One day ( Chương ba )
If the time goes back, would you be with me again? Nàng ấy dẫn tôi đến một quán ăn nằm trên Phố Nhà Thờ. Một cửa hàng có mặt tiền...
Nàng ấy dẫn tôi đến một quán ăn nằm trên Phố Nhà Thờ. Một cửa hàng có mặt tiền với lối trang trí rất thu hút thực khách độ tuổi thanh thiếu niên. Bức tường được sơn trắng với gam màu không quá quý phái và xa hoa khiến cho người ta phải nhầm tưởng rằng đây thực chất ra là một quán ăn đắt đỏ lắm.
Và nếu như không có sự chứng thực về tình trạng tài chính của nàng, tôi đã ắt hẳn phải có chút rối rít lên khi bước vào mấy chỗ xa hoa.
Đó kiểu như là một tòa lâu đài, bên trong chẳng hề có lính khách mang giáp sắt với ngoại hình oai vệ mà chỉ có sự hiện diện của những chú hề vui tính ngự trị. Hoặc là một cái thư viện đồ sộ với sự cổ kính ngàn năm, khiến những quan khách thoạt nhìn phải choáng ngợp trước sự hàn lâm vĩnh cửu, chứ thực ra bên trong hằng hà những kệ sách chỉ độc những chồng truyện tranh hay những trò chơi Boardgame hấp dẫn.
Nhưng chính thế, chính vì chủ đề hợp với thị hiếu và cũng có thể là do giá cả hợp lý của đồ ăn, thế nên để đặt được bàn ở đây cũng không dễ dàng chút nào. Cứ nhìn chồng xe đạp xếp một hàng dài là hai đứa chúng tôi cũng đủ hiểu.
“ Đông thật đấy!” – Tôi nói với nàng.
“ Ừ! Quán này nổi tiếng mà! Bọn trẻ trâu thường hay đến đây ăn lắm! Ăn xong chúng nó còn ra Nhà Thờ uống trà chanh nữa!”
Tôi giật mình, quay tới quay lui xem có ai nghe thấy không. Có vẻ như là bàn dân thiên hạ, hay mấy đứa “ trẻ trâu” theo định nghĩa của nàng chưa nghe thấy. Mặc dù nàng ta đã nói oang oang.
Quả là một phen hú vía. Và nếu thật sự mấy đứa “ trẻ trâu” kia mà nghe thấy được thì không biết tôi phải xử trí như thế nào.
Rồi tôi từ mặt ngố sang mặt tái mét.
Dù tôi vốn đã trầm, nay thấy tôi còn trầm lặng hơn, nàng chợt quay ra hỏi:
“ Lại làm sao nữa thế?”
“ Này, tớ nghĩ là cậu không nên nói oang oang như thế” – Tôi thì thầm.
“ Tại sao?” – Nàng chu môi, hệt như con cá Dory trong phim Finding Nemo.
“ Tại vì người ta nghe thấy đấy! Không tốt!” – Tôi vẫn thì thầm.
“ Người ta? Người ta nào? À … Mấy đứa trẻ …”
Tôi bụm miệng nàng ngay. Rồi mắt lại đảo tứ phía, điệu bộ thì dấm dúi như phường trộm cắp.
“ Cậu điên à?” – Giọng tôi gắt nhưng âm điệu vẫn đỗi thầm thì.
“ Cậu điên thì có! Trẻ trâu thì nói là trẻ… ứ!”
Tôi lại lao ra bụm miệng nàng.
Là tôi, quá nhát gan. Dù hành động kể trên chỉ là sự bộc phát có chủ đích, tựa như sự uốn nắn của cha mẹ với con cái khi chúng có lỡ chệch khỏi khuôn khổ của xã hội. Ấy vậy mà, chính tôi lại vô tình phô bày ra sự bất bình thường ấy.
Chính tôi đã là đứa khuấy động sự chú ý của đám “ trẻ trâu”.
Từ đằng này, tôi có thể nhìn thấy ba, bốn cái đầu dần ngoái lại về phía chỗ chúng tôi. Bọn học sinh nhà giàu, đầu tóc cắt bóng bẩy với hai mai dài, tóc gáy chấm cổ áo. Phải nói làm sao giờ nhỉ? Rick kid chăng?
Tôi giật thột, quay ngoắt lại về trước. Còn nàng, có lẽ nàng vẫn chưa nhận ra mối nguy hiểm tiềm tàng ấy mà vẫn tỉnh bơ lắm, vẫn cố ngoái xem về phía tôi vừa nhìn bằng được.
( Hay chỉ là do tôi đã ảo tưởng quá nhiều ? )
Tay tôi kéo áo nàng, cố giựt giựt ra sau.
“ Gì đấy? Đau tớ! Rách áo đấy!” – Nàng kêu.
“ Đừng quay lại!” – Tôi lại thì thầm.
“ Chỉ là…” – Nàng chợt hạ giọng xuống, vì nàng cũng chẳng phải là người quá vô tâm tới cảm xúc của tôi. “ Chỉ là mấy đứa trẻ trâu thôi mà!” – Nàng thì thầm.
“ Thôi! Kệ người ta đi!”
“ Kệ thì kệ!” – Nàng phịu mặt.
Nàng không ngoái đầu nữa, tôi cũng yên tâm. Bụng dạ xẹp xuống như vừa tống khứ được thứ gì kinh khủng lắm.
Rồi tôi quay sang phía nàng, muốn ba hoa thêm mấy chuyện chích chòe nhưng khi bắt gặp ánh mắt ảm đạm của nàng, được phủ thêm đôi bờ mi dài đen nhánh thì ý định ấy mau chóng bị dập tắt.
Tôi không biết vì sao mà cái cách tôi nhìn thế giới quan luôn được gắn kết với truyện tranh. Với người khác, bốn mùa Xuân – Hạ - Thu – Đông sẽ luôn mặc định trong tâm trí họ chỉ đơn thuần là cảm giác về thời gian và những sự vật, sự việc chỉ diễn ra ứng với quy luật của con người với sự thay đổi của thiên nhiên. Còn đối với tôi, tôi lại nghĩ về những hiện tượng tự nhiên thuộc về thời gian ấy là bốn khung tranh trên cái khoảng trắng còn sót lại của thể loại truyện Yonkoma.
Đầu tiên, khung tranh về mùa xuân ấy có những bông hoa nở rộ, có hình bóng những con ve trên cành phượng vĩ. Tuy tôi chẳng hề nghe thấy nhưng xúc cảm trong tôi lại cảm nhận điều ngược lại. Một âm thanh xôn xao.
Thứ hai, khung tranh về mùa hạ trong tôi được đặt vào trong lớp học. Rồi mùa thi cuối cấp. Những giọt mồ hôi trong phòng thi. Và thế là nghỉ hè. Một kì nghỉ dài với sự tiếc nhớ được in hằn trên gương mặt vì sự chia ly.
Thứ ba, mùa thu là nồng nàn hoa sữa. Những con đường ngập xác lá vàng. Rồi những cây lộc vừng bừng nở và cúi mình xuống rọi bóng in trên mặt hồ Gươm. Nhưng đó chỉ là hình ảnh từ bên kia cánh cửa sổ với then sắt được sơn màu xanh mang hơi hướm của thời bao cấp. Bên trong căn phòng, khung truyện của tôi có vẽ một chiếc bàn gỗ với lớp vân lan tỏa như hình ảnh của đợt sóng đóng khung mãi mãi. Trên đó, có ánh nắng lóe lên từ chiếc cốc thủy tinh còn đầy ắp nước sấu mát lịm.
Cuối cùng. Mùa đông, ngay khoảnh khắc này, là tôi và nàng.
Và giờ, hệt như cái cách mà người họa sĩ tô khoảng bóng râm, giữa mái tóc và phần gò má nhân vật mỗi khi họ có chút phiền muộn, ngay tận sâu trong người con gái trong bức khung tranh ấy là một màu đen ảm đạm trong thoáng chốc, chẳng tựa màu đen tưởng chừng bất tận trong cái ngày mưa hôm ấy.
Nhưng, tôi đã thấy một màu đen.
“ Thằng khốn! Mày vừa làm gì vậy?” – Anh bạn trong tôi quát.
“ Đang vui! Đang vui! Sao lần nào mày cũng dở chứng như thế?”
Lần đầu tiên trong đời, tôi đồng ý với anh như vậy. Tay chân tôi lúc này run bắn, đầu óc căng như dây đàn. Và thế là trời đất trong đầu tôi cứ thế chao đảo, khiến anh bạn tôi phải quằn quại lắm mới đứng dậy được.
Tôi muốn làm tất cả cho nàng vui trở lại nhưng không biết phải làm gì.
Thế nhưng, chính nàng đã giang tay ra từ phía ánh sáng nơi hố sâu mà kéo tay tôi trở lại.
“ Đồ mặt ngố! Nghĩ gì thế?”
“ À! Không có gì!” – Tôi ngẩn ngơ.
“ Đúng là ông hâm!” – Nàng giỡn.
“ Ừ! Tớ hâm!” – Tôi vẫn ngại ngùng, pha chút áy náy.
Nàng lại cười. Và thế là bụng dạ lại xẹp xuống. Nhưng lần này không chỉ còn là thứ kinh khủng được tống khứ, cả thế giới chao đảo của riêng tôi bỗng dưng yên ả trở lại.
Chợt, nàng bất ngờ hướng tay về phía tôi, khiến tôi đôi chút phải giật mình.
“ Yên nào!” – Nàng gắt.
“ Gì thế?”
“ Đứng yên cho người ta lấy kẹo!” – Nàng chỉ vào cái cặp tôi đang ôm.
“ À…” – Và tôi vẫn đang ôm chặt cặp nàng.
Nàng rút ra một túi kẹo Sugus dang dở, miệng túi được quấn cẩn thận bằng chun. Nàng của tôi đặc biệt thích ăn kẹo Sugus, đặc biệt hơn là nàng thích rất ăn kẹo táo màu xanh và ghét nhất là ăn kẹo nho màu đen. Tuy rằng chỉ họa hoằn lắm, nàng mới lấy kẹo ra ăn. Thế nhưng, nàng cũng rất thảo với bạn bè, cũng sẵn sàng cho nếu chúng nó muốn ăn cùng.
Nhưng. Hà hà.
Nàng cũng thật quái. Đối với bạn bè bình thường, nàng luôn mời chúng nó ăn loại gì cũng được. Trừ kẹo táo. Đối với những đứa mà nàng ghét, nàng luôn cho chúng nó ăn kẹo nho màu đen.
Lý do tôi biết được điều này vì có lần tôi xin kẹo nàng, biết nàng không thích ăn kẹo đen nên tôi tính lấy kẹo đen của nàng. Thế nhưng, nàng đã đưa lại viên kẹo táo đưa cho tôi.
Vậy là tôi không phải là người nàng ghét.
( Chắc chắn rồi )
Nhưng tôi cũng không phải là bạn bình thường.
( Cũng có thể )
Vậy thì tôi là gì? Bạn thân chăng? Hay bạn “ rất-rất thân”? Hay là …
Trong tôi lúc này lại là luồng suy nghĩ luôn bất chợt ập đến. Thêm một lần nữa, nàng lại đẩy tôi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Kẹo đen hay kẹo xanh? Hay là những loại kẹo khác mà không phải là hai màu sắc này?
Lưỡng lự hồi lâu, theo đại lượng thời gian cả triệu năm nhưng chỉ gói gọn lại với tốc độ ánh sáng, tôi đã quyết định chọn kẹo hồng. Dù gì, kẹo dâu cũng không tệ lắm.
Thế rồi, nàng chợt hẩy tay tôi ra.
“ Kẹo xanh ngon hơn này!” – Nàng cười.
Tôi miễn cưỡng cầm. Trong lòng ái ngại. Mặc dù thế, tôi đã ăn ngon lành. Đúng như nàng nói, kẹo xanh là ngon nhất. Và mỗi lần ăn kẹo của nàng, tôi luôn nhai kĩ, như muốn nuốt trọn hết từng lớp đường chua ngọt dính trên từng kẽ răng. Để rồi, khi thứ đồ ngọt ấy chảy xuống cổ họng, tôi có thể cảm nhận được màu xanh của chất tạo màu đã nhuộm lên khắp cả cánh đồng cỏ hiện hữu trong tâm trí, và cứ thế trải dài đến vô tận dưới ánh mặt trời.
Tôi nhìn nàng.
Nàng cũng nhìn tôi cười.
Thời gian như chậm lại.
Cảnh vật biến mất.
Chỉ còn lại hai chúng tôi.
Bất chợt nàng lại huých tôi. Tôi thấy nàng đang tủm tỉm cười.
“ Này!” – Nàng nói;
“ Gì cơ?”
“ Trẻ trâu!” – Với giọng thầm thì, muốn trêu tôi.
“ Yên nào!”
Mặt tôi đỏ lên vì xấu hổ, quay phắt đi. Nàng biết tôi ngượng nên chỉ tiếp tục cười tủm tỉm và không nhắc lại từ kia thêm nữa. Cũng không ngoái lại.
Tôi đã trấn tĩnh. Trong lòng vui phơi phới. Và thế là cô gái trong bức tranh mùa đông ấy đã cởi bỏ được lớp nền u ám trên gương mặt. Với một chàng trai.
Thế nhưng, mặc dù cô ấy đã không ngoái lại thêm một lần nào nữa. Từ trên cao, cứ đặt tôi vào địa vị của người họa sĩ phối màu, tôi đã thấy chàng trai khờ dại đó đã chẳng thể nào rời mắt khỏi đám trẻ trâu đằng sau, với một lớp nền hưởng màu u ám.
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất