Phóng viên ảnh – người hùng đối mặt với tử thần Covid-19 sau ống kính
Không chỉ có bác sĩ, phóng viên ảnh cũng là một trong những đối tượng mạo hiểm mạng sống của bản thân trong quá trình tác nghiệp mùa...
Không chỉ có bác sĩ, phóng viên ảnh cũng là một trong những đối tượng mạo hiểm mạng sống của bản thân trong quá trình tác nghiệp mùa đại dịch.
Mới đây, CNN đã kể lại câu chuyện và mối nguy hiểm rình rập mạng sống của các phóng viên ảnh đằng sau những thước phim chân thực có chung tên gọi Covid-19.
Lola Gomez là một phóng viên ảnh người Mỹ gốc Hoa. Trong một video quay tại giường bệnh nơi cô đang hồi phục sau khi bị nhiễm vi-rút corona, Gomez đã mô tả lại tình trạng mà các phóng viên ảnh như cô phải đối mặt khi tác nghiệp tại hiện trường có dịch bệnh.
“Khác với các phóng viên đang làm việc tại nhà thì những nhiếp ảnh gia như chúng tôi lại không thể”, Gomez nói trong một video đăng tải trên Facebook hôm 01/04. “Chúng tôi làm việc ngoài kia để tường thuật cho mọi người biết tình hình đang diễn ra như thế nào, mạo hiểm mạng sống của mình theo đúng nghĩa đen. Vì vậy, hãy tử tế khi bạn trông thấy chúng tôi bên ngoài.”
Sau cơn bùng phát đại dịch vi-rút corona, các tòa soạn báo trên khắp nước Mỹ đã đóng cửa văn phòng, thực hiện cách ly cộng đồng nhằm hạn chế sự lây lan của căn bệnh chết người này. Nhưng trong lúc nhiều phóng viên có thể làm việc từ xa, truyền tải thông tin qua video, tin nhắn, gọi điện, thì các phóng viên ảnh lại đặt bản thân vào con đường nguy hiểm khi thực hiện tác nghiệp trực tiếp tại hiện trường.
Hồi tháng trước, nhiếp ảnh gia tự do Whitney Curtis đã đến nhà của hai chuyên gia y tế để thực hiện đề tài cho tờ Washington Post về câu chuyện của các nhân viên chăm sóc sức khỏe – những người lo sợ lây nhiễm vi-rút corona cho gia đình họ.
Curties nói với CNN rằng cô sử dụng nước rửa và đeo khẩu trang N95 trước khi bước vào nhà họ. Cô lên tiếng gọi thay vì gõ cửa vào. Cô rửa tay thêm lần nữa khi bước vào bên trong. Cô chuẩn bị tư trang ít ỏi – chỉ là một chiếc đai đeo quanh eo – và không để bất cứ thứ gì xuống sàn hay tiếp xúc với các bề mặt khác. Sau đó cô về nhà, thay quần áo, khử trùng dụng cụ và đi tắm.
“Lo sợ lớn nhất của tôi là bản thân bị lây nhiễm nhưng không xuất hiện triệu chứng”, Curtis nói. “Đó là phần khó khăn nhất của câu chuyện này. Là phóng viên ảnh, chúng tôi quen đặt bản thân vào những tình huống hiểm nguy và có hại cho sức khỏe. Chúng tôi là những người duy nhất chịu rủi ro. Chúng tôi không đặt những người khác phải đối mặt với những nguy cơ giống mình.”
John Moore là phóng viên đặc biệt của Getty Images. Anh đã bay đến Seattle hồi đầu tháng Ba cho nhiệm vụ đầu tiên của mình phản ánh tác động của vi-rút corona. Anh đã chụp những con đường vắng tanh và đi thăm Viện dưỡng lão Life Care tại Kirkland, Washington – tâm chấn của Covid-19 trong những ngày đầu tiên bùng phát đại dịch. Theo các quan chức địa phương, đã có ít nhất 35 trường hợp tử vong có liên quan đến nơi này.
Một tuần sau, Moore bay về New York và bắt đầu ghi lại hình ảnh cuộc sống ở các vùng ngoại ô tại đây, như Westchester County, Long Island và Stamford, Connecticut, nơi anh đang sinh sống.
“Giống như những phóng viên ảnh khác, tôi tác nghiệp tại các trung tâm xét nghiệm lưu động, ngoài ra cố gắng tập trung vào các gia đình đang cách ly tại nhà”, Moore nói.
“Tôi chụp ảnh hai gia đình không có giấy tờ cư trú từ Honduras. Họ đã thuê một ngôi nhà sống cùng nhau tại Long Island. Một người trong số đó bị bệnh và những thành viên còn lại nhanh chóng bị lây theo, sau đó họ tự cách ly tại nhà trong vòng hai tuần.”
Khi chụp hình tại các gia đình bị nhiễm bệnh, Moora cho biết anh mặc một bộ Tyvek, chân mang giày ủng, mang găng tay cao su hai lớp và đeo mặt nạ chống độc đầy đủ.
“Trước đó, tôi đã nói chuyện với một trong số họ nên họ không quá ngạc nhiên khi tôi xuất hiện trước cửa và mặc một bộ đồ không gian như đang ở ngoài vũ trụ”, Moore nói.
Tuần này, Moore đã đi cùng các đơn vị EMT và mang mặt nạ N95, găng tay cùng một chiếc tạp dề.
Benjamin Norman, một nhiếp ảnh gia tự do sống tại New York, đã bay đến Florida hồi tháng trước để lấy tin cho giải đấu golf thường niên The Players Championship. Nhưng sau đó cuộc thi bị hủy, anh bay về New York và bắt đầu săn ảnh về những tác động của đại dịch lên thành phố.
“Tôi cũng sợ bị mắc bệnh như mọi người thôi”, Norman nói. “Thứ duy nhất khiến tôi tiếp tục công việc này vì nó diễn ra tại nơi tôi sinh sống. Và tôi là người bản địa. Tôi tự hào mình là một nhiếp ảnh gia địa phương và tất cả những điều bất ngờ này diễn ra trong vùng đất của tôi”.
Với tờ New York Times, Norman chụp ảnh các con đường vắng tanh trong thành phố. Với Tạp chí Time, anh vào bên trong Trung tâm y tế Maimonide ở Brooklyn để ghi nhận cảnh các nhân viên chăm sóc sức khỏe đang làm việc. Bên trong phòng cấp cứu, anh cho biết mình được trang bị những đồ bảo hộ giống với bác sĩ và y tá khi cũng đeo khẩu trang, găng tay và kính bảo hộ. Anh nói bản thân đã luyện tập “cách ly xã hội nghiêm túc” và không đặt thiết bị của mình xuống bất kỳ bề mặt nào.
“Các phóng viên đã làm rất tốt trong việc cung cấp dữ liệu và mức độ lan rộng của dịch bệnh. Giờ đây là công việc của các phóng viên ảnh trong việc truyền tải các thông tin đó dưới dạng hình ảnh”, Norman nói. “Đối với tôi, đó là những ghi nhận tại bệnh viện nơi con người đang sống trong những khoảnh khắc đối mặt với sự sống hay cái chết.”
Paul Gillespie, nhiếp ảnh gia của tòa soạn Capital Gazette tại Annapolis, Maryland cho biết việc săn ảnh về đại dịch gợi anh nhớ đến phần nào quá trình tác nghiệp hậu quả sau sự kiện đánh bom khủng bố ngày 11/09.
Nhưng trải nghiệm mà Covid-19 đem lại khiến anh liên tưởng nhiều hơn đến loạt vụ tấn công bắn tỉa rải rác của D.C hồi tháng 10/2002, khi hai kẻ khủng bố trong nước giết chết 10 người trong 3 tuần.
“Bạn có thể dính vi rút này ở bất cứ đâu giống như tay sung bắn tỉa đó có thể bắn vào bạn ở bất cứ địa điểm nào”, Gillespie nói.
Nhưng bất chấp nỗi lo sợ, Gillespie đã ghi lại những hình ảnh của đại dịch Covid-19 cho tờ báo địa phương, nơi anh đã làm việc trong gần 20 năm qua. Khi không có nhiệm vụ đặc biệt nào, anh lái xe quanh thành phố tìm kiếm và ghi lại những hình ảnh. Tuần trước, anh phát hiện có một hàng thú nhồi bông xếp dọc ngoài hàng rào và chủ nhà nói với anh rằng đang có một “cuộc đi săn” cho bọn trẻ.
Hồi tháng Hai, phóng viên ảnh Ted Warren của hãng thông tấn AP đã chụp các sự kiện thể thao, một cuộc biểu tình phản đối Bernie Sanders, máy bay Boeing và một cửa hàng tạp hóa mới của Amazon. Nhưng kể từ tháng Ba đến nay, anh chỉ chụp một chủ đề duy nhất là vi-rút corona.
Warren cho biết, nhiệm vụ đầu tiên của anh liên quan tới vi-rút corona là một buổi họp báo hồi đầu năm vào ngày 22/01 với các quan chức y tế của tiểu bang Washington về phản hồi trước ca nhiễm vi-rút đầu tiên tại Mỹ. Ngày hôm sau, anh chụp ảnh nhân viên y tế bên trong một bệnh viện tại Everett, Washington.
“Khi tôi chụp ảnh cho trận đấu mở màn của câu lạc bộ bóng đá Seattle Sounders hôm 01/03 – với sự chút trọng đặc biệt vào các trạm rửa tay sát khuẩn mới được đặt tại sân vận động – thì câu chuyện Covid-19 đã lan rộng, và vi-rút corona chiếm gần như 100% những thứ mà tôi chụp kể từ thời điểm đó”, Warren cho biết.
Khi Warren tiếp tục ghi nhận những hình ảnh về đại dịch, anh cho biết mình mong muốn chụp những bức ảnh thường ngày khi những yêu cầu cách ly xã hội được dỡ bỏ.
“Ôm, bắt tay, chơi bóng chày trong thành phố và tận hưởng cuộc sống khỏe mạnh và những hoạt động thường ngày”, Warren nói, “Đó sẽ là một ngày rất tuyệt.”
John Bridges – Tổng biên tập tờ Austin American - Stateman cũng đã đưa ra một tuyên bố trên CNN hôm thứ Sáu trong việc bày tỏ lòng biết ơn của ông đối với Gomez và các phóng viên cùng phóng viên ảnh đang tác nghiệp trong mùa dịch.
“Nhiều người không đánh giá cao những nguy hiểm mà các nhà báo, đặc biệt là các phóng viên ảnh, thường xuyên phải đối mặt trong nỗ lực kêt lại câu chuyện hay ghi nhận lại những khoảnh khoắc,” ông nói. “Điều đó đặc biệt đúng khi mối nguy hiểm kia là một thứ vô hình. Chúng ta sẽ không bao giờ biết Lola bị nhiễm vi-rút ở đâu, trong lúc cô đang làm nhiệm vụ hay chỉ trong quá trình sinh hoạt hằng ngày.
Bất kể cô ấy làm gì, thì cam kết của cô trong quá trình quay tài liệu cho khủng hoảng ở Austin – và cam kết của các nhà báo và các phóng viên ảnh ở khắp mọi nơi trên thế giới – cũng xứng đáng nhận được sự đánh giá cao và biết ơn của chúng ta.”
Cũng trong hôm thứ Sáu, Statesman đã cho phát hành câu chuyện của Gomez như nhân chứng kể lại từ những ngày khỏe mạnh cho đến lúc phát hiện bản thân nhiễm bệnh. Cô cho biết mình phải thuật lại câu chuyện cho một đồng nghiệp ghi lại khi đang nằm trên giường bệnh.
“Tôi muốn chia sẻ câu chuyện của mình với tư cách là một nhà báo, và là một người bình thường, để cho thấy không ai trong chúng ta là ngoại lệ trước dịch bệnh này”, cô nói. “Nếu người dân không tin vào tin tức, thì ít nhất họ cũng nên tin vào câu chuyện của người trong cuộc, những người đang kể lại những câu chuyện mà bản thân đang sống chung với căn bệnh hiểm nghèo này”.
Chuột Gặm Sách (theo CNN)
Bài viết được dịch từ link gốc tại: https://edition.cnn.com/2020/04/03/media/photojournalists-coronavirus/index.html
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất