Tôi đã 10.000 ngày tuổi, và đây là đôi điều tôi học được.
Quảng cáo luôn đây là nhà thờ Gỗ ở Kon Tum, quê mình. :) Tôi thích những con số đẹp, thích những dịp kỷ niệm, thích những mốc thời...
Tôi thích những con số đẹp, thích những dịp kỷ niệm, thích những mốc thời gian đáng nhớ, thế nên tôi đã canh và hẹn lịch đến đúng hôm nay để viết bài này (Cập nhật: Thật ra tôi chỉ kịp lên ý tưởng đúng ngày, còn mất hai, ba lần viết và chỉnh sửa đến tận hôm nay mới xong). Như cái tiêu đề, bài viết này nhằm mục đích tổng hợp và chia sẻ những bài học mà tôi tâm đắc nhất trong quãng đời “ngắn ngủi” 10.000 ngày đã qua. Mục đích chủ yếu là dành cho bản thân mình (xin lỗi các bạn :D), để tôi có dịp ngồi xuống và hệ thống hóa, cô đọng lại những bài học nhằm nhắc nhở bản thân cần phải luôn ghi nhớ chúng. Và mục đích tiếp theo là chia sẻ cùng mọi người, hy vọng rằng một cái duyên nào đó bạn đọc được bài này, thì bạn cũng học được cái gì đó hay hay. Bài viết này không hoàn hảo, vì nó chỉ được lên ý tưởng và viết trong một buổi tối bộn bề công việc đã bị gác lại. Có lẽ tiêu đề đúng hơn của bài viết là “những bài học mà tôi đã nhớ được lúc này sau 10.000 ngày lăn lộn với đời”. Còn hằng hà sa vô số những bài học cũng rất hay khác mà tôi chưa nhớ ra, và cả những bài học từ các bạn độc giả nữa chứ. Tôi sẽ rất vui và cảm kích nếu được các bạn chia sẻ đôi điều gì đó.
Những bài học này cũng được xếp theo thứ tự ngẫu nhiên, không có cái nào quan trọng hơn cái nào cả. Vì đúng thật là tùy từng lúc, từng trường hợp, mà có những điều sẽ tạo giá trị hơn những điều khác. Tôi đánh số vì tôi biết rằng gắn số thứ tự giúp người đọc dễ ghi nhớ hơn :).
1. Lòng biết ơn
Lòng biết ơn là điều vừa đơn giản nhưng lại vừa có tác động to lớn đến cuộc sống, sự hạnh phúc và mối quan hệ của chúng ta với mọi người xung quanh. Đây là bài học mà tôi nhận ra khá muộn, có lẽ chỉ cách đây 1 hoặc 2 năm gì đó thôi. Trong khi nhiều nền văn hóa và tôn giáo đã biết về Lòng biết ơn từ ngàn năm nay rồi. Khi chúng ta xem phim hoặc ngồi ăn cùng trực tiếp với những người có đạo Kitô giáo, chắc hẳn ai cũng thấy hành động cầu nguyện vào tạ ơn Chúa vì đã giúp họ có bữa ăn này. Đó là một hành động nhỏ để rèn luyện cho con người ta một đức tính to lớn hơn chính là Lòng Biết Ơn.
Đầu tiên là với bản thân mỗi người, thì khi chúng ta biết ơn vì những gì cuộc sống đã trao cho mình, kể cả dễ chịu và khó chịu, thì chính chúng ta sẽ biết vui lên, sẽ biết trân trọng những điều quý giá, và chính nó đặt nền tảng cho hạnh phúc. Khi chúng ta cau có tức giận với trời mưa làm ta ướt hết, thì trời vẫn mưa mà ta thì cảm thấy bất hạnh. Nhưng cũng trận mưa đó, khi ta biết ơn nó, vì nó làm cho bầu không khí mát mẻ hơn, tưới mát những cây xanh đang thèm nước và còn cho ta một trải nghiệm với mưa đáng nhớ nữa chứ. Nếu ta biết ơn cơn mưa thì trời cũng vẫn mưa vậy, nhưng ta đã khác, một người cảm thấy yên bình.
Thể hiện lòng biết ơn là một hành vi xuất phát từ trong con người chúng ta ra những người xung quanh và bên ngoài xã hội. Và dù nó không tốn kém gì cả, trước kia tôi rất ngần ngại thể hiện điều đó ra với mọi người, nghĩ rằng đời thế là công bằng rồi, sao phải biết ơn họ chi. Nhưng tôi đâu có sống một mình, tôi sống trong sự tổng hòa của các mối quan hệ xã hội, nếu tôi chỉ có một mình, nếu tôi chọn cách sống đơn độc không mong cầu sự giúp đỡ của những người xung quanh, thì cuộc đời tôi đã khác và chắc chắn khổ sở hơn hiện tại rất nhiều. Tôi ăn một bát bún ngon là tôi nhận của xã hội một giá trị, và lòng biết hơn là một trong những cách tốt nhất để tôi gửi lại giá trị tích cực cho xã hội. Bằng cách đó chúng ta đã góp thêm giá trị tích cực cho xã hội rồi đó.
Khi chúng ta không được dạy về lòng biết ơn từ nhỏ, không dễ để lòng biết ơn trở thành một phần thường nhật trong cuộc sống. Nhưng chúng ta có thể làm được, bằng cách rèn luyện hàng ngày. Cảm ơn mẹ vì đã nấu bữa trưa thật ngon, cảm ơn sếp vì đã chuyển lương đầy đủ, cảm ơn trời đất sáng nay mưa mà chiều nắng ráo để đi làm về không bị ngập đường. Và chọn một số hoạt động cố định để ta có thể thực hành: sáng ngủ dậy “cảm ơn đời”, trước khi ăn cảm ơn người nấu, nhận cái gì cũng cảm ơn người đưa, và tối trước khi đi ngủ cảm ơn bản thân mình vì đã sống một ngày thiệt cố gắng. Làm liên tục ngày này qua ngày khác thì sự biết ơn sẽ thấm sâu vào trong người chúng ta, và khi đó lòng biết ơn sẽ tự nhiên tuôn chảy trong cuộc sống.
2. Thói quen
Bài học này là kiểu nghe thì nhiều nhưng hiểu không bao nhiêu: “7 thói quen hiệu quả” nghe từ tám hoánh nào rồi nhưng không biết “thói quen” nghĩa là gì. Hay như câu này:
“Gieo suy nghĩ, gặt hành động;
Gieo hành động, gặt thói quen;
Gieo thói quen, gặt tính cách;
Gieo tính cách, gặt số phận”.
Cũng có “thói quen” trong đó nhưng không biết vai trò của nó như thế nào.
Sau một quá trình nghiên cứu lâu dài, thì tôi mới dần dần hiểu ra. Con người chúng ta thật ra không sống theo lý trí như ta tưởng, không phải chỉ cần mình biết chuyện gì đúng là mình sẽ làm theo đúng răm rắp và sống cuộc sống hạnh phúc mãi mãi. Chỉ có trong truyện cổ tích thôi. Con người vẫn còn rất nhiều phần “con” trong mình, phần của bản năng, của tính cách vẫn hàng ngày định hình cuộc sống của chúng ta: thói quen làm chúng ta đánh răng buổi sáng, nhưng cũng khiến chúng ta đi làm bằng đúng 1 con đường ngày nào cũng kẹt xe; thói quen giúp chúng ta vừa nói chuyện vừa uống nước được, nhưng cũng thói quen đó khiến ta lôi điện thoại ra kiểm tra 4 phút một lần. Thậm chí còn có con số thống kê rằng thói quen định hình 90% cuộc sống của một người. Tôi không chắc vào con số đó nhưng tôi rất tin vào mức độ quan trọng của thói quen với cuộc đời mình.
Quay lại câu trên,
“suy nghĩ -> hành động -> thói quen -> tính cách -> số phận”.
Để thay đổi số phận của mình, chúng ta phải tìm cách thay đổi cái gì đó. Thay đổi suy nghĩ là đúng rồi, nhưng mà không có hành động thì không đi đến đâu rồi, còn hành động không thôi thì chỉ có tác dụng nhất thời, sau đó thì đâu lại vào đó. Chắc bạn cũng từng như tôi, hăng say đọc sách phát triển bản thân, suy nghĩ lúc đó thay đổi đó, cũng khí thế làm này làm kia đó, nhưng vài bữa thì lại xìu ngay. Rõ ràng còn thiếu một cái gì đó, mà thay đổi tính cách của mình thì quá mông lung và thật chẳng biết phải thay đổi như thế nào. Chính thói quen là điều cốt yếu ở đây và thói quen cũng là cái mà con người chúng ta có thể tác động vào được. Khi thay đổi suy nghĩ rồi, hành động rồi, thì phải hiểu rằng như vậy là chưa đủ, chúng ta còn phải biến những hành động đó thành thói quen, từ ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác. Chỉ khi tất cả những điều đó thành thói quen, thì nó mới tạo được sự thay đổi đến con người, tính cách và số phận của mình. Biết tập thể dục là tốt là chưa đủ. Tập thể dục trong 3 ngày cũng chưa có tác dụng gì. Chỉ khi biến tập thể dục thành một thói quen mỗi sáng, cứ ngủ dậy là tập mà không cần phải suy nghĩ vật lộn mặc cả đủ kiểu là hôm nay có nên tập không, thì khi đó việc tập thể dục mới có hiệu quả, mới làm tươi sáng đời của chúng ta lên được.
Nếu bạn cũng như tôi, đang dừng ở suy nghĩ và hành động mà còn bế tắc, thì có lẽ bạn biết giải pháp rồi đó.
3. Thành quả cần thời gian.
Đây là bài học tôi thấm thía nhận ra trong khoảng chuyển đổi từ thời sinh viên mơ mộng sang thời đi làm. Những ý tưởng và kế hoạch trong đầu mình thường trơn tru rất đơn giản, khi mình nghĩ rằng chỉ một thời gian ngắn với quyết tâm cao độ (!?) là mình có thể thành công ngon lành cành đào. Nhưng ôi thôi chỉ có thành công bị trì hoãn. Và đôi lúc vì quá thất vọng vì kết quả ít ỏi trong khoảng thời gian chóng vánh đó, chúng ta bỏ cuộc.
Tôi xin nói một điều này để chúng ta cảnh giác. Việc tiếp xúc với quá nhiều thông tin đã được gạn lọc trên truyền thông ngày nay đã định hình trong chúng ta một nếp suy nghĩ giản đơn và nóng vội. Nghe một anh bỏ học lập nghiệp thành tỉ phú khiến ta nghĩ việc này cũng nhanh lắm, chắc mình cũng làm được. Xem phim về những “chiêu thức bí truyền” đem đến võ công thuợng thừa cho các vị hảo hán khiến chúng ta nghĩ rằng cuộc đời mình cũng cần những công thức như vậy để đổi đời. Chúng ta tin vào thành công sau một đêm, tin vào “khúc ngoặt” cuộc đời, và tìm kiếm điều đó.
Chắc gần đây bạn cũng nghe nhiều về thành công của hai anh em nghề xiếc Quốc Cơ — Quốc Nghiệp. Nhưng câu chuyện ít được nhắc đến là anh em họ đã miệt mài tập xiếc từ khi còn bé tí, tập luyện trong môi trường thiếu thốn và không được hỗ trợ gì nhiều trong hàng chục năm trời, vật lộn với cuộc sống nghề xiếc thời thoái trào. Vinh quang hôm nay được vun đắp một thời gian rất rất dài bởi mồ hôi và nước mắt.
Chiếc iPhone ta thấy ngày nay được phát triển từ năm 2004, với đội ngũ hơn 1000 người phát triển, thử qua hàng ngàn bản mẫu khác nhau. Mà phải 3 năm sau là năm 2007 mới được công bố, nhưng cũng chưa phải được thị trường đón nhận lắm. 5 năm sau, 2012, với thế hệ iPhone 4s và 5 mới tạo được đột phá về doanh số. Thành quả không phải qua đêm, cũng không phải qua tuần, qua tháng, qua năm, mà là “quan nhiều năm”.
Biết được điều này giải phóng tôi khỏi sự dằn vặt và nóng vội của tuổi trẻ, dạy cho tôi biết rằng muốn nhanh thì phải từ từ, phải biết chuẩn bị, phải biết kiên trì và không bỏ cuộc.
4. Hiểu về bản thân giải quyết được rất nhiều vấn đề
Có hai vấn đề nổi cộm mà tôi hay phải đối mặt, trước đây thì không biết nên làm thế nào. Nhưng sau này khi hiểu về bản thân mình nhiều hơn thì tự dưng những vấn đề đó đã trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều.
Vấn đề thứ nhất là lựa chọn công việc phù hợp. Tôi thấy mình ngày xưa, cũng như nhiều bạn học sinh hiện nay vẫn vậy, là hướng nghiệp và tìm trường dựa trên những thông tin bên ngoài: Nghề đó như thế nào, tương lai tốt không, trường có xịn không. Nhưng đã bỏ quên công việc thực sự là tìm hiểu về bản thân mình, xem mình mạnh cái gì, yếu cái gì, và khát vọng sâu thẳm trong lòng mình muốn làm gì. Chính việc bỏ quên việc tìm hiểu bản thân mình mà việc hướng nghiệp định nghề gặp vô vàn khó khăn. Và nhìn cảnh học xong làm trái ngành tràn lan hiện nay thì thấy rằng cách làm cũ thật không hiệu quả.
Một vấn đề nữa là tâm lý so sánh mình với người khác, rồi đánh mất sự tự tin của bản thân mình. Thường thì chúng ta hay chọn cách so sánh khập khiễng, nhưng bản thân mình thì không nhận ra. Chúng ta hay so sánh điểm yếu của mình với điểm mạnh của người khác, hoặc ngược lại. Nhưng khi đã hiểu về bản thân mình rồi, biết rằng điểm yếu của mình là gì, điểm mạnh của mình ra sao, thì lúc đó mới nhận ra được những điều khập khiễng khi mình so sánh bản thân với người khác. Rồi trong cuộc sống, khi gặp những người giỏi hơn chúng ta ở điểm này hay điểm khác, chúng ta không phải tự ti về sự thua kém của mình, đơn giản là chúng ta chưa giỏi bằng họ ở điểm đó, nhưng giá trị bản thân vẫn còn đó, mình vẫn có những điểm mạnh khác để phát huy.
Việc hiểu bản thân thật sự rất quan trọng, và sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề khác nữa trong cuộc sống tương lai: Quyết định nghề nghiệp, quyết định đầu tư, chọn bạn đời, lựa chọn thử thách, lựa chọn cộng sự, và vô vàn các quyết định lớn nhỏ khác.
5. Hạnh phúc, cũng như thành công, theo cách nào đó rất riêng của bạn.
Cũng như nhiều người khác, hạnh phúc là một trong số những điều mình theo đuổi trong cuộc đời này.
Và tôi từng dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu và học theo những cách hạnh phúc của người khác. Học tu hành như một tín đồ phật giáo, học theo đi phượt như người ta, hay đi làm từ thiện theo phong trào. Quá trình này cũng cho tôi nhiều niềm vui, nhưng niềm hạnh phúc thật sự và lâu bền thì hình như chưa phải. Phải mất một thời gian tôi mới nhận ra rằng để bản thân mình hạnh phúc, thì phải làm theo cách nào đó rất đặc trưng và phù hợp với bản thân mình thôi. Một cách nào đó khiến người khác hạnh phúc chưa chắc sẽ làm cho mình hạnh phúc. Mình sẽ phải tự khám phá bản thân mình, hiểu điều gì khiến mình vui và điều gì khiến mình khó chịu, và rồi từ đó thử rất nhiều cách khác nhau xem cách nào phù hợp. Tôi vẫn trên hành trình đi tìm hạnh phúc của mình thôi, chưa có một công thức hoàn hảo cho nó. Nhưng hiện tại đã tìm thấy được một số điều làm mình hạnh phúc, và cố gắng thực hành thêm nó hàng ngày.
Và tôi từng dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu và học theo những cách hạnh phúc của người khác. Học tu hành như một tín đồ phật giáo, học theo đi phượt như người ta, hay đi làm từ thiện theo phong trào. Quá trình này cũng cho tôi nhiều niềm vui, nhưng niềm hạnh phúc thật sự và lâu bền thì hình như chưa phải. Phải mất một thời gian tôi mới nhận ra rằng để bản thân mình hạnh phúc, thì phải làm theo cách nào đó rất đặc trưng và phù hợp với bản thân mình thôi. Một cách nào đó khiến người khác hạnh phúc chưa chắc sẽ làm cho mình hạnh phúc. Mình sẽ phải tự khám phá bản thân mình, hiểu điều gì khiến mình vui và điều gì khiến mình khó chịu, và rồi từ đó thử rất nhiều cách khác nhau xem cách nào phù hợp. Tôi vẫn trên hành trình đi tìm hạnh phúc của mình thôi, chưa có một công thức hoàn hảo cho nó. Nhưng hiện tại đã tìm thấy được một số điều làm mình hạnh phúc, và cố gắng thực hành thêm nó hàng ngày.
Và thành công cũng như vậy, không có công thức thành công chung nào cho tất cả mọi người cả. Mỗi chúng ta phải thành công theo một cách rất khác nhau và không ai có thể bắt chước ai được. Nghĩ cũng hiển nhiên, vì nếu thành công mà bắt chước được thì 100% người trên thế giới này đều thành công hết rồi. Chúng ta nghe những chia sẻ, những bài học của người khác để có thêm những góc nhìn mới, những ý tưởng mới để áp dụng cho mình, hoàn toàn không phải để học theo họ. Đây lại là một hành trình dài nữa mà mỗi người phải tự khám phá lấy, sẽ vất vả và tốn thời gian đấy, nhưng kết quả đạt được cũng rất xứng đáng đúng không.
6. Có một thế giới tinh thần rộng lớn.
Hồi xưa học triết học Mác Lê nhấn mạnh vào vật chất, đề cao duy vật và xem nhẹ duy tâm. Nhưng càng tiếp xúc với nhiều người, trải nghiệm nhiều thứ trên đời này, mới thấy rằng cái thế giới tinh thần ở trong mình nó quả thật rộng lớn và quan trọng đến nhường nào.
Chúng ta có thể làm đẹp bên ngoài mình bằng trang sức, vóng dáng hoặc thời trang, và chúng ta cũng có thể làm đẹp tâm hồn mình bằng tri thức, sự cảm thông và lòng thương người.
Chúng ta có thể làm giàu cho bản thân mình bằng cách kiếm thật nhiều tiền, và chúng ta cũng có thể làm giàu cho tâm hồn mình bằng những trải nghiệm, bằng giúp đỡ người khác, bằng sự cho đi.
Chúng ta có thể tích lũy của cải hay đồ đạc hiện đại, và chúng ta cũng có thể tích lũy những kỷ niệm, những khoảnh khắc và ấn tượng đẹp trong lòng mình và lòng người khác.
Tôi muốn nói là chúng ta cần quan tâm đến cả hai khía cạnh này, cả vật chất và tinh thần. Và khi chúng ta có được sự “cân bằng” đó, thì chúng ta có thể cảm nhận được giá trị to lớn hơn rất rất nhiều của các yếu tố tinh thần. Ví dụ một gia tài cực lớn cũng làm ta vui đó, nhưng những người con người cháu hiếu thảo mừng thọ khi chúng ta 90 tuổi còn hạnh phúc hơn gấp nhiều nhiều lần. Sự cân bằng tôi muốn nói ở đây là ở mức “đủ” của vật chất, và phát triển tối đa “tinh thần”, chính khi đó chúng ta mới thấy được sự mênh mông rộng lớn vĩ đại của các giá trị tinh thần, và đó là điều làm chúng ta hạnh phúc lớn nhất.
7. Mối quan hệ là quan trọng
Một nghiên cứu gần 100 năm của đại học Harvard đã đưa đến kết luận rằng điều có vai trò lớn nhất đến hạnh phúc của một người chính là chất lượng các mối quan hệ của họ. Không phải là tiền tài hay địa vị xã hội, không phải có được đi du lịch vòng quanh thế giới không, không phải có bao nhiêu like mỗi bài post. Chính là chất lượng các mối quan hệ của chúng ta đóng vai trò to lớn nhất đến mức độ hạnh phúc.
Và những mối quan hệ càng thân thiết thì càng có vai trò lớn. Hãy nhìn lại mình trong các mối quan hệ gia đình và người thân, xem chúng ta có đang đóng một vai trò tích cực và đóng góp vào đó hay không. Và cả bạn bè cũng vậy, chúng ta có đang có những người bạn “cạ cứng” và giúp đỡ nhau hay không, hay có những người bạn “độc hại” nào đang đánh cắp niềm vui của ta không? Dành thời gian và công sức một cách nghiêm túc để đầu tư cho các mối quan hệ này.
8. Và phải biết như thế nào là đủ.
Chúng ta hay nghe câu đùa phổ biến là “cố quá thành quá cố”. Và nó đúng theo cách hiểu là nếu chúng ta làm quá một cái gì đó, dù nó là điều tốt, thì cũng đều gây hại nhiều hơn là đem lại lợi ích.
Kỳ vọng thấp thì ta không đủ cố gắng, nhưng kỳ vọng cao quá chỉ khiến ta thất vọng và đánh mất niềm vui.
Mong mọi thứ tốt là đúng, nhưng quá cầu toàn thì làm chậm quá trình và khiến ta càng thêm trì hoãn.
Giúp đỡ người khác là tốt, nhưng khi giúp đỡ quá nhiều thì cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của riêng mình.
Có rất nhiều ví dụ để nói về điều này. Nhưng cái khó là làm sao biết như thế nào là đủ?
Sẽ chẳng có công thức nào cho nó cả. Mỗi chúng ta phải tự vấn bản thân mình và đưa ra quyết định thế nào là đủ. Bài học này không nhằm nhắn nhủ ta làm mọi thứ ít đi, mà ngược lại, nó nhắn nhủ chúng ta rằng phải cố gắng nhiều hơn, cố gắng để luôn nhận thức được bản thân mình và tình hình hiện tại, để luôn tỉnh táo không làm “quá” đi một điều gì đó.
Ví dụ như khi tôi viết bài này, thật ra tôi kỳ vọng nó là một bài thật hay và chi tiết, vì hai mươi mấy năm mới viết một bài thế này cơ mà. Nhưng tôi nhận ra, nếu tôi kỳ vọng quá nhiều, muốn viết thật hay và chi tiết, thì bài này sẽ chẳng bao giờ hoàn thành cả, sẽ luôn ở trạng thái nháp và dang dở. Nên tôi chọn cho mình một kỳ vọng thấp hơn, cho mình một khung thời gian, và viết về những ý tưởng hiện có trong đầu của mình. Có thể nó sẽ không trọn vẹn, không đủ ý, không hay lắm, nhưng cũng đủ tâm huyết và hoàn thành nó. Có lẽ như vậy là đủ.
Có thể bạn sắp tới, hoặc đã qua cột mốc 10.000 ngày trên trái đất này rồi, bạn có những bài học gì hãy chia sẻ cùng tôi và mọi người nhé.
Cảm ơn bạn đã đọc hết bài thật là dài này.
YOLO!
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất