[P1] Việc dũng cảm để tổn thương thay đổi cách chúng ta sống, yêu và dạy dỗ con thế nào? RV Daring greatly _ Spoiler Alert
"Mình không đủ tốt...không đủ giỏi...không đủ giàu...." "Vậy mình đủ cái gì?" Chào mọi người, Đây là bài đầu tiên của mình trên...
"Mình không đủ tốt...không đủ giỏi...không đủ giàu...."
"Vậy mình đủ cái gì?"
Chào mọi người,
Đây là bài đầu tiên của mình trên một chiếc mạng nhện đầy những chú nhện tinh mà việt viết đối với họ *trông có vẻ* đơn giản như nhện bắn tơ hàng ngày vậy.
Nhưng mình là một người nghiêm túc, nên trước khi thực sự mà đặt tay lên gõ mấy dòng này, mình đã search từ khóa "Spiderum" ở mọi nơi, đọc các bài viết hướng dẫn của mọi anh chị nhện tinh hướng dẫn làm sao để biến hóa từ nhện non thành nhện trưởng thành.
Và các link bài viết ngút ngàn hiện ra với đầy đủ các thông tin ít nhiều cũng thỏa được lòng tham của một con nhện non không từ mọi thủ đoạn để research như mình. Nhưng....
Cũng chính vì bị choáng ngợp bởi rất nhiều thứ, ở một nơi mênh mông mà ai cũng làm tốt hơn mình, mình lại gặp triệu chứng của "Nỗi sợ khởi đầu".
Như một câu tự cổ chí kim mà mọi người thường nghe "Vạn sự khởi đầu nan" hay "Bước đi đầu tiên suôn sẻ tức là hoàn thiện được 50% đoạn đường".
Đối với mình, First step bước đi vượt ra khỏi vùng an toàn của bản thân và chống chọi với suy nghĩ "Mình không đủ ..." chính là bước đi tốn nhiều sức lực nhất, không phải vì chuyện mình muốn làm là khó hay dễ, mà chính vì sự khó khăn trong quá trình đối chọi với suy nghĩ của bản thân về việc mình không nên bắt đầu.
Và mình chắc chắn rằng mình không phải là người duy nhất có cảm giác như vậy khi bắt đầu làm chuyện gì đó đòi hỏi sự thách thức. Cụm từ "mình không đủ...." chỉ cần vài ba giây là có thể điền hàng chục cụm từ vào dấu ... tùy vào hoàn cảnh của mỗi người:
"Mình không đủ giàu"
"Mình không đủ tài năng"
"Mình không đủ đẹp"
"Mình không đủ chuyên môn"
"Mình không đủ mối quan hệ"
"Mình không đủ kiên trì"
.....
Việc có những suy nghĩ như vậy không hoàn toàn lỗi của chúng ta. Chúng ta sinh trưởng trong một nền văn hóa dựa trên sự so sánh, từ đó làm nên một thế hệ luôn cảm thấy thiếu an toàn và luôn thấy không bao giờ là đủ. Vậy, sống trong đó như thế nào?
Định nghĩa lại về sự tổn thương_Và việc dễ bị tổn thương.
Não bộ của chúng ta được lập trình để bảo vệ trạng thái quen thuộc mà chúng ta đang có.
Ngay từ khi khởi thủy cho đến lúc con người có các dấu hiệu đầu tiên của nền văn minh, não bộ chúng ta đã phát triển để tự động gửi các tín hiệu cảnh báo nếu chúng ta đi vào một vùng lãnh thổ mà ta chưa đặt chân tới bao giờ. Andrenaline được tiết ra để duy trì sự phấn khích và cảnh giác cao độ cùng một lúc, các tín hiệu về những điều chưa biết của lãnh địa mới được gửi đi liên tục với viễn cảnh tồi tệ nhất để chúng ta luôn cẩn thận trước những nguy hiểm có thể xảy ra, Nó chính là một phần của bản năng sinh tồn.
Đây là một cơ chế hai lưỡi, một phần nó bảo vệ chúng ta, và phần còn lại nó ngăn cản chúng ta khám phá, trải nghiệm và học hỏi.
Và tại ranh giới này, Sự tổn thương xuất hiện, như một cầu nối để mình đi ra khỏi vùng an toàn của bản thân.
Đón nhận những khả năng tồi tệ nhất có thể xảy ra khi làm một điều gì mới mẻ và thừa nhận rằng mình có thể bị tổn thương, nhưng mình sẽ học cách dần chữa trị các vết thương đó, là con đường duy nhất để bạn can đảm dấn thân vào bất cứ điều gì bạn muốn làm trong đời.
"Hãy thích ứng với nỗi đau, nên nhớ, việc chống lại việc bị tổn thương là không khả thi. Chừng nào chúng ta còn quan tâm đến việc kết nối, trải nghiệm và học hỏi; sự sợ hãi sẽ bị tổn thương sẽ luôn hiện hữu."
3 dạng khiên ngụy biện để chúng ta trì hoãn sự dấn thân
Sau khi chúng ta hiểu được cơ chế xuất hiện của sự tổn thương tại ranh giới của "vùng an toàn" và "vùng trải nghiệm mới", điều tiếp theo mà chúng ta nên biết, chính là những chiếc khiên mà nỗi sợ này tạo ra, để giữ chúng ta tạo vùng an toàn. Các dạng thức đó bao gồm:
Tấm khiên đầu tiên: Niềm vui ẩn chứa điềm gở
Brené Brown_tiến sĩ và giảng viên ĐH Houston đã thực hiện một khảo sát về trải nghiệm tổn thương của con người, và bà đã không ngờ rằng vui sướng lại là một phần của câu trả lời. Bà bị sốc khi nghe mọi người nói họ cảm thấy tổn thương nhất khi:
- Nhận ra mình yêu chồng/vợ mình biết bao nhiêu.
- Ngắm nhìn bố mẹ già chơi với những đứa con của mình.
- Khi thăng tiến trong sự nghiệp.
- Khi yêu một ai đó.
- Khi có con.
...
Đây chính là nỗi sợ khi tận hưởng một dạng thức của niềm vui và đồng thời lo sợ rằng chúng sẽ mất đi. Đây là một vòng xoáy nơi bạn nhận ra việc nhẹ nhàng đón nhận những khoảnh khắc ngọt ngào của cuộc sống luôn đi kèm với sự tổn thương khi tưởng tượng đến những viễn cảnh tồi tệ của việc đánh mất chúng.
Tấm khiên thứ hai: Chủ nghĩa hoàn hảo
Tấm khiên này hẳn đã quá quen thuộc với mọi người nên mình sẽ không dành thời gian để nói nhiều về nó. Việc mưu cầu sự hoản hảo thoạt đầu trong có vẻ chính đáng: "Tôi chỉ muốn làm tốt nhất mọi thứ có thể, nên chưa đủ tốt thì tôi sẽ chưa bắt đầu".
Điều rủi ro nhất của mưu cầu này là nó hủy hoại niềm tin nhưng đồng thời lại rất mê hoặc, vì nó cung cấp năng lượng cho một suy nghĩ cốt yếu: "Nếu tôi làm mọi thứ hoàn hảo, tôi sẽ tránh được sự đánh giá, so sánh và phán xét".
Tấm khiên cuối cùng: Sự căng thẳng và tê liệt
Khi có đủ nhiều kinh nghiệm, chúng ta nhận ra được những đòi hỏi ngày càng nhiều của cuộc sống: người ta cần càng ngày càng nhiều tiền của và đồ hiệu để chứng minh giá trị của bản thân, ba mẹ ngày muốn con học nhiều và có nhiều bằng cấp, thành tựu, những vị sếp vin vào "tuổi trẻ cần trải nghiệm" để đòi hỏi họ luôn phải làm nhiều thứ hơn, cô bạn gái muốn mua nhiều thứ hơn, con cái trưởng thành và cần nhiều tiền hơn cho hàng loạt các khoản phí. Một số người trong chúng ta dường như cảm thấy không có cách nào kiểm soát và đáp ứng được những yêu cầu ngày một tăng cao xung quanh họ. Và, tiến tới sự tê liệt là một cách để họ chống chọi để thoát khỏi cảm giác chông chênh và kém cỏi.
Họ tìm tới bia rượu, game, thuốc kích thích, các thú vui khiến họ có thể đắm chìm vào nó và quên đi mọi thứ "một thời gian ngắn" nhưng liên tục và không có cách nào thoát ra.
--------------
Bài viết đã dài nên mình sẽ tách ra để mọi người dễ đọc, phần 2 mình sẽ viết tiếp về cách gỡ bỏ từng tấm khiên để việc nỗi sợ tổn thương không ngăn cản chúng ta trong quá trình đạt được những điều quan trọng trong cuộc đời. Mọi người nếu muốn tìm hiểu sau hơn và nghiên cứu thêm về đề tài này có thể tìm cuốn sách "Sự liều lĩnh vĩ đại" của tác giả Brené Brown để đọc thêm nha!
Đọc tiếp tại đây nhé: Phần 2
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất