Tôi vốn không có ý định viết bài về chủ đề chính trị - xã hội bởi đây là những vấn đề phức tạp, không có câu trả lời duy nhất, trong khi đó, đa phần người đọc lại muốn tư duy theo kiểu “mỳ ăn liền”, hoặc phủ định sạch trơn (nếu trái chiều) hoặc tiếp nhận thụ động (nếu đồng thuận). Dù vậy, do chủ đề “phân biệt chủng tộc (PBCT)” là nhạy cảm và phức tạp, tôi hy vọng bài viết sẽ gợi đủ sự quan tâm để nhận được trao đổi, phản biện từ mọi người.
Trước khi đi vào nội dung, tôi xin chuẩn bị sẵn lời đáp cho một vài bình luận thiếu “chất lượng” mà tôi nghĩ có thể có:
- Người viết không biết gì về Mỹ: Yeah, mong bạn đi xa hơn bằng việc cung cấp thêm các thông tin hữu ích.
- Bài viết một chiều, chọn lọc số liệu: Bài viết nào cũng một chiều hết – chiều của người viết và tôi thì không cố để tỏ vẻ khách quan hay đa chiều.
- Các thống kê còn không đủ chứng minh là có PBCT; Nếu Mỹ PBCT tại sao vẫn có Mỹ đen thành công: Tôi tin mục I đã cố gắng lí giải cách mà PBCT hình thành và dù có nhiều hơn nữa người Mỹ đen thành công nhưng chưa đủ để xoá sự phân biệt tiêu cực với cộng đồng da màu thì chừng đó còn PBCT.
- Toàn ví dụ, chả chứng minh được gì cả: Chứng minh là việc nêu dẫn chứng để bảo vệ quan điểm của mình, luận cứ càng vững chắc và càng ủng hộ thì quan điểm đó càng đáng tin cậy và ngược lại. Vậy bạn có thể đi xa hơn bằng việc chứng minh các luận cứ là sai hoặc cung cấp một quan điểm có độ tin cậy cao hơn.
I. Phân biệt hay kỳ thị?
“Racist” như chúng ta vẫn biết là “phân biệt chủng tộc”. Tuy nhiên có lẽ cách dịch này có lẽ chưa hoàn toàn chính xác bởi lẽ “phân biệt” trong tiếng Việt là một từ trung tính. Chúng ta phân biệt bên trái với bên phải, quả na với quả táo không nhất thiết đi kèm với việc bên trái thì hơn bên phải hay ta thích quả na hơn quả táo. Mặt khác, thậm chí việc phân biệt còn là bắt buộc về mặt nhận thức bởi rõ ràng có sự khác nhau giữa các đối tượng và ta cần phải phân biệt được đối tượng thì mới có ứng xử cho phù hợp: phân biệt phải trái để đi không lạc đường, biết phân biệt quả na quả táo để gọt vỏ cho đúng.
Tương tự, việc phân biệt giữa các chủng tộc cũng hết sức tự nhiên. Ta vẫn biết rằng nhìn chung màu da châu Á khác người châu Âu, chiều cao trung bình của người châu Á thấp hơn người châu Âu. Những thống kê này là sự phân biệt khách quan, không bao hàm trong nó ý nghĩa tiêu cực.
Điều gì đã làm cho việc phân biệt trở nên tiêu cực?
Bạn hãy thử trả lời câu hỏi sau: giữa cầu thủ Mitoma (Nhật Bản) và cầu thủ Rooney (Anh) ai cao hơn? Tại sao?
….
Đáp án: Mặc dù chiều cao trung bình của người châu Á thấp hơn người châu Âu nhưng Mitoma (1m78) vẫn cao hơn Rooney (1m76).
Vấn đề là khi trả lời câu hỏi trên, bạn có chắc mình đã không sử dụng nhận thức về chiều cao trung bình của người châu Á và châu Âu như một căn cứ hỗ trợ cho lựa chọn? Nếu có thì đó là bạn đã rơi vào thiên kiến nhận thức. Nhưng mỗi cá nhân là độc nhất; các giá trị văn hoá, đạo đức đương đại không cho phép ta đánh giá, đối xử một con người đơn giản chỉ qua một hay một vài dấu hiệu phân biệt. Chiều cao chỉ là một sự phân biệt cơ bản nhưng sẽ thế nào nếu yếu tố phân biệt lại là những tính từ tiêu cực như “ngu dốt”, “bạo lực”, “nghèo đói”? Đây cũng chính là nguồn gốc của những sự kỳ thị, bao gồm cả kỳ thị giới, kỳ thị vùng miền, kỳ thị tôn giáo cũng như kỳ thị chủng tộc.
Tôi lại có 1 ví dụ vui thế này: luật pháp Việt Nam áp đặt rất nhiều hạn chế với người Mỹ, từ việc cư trú phải khai báo, hạn chế đầu tư, hạn chế sở hữu bất động sản, không có quyền chính trị v.v… giáo dục, truyền thông của VN thì luôn kể về tội ác của giặc Mỹ, trên mạng thì nói xấu Mỹ thả ga không bị kiểm duyệt gì, v.v. Nhưng ở VN không có sự kỳ thị Mỹ, có chăng chỉ là sự “phân biệt” bởi theo 1 cách nào đó, hình ảnh Mỹ được phân biệt nhưng vẫn gắn liền với các mỹ từ như “giàu có”, “quyền lực”, “tự do”.
Tóm lại, phân biệt về chủng tộc là điều hết sức tự nhiên về mặt nhận thức nhưng PBCT (kỳ thị) sẽ xảy ra nếu một chủng tộc bị gán cho những phân biệt có tính chất tiêu cực. Thừa nhận điều này, chúng ta sẽ thấy rằng có thể chống lại PBCT bằng cách (i) chống lại thiên kiến nhận thức, (ii) xoá bỏ các phân biệt hoặc (iii) thiết lập lại tiêu chuẩn văn hoá để các phân biệt tồn tại nhưng không được coi là tiêu cực. Trong đó thắng được thiên kiến là cách giải quyết phần ngọn, thiết lập tiêu chuẩn văn hoá mới là cách giải quyết phần gốc còn xoá bỏ phân biệt là đâu đó giữa hai thứ trên.
II. PBCT ở Mỹ
Theo một thống kê thì vào năm 1860 nước Mỹ (trước nội chiến Mỹ) đang có 4.4 triệu người Mỹ gốc Phi đang sinh sống, có tới 89.9% trong số đó sống trong cảnh nô lệ (1). Chính tỉ lệ áp đảo này, cộng với thời gian chế độ nô lệ đã kéo dài hàng trăm năm trên lục địa Mỹ, không khó hiểu nếu các phân biệt kỳ thị đã được gắn chặt với cộng đồng người Mỹ gốc Phi (da màu*). Dù chính trị nước Mỹ đã thay đổi và không còn là một quốc gia phân biệt chủng tộc, vài thập kỷ là chưa đủ để xoá đi sự phân biệt, dưới đây là một số dẫn chứng:
-         Trong giáo dục: Chỉ 28% người da màu có bằng đại học và 3% có trình độ thạc sĩ trở lên; trong khi tỷ lệ tương ứng của người da trắng là 45% và 7% (2)
-         Trong tư pháp: Theo một thống kê khác tỉ lệ thống kê tội phạm của người da màu cao gấp gần 2 lần người da trắng (3)
-         Trong kinh tế: Thu nhập trung bình của người da trắng cao hơn 50% so với người da màu (4).
Nói cách khác, người da màu ở Mỹ vẫn gắn liền với các phân biệt có tính chất tiêu cực như “học vấn thấp”, “nghèo đói”, “tội phạm”. Và bởi sự phân biệt tiêu cực vẫn tồn tại ở hầu khắp các lĩnh vực kéo theo thiên kiến nhận thức cũng như các hành vi phân biệt do ảnh hưởng của thiên kiến:
-         Học sinh da màu có ít hơn 54% khả năng được trao học bổng so với học sinh da trắng có cùng trình độ (5).
-         Tỉ lệ tài xế da màu phải dừng lại kiểm tra trên đường cao hơn 20% so với người da trắng, và nếu bị dừng lại, tỉ lệ bị lục soát người của người da màu cao gấp 1.5 đến 2 lần so với người da trắng dù thực tế tỉ lệ vi phạm của nhóm đối tượng này thấp hơn (5). Với cùng một tội danh, người da màu trung bình phải nộp tiền bảo lãnh nhiều hơn (6) cũng như nguy cơ đối mặt án tù dài hơn (7).
-         Một nghiên cứu khác còn chỉ ra rõ hơn, trung bình nhóm người có màu da càng trắng thì thu nhập càng tốt hơn và ngược lại (8).
Mặc dù vậy, một khảo sát vào năm 2008 chỉ ra 59% người da màu cho rằng tình trạng nghèo đói của người da màu là do họ không được trao cơ hội, trong khi chỉ 37% người da trắng chia sẻ quan điểm. Trong lĩnh vực tư pháp, có tới 71% người da màu cho rằng họ bị phân biệt đối xử, trong khi cũng chỉ có khoảng 37% người da trắng chia sẻ quan điểm. Khác biệt này là đáng kể bất chấp các yếu tố về tuổi tác, giới tính, giáo dục, tôn giáo, thu nhập, nơi cư trú (9). Nhìn chung, người da màu cảm thấy họ là nạn nhân của PBCT còn người da trắng cho rằng người da màu đáng bị như vậy. Sự khác biệt trong quan điểm về PBCT giữa người da màu và người da trắng khiến chúng ta phải đặt câu hỏi liệu về nhận thức chung (i) người da màu đóng vai nạn nhân hay (ii) người da trắng đã hợp thức hoá sự PBCT của họ? hay còn có lí do khác?
Cá nhân tôi cho rằng đó là kết quả của việc PBCT vẫn tồn tại có hệ thống trong lòng xã hội Mỹ:
Một mặt, việc học vấn của cộng đồng da màu thấp hơn kéo theo thu nhập thấp hơn và tỉ lệ bạo lực cao hơn. Thu nhập thấp và bạo lực lại kéo theo tỉ lệ phạm tội cao hơn. Tỉ lệ phạm tội cao (đặc biệt ở trẻ em) lại dẫn tới việc gián đoạn học tập và trình độ học vấn thấp hơn; trong vòng xoáy này sự phân biệt tiêu cực (nghèo, thất học, bạo lực) là nguyên nhân nhưng cũng là kết quả của chính nó. Phân biệt tiêu cực nuôi dưỡng PBCT, và PBCT lại càng làm nỗ lực xoá bỏ những phân biệt tiêu cực khó khăn hơn.
Mặt khác, nền văn hoá Mỹ vốn tin vào tự do và cơ hội: có người được trao cơ hội và thành công thì bạn cũng vậy, nếu không, đó là do lỗi của bạn. Nhìn chung niềm tin này là tốt nhưng đó là do chưa tính đến cách biệt quá lớn về xuất phát điểm giữa hai đối tượng; cộng đồng người da màu rõ ràng có xuất phát điểm thấp hơn và cần nỗ lực nhiều hơn mới có thể đạt được thành công như cộng đồng người da trắng. Tư duy này cổ vũ việc trao cơ hội công bằng (không phân biệt màu da) mà không tính đến xuất phát điểm khác biệt, vô hình chung không những không làm xoá bỏ sự phân biệt mà còn là cơ sở bảo vệ cho các quan điểm PBCT.
Trong chính sách pháp luật của Mỹ ta sẽ thấy nhiều biện pháp chống PBCT bằng cách không phân biệt màu da hơn là đền bù/hỗ trợ cụ thể cho nhóm da màu thiểu số. Giáo dục, điện ảnh, truyền thông của Mỹ vẫn miệt mài xây dựng giấc mơ Mỹ, trong đó có những người da màu thành công nhờ được trao cơ hội. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận số người thành công đó chưa đủ để đại diện cho màu da (chưa kể lĩnh vực mà người da màu thành công nhất vẫn là thể thao và giải trí, những lĩnh vực ít ảnh hưởng bởi và tới định kiến “ít học” hay “bạo lực”).
Nói tóm lại, phần đông người da trắng và ít nhất 1 phần 3 chính người da màu đã và đang bị thuyết phục rằng người da màu bạo lực hơn, ít học hành hơn, nghèo đói hơn là do lỗi của họ. Bánh xe PBCT vẫn lăn và nước Mỹ vẫn vững tin vào “công bằng” và những “cơ hội” mà nó đã ban phát.
* Để tránh nhầm lẫn, “da màu” – “người da màu” trong bài viết được dùng để gọi chung cho người Mỹ gốc Phi, không bao gồm cộng đồng gốc La-tin hay gốc Á tại Mỹ.
(1) https://www.statista.com/statistics/1010169/black-and-slave-population-us-1790-1880/
(2) https://educationdata.org/education-attainment-statistics
(3) https://www.ojjdp.gov/ojstatbb/crime/ucr.asp?table_in=2
(4) https://www.statista.com/statistics/1086359/median-household-income-race-us/
(5) https://www.humanrightscareers.com/issues/examples-of-systemic-racism/
(6) https://www.ojp.gov/ncjrs/virtual-library/abstracts/race-and-prosecution-manhattan-research-summary
(7) https://www.ussc.gov/research/research-reports/demographic-differences-sentencing
(8) https://www.jstor.org/stable/26350078
(9) https://www.ojp.gov/ncjrs/virtual-library/abstracts/two-worlds-far-apart-black-white-differences-beliefs-about-why