Đối với mình, thư giãn chỉ đơn giản là làm những điều mình thích.
Bởi vì mình tin rằng khi đó, mọi mệt mỏi cũng tan biến đi, bạn không cảm thấy nghi ngờ về bản thân mình, về những gì mình đang làm, bạn tận hưởng và cảm thấy yêu đời hơn.

Vậy tại sao chúng ta cần cân bằng cuộc sống bằng việc thư giãn?

1. Việc thư giãn giúp bạn tập trung hơn khi làm việc

Dành cho ngắn hạn, bạn có thể thử phương pháp Pomodoro.
Theo mình biết, phương pháp này dựa trên lý thuyết rằng người ta phát hiện ra con người không thể tập trung làm việc mãi được, mà chỉ có thể tập trung 1 khoảng thời gian nhất định nào đó, nhưng chắc chắn sau khoảng thời gian tập trung đó, bạn cần phải nghỉ ngơi. Đó là lý do người ta thiết kế 1 tiết học trong trường kéo dài 45 phút rồi nghỉ 5 phút trước tiết học tiếp theo.
Lưu ý rằng: nghỉ ngơi mình nói ở đây là bạn thật sự tập trung vào việc nghỉ ngơi. Ví dụ như ngồi không làm gì cả, đi uống 1 ít nước, đứng dậy đi lại, ngắm cảnh,... Những hoạt động mình không khuyến khích là nhìn vào màn hình điện thoại hoặc sử dụng các thiết bị điện tử.
Để thực hiện phương pháp này, mình giới thiệu mọi người 2 app mình đang dùng trên điện thoại và laptop nè:
+ Trên điện thoại, mình dùng app Forest. Cách app này hoạt động là bạn sẽ chỉnh thời gian mình sẽ tập trung làm việc (thường là từ 25 - 45 phút / lần) tùy theo “cơ địa” tập trung của bạn. Sau thời gian bật đồng hồ trên app chạy, bạn sẽ trồng được 1 cái cây trên app. Nhưng nếu trong thời gian bật App đó, khi bạn thoát App để làm việc gì khác, thì nó cho bạn 10 giây để quay lại app. Quay về không kịp thì bạn đã làm chết 1 cái cây đó.
+ Trên laptop, mình đang dùng app Block & Focus, bạn có thể vừa chỉnh thời gian để làm việc cho mỗi lần tập trung, vừa chỉnh được những trang web bạn không được truy cập trong quá trình bật đồng hồ làm việc trên App. Mỗi lần bật sang 1 trong những trang web đó, thì trên màn hình sẽ hiện một câu quote hoặc 1 câu nhắc nhở bằng tiếng Anh để truyền động lực cho bạn tiếp tục làm việc. Khi đến thời gian nghỉ ngơi thì app sẽ cho bạn truy cập tất cả trang web lại bình thường.

2. Việc thư giãn ít nhất giúp mình củng cố sức khỏe tinh thần

Mình dùng từ “ít nhất” vì với mình còn có cả sức khỏe thể chất vì mình cũng có sở thích leo núi, tập thể dục các bộ môn như HIIT, Cardio, Gym,...nè. Đó cũng là sở thích/thói quen của mình đó.
Còn về sức khỏe tinh thần, thật ra việc ngồi không làm gì, không suy nghĩ đến việc gì, chỉ tập trung vào nhịp thở của bạn cũng là một hình thức của Thiền. Khi đó bạn giúp suy nghĩ của mình được lắng đọng lại, không còn suy nghĩ tới những thứ khiến bạn mệt mỏi hay căng thẳng. Ngoài ra, có một số hoạt động khác của việc thư giãn có thể giúp chúng ta củng số sức khỏe tinh thần như:
+ Phản tư bằng cách kể chuyện: Mình cảm thấy thật may mắn khi có những người bạn mà mình cực kì tin tưởng để kể chuyện mà không sợ bị phán xét. Khi đó mình cảm thấy bản thân được lắng nghe. Nếu bạn không có ai để kể chuyện thì có thể thử cách tiếp theo :))
+ Phản tư bằng cách viết: Đó có thể là những điều bạn muốn làm nhưng mình đã không làm hoặc không muốn làm nhưng lại làm rồi từ đó rút ra bài học hoặc giải pháp để giải quyết vấn đề. Ngoài ra, mình cũng biết đến hình thứ viết theo dạng “therapy writing”,...Dù là viết lại suy nghĩ của bạn theo dạng nào đi chăng nữa, việc viết sẽ làm dòng suy nghĩ của bạn chậm lại và từ đó bạn sẽ thấu cảm cho bản thân và tự chữa lành cho chính mình.
Tóm lại là: “Trải nghiệm” tức là có “trải” thì phải “nghiệm” lại. Như vậy, bạn mới dễ dàng tự chăm sóc cho bản thân một cách “bền vững” hơn.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, như mình nói ban đầu đó. Thư giãn chỉ đơn giản là việc bạn làm những điều mình thích hoặc cảm thấy muốn làm. Đó có thể là ra một quán cà phê vintage nào đó, đi ăn vặt, đạp xe, chạy bộ, nói lời yêu thương với gia đình,...

3. “Work-Life Balance” và “Work-Life Integration”

Nếu bạn có quá nhiều việc để làm mà không thể dành thời gian để làm những việc như trên luôn gì sao?
Thế thì hãy lắng nghe trái tim của mình, làm công việc mình thích. Khi làm công việc mình yêu thích, bạn có thể làm cả ngày mà không hề chán hay sợ mình phải OT (làm việc ngoài giờ). Công việc trở thành cuộc sống của bạn. Khi đó, bạn không cần phải suy nghĩ cách làm sao để có “Work-Life Balance” nữa, vì bạn đã biết cách để có “Work-Life Integration” rồi :))