Có nằm mơ tôi cũng chưa bao giờ ngờ rằng nửa năm của thập kỷ mới lại trải qua đầy biến động thế này. Lần đầu tiên trong suốt 22 năm qua, tôi có tận 3 tháng nghỉ Tết dài đằng đẵng. Trong khoảng thời gian tưởng là trì trệ đó, ý niệm về một ”cuộc sống bình thường mới” lớn dần trong tâm trí tôi – điều mà trước nay tôi cứ loay hoay tìm kiếm, rồi đánh mất, rồi lại tìm kiếm.
Ảnh: unsplash
Trước thời gian nghỉ Tết, cuộc sống của tôi dường như bị mắc kẹt vô hình trong vòng xoay của sự bận rộn và một tâm lý ức chế tổn thương cực độ khi mà mọi rắc rối chồng chất nhau khiến mọi kế hoạch trước đó đều trở nên vô nghĩa. Nhiều đêm về nhà, hay ở một góc thưa vắng người nào đó, tôi bật khóc không thành tiếng, dùng nước mắt cuốn trôi tất thảy những cơn đau đớn ấy ra ngoài, giải tỏa cảm xúc và tìm cách xốc lại tinh thần. Nhưng có vẻ mọi chuyện không dễ dàng như thế.
Hãy tưởng tượng nỗi buồn của bạn là một viên đá, còn tâm trí bạn là một lọ nước phẳng lặng. Kết thúc một ngày làm việc mệt mỏi và cô đơn, bạn mang viên đá đó bỏ vào lọ, cứ thế mỗi ngày, đá cứ tăng lên chứ không hề mất đi hay vơi đi. Điều gì sẽ xảy ra khi thời điểm lọ đầy đá và nước tràn ra ngoài? Cũng như đến một lúc nào đó, trạng thái tâm lý và cảm xúc của bạn đạt mức khủng hoảng, bạn sẽ rơi vào trạng thái mất kiểm soát, thậm chí là trầm cảm trầm trọng. Trong 4 năm ở đại học, tôi đã trải qua rất nhiều giai đoạn khó khăn tưởng chừng chẳng thể vượt qua, thậm chí khi tất cả mọi người đều rời đi, tất cả những điều tôi làm bằng cả tâm huyết đều không được hồi đáp bởi kết quả tốt đẹp, những mất mát đau thương chẳng thể bù đắp bằng thời gian hay bất cứ tình thương nào khác,… tôi vẫn kiên định bước về về phía trước cùng với lựa chọn của mình. Cứng rắn là vậy, nhưng thẳm sâu trong lòng, những nỗi buồn phiền và cô đơn chưa bao giờ rời tôi đi. Nó chỉ ở đó, lặng im và thường trực, bủa vây lấy tôi trong những giấc ngủ và cả cơn mơ. Tôi buộc phải thích ứng với trạng thái gồng người lên mạnh mẽ, và dần dà điều đó trở thành phong cách làm việc lẫn cách sống – thứ mà thật tâm tôi chưa bao giờ mong muốn. Giai đoạn giới hạn của tôi là khoảng thời gian từ tháng 11/2019 đến đầu tháng 04/2020, tôi rơi vào cơn mất ngủ trầm trọng, sức khỏe suy kiệt và một trái tim đầy thương tổn bởi những lời nói của những người tôi rất tin yêu.
Người ta nói không sai, lời nói của những kẻ qua đường dù có cay độc mấy cũng chẳng có sức làm tổn thương bạn cho tới khi bạn phải chịu những lời nói vô tình từ người mình yêu thương và trân trọng nhất.

Thực tại là thế, nhưng trong tôi luôn có cơ chế tự chất vấn bản thân, tranh đấu nội tâm để tìm ra trạng thái tâm lý và hành động tốt nhất cho từng tình huống. Dù cho đó chỉ là trạng thái tạm thời, vẫn tốt hơn là bạn cứ mặc kệ thuyền bị gió cuốn đi trong sự bất lực.
TÔI HIỂU VÀ BAO DUNG BẢN THÂN MÌNH LÀ MỘT NGƯỜI TRẦM CẢM TÍCH CỰC
Trong hình ảnh có thể có: Nguyễn Hoàng Mai Thy, trong nhà
Bức ảnh tháng 10/2019, thời điểm mà tâm lý và sức khỏe của mình đạt giới hạn cực điểm.
Thuộc nhóm người hằng ngày đấu tranh với trầm cảm, nhưng tôi chưa bao giờ thấy tiêu cực vì điều đó. Trầm cảm không phải là một chứng bệnh, cũng không phải là vấn nạn xã hội. Rất nhiều các trang tin định nghĩa trầm cảm là một chứng bệnh, tôi không nghĩ thế, vì trầm cảm có nhiều dạng thức chứ không hẳn là một chứng bệnh có đầy đủ các nhóm biểu hiện cụ thể. Trầm cảm là một trạng thái rối loạn khí sắc thường gặp trong các rối loạn tâm thần. Nó là một tình trạng buồn chán, giảm hứng thú quá mức và kéo dài, từ đó ảnh hưởng đến các hoạt động trong cuộc sống như công việc/học tập, gia đình và xã hội.
Như đã viết, tôi là một người trầm cảm tích cực.
Tôi sống có mục tiêu, hiểu rõ bản thân và cố gắng hành động mỗi ngày, bằng việc sống, làm việc và học hỏi những người tích cực xung quanh mình. Tôi luôn vận động tư duy thay đổi mỗi thứ từng chút một, ghét sự nhàm chán và sợ sệt do dự khi làm bất kỳ điều gì. Tôi luôn bị thu hút bởi những người tài giỏi, trọng thị khiêm nhường và tinh thần thép vượt qua áp lực của cuộc sống. Những ý nghĩ tự sát hay tiêu cực, đôi lúc vẫn tìm tới tôi, nhưng nhanh thôi, hoặc hiếm lắm mới có, vì tôi vẫn luôn nhắc nhở bản thân còn nhiều việc phải làm, cần làm, và nên làm. Tôi buồn, dĩ nhiên. Nhưng nỗi buồn có to đến mấy cũng chẳng thể lấp vùi đi ước mơ, hoài bão và lòng hiếu kỳ với thế gian trong tôi. Tôi có nhiều phần tính cách giống người ba quá cố của mình, không quan tâm lắm đến lợi ích của bản thân, thay vào đó, tôi luôn hướng đến những người xung quanh với tấm lòng nhân nghĩa sâu sắc. Tôi lựa chọn một cuộc đời không hoài phí, sống và làm việc đầy cảm hứng. Và dù cho nhiều lần bị vùi dập, tôi vẫn chọn và tin vào lý tưởng của cuộc đời mình. Khi tôi cho đi nhiều hơn, tự khắc sẽ nhận lại những giá trị tinh thần tốt đẹp hơn từ người khác. Nén đi những nỗi đau mất mát, tôi vẫn sống, thậm chí sống thật tốt, làm những việc mà lý trí và con tim mách bảo, sống hết mình với tuổi trẻ và làm việc chú trọng hai chữ tâm-tầm. Tôi luôn nghĩ, ba tôi trên trời sẽ vui với những gì con gái ba đang làm. Tôi luôn tin như vậy – thứ niềm tin dai dẳng và mãnh liệt vô cùng.
Có thể nhiều người nói tôi điên rồ, ngông cuồng hay cố chấp khi làm những thứ người ta trông “rảnh thế”, nhưng đó là con đường tôi chọn. Mà một khi đã chọn, tôi sẽ đi đến tận cùng. Hành trình đó khiến tôi thấy hạnh phúc khi mỗi một dự định được thực hiện, mỗi một bước đi lại gặp được những người cùng chung tiếng nói. Hành trình đó dạy tôi sức biền, sự bao dung, sự nghiêm túc đôi khi là nghiêm khắc, nhưng lại là tình yêu thương. Hành trình đó dạy tôi đủ đầy vào niềm tin, hy vọng và sự biết ơn, bởi khi bạn thật sự sống có lý tưởng và làm việc tận tâm, bạn nhất định sẽ làm được điều bạn muốn – dù nó xuất hiện ở nhân dạng hay hình thức nào. Ba nuôi tôi vẫn luôn nói rằng: hãy bắt đầu một ngày mới của con bằng lòng biết ơn. Một cuộc sống bình thường mới sẽ tái thiết lập chỉ khi con thật sự yêu thương bản thân, biết trân trọng những giá trị cơ bản và bình thường nhất.
TÔI HỌC CÁCH KIỂM SOÁT CẢM XÚC NÓNG GIẬN CỦA BẢN THÂN, SỐNG CHẬM LẠI VÀ LẮNG NGHE BẢN THÂN NHIỀU HƠN
Trước đây, tôi là một người cực kỳ nóng tính. Tôi dễ nổi cáu, đôi khi là quá khắt khe với những chuyện tiểu tiết. Bất cứ chuyện gì xảy đến làm ảnh hưởng đến kế hoạch và dự tính của tôi, hoặc một việc gì đó được cho là sai trái, tôi luôn dùng trạng thái căng thẳng và áp chế nhất để đối diện. Tôi-trong mắt mọi người cứ như con nhím luôn phải xù lông lên để bảo vệ những chiếc gai vốn đã tổn thương của chính mình. Nhưng sau 4 năm, cuối cùng thì tôi cũng thấy mệt rồi. Tôi không thể tiếp tục trạng thái gồng gánh như thế, cũng không thể tiếp tục lấy sự cứng rắn của mình ra mà bày biện linh tinh trước mặt cuộc đời. Tôi muốn được là chính mình: một tâm hồn nhạy cảm, dùng sự từng trải làm hành trang, dùng sự tận tụy làm gốc rễ của thành công, dùng sự kiên cường và thẳng thắn làm nên một nét đẹp tính cách mang tên mình. Đã đến lúc tôi thật sự phải tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống mà mình khao khát. Đó có thể là sự yên bình trong tâm trí, hoặc là sự tự do bày tỏ cảm xúc chính mình.
Từ lúc nghỉ dịch, tôi ở nhà, dành nhiều thời gian đọc sách, học, làm việc, và tập thể dục giúp tăng cường sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần. Đó đều là những yêu cầu sinh hoạt rất cơ bản, nhưng lại không phải là thói quen cố hữu trong cuộc sống cá nhân của tôi. Mãi đến khi buộc lòng phải ở nhà, tôi bắt đầu nhận ra mình cần một cuộc sống bình thường như thế biết bao. Chưa bao giờ thế giới đổ dồn sự chú ý vào hai phong cách sống Wellness (sức khỏe thể chất) và Mindfullness (chánh niệm) nhiều như thời điểm dãn cách xã hội. Hàng loạt hoạt động thư giãn và gợi ý làm việc tại nhà được các chuyên gia đưa ra – như một cứu cánh cho nhân loại trong tháng ngày oằn mình chống dịch. Chăm sóc gia đình, nấu ăn, trang trí nhà cửa, home-tour, work-from-home, thậm chí là các hoạt động thương mại hay các show trình diễn trực tuyến trong thế giới ảo (vitual show) đều được lăng-xê suôn sẻ và đầy nhân văn. Bạn có nhận ra không? – Chúng thật ra rất gần gũi và thân thiện với môi trường, chỉ là nhân loại cần một cơn chấn động thật sự kinh hoàng mới có thể tỉnh ra từ ác mộng môi trường, đứng lên và cùng nhau hành động để cứu vãn tương lai.
Giai đoạn ở nhà với tôi không mấy dễ dàng gì, không đi làm, chương trình học trì trệ, hạn chế đi lại, tâm lý lo sợ và đề phòng mỗi khi phải tiếp xúc với người lạ hay khi bản thân bị cảm sốt,…khiến tôi có cảm giác bị trì. Mà tôi thì lại là một workaholic (người nghiện làm việc) chính hiệu, làm sao có thể chịu nổi trạng thái mọi thứ đứng yên trong vô vọng thế này. Mỗi ngày, tôi đều duy trì đặt ra to-do-list trên Trello và hoàn thành tất cả chúng trong ngày. Chỉ bằng cách đó, tôi mới có thể duy trí tinh thần làm việc và cảm giác tịnh tiến về phía kế hoạch mục tiêu trong năm mới. Tôi cũng dần bình thản trước những khó khăn hơn trước. Tôi không chờ đợi để vượt qua những biến cố, thay vào đó, tôi cố gắng để biến cố trở thành thử thách, và rồi mọi thứ đều sẽ có cách sau tất cả thôi mà. Mỗi ngày thức dậy, tôi thấy bình minh đẹp đẽ và sạch sẽ trước mắt, như có một góc yêu thương luôn dành sẵn cho riêng mình sau những năm tháng sống, cho đi, và yêu thương bằng thứ tình thương không mưu cầu hay dụ lợi.
Đây là tôi, cô gái sau nửa năm tìm lại trạng thái cân bằng của chính mình với một gương mặt vui vẻ và nhẹ nhàng.
Tôi tranh thủ lắng nghe bản thân hơn một chút. Đói thì ăn, mệt thì ngủ. Quan trọng hơn hết, tôi không cố ép mình chạy theo bất kỳ một ảo vọng hay mục tiêu kệt sức cho chính bản thân tô vẽ ra. Tôi muốn nghỉ ngơi, tổng refresh lại bản thân sau khoảng thời gian dài tranh đấu với chính mình. Tôi dạo này bình ổn, vẫn bận bịu, nhưng không còn cảm giác căng thẳng nặng nề như trước. Tôi biết mình muốn gì ngay lúc này và phải làm như thế nào để đạt được điều đó.
TÔI BẮT ĐẦU HỌC CÁCH BUÔNG XUỐNG SỰ CỐ CHẤP CỦA CHÍNH MÌNH
Hôm trước có một giáo viên nhắn tin cho tôi, cô nói lâu rồi không thấy tôi vào trường, cô vừa lo, vừa thấy nhớ. Bao nhiêu ký ức tràn về, có hạnh phúc, niềm vui, và dĩ nhiên có cả nước mắt. Bốn năm thanh xuân ở Sài Gòn như một con sông, mặt nước thì bình bình nhưng tận sâu đáy bể là những đợt sóng ngầm, đá gạch không biết trước. Trong cuộc hành trình ấy, có những lúc tôi lầm lũi đi một mình đầy lỳ lợm và kiên quyết, có lúc phải chọn lựa và đánh đổi, cũng có lúc tôi lại đi thật vững vàng cùng những người đồng đội, cũng có lúc lại như muốn đặt hết mọi thứ xuống để sống riêng cuộc đời mình.
Và lần này, tôi đặt mọi thứ xuống thật.
Sau khoảng thời gian tự dằn vặc bản thân, tự hỏi mình về những điều mà mình làm là đúng hay sai? Tại sao mình luôn là người ở lại đến cuối cùng? Tại sao mình phải chịu đựng những cảm xúc khó diễn tả thành lời này, hay gọi là cay đắng lẫn khổ tâm? Tại sao mọi người không đặt chính mình vào vị trí của tôi mà suy nghĩ? Tại sao tôi không thể có một cuộc sống yên bình như những người trẻ khác? Tại sao tôi lại kiềm chế cảm xúc thật của bản thân mà chẳng thể phát tiết ra ngoài? Tôi đang sống cùng với những nỗi sợ? – Không biết nữa, nhưng tôi nhớ mình đã tự hỏi mình rất nhiều câu hỏi mà trước đây mình không có lấy những khoảnh khắc rảnh rỗi và lắng lòng lại rồi chầm chậm suy nghĩ.
Ngay cả quyển ”Bước chậm lại giữa thế gian vội vã”, Đại đức Hae Min cũng từng đặt ra câu hỏi “Là do tâm trí chính bạn  bận rộn hay là do thế gian này quá vội vàng?”. Ông lại tiếp lời: Quá nhiều sự lựa chọn chính là nguyên nhân khiến bạn không hạnh phúc. Cuộc sống không phải là cuộc chiến cạnh tranh với những người khác mà là cuộc chạy đua trường kỳ với chính bản thân mình.
Để tâm trí được nghỉ ngơi bằng cách buông xuống sự cố chấp của chính mình, đó là sự lựa chọn khôn ngoan của tôi ở tuổi 22 – cái tuổi chẳng quá lớn, cũng chẳng còn trẻ hoài. Tôi chẳng sợ thời gian vô tình, chỉ sợ lòng nhiệt huyết của bản thân sẽ nguội lạnh dần theo thời gian. Chính vì thế, tôi cố gắng tách biệt cuộc sống thực tại của cơm áo gạo tiền ra khỏi hành trình lý tưởng mà tôi theo đuổi. Tôi muốn những điều đẹp đẽ mình đã-đang và sẽ làm không có bất kỳ giới hạn hay đóng khung vào những lo toan đời thường. Bình thường chúng ta đi làm, đi học,…thử thách đủ rồi, khi đối mặt với phần tâm trí nguyên sơ và nhạy cảm nhất của chính mình, hãy thật sự cởi mở và nhiệt thành nhất có thể. Chỉ có bản thân bạn mới có quyền quyết định mình sẽ sống một cuộc đời như thế nào, nên hãy chọn nhìn thẳng vào bản ngã, và học cách buông xuống tâm niệm cố chấp. Bàn về sự cố chấp, khoan hãy nói nó ảnh hưởng đến ai, hãy quan tâm đến việc nó hủy diệt chúng ta như thế nào – mỗi ngày. Yêu thì là yêu, không lai tạp, không toan tính, không đòi hỏi 1 chiều cho sự thỏa mãn của mình ta. Sống và làm việc một cách trọn vẹn, đừng vừa đi vừa ngoái lại đầy tiếc nuối bởi thời gian qua đi có chờ đợi ai? Trải nghiệm và chắt lọc những giá trị nhân văn của cuộc sống cùng những người bạn của mình – bởi cuộc đời này mấy khi dễ tìm thấy người đồng điệu? Nên trước khi sự cố chấp nuốt lấy chính mình, hãy tìm cách thoát ra và buông bỏ nó.
NHỮNG DỰ ĐỊNH ĐƯỢC HOÀN THÀNH KHÔNG TƯỞNG MÀ KHÔNG GẤP VỘI
Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người

Hạn chế dùng FB, chỉ để lại mess dùng để phản hồi tin nhắn của mọi người. Tôi nhận ra mạng xã hội chính là một phần trong rất nhiều lý do khiến chúng ta stress. Chỉ nói đến khía cạnh nhiễu loạn thông tin là đã phát sinh ra vấn đề. Tôi đã hơn 4 tháng không dùng FB cá nhân, và thấy mọi thứ tốt đẹp hơn trước rất nhiều. Thậm chí đến việc khi nào mở lại FB tôi cũng chưa nghĩ tới.
Đọc sách. Trong 3 tháng dãn cách và 2 tháng trở lại trường học, tôi đã đọc hơn 10 cuốn sách, kèm theo đó là rất nhiều bài báo hoặc tác phẩm dịch thuật ở các chủ đề về xã hội để bổ sung kiến thức.
Viết sách.
Có một công việc tốt.
Thành công xét tuyển vào ngành báo chí trường Cao đẳng phát thanh truyền hình II.
Luyện tập kỹ năng dịch thuật từ anh sang việt và ngược lại.
Vượt qua nỗi sợ học bơi và bơi thành công 75m đầu tiên vượt qua hồ sâu 1m8.
Hoàn tất Business plan về dịch vụ cho thuê trang phục cao cấp dày 70 trang với tất cả tâm huyết và kiến thức tích góp trong 4 năm.
Điều chỉnh tâm trạng tốt hơn, hạn chế căng thẳng, điềm tĩnh trước mọi tình huống.
Training nhân sự dự kiến và đang trong quá trình bàn giao công tác để kết thúc những nhiệm vụ cuối tại TDTU. Giải quyết hoàn tất 90% các vấn đề còn tồn đọng trong thời gian trước.
Tìm lại được cảm hứng học tập đúng nghĩa. Được gặp những giảng viên và bạn bè truyền cảm hứng tích cực trong môi trường học thuật – những con người tử tế hết mực với nghề ”trồng người”.
Giải quyết êm đẹp những mối quan hệ tưởng rạn nứt.
Tập thể dục nâng cao sức khỏe.
Từng bước xây dựng mô hình start-up, tìm được những người đồng hành tuyệt vời.
Vui vẻ và nhẹ nhàng hơn trước.
Còn lại thì nhiều quá không nhớ hết được, chung quy lại là trong rủi có may, nửa năm qua không hề quá tệ đối với mình. Trái đất vẫn quay, còn Thy thì vẫn kiên trì trên hành trình phía trước.
Find me more on my personal blog: https://hoangthy.home.blog/