Khi bước vào một nhà hàng sang trọng hay đến một quán ăn vặt trên vỉa hè, mọi người có để ý rằng trong thực đơn phụ luôn có món khoai tây không? Vì khoai tây rẻ? Vì nó là món ăn khá vừa miệng và phù hợp với nhiều thực khách? Đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà là kết quả của một quá trình kéo dài suốt hàng trăm năm của việc trồng khoai tây - loại lương thực đã đóng góp một phần quan trọng vào sự phát triển của nhân loại. 
Chỉ khoảng 600 năm trước, nếu hỏi hầu hết mọi người trên thế giới củ khoai tây là gì, chắc chẳng có ai có thể trả lời được cho bạn vì đơn giản là ở toàn lục địa Á-Âu và châu Phi không tồn tại loại thực vậy này. Khoai tây lúc ấy chỉ có tại Nam Mỹ, 8000 năm trước những bộ lạc sống ở dãy Andes (Peru ngày nay) đã biết trồng khoai tây để làm lương thực. Với nguồn dinh dưỡng lớn cung cấp cả tinh bột, đạm, chất béo, ... và đặc biệt dễ trồng, khoai tây là một nguồn lương thực hoàn hảo cho vùng đất vốn dĩ thưa đất trồng trọt này. Dần dần, loại lương thực này trở thành nền móng cho sự phát triển rực rỡ của nền văn minh tại Nam Mỹ.
Khoai tây đã được trồng tại dãy Andes hàng ngàn năm trước
Và rồi, con người bước vào Kỷ nguyên Khám phá - Age of Discovery, những kẻ chinh phục đến từ châu Âu tiến vào châu Mỹ, hủy diệt các nền văn minh bản địa, cướp bóc vàng bạc châu báu và tất nhiên không quên mang theo những đặc sản địa phương. Khoai tây chính là một trong số đó. Và có lẽ những tay chinh phục người Tây Ban Nha khi mang thứ này về chắc hẳn cũng không nghĩ rằng đó là khoảnh khắc họ đã thay đổi lịch sử thế giới mãi mãi.
Ngược dòng lịch sử một chút, về châu Âu, từ thời Cổ đại đến Trung đại luôn gặp vấn đề lớn về lương thực, khí hậu lạnh và dịch bệnh là nguyên nhân chính khiến cho sản lượng nông nghiệp của châu Âu luôn ở mức thấp. Từ thời cổ đại, đế chế La Mã đã phải dựa vào nguồn lương thực đến từ Bắc Phi để duy trì đế quốc. Đến thời Trung đại, nền nông nghiệp thu hẹp lại thành các đồn điền tự cung tự cấp của các lãnh chúa. Loại lương thực chính tại châu Âu là ngũ cốc, trong đó người nghèo phải ăn những loại lúa mạch, yến mạch rất khó chế biến, chỉ có tầng lớp thượng lưu mới có lúa mì để ăn. Điều này vô hình chung khiến cho kinh tế và quy mô dân số của châu lục này luôn thấp. Và khi một loại lương thực mới toanh - khoai tây từ Tân thế giới đến với châu Âu vào thế kỉ 16, nó đã xoay chuyển ngoạn mục nền nông nghiệp của toàn bộ lục địa già.
Người Châu Âu trước khi có khoai tây luôn bị đe dọa bởi nạn đói
Nhưng vẫn chưa phải lúc. Thật khôi hài là khi mới du nhập vào châu Âu, người dân ở đây rất coi thường khoai tây. Đối với họ, khoai tây chẳng có gì đặc sắc: một loại lương thực nhạt nhẽo, xấu xí và đến từ một vùng đất xa lạ. Thậm chí, thay vì để ăn, khoai tây trở thành một loại cây cảnh cho giới quý tộc. Chính vì lẽ đó, khoai tây giống như một thứ bỏ đi, một loại lương thực mà chỉ đám dân mạt hạng nghèo khổ bần cùng mới đụng vào. Cứ thế dần dần, vì sức sống mãnh liệt của cây khoai tây và sự rẻ mạt của củ khoai tây, hầu như toàn bộ dân nghèo của châu Âu đều sử dụng loại thực phẩm này. Dần dần trong âm thầm, khoai tây thay thế lúa mạch và yến mạch trên bàn ăn của người nghèo từ Pháp,  Hà Lan, các thành bang của Thánh chế La Mã cho đến đảo quốc Anh hay bên kia biển Baltic, ở nước Nga xa xôi. Để rồi sau 200 năm từ lúc du nhập vào châu Âu, năm 1750 - chính là năm đánh dấu Khoai tây là lương thực chính của cả châu Âu.
Khoai tây với đặc điểm về dinh dưỡng và khả năng canh tác dễ dàng với chi phí rẻ nhìn chung đã xóa bỏ vấn đề an ninh lương thực của châu Âu trong thế kỉ thứ 18, đồng thời giúp cho châu lục bước vào thời kì bùng nổ dân số, với nhân công ngày một đông và không cần lo nghĩ về bữa ăn mỗi ngày. Đi cùng với sự phát triển của nông nghiệp và dân số, chính là sự cất cánh về kinh tế. Các đế chế mới được hình thành như Anh, Áo, Hà Lan, Phổ, Nga dựa vào sự phát triển đó, bắt đầu xâm chiếm đất đai ở châu Mỹ, châu Á, châu Phi. Ở cường quốc trẻ - Phổ, vua Frederick II đại đế được gọi là Kartoffelkönig hay Vua khoai tây vì ông đã thuyết phục nông dân nước mình trồng khoai tây diện rộng. Vụ mùa khoai tây ở Pháp thì tăng hàng năm, đến giữa thế kỉ 19, nước này thu hoạch đến hơn 4 triệu tấn khoai tây giúp Pháp vượt qua thuyết bẫy dân số của Malthus. Đặc biệt tại Anh, khoai tây chính là nền tảng cho cuộc Cách mạng Công nghiệp vào thế kỷ 19, với chi phí rẻ và dễ dàng trồng trọt giúp nuôi sống một nguồn nhân công khổng lồ. Friedrich Engels mô tả vai trò của khoai tây trong cuộc cách mạng công nghiệp không kém gì sắt thép. Cuộc cách mạng công nghiệp thay đổi hoàn toàn bộ mặt của thế giới với điện, máy hơi nước, xe lửa, máy điện báo, ... đưa nhân loại bước vào kỷ nguyên hiện đại của máy móc.
Frederick II - Vua khoai tây - Kartoffelkönig
Như cuốn bách khoa toàn thư về nông nghiệp Le Bon Jardinier đã ghi lại:
"Chưa từng có loại hoa màu nào được viết nhiều như thế, cũng như được nhiều người cảm khái đến vậy ..."
Không chỉ làm thay đổi lục địa già, khoai tây còn được mang tới châu Á, châu Phi và Bắc Mỹ theo dấu chân của người châu Âu. Mỗi nơi, khoai tây lại mang đến sự trợ giúp cho nền nông nghiệp sở tại và khắc phục tình trạng nghèo đói. Tại Đông Á, sự bùng nổ dân số dưới thời nhà Thanh được giải quyết với khoai tây. Không chỉ vậy khoai tây cũng xuất hiện trong ngự yến hoàng cung như một loại đặc sản cho hoàng đế sử dụng. Không chỉ Trung Quốc, khoai tây cũng góp phần nuôi dưỡng người dân Ấn Độ trong thời kỳ trở thành thuộc địa của Anh. Cho đến ngày nay khoai tây là một thực phẩm tất yếu đối với người Ấn Độ. Ngoài ra, bạn có biết thủ phủ khoai tây của thế giới nằm ở đâu không? Đó là thành phố Blackfoot, Idaho, Mỹ. Nói như vậy để hiểu rằng khoai tây ảnh hưởng đến nước Mỹ như thế nào. Từ một loại thực phẩm du nhập, khoai tây đã trở thành biểu tượng của văn hóa Mỹ với nền công nghiệp đồ ăn nhanh. Ảnh hưởng của nó chính là ngày nay, đi bất cứ nhà hàng tiêu chuẩn nào trên nước Mỹ hay thế giới, chúng ta sẽ luôn có món khoai tây chiên.
Khoai tây giúp nuôi sống con người trong suốt hàng thế kỷ - Tranh "Potato Eaters" của Vincent van Gogh
Cái gì cũng có mặt trái của nó, khoai tây cũng vậy. Cuộc khủng hoảng khoai tây vào giữa thế kỷ 19 tại Ireland chính là minh chứng cho việc quá phụ thuộc sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng. Ireland vốn là một đảo quốc nghèo đói cho đến khi du nhập khoai tây vào cuối thế kỉ 16. Từ đó, nền nông nghiệp và dân số ở đây cũng giống như toàn bộ châu Âu đều phát triển vượt bậc. Đến giữa thế kỉ 19, dân số Ireland đã tăng lên 8 triệu người so với mức 1 triệu trước đó hơn 200 năm. Tuy nhiên quốc gia này quá phụ thuộc vào khoai tây làm nguồn lương thực nên khi một dịch bệnh lạ tàn phá cây khoai tây từ năm 1845 đến 1852 đã dẫn đến một trong những thảm họa tồi tệ nhất lịch sử khiến hơn 1 triệu người chết đói và 2 triệu người phải tha hương cầu thực, dẫn đến một làn sóng người Ireland nhập cư khắp thế giới. Tuy nhiên bất chấp việc đó, khoai tây vẫn là nguồn lương thực xương sống của đa số các quốc gia phương Tây và trên thế giới.
Và cho đến thời điểm này, khi thế giới bước vào thập niên thứ 3 của thế kỷ 21, khoai tây vẫn là thực phẩm được tiêu thụ đứng thứ 3 thế giới sau gạo và lúa mì, được LHQ coi là thực phẩm bảo đảm an ninh lương thực toàn thế giới. Và thực sự loài người chúng ta cần cảm ơn những củ khoai tây đã gánh vác trọng trách phát triển thế giới và bảo đảm lương thực suốt hàng trăm năm qua, để chúng ta hàng ngày vẫn có thể ăn Khoai tây chiên sốt thịt Pho mai ngon tuyệt cú mèo và xem Netflix suốt đêm.
Dựa theo Video: History through the eyes of the potato - Leo Bear-McGuinness (TED-Ed).
*Haizz cũng 4 năm rồi chưa viết bài trên ổ Nhện, nên khả năng viết cũng giảm sút, mong các bạn thông cảm. Mình còn cả đống nháp từ 4 năm trước chưa viết tiếp, mong là đây sẽ không phải bài duy nhất trong năm nay ^_^