Tại sao tôi lại viết bài này

Tôi là Dược sĩ. Mặc dù tôi không phải thề thốt gì cả, nhưng trách nhiệm của tôi có một phần là nâng cao sức khỏe cho cả cộng đồng, chứ không phải chỉ đơn thuần là ngồi cấp thuốc cho những người bệnh.
Gần đây, một số lượng lớn người bên cạnh tôi bắt đầu đọc những quyển như "Nhân tố Enzyme" của ông bác sĩ Shinya Hiromi chẳng hạn. Một số thì tin sái cổ, một số thì mong rằng tôi có thể đưa ra thông tin khoa học xem thực chất thì những điều đó có thật hay không. Sự thật thì tôi có đọc tập 1 của bộ "Nhân tố enzyme" đó, (và tôi nói thật là từ đầu chí cuối chỉ có những điều hàm hồ vô lý, sai về mặt khoa học). Tôi cũng đã chuẩn bị những bài viết khá công phu để lật mặt ông tác giả lừa đảo. Nhưng tôi đã thua ngay từ khâu chuẩn bị, lý do thì thế này:
<i>Ừ bạn đúng rồi, bạn là nhất?</i>
Ừ bạn đúng rồi, bạn là nhất?
Ngay lúc đó, tôi nhận ra rằng mình đã đi sai hướng. Có lẽ bất kỳ một người có lý trí nào, bất kỳ một đồng nghiệp nào của tôi, nói rộng ra, là bất kỳ một người bình thường nào cũng có thể nhìn ra những điều bất thường đằng sau "Nhân tố Enzyme". Những người đấy thì mới có khả năng hiểu được cái mớ lý luận khoa học.
Nhưng đấy lại không phải mục tiêu mà tôi hướng đến - những người không hề có kiến thức khoa học, hoặc là kiến thức khoa học không đầy đủ. Những người không có khả năng tư duy một cách độc lập vượt khỏi những gì mà họ có định kiến.
Tôi cũng không muốn phản biện về "Nhân tố Enzyme" ở đây, vì nó chỉ là cái vỏ, cái biểu hiện ra ngoài. Cái biểu hiện này, chẳng khác gì Hydra. Cho dù mình có may mắn thành công chặt được đầu nó, thì cũng sẽ có "thực dưỡng kiểu mới", "nước uống không hydro nặng bảo vệ sức khỏe", "không dùng protein" ... mọc lên mà thôi.
Mục đích của bài viết này là để đánh vào cái bản chất của nó, cái mà tất cả những thứ ngụy khoa học đều gần tương tự nhau. Tôi cũng không thể giết được nó (cũng có thể mình viết xong bài này, nó sẽ giết mình chăng?), nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức để nhận diện xem, vấn đề phải đối mặt là gì. Theo những gì tôi nhìn nhận được, thì thứ phải đối mặt ở đây không phải là ngụy khoa học, cũng không phải là chủ nghĩa gì cụ thể mà là một "giáo phái ngụy khoa học".
Vậy đó, đó là mục đích của tôi, đưa luôn lên đầu, để không gây tốn thời gian của các bạn. Nếu các bạn không có mục đích đó, thì dừng lại ở đây được rồi.
Giới hạn của bài viết: Giới hạn lớn nhất của bài viết là tôi - một người nghiên cứu về tâm lý nghiệp dư. Tôi cũng không có nhiều kiến thức trong mảng tâm lý bầy đàn. Vì thế trong quá trình phân tích, sẽ có (nhiều) lỗi. Mong có thể nhận được góp ý từ các bạn.

Giáo phái và giáo phái kiểu mới - cách thức hoạt động

Về giáo phái

Nhiều người không lạ lùng gì về giáo phái, ví dụ như những Jim Jones, những Father Divine hay Shoko Asahara.
Ai cũng hiểu rằng, trong điều kiện bình thường, chẳng một ai (cho dù có thực sự muốn) lại đi tự sát hoặc giết người cả. Nhưng những điều mà Shoko hay Jim Jones đã làm thì có thể nói là vượt ngoài mức tưởng tượng. Chẳng hạn như việc Shoko đã thực sự tập hợp được giới "tinh hoa" khoa học để chế tạo được khí độc thần kinh Sarin giết chết 12 người, làm 5000 người ngộ độc, hay Jones có thể khiến 900 người tự sát.
Để có thể làm được điều này, các giáo phái mới nổi này đều có 3 (hoặc 4) điều kiện tiên quyết như sau:
1. Thủ lĩnh: Người thủ lĩnh này thường có đặc điểm toàn năng, luôn yêu mến mọi người. Đôi khi được mô tả như là người duy nhất có thể đem đến niềm hạnh phúc. Họ thường là người rất lôi cuốn, có sức hút, nhưng cũng rất biết cách kiểm soát người khác. Ở hai ví dụ trên, Jim Jones thì đẹp trai lịch lãm, còn tên Shoko, mặc dù trông giống một tên ăn mày, nhưng lại giỏi nói đạo lý.
2. Chiến thuật thao túng tâm lý (còn được tách ra thành hệ thống niềm tin và hệ thống điều khiển):
Họ thường tạo nên một niềm tin mới dựa trên những niềm tin đã có. Ví dụ như sử dụng Kinh Thánh rồi sau đấy xây những điều huyễn hoặc và những giáo lý dựa trên Kinh Thánh. Đây cũng là chiến thuật của những "giáo phái NNN", "giáo phái The Red Pill" thường được sử dụng. Vì chúng ta (dù có đạo hoặc không đạo) đều coi Kinh Thánh có tính thách tích, nên những hệ thống này thường được tiếp nhận và không có nghi ngờ gì. Đây cũng là lý do tại sao bạn Tornad phản biện về NNN với The Red Pill lại phải trích kinh thánh dài mấy vạn chữ.
Ở phương Đông, hệ thống này cũng được lợi dụng một cách tối đa, chẳng hạn như môn Pháp LC gì đó không tiện nói tên, cũng có một quyển sách khẳng định rằng họ là pháp môn phật gia, nhưng lại không phải là pháp môn nhà Phật (?). Cách thức tu tập lại na ná như Phật Pháp nhưng thực chất không phải là Phật pháp. Vì chúng được xây dựng theo phương pháp 7 thực 3 hư hoặc thậm chí 3 thực, 7 hư, nên người được tiếp nhận thường có ít sự đề phòng (hoặc không đề phòng được). Điều này cũng giống như việc có một bộ phận lớn người có kiến thức vẫn coi những điều được viết trong Tam Quốc Diễn Nghĩa là thật 100% và coi đó là lý thuyết sống, mặc dù bất kỳ lời tựa nào cũng viết câu:
Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa, là một tiểu thuyết về lịch sử Trung Quốc được La Quán Trung viết vào thế kỷ 14, kể về thời kỳ hỗn loạn Tam Quốc (190–280) với 120 chương hồi, theo phương pháp bảy thực ba hư (bảy phần thực ba phần hư cấu).
3. Lợi dụng (còn gọi là hệ thống ảnh hưởng)
Sự lợi dụng là phần không thể thiếu được đối với các giáo phái (hoặc gọi là tôn giáo kiểu mới) loại này. Hầu hết sẽ là từ lợi dụng tinh thần đến tài chính. Như trong trường hợp của Shoko, tên này thành công đến mức có thể bán lông của mình, cho tín đồ đun nước uống, bán nước tắm, để tín đồ uống gia tăng hệ miễn dịch. Thậm chí có cả những tín đồ sẵn sàng quyên góp vô điều kiện. Một số giáo phái khác thì yêu cầu quyên góp 10% thu nhập để sử dụng làm tiền bạc khi đi sang thế giới bên kia...

Vậy còn giáo phái kiểu mới thì sao, đặc điểm của chúng là gì?

Khi nói về các giáo phái kiểu mới - giáo phái ngụy khoa học thì câu chuyện lại trở nên rất khác. Vì:
1. Thường không có người lãnh đạo
2. Thường dựa trên ngụy khoa học, không, hoặc hiếm phát hiện yếu tố tẩy não
3. Thường không "bóc lột". Mặc dù rất ít những người sử dụng những học thuyết ở mục 2 để bán thực phẩm, lập nhóm để kiếm lợi nhuận, đồ "dương" để giúp khỏe thêm. Nhưng hầu hết trường hợp như thể là "hội trái đất phẳng" chẳng hạn, thì có cái gì để bóc lột đâu?
Tức là, những tôn giáo kiểu giáo phái ngụy khoa học không có 3 yếu tố hình thành một cách điển hình, nhưng lại vẫn mang đặc điểm của một giáo phái, đấy là tính quy tụ của giáo đồsự mất khả năng nhận thức của cá nhân khi ở trong tập thể đó. Vậy thì, những yếu tố nào cấu thành một giáo phái kiểu ngụy khoa học này? Theo mình, nó bao gồm:
1. Hệ thống chuyên gia ảo ma canada: Điều đâu tiên phải nói về người sáng lập, lãnh đạo về mặt tư tưởng. Điểm độc hại nhất ở đây là những người này không phải những kẻ "dở hơi" như tên Shoko, cũng không não phẳng nhưng người sáng tạo ra The Flet Aerth Society, mà họ là những người có danh tiếng, thậm chí có tiếng nói trong một số lĩnh vực nhất định. Chính vì có tiếng nói, nên việc họ có thể ngụy tạo ra những bằng chứng là điều tương đối dễ dàng. Ví dụ như việc người ta hay truyền bá Shinya Hiromi đã khám cho 300.000 người (bây giờ là 370.000), và tỉ lệ tái phát ung thư là 0% và không hề có bất kỳ báo cáo khoa học nào (Ừ và tất nhiên ung thư đại trực tràng thì họ chết luôn chứ sao tái phát được). Cũng đúng Shinya Hiromi là chuyên gia về lĩnh vực tiêu hóa, nếu có vấn đề về đại tràng, ta nên tìm đến ông. Nhưng có lẽ lĩnh vực dinh dưỡng thì không.
Những giáo phái về sữa độc hại cũng tương tự, kiếm ra những chuyên gia uy tín vô cùng, nhưng nếu ta sử dụng google (và biết sử dụng google) thì dù có tìm mỏi mắt cũng không hiểu chuyên gia đấy có thực sự tồn tại hay không, vì nguồn duy nhất nhắc đến chuyên gia đó là từ những bài nói về sữa độc hại.
2. Hệ thống lý thuyết vui vẻ:
Lý thuyết của ngụy khoa học thì đương nhiên dựa vào khoa học, cũng như học thuyết của tà giáo thì đa phần lại dựa vào chính giáo. Cũng vậy, lý thuyết của những giáo phái này dựa vào những học thuyết chưa được chứng minh một cách hoàn toàn, hoặc được chứng minh nhưng không phải ai cũng có thể hiểu được một cách rõ ràng. Một trong những ví dụ rõ nhất là cả quyển nhân tố Enzyme của Shinya. Tất cả những điều đó đều được dựa trên một phần sự thật, mà những người không có kiến thức và có một phần kiến thức nghe mà hết hồn. Ví dụ như việc lạm dụng thuốc chặn kênh H+ để chống việc đau dạ dày, hoặc việc cân bằng của các enzym trong cơ thể ra sao, việc sữa sẽ gây nguy hại thế nào hoặc oxy gây hại thế nào. Tất cả những điều đó sẽ được vẽ nên một nữa là sự thật và một nửa là sự phỏng đoán.
Nói về sự phỏng đoán, nhiều khi tôi cho rằng bản chất Shinya Hiromi cũng chỉ muốn viết quyển sách đó cho vui, vì chính ông cũng chỉ viết là "tôi tin rằng" "tôi nghĩ thế" hoặc "tôi cũng chưa tìm ra" hay "mong người ta sẽ tìm ra" chứ cũng chẳng có lời khẳng định nào. Nhưng lời mập mờ từ một chuyên gia ảo ma thì vẫn hay hơn cả ngàn vạn bằng chứng khoa học, vì dù sao thì nó cũng khá hấp dẫn đúng không?
Có một số ví dụ của việc khoác tấm áo dối trá lên thân khoa học, như sự oxy hóa và thuyết âm dương. Đồng ý là sự oxy hóa gây lão hóa, và rằng chúng ta sẽ chết vì oxy hóa thôi. Nhưng những phong trào sử dụng một cách cực đoan chất chống oxy hóa hiện nay dường như quên luôn rằng là việc hít thở chính là việc gây oxy hóa nặng nhất chăng? Cũng như học thuyết âm dương, mặc dù có thể vận dụng cho vô vàn trường hợp, nhưng học thuyết đó không phải lúc nào cũng áp dụng được. Nói cách khác, không phải bất kỳ thực phẩm nào cũng có thể phân biệt rạch ròi tính âm dương. Việc bây giờ một thực phẩm như là muối, đường, bơ, tỏi cũng có tính âm dương, có điểm âm dương để mà sử dụng thì đúng là ... ảo thật đấy.
3. Sự lợi dụng tinh thần
Sự lợi dụng của các giáo phải kiểu mới này không nằm ở vật chất, mà ở tinh thần. Hầu hết những người theo giáo phái đều tin rằng việc sống theo tinh thần của giáo phái là cứu mình, cứu đời. Họ có trách nhiệm lan tỏa điều đó đến mọi người. Khi đó, bản thân họ trở nên thanh thản hơn nhiều. Mặc dù không yêu cầu về mặt vật chất, nhưng họ lại quá quan trọng những lý thuyết ngụy khoa học, đến mức độ không tin bất kỳ điều gì khác. Họ có thể làm điều xấu cho người khác, nhưng trong thâm tâm lại nghĩ là đang cứu rỗi họ.
Tôi đã từng thấy những bà mẹ, khi thấy con mình thấp hơn bạn bè đồng trang lứa hơn một cái đầu, nhưng lại thở phào nhẹ nhõm. Vì sao? Vì "con mình đã được cứu vì không phải uống sữa, ăn thịt để phát triển quá mức".
Ừ, và tôi đã cứng họng như vậy đấy.

Các kiểu ngụy khoa học này tẩy não người ta thế nào

Theo tôi, ngụy khoa học tẩy não (hoặc gây dựng niềm tin) cũng theo các bước như giáo phái có thể tẩy não, cụ thể như sau:
1. Thời kỳ khó khăn: Chẳng việc gì phải tin vào những điều vô lý, khi mà mọi việc đều tốt đẹp. Nếu mọi thứ đều 10/10, perfect, thì bạn tin cũng được, không tin cũng chẳng sao. Nhưng khi có quá nhiều thông tin khiến ta không thể xử lý, hay gọi là sự vô định, thì nhiều người sẽ như đứng ở ngã 3 đường, không biết làm thế nào.
<i>Trong top 10, có 6 nguyên nhân là bệnh không truyền nhiễm.</i>
Trong top 10, có 6 nguyên nhân là bệnh không truyền nhiễm.
Chẳng hạn như ở thời điểm hiện đại, chúng ta bị bão thông tin về vấn đề sức khỏe. Việc tăng huyết áp trẻ hóa, 10 tuổi phải điều trị đái đường, tỉ lệ béo phì tăng quá cao, Việt Nam lên top xếp hạng ung thư thế giới. Hơn nữa, hình ảnh kinh khủng về những căn bệnh này đập vào mắt ta hằng ngày. Nếu nói rằng trong 100 năm qua, tuổi thọ trung bình của con người tăng lên đáng kể, thì có lẽ công sức lớn nhất thuộc về việc chống những dịch bệnh truyền nhiễm. Chúng ta có thể chống được việc nhiễm trùng bằng kháng sinh, chống được vi khuẩn lây lan bằng cách diệt khuẩn. Có điều đối với những loại bệnh không truyền nhiễm thì chúng ta chịu chết, thậm chí đối với những bệnh này, ta không có phương án điều trị dứt điểm mà chỉ có thể điều trị triệu chứng.
Vì chúng ta tương đối sợ chết, tôi cho rằng các bà, các mẹ cũng sẽ lo cho sức khỏe của bản thân mình, và lo cho sức khỏe của cả con mình nữa.
2. Phương hướng:
Còn gì hay hơn khi ở giữa ngã ba đường, hoặc ở giữa giao lộ vô định đó, bỗng nhiên có một bàn tay đưa cho chúng ta và nói rằng: "Ừ thì đằng nào cũng chết, nhưng tôi có cách có thể giảm thiểu được điều đó, điều này thì chưa rõ ràng lắm đâu, nhưng rất nhiều người đã làm theo, bạn thử không?"
Ôi nếu dễ như thế thì anh Quyết FLC đã luôn là anh tôi chứ không phải là thằng Quyết
Những lý thuyết đó, luôn luôn ngược lại với niềm tin chung, vừa gợi sự tò mò, mà lại không phi lý đến mức logic có thể ngay lập tức bác bỏ chúng được. Một phần nữa, nó lại hợp với cả niềm tin từ trước như là "ăn rau thì tốt", hay là "bò bị bốc lột thì oán vào sữa" chẳng hạn. Thì tội gì mà không thử một thời gian xem thế nào?
3. Chấp nhận
Sự chấp nhận của phương hướng này diễn ra một cách từ từ và khó bài bác (vì nếu dễ thì đã chả ai tuân theo rồi). Hầu hết mọi người sẽ đều thấy hiệu quả thần kỳ về mặt tinh thần, có người bảo là họ hết hẳn bệnh tật. Điều này thì hẳn nhiên là hết sức vô lý, nhưng lại không phải là không có thật. Tôi xin kể câu chuyện về ung thư như sau:
Sở dĩ ung thư được gọi là Cancer, vì từ hàng ngàn năm trước khi phát hiện ra ung thư, họ thấy rằng ở bên cạnh những khối u phát triển mạnh có những mạch máu như là chân cua vậy, từ đó họ gọi ung thư là cancer.
Và cũng từ hàng ngàn năm trước, các thầy thuốc đã nghĩ ra phương pháp giả dược, tức là họ cho những người bệnh này uống nước đường, và bảo rằng nước đã được ban phép bởi thánh thần. Khi người bệnh uống thì có một số bệnh nhân phản ánh rằng họ thực sự đã hết đau đớn, thậm chí, trên thực tế các vết "chân cua" kia bé đi trông thấy dưới mắt bác sĩ.
Hiện tại, do có chuyển biến về tinh thần, nên những giáo đồ này khẳng định rằng phương thức này hiệu nghiệm, và khi phương thức này mất đi hiệu quả ban đầu của nó (vì hiệu ứng giả dược đa phần không tồn tại được vĩnh viễn), thì họ bắt đầu thực hiện những hình thức hà khắc hơn, ví dụ như việc chỉ ăn cơm muối, kiêng hoàn toàn thịt, lan tỏa năng lượng tích cực, sống không sân si khẩu nghiệp...
4. Kẻ thù từ ngoài
Bên cạnh đó, họ cũng phát triển những bằng chứng nhằm tạo niềm tin cho riêng mình, họ cho rằng y sĩ, dược sĩ đọc cái gì cũng tin, họ lập luận:
"Bác sĩ dược sĩ thì cũng được học từ kiến thức ra thôi đúng không? Họ cũng chỉ tìm những luận điểm phản bác chúng tôi thôi, chắc gì kiến thức họ được học đã là đúng"
Dần dần, họ cho rằng tất cả những chuyên gia ngoài kia đều không bằng mình, không bằng vị chuyên gia ảo ma Canada mà họ đã tin. Lũ ngoài kia là lũ đọc không biết chọn lọc, rằng mình mới là người đọc đủ các nguồn thông tin và chọn ra cái đáng tin (?)
5. Áp lực từ cộng đồng:
Khi đã có một niềm tin, thì họ sẽ tìm đến những chỗ để lan tỏa niềm tin của mình. Không chỉ họ mà ai cũng thế thôi. Tôi xin kể câu chuyện vui thế này:
"Hôm đấy tôi đang đi thang máy, có tôi và 5 người nữa. Tự dưng có một ông phát bánh cho những người còn lại, tôi cũng tự dưng dơ tay ra xin, sau đấy mới biết họ là gia định. Thật là xấu hổ"
hay
"Hôm đấy tôi đi giặt giẻ lau, vào thấy cả lớp đang đứng, tôi cũng không hiểu chuyện gì nhưng cũng vào đứng cùng mọi người"
Rõ ràng con người là một loại động vật sống theo đàn, và tâm lý của nó bị méo mó, khác hoàn toàn so với nguyên bản khi ở trong đàn. Khi ở trong một đàn, điều mà nó khó thực hiện nhất đấy chính là rời khỏi bầy đàn của mình. Chính áp lực bầy đàn này kết hợp với việc tự tạo ra những kẻ thù đã khiến cho những người có niềm tin mù quáng vào ngụy khoa học ngày càng tự cô lập bản thân mình đối với những nhóm người có hiểu biết khác họ.
6. Phục tùng tuyệt đối:
Sự phục tùng tuyệt đối có được khi những giáo đồ này ở đủ lâu. Họ không cần biết bất kỳ điều gì khác nữa. Vì đối với họ những người ở ngoài cộng đồng của họ thì trông có vẻ nguy hiểm và không đáng tin. Thậm chí họ có thể tuyên bố "tôi không tin chuyên gia ảo ma Canada của tôi lắm, nhưng chắc chắn bạn thì tôi không thể tin được". Đây chính là bước cuối cùng, đánh dấu sự phục tùng. Những yếu tố tâm lý khác, ví dụ như sự sợ hãi vì nếu họ rời bỏ lý thuyết này, họ sẽ chẳng còn gì để có thể tin theo, cũng tạo thành một rào cản rất lớn đối với việc từ bỏ.
Trên đây, tôi đã phân tích quá trình từ một người bình thường trở thành kẻ phục tùng tuyệt đối lý thuyết ngụy khoa học.

Giáo phái kiểu mới thì nguy hiểm thế nào?

Hàng trăm, thậm chí hàng nghìn giáo phái đã nổi lên trong khoảng 100 năm nay, nhưng hầu hết chúng đã sụp đổ, vì suy cho cùng thì người thủ lĩnh tối cao của họ, người mà toàn vẹn không lỗi lầm thì đến cuối cùng cũng có lỗi lầm. Họ cảm thấy bị lừa dối và dần dần rời khỏi đó. Hoặc những giáo phái này biến chất đến mức cộng đồng bắt buộc phải loại họ đi.
Nhưng giáo phái ngụy khoa học thì khác, hậu quả của nó thì rất khó thấy vì
1. Những người bệnh hiểm nghèo tin vào nó thì dù gì cũng không sống được lâu.
2. Những người khỏe mạnh tin vào nó, thì phải 10 - 20 năm sau mới gặp biến chứng, mà dù gì thì cũng chẳng có gì để chứng minh được là họ sống theo cái kiểu ngụy khoa học nên mới bị như vậy.
3. Lý thuyết của những chuyên gia ảo ma, cho dù có bị chứng minh là sai, thì họ cũng không tin, và họ có cả một hệ thống ngụy biện để không tin.
Vì thế, tôi cho rằng nếu những trào lưu này lan rộng, thì sức khỏe cả về thể chất và tinh thần của dân tộc sẽ suy giảm. Và tôi cho rằng mình phải hành động.

Lời kết

Tôi chưa có giải pháp cụ thể nào, có lẽ là lập một kênh giải ảo chăng? Đã có lúc tôi thử làm vậy nhưng họ chẳng tin, họ còn bảo tôi chẳng biết gì. Cái tôi cần chữa có lẽ không phải là chữa về thể xác, mà là chữa về tâm hồn.
Có một số bạn sẽ bảo tôi là, tôi mới chính là kẻ điên, vì trên đời này làm gì có đứa nào dở hơi thế?
Các bạn có thể lên tiktok xem thử @mhphealthcare hay Thực Phẩm Chữa Lành (@ngankun9996) chẳng hạn. Họ có hàng vạn follower. Mặc dù đa phần đều nhận ra rằng những người này đều bố láo. Nhưng có lẽ chỉ cần 1% trong số đó tin tưởng, thì cũng đã là cái hại quá lớn rồi.