Liệu một người từng có tiền sử “cắm sừng” sẽ tiếp tục hành vi đó với người yêu tiếp theo? Bạn có nên tin và yêu một người từng lừa dối người yêu cũ?
Rất ít chủ đề có thể khiến trái tim chúng ta cuồng quay trong sự phẫn nộ, uất ức, tổn thương như chủ đề về sự phản bội trong tình yêu. Bị “cắm sừng” thật là một điều vô cùng đau đớn. Và càng chua xót hơn khi đây lại là điều phổ biến trong các mối quan hệ. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự phản bội xảy ra tới 20% cuộc hôn nhân [1] và 70% các cuộc hẹn hò [2]. Thực tế, đó là lý do phổ biến dẫn đến các cuộc ly hôn [3].
Trong tiếng Anh có câu ngạn ngữ rằng “Once a cheater, always a cheater”, nghĩa là một lần “cắm sừng” thì cả đời là kẻ đi “cắm sừng”. Sự thật có đúng như vậy không?

Câu đó sẽ đúng trong trường hợp…

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí học thuật Archives of Sexual Behavior năm 2017 đã cho thấy, những người từng không chung thủy trong một mối quan hệ có nguy cơ phản bội lần nữa cao hơn gấp 3,5 lần. Giới tính và tình trạng mối quan hệ đều không có tác động đáng kể nào đến kết quả. Nghĩa là dù nam hay nữ, thẳng hay cong, hẹn hò hay đã kết hôn thì đều có khả năng phản bội như nhau.
Có một số lý do thuộc về mặt sinh học thôi thúc một người phản bội. Một khám phá khoa học gần đây đã phát hiện “gen cắm sừng” hoặc biến thể của gen có thể khiến đàn ông cần mẫn cho người yêu mình thồn canxi hết lần này đến lần khác. Ở phụ nữ thì vẫn chưa thấy biến thể gen nào tương tự.
phan-boi

Một lý giải khác nằm ở đặc điểm tính cách. Một số người có khuynh hướng chấp nhận rủi ro cao và thích tìm kiếm cảm giác mạnh. Họ hứng thú với những mối quan hệ ngoài luồng trong ly kỳ và mạo hiểm. Điều này có liên quan đến sự thiếu hụt dopamine, hóc môn tạo cảm giác hưng phấn. Nó kích thích não bộ sinh ra những ham muốn làm các hoạt động giúp bạn cảm thấy vui vẻ như mua sắm, ăn uống hoặc làm tình. Nói cách khác, những người tìm kiếm cảm giác mạnh sẽ cần cảm giác mạnh hơn (trong tình huống này là hành vi lừa gạt người yêu để léng phéng với người tình) nhằm cảm nhận sự hưng phấn bị thiếu hụt.

Câu ấy vẫn có thể sai nếu như…

Cũng trong nghiên cứu đăng trên tạp chí học thuật Archives of Sexual Behavior đã nói ở phần trên, vẫn có nhiều người được khảo sát là đã từng phản bội một lần và không bao giờ lặp lại hành vi đó nữa.
Phàm là con người thì ai cũng có ít nhất một lần mắc sai lầm. Chính những sai lầm đó sẽ giúp mỗi người trưởng thành hơn về mặt nhận thức. Chuyện phản bội cũng như vậy. Họ cảm thấy hối hận tràn trề và muốn sửa đổi, có thể là với chính người thương bị cho “cắm sừng” hoặc với người mới. Không ít mối quan hệ sau khi trải qua sóng gió của sự phản bội và ngờ vực đã trở nên khắng khít hơn và duy trì được lâu dài.

Vậy có nên yêu một người từng có tiền sử “cắm sừng” không?

Tôi tin rằng không ai trong chúng ta muốn bị dán nhãn tính cách chỉ vì những hành vi tồi tệ của mình trong quá khứ. Vậy điều gì làm nên sự khác biệt giữa một người sẽ tiếp tục “ngựa quen đường cũ” và một người đã hối hận và quyết tâm không lặp lại sai lầm đó nữa?
phản bội 2

Theo tiến sĩ Alexandra H. Solomon, chìa khóa ở đây chính là sự tự nhận thức về mối quan hệ (relational self-awareness – viết tắt là RSA). Đây là quá trình luyện tập liên tục để ý thức được mình là ai trong một mối quan hệ thân thiết với người khác. Cách bạn đối xử với một người sẽ bị ảnh hưởng bởi gia đình, văn hóa, tính cách và kinh nghiệm sống của bạn. Nếu không có sự tự nhận thức này (hoặc ở mức độ thấp), chúng ta sẽ dễ bị mắc kẹt trong sự lặp đi lặp lại của những sai lầm mà mình từng mắc phải.
Vậy làm thế nào để biết mức độ tự nhận thức của một người từng có tiền sử “cắm sừng”? Hãy khiến người đó kể lại chuyện cũ và xem thái độ của người đó về hành vi phản bội của mình.
“Người yêu cũ của em lạnh nhạt lắm, suốt ngày chỉ biết công việc công việc mà chẳng thèm quan tâm em nhiều. Em rất buồn chán nên mới sa ngã vào vòng tay người khác…”
Nếu thái độ của người ấy chỉ toàn đổ lỗi cho người cũ thì mức độ tự nhận thức về mối quan hệ rất thấp. Bởi sự tự nhận thức này biểu hiện ở việc tự chịu trách nhiệm cho những hành vi của mình để phục vụ sự phát triển và chữa lành những tổn thương bên trong. Khi họ chỉ biết đổ lỗi, họ sẽ không học hỏi được gì từ các hành vi sai trái, do đó có nguy cơ “ngựa quen đường cũ” rất cao.
“Anh không muốn nhắc lại chuyện đáng xấu hổ đó. Mình nên quên quá khứ và hướng đến tương lai tốt đẹp hơn, với em.”
Ngược lại với sự đổ lỗi ở trên là xấu hổ. Thái độ này cũng cho thấy mức độ tự nhận thức thấp. Vì xấu hổ sẽ ngăn cản người đó đối mặt với hành vi sai lầm của mình. Họ đóng kín chúng trong một chiếc hộp và niêm phong lại, vứt vào tận đẩu tận đâu trong ký ức đến mức quên bẵng sự tồn tại của nó. Sự trốn tránh ấy sẽ làm họ không biết vì sao mình hành xử như vậy và nên sửa chữa thế nào. Nguy cơ lặp lại lỗi lầm cũng vì thế mà tăng cao.
“Anh đã phản bội người yêu cũ. Khi cô ấy biết được, anh đã vô cùng xấu hổ và tự nhìn nhận lại mình. Anh hiểu được lý do mình lại phản bội lòng tin của cô ấy. Anh rất hối hận và muốn thay đổi. Em sẽ tin và cho anh cơ hội chứ?”
Thái độ không hề né tránh mà biết nhận lỗi cho thấy sự tự nhận thức cao. Dù gì thì đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại. Nghe câu trên mà ai chẳng liêu xiêu cái lòng và muốn gật gù cái đầu với niềm tin sáng sủa vào tương lai? Nhưng cũng không loại trừ khả năng người ta chỉ hứa suông, nói những lời chót lưỡi đầu môi. Thế thì chúng ta chỉ còn cách quan sát hành động của đối phương.

Chốt lại

Bạn thấy sợ hãi là điều dễ hiểu khi yêu phải một người từng có tiền sử không chung thủy. Nhưng việc của bạn là cố gắng không để sự phán xét và buộc tội ảnh hưởng đến thái độ của bạn. Vì điều này chỉ càng làm cho đối phương rơi vào thế phòng thủ, không thể mở lòng, rồi khiến bạn rơi vào sự lo lắng không cần thiết. Hãy tạo một cuộc nói chuyện cởi mở trong không khí thoải mái và quan sát thái độ cũng như hành động của đối phương. Bạn sẽ có câu trả lời cho riêng mình là có nên đặt niềm tin vào người đó không.
Nguồn thông tin:
[1] Blow, A. J., & Hartnett, K. (2005). Infidelity in committed relationships II: A substantive review. Journal of Marital and Family Therapy, 31(2), 217–233. doi:10.1111/j.1752-0606.2005.tb01556.x.
[2] Knopp, K., Scott, S., Ritchie, L., Rhoades, G. K., Markman, H. J., & Stanley, S. M. (2017). Once a Cheater, Always a Cheater? Serial Infidelity Across Subsequent Relationships. Archives of Sexual Behavior, 46(8), 2301–2311. https://doi.org/10.1007/s10508-017-1018-1
[3] Scott, S. B., Rhoades, G. K., Stanley, S. M., Allen, E. S., & Markman, H. J. (2013). Reasons for divorce and recollections of premarital intervention: Implications for improving relationship education. Couple & Family Psychology, 2(2), 131–145. doi:10.1037/a0032025.
.Ngưn.
Sống văn hóa - Yêu văn minh - Làm tình có trách nhiệm