PARK CHUNG HEE (P1) – KẺ ĐỘC TÀI HAY LÃNH TỤ ĐẠI TÀI CỦA HÀN QUỐC ???
Đại Hàn Dân Quốc hay với tên gọi quen thuộc là Hàn Quốc, một quốc gia nằm vỏn vẹn ở phía nam của bán đảo Triều Tiên, ở phần Đông Á...
Đại Hàn Dân Quốc hay với tên gọi quen thuộc là Hàn Quốc, một quốc gia nằm vỏn vẹn ở phía nam của bán đảo Triều Tiên, ở phần Đông Á với diện tích nhỏ chỉ bằng 1/3 diện tích của Việt Nam nhưng sức ảnh hưởng của Hàn Quốc lại không bao giờ nhỏ bé. Vị thế chính trị của Hàn quốc được gia tăng mạnh trong khoảng thập niên 60 của thế kỷ trước qua sự phát triển thần kỳ của kinh tế Hàn quốc được thế giới ví như “con rồng Á châu”. Sự phát triển Hàn Quốc ngày nay không thể nói đến thời kỳ lãnh đạo của chế độ độc tài phát triển Park Chung Hee với chính sách đưa Hàn Quốc phát triển vượt bậc với các sự kiện bước ngoặt như “kỳ tích Hàn giang”, “Sameul Udong”. Những sự kiện này khiến nền kinh tế hướng nội của Hàn Quốc vốn phụ thuộc vào viện trợ của Hoa Kỳ đã vực dậy và trở thành quốc gia xuất khẩu lớn và còn là đối tác chiến lược phát triển toàn diện với Mỹ. Sự thành công này cốt lõi đến từ con người Hàn Quốc và đường lối phát triển kinh tế hà khắc của tổng thống Park Chung Hee. Ở Hàn Quốc, địa hình đồi núi hiểm trở, ít tài nguyên khoáng sản là một trở ngại vô cùng lớn của đất nước. Vì vậy, để phát triển kinh tế ở Hàn Quốc không nhờ tài nguyên có sẵn, Park Chung Hee luôn đề cao con người chính là tài nguyên để phát triển. Hiểu một cách nôm na đại ý của Park Chung Hee rằng,
Hàn Quốc không có tài nguyên thì con người chính là tài nguyên
Vậy có phải sự cầm quyền của Park Chung Hee là lẽ tất yếu ở Hàn Quốc hay không? Chính sách phát triển kinh tế của Hàn Quốc được tổng thống Park Chung Hee thực thi có tác động như thế nào đối với kinh tế Hàn Quốc, biểu hiện cụ thể ra sao? Bài viết này, mình sẽ mô tả và phân tích, làm rõ các giả thuyết đó để giúp các bạn có một giác độ bao quát về quá trình cầm quyền của tổng thống Park Chung Hee đối với Hàn Quốc trong giai đoạn 1961 – 1979.
1. ĐIỀU KIỆN CẦM QUYỀN CỦA PARK CHUNG HEE
Sơ lược tiểu sử Park Chung Hee
Park Chung Hee (1917-1979) sinh ra là lớn tại một thị trấn nhỏ Seonsan thuộc Seuol Hàn Quốc, sinh thời là một chàng trai nhỏ bé so với các anh chị em trong một nhà đình nghèo khó. Nhưng ông được đã sớm bộc lộ được tài năng và sự thông minh của mình tại các môn học. Tới năm học tại trường phổ thông ông đã nuôi giấc mộng trở thành giáo viên và giành được học bổng vào trường Cao đẳng Sư phạm Deagu.
Tuy nhiên, ông không thể quyết định được số phận của mình mà là thời vận. Trong thời gian làm giáo viên cùng lúc đó sự bùng nổ của các cuộc chiến tranh liên miên giữa Nhật Bản và Trung Quốc (bán đảo Triều Tiên đang là thuộc địa của Nhật Bản), ông phải bỏ giảng dạy và theo con đường binh nghiệp. Sự kiện này là bước ngoặt mở ra một hướng đi mới cho Park. Sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, tưởng chừng hòa bình sẽ tới với Hàn Quốc nhưng cuộc xung đột hai thái cực hệ tư tưởng giữa hai gã khủng lồ Mỹ và Liên Xô đã ngấm ngầm tạo ra các cuộc chiến tranh ủy nhiệm trên khắp thế giới, trong đó có bán đảo Triều Tiên. Ba năm diễn ra từ 1950 tới 1953, bán đảo Triều Tiên bị chia rẽ thành hai quốc gia là Triều Tiên và Hàn Quốc, với hai hệ tưởng khác nhau và gây chiến với nhau nhằm thống nhất đất nước bằng nội chiến.
Park là một người lính với những kinh nghiệm khi tham gia chiến tranh thế giới thứ 2, ông tiếp tục tham chiến vào cuộc nội chiến ở Triều Tiên. Cuộc nội chiến kết thúc khi sự kiện chia đất nước tại vĩ tuyến 38 và Park được phong hàm chuẩn tướng, có sức ảnh hưởng lớn trong quân đội Hàn Quốc và được Hoa Kỳ tín nhiệm.
Sự khủng hoảng nền chính trị vay mượn kiểu Mỹ
Khép lại nền Cộng hòa thứ nhất của Rhee Sungman (Lý Thừa Vãn) vào năm 1960, chớp lấy thời cơ và được Mỹ ủng hộ, bộ trưởng Chang Myon đổi mới nhà nước theo thể chế Đại nghị kiểu Anh. Ngày 15 tháng 6 năm 1960, Hiến pháp mới được công bố và thiết lập nền Cộng hòa thứ hai do Chang Myon làm thủ tướng, vẫn tồn tại tổng thống nhưng theo danh nghĩa về sự đoàn kết của Đại Hàn. Nhưng sự thành lập chế độ cộng hòa này là một điều khá mới mẻ mà người lãnh đạo chưa nhìn thấy được bản chất và những điểm yếu của quốc gia và những điều kiện mà thể chế Đại nghị yêu cầu. Vì vậy, nền cộng hòa nhanh chóng sụp đổ chưa đầy một năm tồn tại ở Hàn Quốc do những nguyên nhân sau:
Về kinh tế, Hàn Quốc bị phụ thuộc phần lớn nhờ nền kinh tế viện trợ từ Hoa Kỳ. Ở trong nước, hàng hóa được nhập khẩu từ nước ngoài với giá rẻ do không phải chịu thuế, các doanh nghiệp nội địa được nhà nước ưu tiên độc quyền khiến doanh nghiệp nhỏ không thể vươn lên cạnh tranh, dẫn tới phá sản.
Tính từ năm 1945 đến 1960, tổng số tiền mà Mỹ viện trợ trực tiếp cho Hàn Quốc lên đến 2,4 tỷ USD. Nếu bao gồm cả viện trợ gián tiếp, thì tổng số tiền Mỹ viện trợ cho Hàn Quốc đến năm 1960, lên đến 3 tỷ USD. Riêng trong giai đoạn 1954 - 1961, Mỹ đã viện trợ cho Hàn Quốc khoảng 2 tỷ USD, hầu hết là theo hình thức viện trợ không hoàn lại. (1)
Về tình hình xã hội, dân số tăng cao còn hệ thống giáo dục không đổi mới khiến nhiều người Hàn mù chữ, và mặt khác, những sinh viên tốt nghiệp thì không có việc làm do không đáp ứng tiêu chuẩn thực lực. Từ đó, thất nghiệp tăng cao dẫn tới mất niềm tin với chính phủ. Hơn nữa, tham nhũng tràn lan khắp bộ máy từ thấp tới cao của Hàn Quốc khiến sinh viên đứng lên biểu tình. Họ trở thành lực lượng biểu tình đứng đầu lãnh đạo và sôi nổi nhất. Một sai lầm nữa đó là, ngay sau khi nắm quyền Thủ tướng Myon đã trừng phạt lực lượng cảnh sát của nền cộng hòa trước khiến hàng vạn cảnh sát mất việc cộng với việc thất nghiệp lớn gây ra tỉ lệ tội phạm lớn tại Hàn Quốc.
Bấy giờ, Hàn Quốc có hơn 2 triệu người thất nghiệp và khoảng 2 triệu người bán thất nghiệp, giá cả hàng hóa sinh hoạt tăng vọt, trong lúc đồng lương chỉ đảm bảo 1/3 nhu cầu tối thiểu, người nông dân thiếu lương thực (hơn 1 triệu gia đình thiếu đói, phải rời bỏ quê hương).(2)
Về tư tưởng, lúc bấy giờ, người dân Hàn Quốc vẫn đang ở vùng giao thoa lớn bởi tàn dư của một xã hội phong kiến nhuốm màu sắc phẩm trật của Nho giáo – Khổng Tử. Do đó, nhân dân trong nước mang nặng tư tưởng “thần thánh hóa” – (Vua), đợi chờ một con người thông minh, lỗi lạc, bậc minh quân xuất hiện. Vào thời Chosun (1392-1910) Nho giáo bắt đầu hưng thịnh và Phật giáo suy tàn, Nho giáo bắt đầu giải quyết các mối quan hệ cơ bản trong xã hội Đại Hàn và nhân dân học tập chuyên sâu thuộc lòng tư tưởng đạo đức và luân lý của Nho giáo. Cùng với đó, những tín ngưỡng dân gian của người Hàn là đạo Shaman (thờ cúng bách thần) cũng khiến họ có niềm tin rằng sẽ có một vị thánh đủ tài giỏi và khả năng cứu rỗi họ khỏi cảnh nguy khốn ở Hàn Quốc giai đoạn đó.
PGS.TS. Hoàng Văn Việt, nhà nghiên cứu chuyên sâu về chính trị ở khu vực Đông Bắc Á đã khẳng định văn hoá chính trị của Hàn Quốc rằng, chính các quan niệm siêu tự nhiên và tín ngưỡng bách thần mà tư tưởng của Shaman giáo đưa lại đã tạo nên ở người Hàn Quốc tâm lý thần thánh hoá các lãnh tụ cá nhân và uy quyền của bậc đế vương. (3)
Sự thật là, sự sụp đổ của nền Cộng hòa vay mượn kiểu Mỹ là điều tất yếu vì những mâu thuẫn trong việc áp đặt chính sách cả về kinh tế, chính trị - tư tưởng, xã hội. Quan trọng hơn, về bản thân thể chế cộng hoà phải phù hợp với ý thức dân chủ của người dân. Trong khi đó, người dân Hàn Quốc còn chưa có cái ăn, cái mặc, thậm chí là không biết chữ thì “dân chủ” có ích lợi gì. Park Chung Hee nói:
“Nhân dân Á Châu sợ hãi đói nghèo hơn là sợ chế độ độc tài…, và thứ ngọc thiếu ánh sáng được gọi là chế độ dân chủ thì vô nghĩa đối với người dân chết đói và tuyệt vọng.”
Park Chung Hee thực hiện đảo chính
Đúng ngày 16 tháng 5, chớp thời cơ nền Cộng hòa thứ 2 đang trên trượt dốc của sụp đổ, Park với quyền bính quân sự lớn trong tay đã lãnh đạo cuộc đảo chính thành công và thành lập ủy ban Cách mạng Quân sự (MRC) vẫn do thủ tướng Myon đứng đầu theo danh nghĩa. Theo toan tính chính trị của Park, để củng cố tính chính danh và thúc đẩy quyền lực vào tay mình, Park đã đổi tên Ủy ban Cách mạng Quân sự thành Hội đồng tối cao Tái thiết quốc gia (SCNR) và khai trừ thủ tướng Myon ở chức chủ tịch và Park Chung Hee chính thức cầm quyền tuyệt đối trong chính phủ.
Nhưng điều Park Chung Hee còn thiếu để hoàn thành sự độc tài là tính chính danh khi được nhân dân ủng hộ. Ngày 26 tháng 12 năm 1962, Hội đồng tối cao Tái thiết quốc gia đã tổ chức cuộc trưng cầu dân ý và thông qua Hiến pháp sửa đổi để thiếp lập nền Cộng hòa thứ ba. Một năm sau, Park đành phải giải ngũ để danh chính ngôn thuận đi tranh cử chức Tổng thống và thành lập Đảng Dân chủ Cộng hòa mong muốn kiểm soát chính phủ bằng đa số phiếu trong cuộc bầu cử của nhân dân Đại Hàn. Cuộc bầu cử kết thúc, Park Chung Hee thắng Tổng thống Yun Po-sõn với số phiếu suýt soát. Từ chiến thắng đó, Park Chung Hee danh chính ngôn thuận cầm quyền trong nền Cộng hòa mới.
Rõ ràng, vào bối cảnh và thời điểm đó, Park Chung Hee đã xuất hiện dường như đã đáp ứng nguyện vọng của nhân dân về một đấng cứu thế giúp họ vượt qua hoạn nạn. Niềm tin của nhân dân vào sự dân chủ của nền Cộng hòa Đại nghị tan vỡ nên vì vậy họ đặt cược vào sự độc tài của Park Chung Hee. Và chính Park cũng là một người có nhiều quyền lực trong tay, bằng nhiều toan tính củng cố quyền lực ở các cơ quan chính phủ và thâu tóm quân đội Hàn Quốc và đặc biệt được Hoa kỳ ủng hộ, tín nhiệm là điều kiện thuận lợi cho Park nắm quyền.
Có thể thấy, Park Chung Hee có hai nhân tố quan trọng để có nắm được quyền vị trí tổng thống độc tài ở Hàn Quốc vào năm 1961. Về nhân tố khách quan, sự khủng hoảng sâu sắc ở ba lĩnh vực chủ chốt của quốc gia là xã hội, kinh tế - chính trị. Mặt khác, về nhân tố chủ quan, Park đã kết hợp khả năng nhạy bén tư duy chính trị và nắm bắt tốt yếu tố thời gian, không gian và hơn cả là ông quá hiểu con người Đại Hàn. Từ các nguyên nhân đó, Hàn Quốc đã sinh ra một vị lãnh tụ độc tài chuyên chế trong một hoàn cảnh nhà nước cộng hoà dân chủ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) Vũ Đăng Hinh (1990), “Làn sóng xuất khẩu thứ hai của Nam Triều Tiên”, Những vấn đề kinh tế thế giới, 2 (4), tr. 26 - 31.
(2) Hoàng Văn Việt, “Độc tài và phát triển – thử nghiệm thành công ở Hàn Quốc thời kỳ chính quyền Park Chung Hee (1961 – 1979)”, Tạp chí Phát triển KH&XH, tập 17, số X5, (2014), trg.104.
(3) Hoàng Văn Việt, (2003), “Vài nét về văn hoá – chính trị Hàn Quốc”, kỷ yếu hội thảo quốc gia kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc, trg.245.
(4) Park Chung Hee đã xây dựng kinh tế Hàn Quốc như thế nào?, https://thongtinhanquoc.com/park-chung-hee-xay-dung-kinh-te/
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất