Phần 1, chúng ta đã đi qua việc tái định nghĩa sự tổn thương và những tấm khiên mà sợ hãi có thể tạo ra để ngăn cản chúng ta liều lĩnh chấp nhận sự tổn thương như một phần tất yếu của cuộc sống để bản thân bước ra khỏi vòng an toàn.
Vậy thì quay lại câu hỏi trên title, việc này ảnh hưởng thế nào đến cách ta ra lựa chọn trong cuộc sống, yêu thương và dạy dỗ con cái?
Một câu chuyện cực kỳ tinh tế mà mình đã rất thích khi đọc cuốn Sự liều lĩnh vĩ đại:
Một đêm, Brené_tác giả cuốn sách đang đọc cuốn tiểu thuyết dang dở mà bà rất tâm đắc, đang tới đoạn gay cấn và bà nghĩ mình đã đoán được hung thủ. Bà nhìn thấy chồng mình mở cửa bước vào nhà với gương mặt buồn bã và suy tư. Bà có một lựa chọn: bà có thể lơ khoảnh khắc đó đi, quyết định rằng mình không muốn dính dáng đến nỗi buồn của chồng mình tối hôm đó, nó chỉ là chuyện bình thường của anh ấy và anh ấy có thể lấy lại cân bằng rất nhanh, bà muốn quay lại với cuốn tiểu thuyết đang gay cấn của mình. Nhưng bà đã không làm như vậy, bà là một người nghiên cứu về các mối quan hệ, bà đến gần và hỏi: "Có chuyện gì thế anh yêu?" và lắng nghe chồng mình chia sẻ những băn khoăn của anh tối đó. 
Đó là một khoảnh khắc nhỏ trong cuộc sống, như một đồng tiết kiệm được nhét vào một chú heo đất. Những khoản đầu tư bé nhỏ theo thời gian hình thành sự cởi mở và niềm tin của một người vào người đối diện. 
Hầu hết khi nhắc tới sự phản bội, người ta thường nghĩ đến một sự kiện khủng khiếp gắn với một Tu-ét-day nào đó. Nhưng thật ra, có một kiểu phản bội nguy hiểm hơn, diễn ra trước hết thảy mọi điều và có sức tàn phá hơn cả. Sự phản bội này ở dưới dạng sự thờ ơ. 
Sự thờ ơ không có ngọn nguồn và bằng chứng cụ thể
Điều gì khiến sự phản bội này ghê gớm hơn cả? Ví dụ như là một lời nói dối hay một cuộc vụng trộm, nó gắn liền với một sự kiện cụ thể, nó chỉ ra rất rõ nguồn gốc của sự tổn thương. Còn sự thờ ơ thì khác, nó không có ngọn nguồn cụ thể, nó không bao hàm các bằng chứng xác đáng. Chúng ta chỉ có thể cảm giác là có một điều gì đó không ổn đang diễn ra. 
Chúng ta nói với người mà mình yêu rằng: "Hình như anh không còn để tâm đến em nữa..." Và câu trả lời sẽ là: "Ngày nào anh cũng về nhà lúc 6h, anh chơi với con, anh đưa đón bọn trẻ và phụ em làm việc nhà, em còn đòi hỏi điều gì nữa?"
Sự tinh tế và chú tâm đến những thay đổi nhỏ nhặt này thường hay có ở những người đã đánh mất nhiều trong cuộc sống hoặc những người có mức độ đồng cảm cao. Khi bạn đã đánh mất nhiều thứ, bạn sẽ học được cách trân trọng những điều bé nhỏ. Và khi bạn học cách biểu lộ nỗi đau ra ngoài và chia sẻ cho những người mà bạn tin tưởng, bạn được lắng nghe, thì khi những người quan trọng đó rơi vào hoàn cảnh tương tự, bạn sẽ nhạy cảm hơn với các biểu hiện *không ở dạng lời nói* và biết cách ứng xử phù hợp để người đó hiểu được là bạn sẵn sàng ở bên họ. Vì bạn đã trải qua việc đó, biết rõ những dấu hiệu của sự tổn thương và hiểu được cảm giác có người chia sẻ có ý nghĩa tích cực như thế nào. 
Nói một cách đơn giản, nó hoàn toàn khác với việc cố gắng dồn toàn bộ sự tổn thương vào lòng, cư xử như không có gì xảy ra, khước từ sự giúp đỡ của những người quan tâm đến bạn, khiến người khác không có cách nào hiểu được cảm xúc của bạn và đồng thời nhận ra bạn không cần họ ở đó khi bạn gặp vấn đề. 
Và khi họ có những nỗi buồn trong cuộc sống, họ cũng ngại phải trải lòng việc đó với bạn. 

Ước mơ không thành của cha mẹ và câu thần chú "Khắc nhập" vào cuộc đời đứa con

"Để nuôi dạy con cái phải biết dấn thân mạo hiểm trong nền văn hoá "không bao giờ là đủ", câu trả lời không dừng lại ở "Bạn có nuôi dạy con đúng cách?" mà là "Bạn đã trở thành người mà bạn muốn sau này con cái mình muốn trở thành?"
Có lẽ bạn đã biết và trải nghiệm quá rõ ràng việc chúng ta đang sống trong một thế giới "không bao giờ là đủ". Nhưng có một điều mà bạn cần biết, đó là trái nghĩa với việc "không bao giờ là đủ" không phải là dư thừa, mà là sự "biết đủ".
Đã qua rồi cái thời con cái phải sống như ý cha mẹ muốn, trong khi chúng không muốn như vậy
Mặc cho theo thời gian, các phương pháp nuôi dạy trẻ ngày càng đa dạng và được củng cố bởi hàng loạt các bằng chứng vững chắc và được cho là được cập nhật để phù hợp với từng thế hệ. Chúng ta nghe đến những làn sóng phản đối "mẹ Hổ"_hình tượng người mẹ đầy hung dữ và áp đặt, rồi "cha mẹ trực thăng"_ám chỉ những bậc cha mẹ quá theo sát con cái. Chúng ta nghe về việc giáo dục của những bà mẹ Âu và cách nuôi dạy con của người Do Thái giỏi như thế nào. Những cuộc tranh luận bất tận diễn ra khiến chúng ta quên mất một sự thực quan trọng là trẻ con bắt chước giỏi đến thế nào, và câu hỏi mang tính trách nhiệm tự thân: "Chúng ta là ai, chúng ta có phải một hình mẫu mà chúng ta muốn con cái mình học theo hay không, và chúng ta kết nối với đứa trẻ như thế nào để có một phương pháp nuôi dạy phù hợp với hoàn cảnh cá nhân của mình?"

Hơn hết thảy, việc đứa trẻ đối diện với nỗi sợ tổn thương và đón nhận những thách thức trong cuộc sống như thế nào có tác động rất lớn từ chiếc nôi đầu tiên mà chúng bước vào: gia đình. Sự tổn thương nằm trong trung tâm của những câu chuyện của gia đình. Đó là nơi biểu hiện những khoảnh khắc tột cùng hạnh phúc, sợ hãi, đau đớn, thất vọng, tự hào, yêu thương, ghét bỏ, biết ơn, và những điều kỳ diệu khác. Việc quay lưng lại với những điều tiêu cực xảy ra trong gia đình khiến việc trở thành cha mẹ như một cuộc chạy đua với những tiêu chuẩn *xã hội cho là hoàn hảo* mà cả cha mẹ, con cái đều phải hứng chịu. 
Chính vì thế, giá trị chống lại nền văn hóa không bao giờ là đủ-sự biết đủ- cần bắt đầu từ những bậc cha mẹ hiểu được chúng ta không thể cho con cái những thứ mà chúng ta không có. Nói cách khác, nếu chúng ta muốn con cái mình biết yêu thương và chấp nhận bản thân như chính nó vốn có, chúng ta phải yêu thương và chấp nhận bản thân mình như mình vốn có. Nếu chúng ta muốn con cái cởi mở chia sẻ về những điều tổn thương nó và đối diện với sự sợ hãi để học cách dấn thân, chúng ta cũng phải là người như vậy. Nếu chúng ta muốn con mình là người hiểu được giá trị của việc "biết đủ" , chúng ta cũng phải là người "biết đủ" và quên câu chuyện của "con nhà người ta" đi. Đã qua rồi cái thời đại nơi con cái phải sống để thực hiện ước mơ và chạy theo tiêu chuẩn của ba mẹ mình, khi mà chúng không thực sự muốn như vậy. 
Thực sự mà nói, gấp lại cuốn sách Sự liều lĩnh vĩ đại của Brené Brown, mình thực thấy hâm mộ quá trình nghiên cứu dày dặn và những phát hiện rất cô đọng mà bà đã truyền tải trong cuốn sách. Những nội dung trong đó chứa đựng những bài học sâu sắc hơn bất cứ một cuốn sách self-help dạy công thức bề nổi nào về việc phát triển bản thân và nuôi dạy trẻ. Chỉ có một điều mà mình không đồng ý lắm với tác giả, đó là câu trích dẫn mà tác giả rất thích được in ở bìa sau cuốn sách: 

Mình tin vào việc có những sự liều lĩnh cực kỳ vĩ đại, nhưng mình không tin vào việc có sự khác nhau giữa "thất bại khi đang liều lĩnh vĩ đại" và một thất bại "bình thường".  Có lẽ mình quá thực dụng, nhưng đối với mình, thất bại là thất bại, và cứ nhìn thẳng vào nó như một thứ gì đó thuần là một chuyện nghiệt ngã không ai muốn, còn hơn cố tô điểm cho nó theo kiểu "đó là một bài học" hay "thất bại khi làm những chuyện vĩ đại", cứ như một cách cứu vớt nào đó để mình bớt đau vậy, thật không giống với những gì cuốn sách truyền tải.