Ở đó với em, với tao, với chị. Hãy ở đó thôi!
Hiện diện trọn vẹn ở đó vì người mà tôi yêu là món quà lớn nhất mà tôi có thể dành cho họ. Trong một mối quan hệ, việc cho đi hay...
Hiện diện trọn vẹn ở đó vì người mà tôi yêu là món quà lớn nhất mà tôi có thể dành cho họ.Trong một mối quan hệ, việc cho đi hay nhận lại không quan trọng bằng sự hiện diện. "anh ở đây", "mẹ đang ở đây với con", "em sẽ luôn chờ ở đó",... là những lời giá trị hơn cả yêu thương hay giải pháp nào được đưa ra.
Chỉ cần ở đó thôi được không?
Hãy hình dung hoặc nhớ về những khoảng khắc bạn đem câu chuyện, nỗi lo toan của mình chia sẻ với ai đó. Bạn chia sẻ với rất nhiều tin tưởng nhưng điều nhận lại chỉ là sự hoang mang, nghi ngờ chính bản thân. Việc người đó cố tình phân tích hay đề xuất giải pháp chỉ khiến đầu bạn căng ra, tim đập nhanh hơn và hơi thở trở không còn đều đặn, nhẹ nhõm. Bạn nghĩ, đằng sau những cảm xúc đó là gì?
Đôi khi điều chúng ta muốn chỉ đơn giản là có ai đó ở cạnh, ở cạnh thôi mà không làm gì. Chẳng phải ngẫu nhiên mà hầu hết chúng ta đều thích "tâm sự cùng người lạ" hay dễ hiểu hơn là "ngại nói nhiều với người thân", sợ đôi bên cùng mệt!
Tầm năm lớp 5, mình không còn sống cùng bố mẹ. Người duy nhất mình có thể tâm sự là bà và đến tuổi dậy thì, có một số chuyện mình chỉ chia sẻ được cùng chị họ. Mình rất muốn kể cho chị nghe về crush, nỗi lo lắng trong thi cử và thậm chỉ cả chuyện mình đã giận bác (mẹ chị) như thế nào. Nhưng lần nào cũng vậy, lúc mới chia sẻ, mình thấy rất dễ chịu và thoải mái nhưng càng về sau chị lại càng khiến mình khó chịu mà không hiểu vì sao.
Gần đây, mình dần hiểu ra rằng: Thời điểm đó, chị mình lắng nghe nhưng không lắng nghe hoàn toàn mà chỉ cố gắng đưa ra lời khuyên, phân tích, giải quyết vấn đề. Ở vị trí của người trong cuộc mình thấy nhu cầu tại thời điểm đó (đơn thuần là chia sẻ) đang không được đáp ứng. Có thể không cố tình nhưng việc đưa ra quá nhiều ý kiến cá nhân vô tình khiến đối phương cảm thấy chúng ta đang ngầm không công nhận khả năng xử lý vấn đề của họ. Chẳng ai muốn trở thành một thứ hỏng hóc cần phải sửa chữa cả. Điều đó chỉ làm mình thêm mệt mỏi mà thôi.
Có một lần, mình được một người bạn tìm đến trò chuyện và chia sẻ về hôn nhân. Sau khi nghe toàn bộ, điều đầu tiên mình muốn làm chính là khuyên bảo. Đúng vậy, khuyên bảo. Nhu cầu đưa ra lời khuyên, giải quyết vấn đề luôn ở trong chúng ta và suýt chút nữa mình đã vồ vập để thỏa mãn điều đó. Khi lắng lại một chút, mình lựa chọn đặt câu hỏi mà thôi. Chủ thể của câu chuyện đó không phải là mình, để mình cuốn trôi chỉ tưới tẩm thêm những âu lo trong người bạn đó. Và mình chỉ lắng nghe, đặt những câu hỏi để người ấy tự trả lời. Kỳ diệu là sau buổi đó, người bạn của mình tự tìm thấy đáp án cho bế tắc và cảm ơn mình rối rít. Mình không khuyên bảo, không phân tích nhưng người ấy đến bây giờ vẫn rất biết ơn mình vì đã giúp họ không cảm thấy cô đơn, lạc lõng.
2 câu chuyện, 2 trải nghiệm nhưng điều mình muốn nhấn mạnh ở đây chính là sự luyện tập khả năng quan sát và hiện diện trong giao tiếp. Trong một mối quan hệ, việc cho đi hay nhận lại không quan trọng bằng sự hiện diện. "anh ở đây", "mẹ đang ở đây với con", "em sẽ luôn chờ ở đó",... là những lời giá trị hơn cả yêu thương hay giải pháp nào được đưa ra.
Hiện diện
Hiện Diện là lá mình thích nhất ở trong bộ "52 thông điệp kết nối". Mỗi lần rút ra lá thông điệp, dù cho khách hay cho chính mình, mình biết điều cần nhất lúc đó không gì khác ngoài sự kết nối, lắng nghe và thấu hiểu.
Hồi còn đi học, mỗi lần học bài, mình chỉ cần ngồi cạnh bà nội là thấy an tâm. Dù bà xem phim, bà nghe đài hay bà nằm ngủ, mình cũng chỉ cần bà ở đấy mà thôi. Thiếu bà, mình không thể nào tập trung được.
Chúng ta thừa hưởng rất nhiều nỗi sợ của tổ tiên - những nỗi sợ thoạt nghe rất bình thường thời nay nhưng đe dọa tính mạng thời cổ đại. Trong những nỗi sợ nguyên thủy, bao gồm: sợ khác biệt, sợ bị bỏ rơi/ cô đơn và sợ những điều không rõ, nỗi sợ bị bỏ rơi là dễ xử lý nhất. Hồi còn "ăn lông ở lỗ" (tạm gọi thế đi), tổ tiên chúng ta rất sợ những thứ khác lạ. Hình dung 1 anh thổ dân đang đi săn một mình gặp một đứa khác bọt hoàn toàn tộc người của mình, khả năng cao là anh ta sẽ bị tấn công. Những anh thổ dân không sợ mà hồ hởi tay bắt mặt mừng có thể đã chết và "bộ gen" không sợ hãi đó đã không được duy trì. Trước đây, trẻ em sinh ra rất dễ tử vong do nhiều nguyên nhân. Nếu không nghe lời hoặc không đáp ứng những quy tắc của bộ lạc, chúng sẽ bị hiến tế, bố mẹ bỏ rơi và chết. Hoặc vì thiên nhiên hoang dã thời đó, loài người dựa vào nhau để sinh tồn, một người khi bị để lại phía sau rất dễ bị thú dữ ăn thịt. Nỗi sợ bị bỏ rơi ẩn sâu đó chính là nỗi sợ chết nguyên thủy. Mình đọc trên mạng có câu "chúng ta đang tiến hóa để cô đơn" nhưng để đến đó vẫn còn xa lắm. Chúng ta chịu cô đơn kém hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Tương tự, về nỗi sợ những điều không rõ, thường dẫn đến sự lưỡng lự bước ra vùng an toàn có thể giải thích qua ví dụ: Một người nguyên thủy đang lang thang trong rừng và nghe tiếng sột soạt ở xa. Anh ta có 2 lựa chọn: Bỏ chạy tránh đó là thú dữ hoặc lại vạch lá tìm xem có gì hay ho không. Khả năng gặp thú lành thì không nói nhưng những người không sợ hãi làm điều thứ 2 có thể đã bỏ mạng và tỷ lệ sống sót của những người bỏ chạy luôn cao hơn. Đó chính là tổ tiên của chúng ta.
Chúng ta là những sinh vật xã hội, nhờ kết nối mà sinh tồn, phát triển đến ngày hôm nay. Nhu cầu kết nối của chúng ta lớn hơn chúng ta nghĩ rất nhiều nhưng nhu cầu đấy không khó để đáp ứng. Chỉ cần một người thôi, ở đấy, chịu lắng nghe và hiện diện. Chỉ cần một người duy nhất ở đó để chúng ta không thấy cô đơn, lạc lõng. Vậy là đủ.
Trong một lớp học tâm lý, mình hết sức tâm đắc câu nói: Connection Before Correction (Đừng quên kết nối trước khi tìm cách sửa chữa, giải quyết).
Gần đây, những buổi đọc bài của mình thường có những câu hỏi:
- Tôi nên làm gì để giúp anh ấy/ cô ấy?
- Anh/ chị phải làm gì để giúp con mình thay đổi?
Tạm chưa bàn đến giải pháp, điều đầu tiên mình muốn nhắc họ chính là sự HIỆN DIỆN (hoàn toàn ở đó với người mà chúng ta muốn giúp đỡ). Ở đó, không phải TƯƠNG LAI, không phải QUÁ KHỨ. Ở đó mà không vội vã, không trách móc, không ôm đồm trách nhiệm. Ở đó và tin rằng, chỉ cần có chúng ta kiên nhẫn đi bên cạnh, họ sẽ tự tin tìm được câu trả lời.
Hiện diện nhưng đừng quên ranh giới của bản thân
Chúng ta cần có da để bảo vệ cơ thể vật lý, có da để lúc nóng biết nguy hiểm rụt lại, lúc lạnh biết mặc thêm áo vào. Và với cảm xúc, tâm trí, năng lượng, chúng ta cũng cần tự vạch ra những ranh giới như vậy.
Khi bạn yêu quý một người, sẵn sàng giúp đỡ một người, hiện diện là điều cần thiết. Nhưng hiện diện không có nghĩa bạn cứ ở đó để làm một chiếc thùng rác, để người khác muốn trút gì vào thì trút. Hiện diện không có nghĩa là câu chuyện gì bạn cũng phải nghe, than thở nào bạn cũng phải ôm và gánh. Hiện diện chỉ là bạn có mặt ở đó với họ. Vẫn là bạn - sống động, đủ đầy và bình tĩnh nhưng ở cạnh họ mà thôi. Đừng ở đó và ôm đồm trách nhiệm hay lo lắng vào mình. Một người rối bời là đủ, bạn chỉ cần tỉnh táo ở cạnh để họ có thể bước tiếp.
Mình luôn cẩn thận trước khi chia sẻ và hỏi:
- Anh/ chị/ mày có sẵn sàng nghe chuyện của em/ tao một cách thoải mái và khách quan lúc này không?
Nếu người đó vui vẻ đồng ý, mình sẽ chia sẻ. Nếu không mình sẽ cảm ơn và viết suy nghĩ đó ra giấy, như viết một lá thư không bao giờ gửi nhưng người nhận là họ. Đó là cách mình luôn áp dụng để tránh tác động tiêu cực lên người khác nhưng vẫn giải tỏa được cảm xúc của mình.
Chính vì vậy, bạn bè mình cũng rất thoải mái đặt câu hỏi như vậy khi muốn chia sẻ với mình. Không phải lúc nào mình cũng sẵn sàng, không phải lúc nào mình cũng có thể đồng ý nhưng mình sẽ vẫn luôn trả lời là họ có mình, họ không bao giờ cô đơn, hãy cho mình một chút thời gian, một chút không gian để tự ổn định trước đã.
Điều này có thể khó khăn với một số bạn (đặc biệt đã quen giáo dục bởi môi trường làng xã, đặt cái chung lên cái riêng như mình). Nhưng vì vậy mà chúng mình cần luyện tập để có thể hài hòa trong các mối quan hệ. Và mình nghĩ, chính vì hiểu cho từng cá nhân mà nhu cầu chung sẽ dễ được đáp ứng hơn, thuận lợi hơn rất nhiều.
---
Trò chuyện thêm với mình tại đây nhé:
Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc bài.
Đừng quên ủn mông mình bằng 1 chú upvote ủng hộ ha ^^
Trò chuyện thêm với mình tại đây nhé:
Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc bài.
Đừng quên ủn mông mình bằng 1 chú upvote ủng hộ ha ^^
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất