Cún muốn bay là thành viên đã khơi dậy trong tôi sự tò mò về những đề tài lịch sử đang phủi bụi trong trí óc bỗng trở thành miền đất hứa đầy bí ẩn. Khơi gợi trong tôi ý thích từ những đề tài khô khan như kinh tế, chính trị trở nên sống động. Xúc động trước những suy tư, trăn trở của chính anh như được nhìn thấy chính tôi qua tấm gương soi. Vậy nên khi bắt gặp một phong cách viết hơi giống với hình ảnh của Cún trong “Sự đê tiện của những kẻ nhân danh phái yếu” sau khi bị cái tiêu đề bắt mình phải tò mò, tôi liền bấm và đọc. Đọc đến 1/3 bài và bị vấp bởi một vài từ mang ý xúc phạm người Phụ nữ được nhắc đến trong bài với danh xưng “ả”, “con mẹ”, tôi vẫn cố đọc hết và xin được viết thêm về góc nhìn của mình đối với chủ đề này. (một chủ đề đã đăng khá lâu nhưng giờ tôi mới đọc, các bạn có thể xem bài viết tại đây:
1, Làn sóng nữ quyền thứ ba tại Hoa Kỳ không tập trung vào việc gia tăng sức mạnh nữ giới trong hệ thống xã hội.
Kết quả hình ảnh cho Rosie the Riveter
Poster Rosie the Riveter đại diện cho làn sóng nữ quyền thứ hai tại Mỹ
Theo Wikipedia, chủ nghĩa nữ quyền được biết đến như một phong trào nhằm mục đích xây dựng và bảo vệ quyền lợi cho Phụ nữ về kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội. Làn sóng đầu tiên với phong trào về quyền bầu cử Phụ nữ ở thế kỷ XIX và XX, thúc đẩy quyền được bỏ phiếu của Phụ nữ. Làn sóng thứ hai vận động cho quyền bình đẳng pháp lý và xã hội đối với Phụ nữ, bắt đầu từ những năm 1960. Làn sóng thứ ba là từ những năm 1990 với sự phản ứng đối những thất bại về mặt nhận thức của hai làn sóng nữ quyền trước đó. Theo thông tin được cung cấp bởi Tom Head trong bài “Feminism in the United States” trên Thought Co. , phong trào nữ quyền trước những năm 1990 đã bỏ quên những người Phụ nữ da màu và những quyền lợi mà họ đáng được hưởng. Năm 1966, Tổ chức Phụ nữ Now được thành lập bảo vệ những người đồng tính nữ. Những năm 1980 là thời kỳ suy yếu của phong trào nữ quyền với một thế hệ cũ của các nhà hoạt động chủ yếu là người da trắng thuộc tầng lớp thượng lưu không giải quyết được các vấn đề liên quan đến Phụ nữ da màu, đồng lương ít ỏi của Phụ nữ và những người không sống tại Mỹ. Điều đáng chú ý là vào năm 1993, người đã đặt ra thuật ngữ “làn sóng nữ quyền thứ ba” chính là Rebecca Walker – một Phụ nữ trẻ, người Mỹ gốc Phi và là người lưỡng tính. Thuật ngữ nhằm mô tả một thế hệ trẻ với một phong trào lớn, toàn diện hơn nhằm giải quyết các nút thắt mà thế hệ trước chưa làm được.
Vậy làn sóng thứ ba bắt đầu từ những năm 90 theo nhận định của tôi không nhắm tới việc “gia tăng sức mạnh của nữ giới trong hệ thống xã hội” như nhận định của tác giả bài viết mà nhắm đến những mục tiêu lớn hơn, bình đẳng nữ giới cho mọi Phụ nữ khác nhau về giới tính, sắc tộc hay màu da.
2, Làn sóng thứ ba của nữ quyền không kêu gọi phụ nữ “chấm dứt việc ăn mặc như một con đĩ”
Kết quả hình ảnh cho Slutwalk
SlutWalk ở Jerusalem
Để làm rõ hơn về quan điểm vì sao làn sóng thứ ba không kêu gọi phụ nữ "chấm dứt việc ăn mặc như một con đĩ" như nhận định của tác giả. Vậy chúng ta cần tìm hiểu rõ hơn tại sao có phong trào này? Phong trào này bắt nguồn từ việc gì? Phong trào này phản ánh vấn đề nào?
Tại sao có phong trào này? Câu chuyện bắt nguồn từ đâu?
Theo wikipedia, ngày 24/01/2011 Cảnh sát Toronto là Constable Michael Sanguinetti và một sĩ quan cảnh sát khác đã chia sẻ trong một diễn đàn của Đại học York tại Trường luật Osgoode Hall. Trong cuộc nói chuyện, Sanguinetti đã ngắt lời sĩ quan cấp cao hơn để nêu lên quan điểm: "I've been told I'm not supposed to say this – however, women should avoid dressing like sluts in order not to be victimized." – “Tôi đã được lưu ý không nên nói điều này – tuy nhiên, Phụ nữ nên tránh mặc đồ trông như đồ lót để không trở thành nạn nhân của việc tấn công tình dục”. Lời nói đó được coi là “triệu chứng của xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân và gây ra phản ứng dữ dội chống lại sự truyền bá văn hóa hiếp dâm, dẫn đến một loạt các cuộc tuần hành phản đối Slutwalk đã phát triển thành một phong trào toàn cầu” – Theo trang Newstatesman. 
Phong trào này phản ánh vấn đề gì?
Theo tôi những người Phụ nữ ủng hộ phong trào này không kêu gọi Phụ nữ chấm dứt việc “ăn mặc như một con đĩ”, mà đó là phản ứng của họ trước “triệu chứng đổ lỗi cho nạn nhân” của sĩ quan cảnh sát trên. Và họ tham gia phong trào nhằm ủng hộ việc Phụ nữ nên được tự do mặc những gì mà họ muốn. Mặc dù phong trào này bị chỉ trích vì việc tổ chức thiếu đa dạng và không phù hợp ở nhiều nơi.
3, Phong trào đấu tranh về nữ quyền không phải là nguyên nhân gây ra tỉ lệ ly hôn 50% ở Mỹ và đàn ông ngày càng xa lánh hôn nhân.
Kết quả hình ảnh cho Maya Angelou (1928 – 2014)
Maya Angelou (1928 – 2014)
Để làm rõ quan điểm này, tôi muốn làm rõ hơn những người phụ nữ thực sự đang đấu tranh về những vấn đề nào? Họ mong muốn điều gì?
Cuốn tự truyện “Tôi biết vì sao trong lồng chim vẫn hót” là cuốn tự truyện nổi tiếng của Maya Angelou (1928 – 2014). Cô bé Angelou từng mơ mộng có đôi mắt xanh, mái tóc vàng và buồn tủi cho thân phận của mình. Thân phận của những người da đen ở thời đại của cô phải uống nước bằng vòi riêng, phải ngồi phía sau xe buýt và vào rạp hát bằng cửa sau. Sau này cô bé da màu cá tính đó đã trở thành một nhà thơ người Mỹ và không thể phủ nhận những đóng góp của bà cho nghệ thuật. Cuộc đời bà trở thành một biểu tượng chống lại nạn phân biệt chủng tộc, cưỡng bức và bị ruồng bỏ. Bà đã truyền cảm hứng cho những người Phụ nữ dám đứng lên đấu tranh, đòi lại công bằng cho bản thân.
Kết quả hình ảnh cho Wangari Maathai (1940-2011)
Wangari Maathai (1940-2011)
Wangari Maathai (1940-2011) là một nhà hoạt động môi trường người Châu Phi đầu tiên đoạt giải Nobel hòa bình năm 2004. Thành lập phong trào “Vành đai xanh” năm 1977, phong trào của Wangari Maathai hỗ trợ những người Phụ nữ nông thôn gặp khó khăn trong cuộc sống. Phong trào này sau đó lan tỏa trên phạm vi toàn cầu nhằm chống lại việc biến đổi khí hâu.
Và phần còn lại của phong trào nữ quyền là những người phụ nữ bình thường, họ có thể giống tôi hoặc khác tôi, làm việc tại công sở, chăm sóc con ở nhà hay còn là học sinh trên ghế nhà trường. Mỗi ngày chúng tôi đều phấn đấu trong công việc, lên tiếng về những bất công, chúng tôi học tập và trau dồi năng lực nhằm khẳng định giá trị bản thân. Một trong những công ty tôi từng làm việc đã không nhận quản lý là Phụ nữ vì những lý do: Phụ nữ không đủ năng lực làm việc, không biết kiềm chế cảm xúc cá nhân, không thể “nhậu” với đối tác và đem lại những hợp đồng béo bở. 
Đó chỉ là những vấn đề nhỏ bên cạnh những vấn đề lớn mà Phụ nữ phải đấu tranh mỗi ngày. Ba người Phụ nữ được nêu trong bài viết không đại diện cho số đông những người Phụ nữ đang đấu tranh vì những quyền lợi chính đáng. Vì vậy, phong trào đấu tranh vì quyền Phụ nữ không là nguyên nhân cho việc “tại sao tỷ lệ ly hôn tại Mỹ chiếm tới hơn 50% và Đàn ông Mỹ ngày càng tránh xa hôn nhân”. Đừng đổ lỗi cho Phụ nữ về những vấn đề của xã hội, bởi vì sống trong một xã hội nơi mà các luật lệ được xây dựng, kiểm soát và chi phối bởi Đàn ông vốn đã là một bất công đối với người Phụ nữ.