Phụ nữ thật tuyệt vời!
Dưới con mắt của một người đàn ông, tôi thấy họ thực sự đáng ngưỡng mộ, bởi họ làm được những điều mà tôi dù cố mấy cũng không thể...
Dưới con mắt của một người đàn ông, tôi thấy họ thực sự đáng ngưỡng mộ, bởi họ làm được những điều mà tôi dù cố mấy cũng không thể nào làm tốt bằng.
Họ có thể buôn đủ thứ chuyện trên trời dưới bể, liên quan hay không liên quan tới người nghe, hay thậm chí tới chính bản thân mình. Với một bộ não vô cùng logic từ khi sinh ra, tôi đôi khi thậm chí còn không nghĩ ra việc gì để nói, chỉ vì tôi thường xuyên có cái suy nghĩ "Cái đấy thì có liên quan gì mà kể? Kể ra có tác dụng gì đâu? Mà nó cũng có thú vị gì đâu?". Nhưng vợ tôi thì khác. Mỗi khi từ chỗ làm về, cô ấy luôn bắt đầu bằng việc kể cho tôi tất tần tật về những gì xảy ra ở chỗ làm của cô ấy ngày hôm đó. Mà không chỉ là những gì xảy ra ở bộ phận cô ấy làm, mà nguyên cả cái cửa hàng ấy luôn. Tôi biết là những thông tin ấy chả có ích gì cho tôi, cô ấy cũng biết điều ấy. Cơ mà cô ấy vẫn cứ kể, với một niềm đam mê bất diệt. Sau đó cô ấy sẽ hỏi tôi về ngày của tôi và mong chờ lòng nhiệt huyết tương ứng. Sau thời gian đầu tôi liên tục trả lời "Chẳng có gì để kể", cuối cùng tôi cũng (bị buộc phải) học được cách kể cho cô ấy nghe sáng tôi dậy làm gì, trưa ăn gì, việc gì xảy ra khi đi mua đồ ăn, chiều làm gì, lướt web thấy cái gì hay v..v.... Quả thực, ngay cả bây giờ mỗi khi kể như vậy, bộ não của tôi vẫn liên tục có những cuộc đấu đá về sự liên quan/logic của những gì tôi kể, nhưng để phục vụ nhu cầu buôn chuyện của vợ, tôi đành phải nhắm mắt làm ngơ.
Và không chỉ vợ tôi như vậy, cả bạn thân cô ấy, rồi cô người yêu của bạn thân của tôi (làm thế nào họ quấn lại được với nhau thì tôi cũng chịu) cũng có nhu cầu trao đổi thông tin lớn tới vậy, mặc kệ thông tin có là gì đi nữa. Một khi họ đã vào cầu thì họ có thể buôn tới cả tiếng đồng hồ mà không biết chán. Khi quan sát họ "theo đuổi đam mê" như vậy, tôi thấy họ thật....tuyệt vời. Ở một số trường hợp, tôi ước mình có thể làm được như họ. Tôi sinh ra ở nhà có 2 anh em trai, nên mẹ tôi là người phụ nữ duy nhất trong nhà. Mẹ tôi vẫn hay nói, giá như nhà có con gái thì mẹ đỡ buồn. Khi đó tôi chỉ nghĩ là mẹ nghĩ quá, vì con trai cũng như con gái có những ưu điểm riêng. Con gái thì có giúp mẹ bê vác đồ đạc nặng được không? Có bế mẹ lên cầu thang khi mẹ bị trẹo chân không? Ấy nhưng khi tôi để ý cách tôi và vợ tôi gọi về cho mẹ của mình, tôi mới hiểu được nhu cầu 'buôn chuyện' ấy của phụ nữ quan trọng với họ thế nào.
Đọc thêm:
Trung bình tôi gọi về cho mẹ tôi độ 2 tuần/lần. Không phải tôi cố tình sắp xếp thời gian như vậy, mà là tôi cảm thấy không có gì quan trọng để gọi về. Lúc gọi thì hầu như mang tính chất báo cáo xem có thay đổi gì lớn không, rồi hỏi han tình hình mọi người ở nhà. Biết đủ thông tin là xong, kết thúc cuộc gọi. Độ dài khoảng 15' là tối đa. Nhưng vợ tôi và mẹ cô ấy gọi cho nhau hằng ngày. Hằng ngày đấy mọi người ạ. Xưa khi tôi và vợ yêu xa, hai đứa cũng gọi nhau hằng ngày, nhưng sau khi trao đổi mấy câu hỏi lặp đi lặp lại như ăn cơm chưa, hôm nay có kế hoạch gì v...v... mất độ 5' thì chúng tôi sẽ để máy đấy để nhìn mặt nhau rồi ai lại làm việc của người ấy. Ấy nhưng cô ấy và mẹ cô ấy thì ngày nào cũng có tới hơn nửa tiếng gọi cho nhau. Đôi khi tôi cũng nhảy vào chào hỏi mẹ vợ, nhưng cũng chỉ được vài câu rồi tôi lại hết ý để nói (vì vừa mới hôm qua nói những gì cần nói xong) và chỉ nghe hai mẹ con cô ấy nói chuyện là chính.
Không phải tôi phàn nàn về việc đó. Ngược lại, tôi thấy rất ngưỡng mộ. Nếu tôi cũng làm được như vợ thì hẳn tinh thần mẹ tôi sẽ thoải mái hơn. Có phụ nữ trong nhà, nhà cửa cũng trở nên vui nhộn hơn nhờ đầy ắp tiếng người, mặc dù nói với tôi thì ít mà buôn với người khác thì nhiều.
Cái tôi của họ không lớn như đàn ông. Không phải là họ không có lòng tự trọng đâu nhé, chỉ là nó không lớn bằng thôi. Ví dụ, nếu tôi vô tình làm vợ tôi bực mình, tôi sẽ cố xuống nước và dỗ dành cô ấy ngay. Nhưng nếu cô ấy vẫn bực thì chỉ sau 2 3 câu xin lỗi là tôi sẽ để cô ấy một mình, phần vì cái đầu logic của tôi nghĩ "Đã xuống thế rồi mà còn dỗi nữa thì xuống thế chứ xuống nữa cũng chả có tác dụng gì", phần vì cái tôi của tôi không cho phép tôi hạ thấp bản thân mình quá lâu. Vợ tôi thì ngược lại. Nếu cô ấy làm tôi bực mình, cô ấy chỉ 'để tôi yên' được vài phút rồi sau đó sẽ chạy vào ôm chặt lấy xin lỗi tới bao giờ tôi chịu ôm lại mới thôi, thậm chí thấy căng còn giở bài ... khóc nhè. Tôi rõ ràng không (hay chưa?) làm được như vậy.
Khi tôi quan sát 2 đứa cháu của tôi, một trai một gái, tôi cũng thấy phản ứng tương tự. Nếu thằng anh làm sai và bị mắng, nó sẽ chui vào một góc khóc nhè, và phải dạy nó mới biết phải nói gì. Nhưng con bé em mà bị mắng, nó vừa khóc nhè vừa lại gần ôm lấy và thơm bố nó, rồi dù mới chỉ 4 tuổi nhưng đã biết nói "Con xin lỗi bố. Sau con sẽ không thế nữa ạ. Con yêu bố" dù không ai dạy hết.
Có thể thấy thiên chức giữ lửa cho gia đình của phụ nữ đã có từ khi sinh ra, và tôi thấy cách họ hàn gắn những mâu thuẫn giữa mọi người thật đẹp.
Cách họ chăm sóc con cái cũng rất đặc biệt mà đàn ông dù cố mấy cũng khó có thể copy được. Hai đứa cháu của tôi, khi muốn đi chơi đâu hay chơi cái gì, nó sẽ chạy tới hỏi bố nó, nhưng cứ ốm là bọn nó lại nhất quyết đòi mẹ chứ không đòi bố. Chị dâu tôi cũng hiểu được tâm lý bọn trẻ con thực sự muốn gì và điều chỉnh theo, trong khi anh trai tôi thì thường tương tác với chúng theo tư duy logic của một người lớn, vì thế dễ bực mình khi chúng không làm như anh ấy nghĩ. Ngay cả khi một cô gái chưa từng làm mẹ bao giờ phải chăm trẻ con, dường như bản năng của họ cũng sẽ ngay lập tức nói cho họ biết phải làm gì và làm như thế nào. Bản năng làm bố của chúng tôi dường như chỉ tập trung vào việc bảo vệ và chu cấp, còn việc nuôi dạy và chăm sóc con cái, dù rất muốn, nhưng vẫn không thể bì lại các chị em.
Đành rằng sự cứng nhắc ấy của đàn ông có một tác dụng khác mà chị em cũng không thể bắt chước được, nhưng tôi vẫn thấy họ thật đáng khâm phục
Và còn khâm phục hơn nữa khi trong xã hội hiện đại, họ không những phải mang nặng đẻ đau, vừa phải chăm con, vừa phải đi làm, vừa phải lo cơm nước cho cả nhà. Ngay cả khi có sự giúp đỡ và chia sẻ từ chồng, ngay cả khi họ không có áp lực làm trụ cột của gia đình, thì họ vẫn có quá nhiều thứ phải làm trong gia đình. Với tưng ấy sự bận rộn, áp lực từ công việc, cộng thêm tưng ấy việc ở nhà, mà họ vẫn luôn có thể dành cho con cái sự dịu dàng, kiên nhẫn để hiểu tâm lý bọn trẻ con, và giữ cho ngôi nhà luôn đầy ắp tiếng cười, đó chẳng phải là rất đáng ngưỡng mộ sao?
Và còn rất nhiều điều khác nữa mà nếu anh em chịu khó lùi lại và quan sát, chắc hẳn anh em cũng sẽ giống như tôi, thấy rằng Phụ Nữ là những sinh vật cực kỳ thú vị và đáng được nể phục :D Trung Thu này xin chúc các chị em có được người đàn ông biết trân trọng mình nhé, vì các chị xứng đáng được như vậy :D

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
Vậy nếu chỉ quan tâm tới tự tưởng mà không biết gì về thế sự và con người xung quanh thì có sao không anh?
"CHỈ quan tâm" là tuyệt đối rồi, nếu chỉ quan tâm tư tưởng thì làm sao mà sống được. Còn phải giao tiếp, kiếm tiền, lo cái ăn cái mặc nữa chứ. Haha.
Còn đầu tư tâm trí cho tư tưởng, thế sự, con người như thế nào, thì tùy người tùy cảnh.
Hình như em có đọc Kant nhỉ? Đấy, Kant dành rất nhiều thời giờ cho tư tưởng, và ông sống được bằng tư tưởng ông. Ông hầu như cả đời không đi du lịch, chỉ ở lỳ trong thị trấn của mình, tán gái thì kiểu "sau 3 năm lý luận kết hôn là đạo đức hay không, ông dứt khoát đến cầu hôn thì nàng bảo là đã có 2 mụn con". ^^
Mình tưởng câu này của Socrates chứ nhỉ ?
https://www.goodreads.com/author/quotes/275648.Socrates
Theo mình thì khác biệt nhiều vì môi trường tương tác thôi, trẻ em từ khi mới sinh đã rất nhạy cảm với phản ứng của người lớn. Mà vì nhận định của người lớn nên khi biết giới tính của đứa trẻ thì người ta tự nhiên cũng đã đối xử rất khác nhau rồi. Chưa kể sau khi đứa trẻ lớn lên qua giáo dục và tương tác xã hội lại càng khiến khác biệt sâu sắc giống như " tiên tri tự hoàn thành" vậy.
Thêm nữa qua một bộ phim tài liệu về giai đoạn đầu đời của trẻ trên Netflix mà mình từng xem rằng, nếu cả bố và mẹ đều dành thời gian như nhau chăm sóc cho em bé từ khi mới sinh, thì liên kết gắn bó tình cảm ở não của cả bố và mẹ với đứa trẻ sẽ phát triển như nhau. Tức là dù nam giới nếu dành thời gian chăm sóc và tương tác với trẻ em nhiều thì hoàn toàn có khả năng chăm trẻ không thua kém gì nữ giới cả.
Về phần "buôn chuyện", đó là kĩ năng xã hội. Mọi người nếu từng đọc cuốn " sapiens lược sử loài người" thì tác giả cũng có đề cập đến việc buôn chuyện rất quan trọng trong đời sống xã hội của loài người. Ở phụ nữ thì ta có thể không khó tìm thấy, nhưng ở nam giới quan niệm "nam tính" không khuyến khích đặc điểm này. Nhưng cũng ko khó để thấy một số nam giới có xu hướng nói nhiều, hoặc như văn hóa nhậu, khi say mọi người thường dễ bộc lộ bản thân và chắc không khó để mọi người thấy những cuộc nhậu ồn ào mà ở đó nam giới có xu hướng nói nhiều hơn bình thường.
Qua quan sát cũng tìm thấy rằng ở những loài linh trưởng với đời sống cộng đồng gần giống với loài người, trong trường hợp đầu đàn là con đực, thì con có uy tin nhất trong bầy là con đực bình thường nhưng thường xuyên tương tác qua bắt trấy, rận hay quan tâm các con trong bầy đàn. Nên " buôn chuyện" hoàn toàn chỉ là kĩ năng và có thể học hỏi. Như mình là nữ, nói chuyện nhiều cũng khiến mình cảm thấy thân thiết hơn với đối phương, càng cảm thấy đối phương tiếp nhận trao đổi, càng được thúc đẩy nói chuyện nhiều hơn. Nhưng ngược lại mình cũng dựa vào đối tượng và cả nội dung những câu chuyện để điều tiết cho hợp lý.
Theo mình "buôn chuyện" hấp dẫn vì không chỉ mang thông tin nó còn mang cảm xúc của người nói, như vui, buồn hay chán ghét. Mà gắn kết tức là hai bên cảm nhận được sự cởi mở của đối phương, nếu các bạn nam và nữ có thể bày tỏ cảm xúc với người họ tin tưởng thì tác dụng giải tỏa cảm xúc rất tốt có thể thay thế cho những thứ như rượu, thuốc lá. Nếu nữ được học và khuyến khích từ bé thì nam lại thường theo hướng đè nén kĩ năng này hơn, ở một vài khía cạnh nó không tốt cho sức khỏe tâm lý.
Mình nghĩ đã là con người có cảm xúc thì nói chuyện hoặc " buôn chuyện" nên được hiểu và học hỏi nhiều hơn vì nó ko phải món quà thượng đế mà chỉ là một kĩ năng rất cần thiết ko chỉ giao tiếp mà còn cho bản thân người đó. Vì con người là sinh vật cộng đồng mà. Vậy nên kĩ năng thì nếu muốn mọi người hoàn toàn có thể cải thiện và pháp triển nhé!