽ tạo ra xu hướng phá luật, đơn giản vậy thôi.
Thay vì "Không được đi" hãy thử "Nhớ về sớm đấy"
Thay vì "Mày có biết bây giờ là mấy giờ rồi không?" hãy thử "Về muộn rất nguy hiểm đấy"
Tất nhiên mỗi vị phụ huynh sẽ có các cách quản lý của riêng mình và họ cho rằng vậy là ổn nhưng câu hỏi quan trọng là liệu con họ có thấy ổn hay không?
Và cuối cùng thì các phụ huynh vẫn là người đưa ra quyết định.