Thấm thoát thì bản thân đã vật lộn với công việc và xã hội được hơn ba năm.
Một cái balo đèo suốt thời sinh viên, một vài cây viết, quyển sổ để viết lách lung tung và quan trọng nhất là một ý niệm.
Đó là những thứ mà bản thân mang theo khi giong bườm để tìm kiếm một thứ mà ông nội vô tình một lần nào đó gieo vào trong tâm trí của tôi lúc thiếu thời:“Đắc Đạo”
Đọc đến đây chắc có lẽ nhiều người sẽ bật cười về khái niệm khá là “điện ảnh” và xa rời hiện thực đến ngu ngơ.
Trước khi những định kiến hay phản bác nảy ra trong đầu bạn, hãy thử bình tâm lại gạt cái tôi và theo dõi tiếp những gì mình sắp sửa viết ra, và những gì sau đó bạn hoàn toàn có thể giữ quan điểm của mình.
Thật ra quan niệm về “Đắc Đạo” của chúng ta hiện nay có sự sai biệt rất lớn so với bản chất bình dị của nó.
Đúng vậy! bạn nghe không nhầm đâu, bình dị đến khó để mà tin!
Theo nguyên lý nhà Phật có ba khái niệm về tu hành mà chắc hẳn nhiều người cũng biết “Giới, Định, Tuệ”.
Mình sẽ diễn giải theo cách mà mình được truyền đạt lại như sau:Hãy nghĩ đến một chiếc đèn nến, nó có: chum đèn, lửa và ánh sáng.
Điều gì có thể xảy ra nếu ta bỏ chum đèn, có thể sẽ có ngọn gió nào đấy thổi qua làm tắt lửa trong đèn, cùng với đó là ánh sáng biến mất.
Cũng có thể sẽ không có ngọn gió nào cả và đèn vẫn sẽ sáng.
Chắc bạn cũng nhận ra rằng khi mất “chum đèn” thì “lửa” sẽ rất dễ mất cân bằng và “ánh sáng”của nó cũng leo lắt theo từng tác động của bên ngoài.
“Chum đèn” là “Giới”.
Có “chum đèn” thì “lửa” mới có thể “Tịnh”.
Ngọn “lửa” khi đã “Tịnh”, thì mới có thể “phát sáng”, đó là “Tuệ”.
Con người cũng vậy, mỗi cá thể là một “ngọn đèn”, có thể có cái trang hoàng lộng lẫy, có cái bình bị hơn, thậm chí có cái chỉ là bóng soi đáy nước. Suy cho cùng cái quan trọng vẫn là “ngọn lửa” phát sáng trong từng chiếc đèn.
Cùng đạo lý đó, nếu một người không thể hiểu rõ bản thân thì cũng giống như không có “chum đèn”, rất dễ đánh mất “ánh sáng” của chính mình.
Đuốc thì không thể chứa trong chum đèn nhỏ, và ngược lại ngọn nến cũng không thể chứa trong gian phòng quá to vì sẽ che mất ánh sáng nhỏ nhoi của nó.
Không có nghĩa là mình cổ súy cho việc “an phận” cho mỗi người, chỉ là trước tiên phải hiểu rõ “ngọn lửa” của bản thân hiện tại mà chọn cho mình “chum đèn” phù hợp, có thể không phải cái bản thân mong muốn, nhưng nó phù hợp để duy trì “ngọn lửa” hiện tại của bạn.
Về phần “ngọn lửa” của mỗi người, chính ra “lửa” có cháy to và sáng hay không, không hoàn toàn do bản thân nó, mà chính bắt nguồn từ thứ mà bạn đốt và cung cấp lên nó, có thể là sách, trải nghiệm, những người bạn.
Cho nên, hiểu rõ chính mình, lấy đó mà truy cầu những thứ mình thực sự muốn chính là là cái nguyên căn của “Đắc Đạo” và “tu hành”.
Thế một người hiểu rõ bản thân mình là người hèn hạ và bạc nhược thì thế nào?
Nếu bạn cảm thấy không hạnh phúc hay là chính mình thì chắc hẳn bạn đang lắp sai “chum đèn” của mình: có thể là ở nhầm hoàn cảnh, chọn nhầm một công việc, bên cạnh nhầm một người, ảnh hưởng nhầm suy nghĩ, vv..
Còn nếu nó có thể khiến bạn thật sự hạnh phúc và vui vẻ thì hãy để nó chính là như vậy, chấp nhận nó, vì suy cho cùng con người vốn không cần sự chính trực, chúng ta chỉ cần hình bóng của nó mà thôi.
Ps: cho bạn nào thắc mắc về “ngọn lửa” tương lai của mình, mình muốn nó là cái “đốm sáng” di chuyển từ Đông sang Tây hằng ngày