(2021) Đọc 4 cuốn sách về Fukuzawa Yukichi 🕮 Tổng số sách đã đọc được: 140 quyển
1/ Khuyến Học
2/ Bàn về văn minh
3/ Phúc ông tự truyện
4/ Yukichi Fukuzawa - Tinh Thần Doanh Nghiệp Của Nước Nhật Hiện Đại - Norio Tamaki

“Trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người.” Kể từ khi tạo hóa làm ra con người thì tất cả sinh ra đều bình đẳng, mọi người đều có tư cách, có địa vị như nhau, không phân biệt đẳng cấp trên dưới, giàu nghèo.
nhà tư tưởng Fukuzawa Yukichi

Thực ngữ giáo có câu: “Kẻ vô học là người không có tri thức, kẻ vô tri thức là người ngu dốt.” Câu nói trên cũng có thể hiểu: Sự khác nhau giữa người thông minh và kẻ đần độn là ở chỗ có học hay vô học mà thôi.
Trên thế gian có cả việc khó lẫn việc dễ. Người làm việc khó đượccoi là người quan trọng. Người làm việc dễ thường có địa vị thấp, bị coi thường. Công việc cần sự khổ nhọc về tinh thần được xem là việc khó, còn lao động chân tay là việc dễ

Học vấn là gì? Đó không phải là học chỉ cốt để hiểu câu khó, chữ khó; càng không phải là việc học chỉ để giải nghĩa văn cổ, đọc thơ, vịnh thơ. Học như vậy không có ích gì cho cuộc sống cả. Đọc các tác phẩm văn học cũng là để động viên an ủi lòng người, như thế chẳng phải là môn học có ích cho cuộc sống đó sao? Nhưng tôi không nghĩ rằng văn học là môn học quan trọng đến mức “phải thờ phụng nó” như các thầy dạy Hán văn, Cổ văn thường nhấn mạnh. Trong cuộc sống, tôi hầu như không thấy thầy dạy Hán văn nào có được tài sản đáng kể, cũng như các thương gia vừa giỏi thơ phú vừa thành công trong kinh doanh lại càng hiếm.
Cá nhân có độc lập thì gia đình mới độc lập. Và như thế quốc gia cũng độc lập.
Tự do bản thân không có nghĩa là muốn làm gì thì làm, không có nghĩa là làm phiền hoặc cản trở người khác. Ví dụ như có người nói: “Tiền tôi, thích uống rượu tôi uống, thích mua ‘hoa’ tôi mua. Đó là quyền tự do của tôi, chứ động chạm gì tới ai.” Suy nghĩ như vậy là sai. Ham mê tửu sắc làm ảnh hưởng tới người khác, lại lôi kéo bạn bè, làm hại nền giáo dục xã hội. Cứ cho là tiền tôi tôi chi tiêu, nhưng không vì thế mà có thể bỏ qua nhưng hành vi tội lỗi gây ra cho xã hội.
Tôi chắc rằng không ai đáng thương hại hơn là những người vô tri thức, những người không hiểu lẽ phải, và cũng không ai khó giao tiếp hơn những người ấy. Vì không có tri thức, không có năng lực tự thức tỉnh nên họ căm ghét oán giận những người giàu có chính đáng, đôi khi họ tập hợp thành bầu đoàn đi đánh cướp.
Lại không có ít người, có được chút ít tài sản, tiền bạc thì chỉ lo tích trữ, cất giấu, không bao giờ suy nghĩ đầu tư cho con cháu học hành. Vì thế con cháu họ chỉ biết ăn chơi, lêu lổng, dốt nát và cứ thế tiêu pha tàn phá tài sản của ông cha mình. Đối với nhũng người như vậy, không thể mang đạo lý ra để giảng giải mà chỉ có cách là dùng uy lực đe dọa chứ không có cách nào khác. Ám chỉ điều này, người phương Tây có câu tục ngữ: “Dân ngu tự chuốc lấy chính sách bạo tàn.” Người dân tử tế nghiêm túc thì chính phủ cũng buộc phải tử tế nghiêm túc.
Để mở mang kiến thức, để quan sát tiếp thu tốt thì phải lắng nghe ý kiến những người xung quanh, phải đào sâu suy nghĩ, phải đọc nhiều. Vì thế, để có học vấn cần phải biết chữ. Nhưng “chỉ cần biết chữ là có học vấn” như người xưa thường nghĩ là sai lầm lớn. “Biết chữ” mới chỉ là công cụ trên con đường học vấn, cũng giống như cái đục, cái cưa – những công cụ không thể thiếu để cất nhà. Nếu chỉ biết gọi đúng tên những thứ đó, không có tư duy, không biết cách đóng bàn, ghế, giường tủ… thì không thể gọi là thợ mộc được. Cũng như vậy, người biết chữ không thể gọi là người có học vấn nếu người đó không biết lý giải, không hiểu biết đầy đủ đạo lý của sự vật.
Tức là dù có nhồi nhét đầy tri thức trong đầu, nhưng không thể ứng dụng vào hành động thực tế thì cũng vô nghĩa. Dù có thuộc làu làu truyện xưa tích cũ nhưng không biết giá mộtký gạo, một mớ rau là bao nhiêu.
Những người ấy chỉ là “cái tủ kiến thức” suông. Đối với chính miếng cơm của bản thân, đối với lợi ích của đất nước, đối với nền kinh tế của quốc gia, họ hoàn toàn vô dụng, họ chỉ là hạng người “dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm”.
Không một đạo lý nào cho phép người này làm hại người kia. Cũng không có lý lẽ nào dung thứ cho một nhóm người này xâm phạm quyền lợi của một nhóm người kia. Đạo lý đó đúng với mọi trường hợp, không phụ thuộc vào đa số hay thiểu số. Kể cả có là một triệu người hay một trăm triệu người cũng vậy.
10,000 yen note - Wikipedia

Tính cách độc lập là gì? Là tính cách không dựa dẫm hay ỷ lại vào người khác. Việc của mình, mình phải tự lo giải quyết. Người có tính cách độc lập là người không bị chi phối hoặc chịu ảnh hưởng của người khác, tự mình biết phân biệt sự thể đúng sai, phải trái, không phạm sai lầm trong hành động. Người độc lập về kinh tế là người có thể sống mà không cần dựa vào sự viện trợ của người khác.

Người không có tính độc lập thì thường phải dựa dẫm vào kẻ khác. Người dựa dẫm vào kẻ khác thì lúc nào cũng phải thăm dò ý tứ, trông vào thái độ của người khác thì nhất định phải tìm cách lấy lòng người đó. Luôn phải lấy lòng thành ra chịu ơn, lâu dần trở nên xu nịnh và luồn cúi người mình dựa dẫm. Chẳng mấy chốc, tính xu nịnh, luồn cúi trở thành thói quen. Một khi đã quen xu nịnh, quen luồn cúi thì mặt phải “trơ” ra và “dây thần kinh” xấu hổ cũng mất. Điều muốn nói không dám nói, gặp ai cũng phải xum xoe, khúm na khúm núm. Và cuối cùng thói quen xu nịnh, thói luồn cúi trở thành bản chất, tính cách. Nên người xưa mới có câu “thói hư thành tật” cũng là vậy. Đã là tật, là bản chất, là tính cách thì khó sửa

Dũng khí của con người không sinh ra từ sách vở. 

Đọc sách là phương tiện nâng cao học vấn.

Học vấn là phương pháp tiến tới thực tiễn.

Chính kinh nghiệm, sự từng trải sản sinh ra lòng quả cảm.

Tục ngữ có câu “Chén thứ nhất, người uống rượu. Chén thứ ba, rượu uống người”. Câu tục ngữ này muốn nhắc nhở con người đừng để dục vọng chế ngự mình. Trong xã hội hiện nay, không chỉ có rượu đang chế ngự con người, mà “thiên hình vạn trạng” thứ đang chế ngự, làm cản trở sự độc lập về tinh thần con người. Ví dụ, cái áo lành lặn đang mặc tự nhiên chê lỗi thời không dùng nữa, phải đi cắt may áo mới cho hợp thời. Nhà cửa yên lành đang ở bỗng nhiên chê là chậthẹp, phải kiếm nhà mới cho đủ chỗ để làm phòng yến tiệc thiết đãi bạn bè. Cơm dẻo canh ngọt ở nhà chê là đạm bạc, phải kéo nhau ra ăn tiệm mới là ngon. Hết thứ này tới thứ khác, được một lại muốn mười, lòng ham muốn không bao giờ có giới hạn. Nhiều gia đình trở thành nô lệ của tiền bạc, vật chất.
Hoạt động của con người được coi là to lớn hay nhỏ nhặt tùy thuộc vào mức độ có ích cho xã hội, chứ không phụ thuộc vào độ khó dễ của nó. Ví dụ như độ khó khi nghiên cứu các thế cờ vây, cờ tướng không thua kém các môn học như thiên văn, địa lý, toán, cơ khí… Nói như vậy, nhưng nếu đem so sánh sự to lớn hay nhỏ bé trên phương diện có ích cho xã hội thì sẽ khập khiễng
Để làm được các công việc có ích thì cần phải có năng lực phán đoán. Vì vậy, nếu năng lực phán đoán không chính xác thì có bỏ ra bao công sức nhọc nhằn cũng không mang lại kết quả gì, công lao thành công cốc. Để biết phân biệt đúng chỗ, đúng lúc và biết kiềm chế hành động quả thật là phải dựa vào năng lực phán đoán. Hành động năng nổ nhưng thiếu năng lực phán đoán cũng chẳng khác nào tàu hỏa quên lắp động cơ, thuyền bè quên lắp bánh lái vậy. Đã không mang lại lợi ích gì mà vô hình trung lại trở thành hành động phá hoại.
Yukichi Fukuzawa 1891.jpg

Có năng lực hành động nhưng không biết suy tính thấu đáo sẽ gây tác hại; ngược lại, suy nghĩ tuy cao cả vĩ đại, nhưng không có năng lực hành động thì lại càng tệ hại hơn. Những người có suy nghĩ cao cả vĩ đại nhưng năng lực hành động nghèo nàn thường hay than thân trách phận. Nào là công việc mình định làm thì người ta làm trước cả rồi. Nào là công việc đó không bõ làm vì không phù hợp, không đúng như suy nghĩ. Chẳng qua họ đang biện hộ cho sự thiếu năng lực hành động của chính họ mà thôi. Thay vì tự trách mình, họ lại đi phê phán chê trách người khác. Họ kêu ca không gặp thời, số phận hẩm hiu. Cứ như là chẳng còn việc gì đáng làm trong xã hội. Họ quay lưng lại với đời, nghĩ quẩn lo quanh. Miệng thì suốt ngày ca cẩm, mặt thì tỏ ra bất mãn, tự cô lập mình. Họ coi mọi người xung quanh đều là kẻ thù, và cả xã hội đều muốn vùi dập mình. Có trường hợp như bị thần kinh, chưa cho ai vay tiền bao giờ mà gặp ai cũng nghĩ là ngưòi đó vay tiền mình không chịu trả.
Người chỉ có suy nghĩ cao xa mà không có năng lực hành động thường cô độc, bị mọi người ghét bỏ xa lánh. Năng lực hành động đã không bằng người khác lại hay đem cái lý tưởng của mình ra soi rọi vào hành động của người khác và xem thường khinh miệt người khác. Ở đời, coi thường người một cách hồ đồ cũng sẽ bị người khác coi thường lại.
Có những kẻ bị người đời ghét bỏ vì tự cao tự đại, vì chỉ muốn giành phần hơn cho mình, vì toàn đòi hỏi ở người khác thật nhiều mà mình thì chẳng chịu nỗ lực, vì cứ mở miệng ra là nói xấu người khác.Sẽ là sai lầm nếu đem họ ra so sánh với những người xung quanh. Nếu cứ luôn lấy cái lý tưởng cao xa tự cho là đúng của bản thân mình ra làm thước đo để bình phẩm chê bai người ta, và còn tùy tiện mang cái không tưởng áp đặt cho người ta thì sẽ tự chuốc lấy cảnh bị người ta ghét. Và kết cục là sẽ rơi vào tình cảnh tự mình xa lánh mọi người, tự mình cô lập mình.
Nếu cảm thấy bất mãn với công việc người ta đang làm thì tự mình hãy đứng ra làm thử việc đó. Nếu thấy cách làm ăn buôn bán của người ta rất dở thì tự mình hãy thử làm ăn buôn bán như người ta xem sao. Nếu cám cảnh trước cuộc sống của hàng xóm thì hãy nhìn lại cuộc sống của nhà mình một chút. Muốn phê bình tác phẩm của người ta thì trước hết tự mình hãy cầm bút viết thử xem sao. Muốn phê bình các học giả thì tự mình hãy trở thành học giả. Muốn phê phán các bác sĩ thì tự mình hãy trở thành bác sĩ. Từ những việc trọng đại trong xã hội đến những việc cỏn con trong gia đình mình, dù là công việc gì đi nữa, hãy đứng vào vị trí của người khác, suy nghĩ và làm thử trước đã rồi có định góp ý gì thì hãy góp ý. Cần phải suy nghĩ cho kín kẽ, cho thấu đáo về độ khó dễ, về sự nặng nhẹ của công việc người khác rồi hãy bình phẩm. Trên cơ sở lấy nội dung công việc làm thước đo, thì dù có can dự vào nội dung công việc ấy, hay thậm chí cả những công việc khác nhau hoàn toàn về tính chất, mới không xảy ra những lầm lẫn đáng tiếc khi so sánh chỗ đứng của bản thân mình với vị trí của người khác.
Con người, không phải cứ chỉ cần có năng lực và cũng không phải do có tài sản lớn là có được sự tín nhiệm. Mà sự tín nhiệm có được là kết quả của cả quá trình tích tụ dần dần bởi tài năng và trí tuệ, bởi tấm lòng chính trực, lòng thành thật của người đó.
Văn minh phương Tây đúng là hơn hẳn chúng ta, nhưng không có nghĩa là cái gì của nó cũng hoàn hảo cả. Văn minh phương Tây cũng đầy rẫy khiếm khuyết. Phong tục phương Tây không phải thứ gì cũng hay ho. Ngược lại, phong tục Nhật Bản không phải cái gì cũng kém cỏi, cũng cổ hủ. Học hỏi văn minh phương Tây là điều tốt. Nhưng thà suốt đời không tin còn hơn là việc tin tưởng thiếu phê phán.
Chưa vắt sạch mũi kiến thức địa lý, lịch sử, viết lá thư cũng không ra hồn, đã vội đọc sách cao xa, chỉ được vài trang là chán. Rồi lại chạy sang cuốn sách khác. Như thế có khác nào không có vốn mà cũng học đòi kinh doanh, và chỉ trong một ngày là lại chuyển sang kinh doanh thứ khác.
Có đọc bao nhiêu sách Tây, Tàu, Nhật đi nữa mà không nắm bắt được tình hình thế giới có khác nào kẻ chưa nuôi nổi miệng mình mà lại đòi kinh doanh bách khoa mà cũng chẳng thèm biết gẩy bàn tính. Cho dù có hiểu tình hình thế giới đi nữa, nếu không tự tu dưỡng chỉnh sửa bản thân thì cũng chẳng khác gì có thể góp ý cho hàng xóm buôn bán, nhưng trộm lẻn vào nhà mình khuân hết đồ đạc lúc nào cũng không hay
Mở miệng là tuôn ra tràng giang đại hải những kiến thức mới đang là mốt, nhưng chẳng bao giờ tìm hiểu bản chất thực sự của nó, bản thân mình đứng ở chỗ nào cũng không biết, những kẻ như vậy có khác nào chỉ biết tên hàng mà chẳng biết giá cả, công dụng của nó ra sao
Từ “chăm sóc” có hai vế. Vế thứ nhất là Bảo hộ. Và vế thứ hai là Bảo ban. Bảo hộ là sự giúp đỡ và che chở. Bảo ban là việc chỉ dẫn cho biết nên làm điều gì thì có lợi, nên tránh điều gì có hại. Có đủ cả hai vế này mới thực sự là chăm sóc. Làm tốt cả hai vế thì mọi việc trong xã hội nhất định sẽ đâu vào đấy.
Những kẻ suốt đời chỉ biết học suông thì chí quá thấp. Những kẻ bê tha rượu chè, chơi bời là những con người vô dụng. Vậy mà lại lấy làm hãnh diện so với cái lũ người đó. Như thế có khác nào công khai cho người đời thấy sự ngu dốt?
Mục đích của học vấn phải đặt ở tầm cao. Nếu tôi không nhầm thì việc nấu cơm, đun nước cũng là học vấn. Việc bàn luận về quốc gia đại sự cũng là học vấn. Nhưng lo cuộc sống của gia đình thì dễ hơn lo kinh tế, chính trị của một quốc gia. Hơn nữa trên đời này cái gì dễ kiếm thì ít được quý trọng, càng khó kiếm thì giá trị càng cao.
Đã quyết chí học hành thì phải học cho đến nơi đến chốn. Còn nếu theo nghề nông thì phải quyết trở thành hào phú. Nếu làm thương nghiệp thì phải quyết trở thành đại thương gia. Sinh viên không được mãn nguyện vì sự ổn định cỏn con.
Các loài chim chóc, muông thú, tôm cá, côn trùng… tự chúng không kiếm mồi được sao? Ví như loài kiến chẳng hạn. Loài kiến không những biết kiếm mồi mỗi ngày mà còn biết làm hang, làm ổ, tích trữ mồi trong suốt mùa đông giá rét. Vậy mà trên đời này, có không ít người, hành vi của họ chỉ ngang với đàn kiến thôi mà cũng tự mãn.
Giải quyết được cái ăn, cái mặc, chỗ ở mà đã mãn nguyện, đã cảm thấy hài lòng rồi thì hóa ra cuộc đời con người trên thế gian này chỉ đơn thuần là được sinh ra rồi chết đi không thôi hay sao? Tình trạng lúc anh ta chết đi có khác gì lúc được sinh ra. Tức là quanh quẩn vẫn chỉ là chuyện sao cho có nhà cửa, có cuộc sống ổn định và có của ăn của để nữa. Vẻn vẹn chỉ có vậy. Và nếu đến thế hệ con cháu, cũng lặp đi lặp lại y hệt cuộc sống của anh ta thì dù có phải trải qua hàng trăm đời, làng xóm thị trấn nơi anh ta đã sống xưa thế nào nay chắc cũng vậy, không chút thay đổi.
Người châu Âu có câu: “Nếu mọi người ai cũng chỉ mong thỏa mãn và an nhàn cho riêng cá nhân mình, thì thế gian này cũng không có gì khác khi mới có loài người”.

Ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời đại nào, trong dân chúng thì những người hoặc là quá ngu si hoặc là quá thông thái đều có rất ít. Phần lớn con người trong xã hội đều rơi vào khoảng ở giữa ngu si và thông thái, tùy theo thời thế, không có công mà cũng chẳng có tội, bọn họ cứ mù lòa nương theo đám đông mà sống cả đời. Đấy là những “người bình dân” của xã hội. Chính những con người bình thường này là nguồn gốc sinh ra “công luận” vậy. Không hề suy ngẫm về quá khứ, cũng không nhìn xa xôi gì về tương lai, bọn họ chỉ đơn giản là phản ứng lại cái hoàn cảnh trực tiếp xung quanh họ - như thể đầu óc họ đã bị cố định luôn ở một chỗ.
Vì vậy, những tà thuyết dị hợm ngày xưa đã trở thành những điều thường thức ngày nay; ngày hôm qua còn là những khái niệm lập dị thì ngày hôm nay đã trở thành kiến thức phổ biến. Cho nên, quan điểm dị biệt lệch lạc hôm nay hầu như chắc chắn sẽ trở thành ý tưởng thường thức cũng như lý thuyết mai sau. Do vậy, đã là bậc học giả thì không được chịu thua sự ồn ào của thế gian, không được sợ bị quy kết là dị hợm sai quấy, hãy cứ dũng cảm theo đuổi những điều bản thân mình tin tưởng. Ngay cả khi ý kiến của người khác có khác với của mình chăng nữa, cũng phải suy nghĩ thấu đáo điều người ta muốn nói, điểm nào chấp nhận được thì chấp nhận, những điểm nào không thể thì để nguyên lại cho người ta mà chờ đợi đến khi lập trường hai bên có thể gặp nhau trong tương lai, đến khi cơ sở lập luận được thống nhất. Đừng tìm cách o bế người khác vào trong cái khung tư duy của cá nhân mình một cách khiên cưỡng, cũng đừng cố hợp nhất mọi sự tranh luận trong thiên hạ.
Khi những bậc anh hùng hào kiệt ngày xưa thành công trong thời đại của mình, thì không phải bởi họ đã dùng tài năng của bản thân để thúc đẩy trình độ tri thức và đạo đức của dân chúng, mà đúng hơn là chính trình độ tri thức và đạo đức của nhân dân đã giúp cho kế sách của bọn họ được tựu thành. Hãy thử nhìn xem, mùa hè người ta bán nước đá, mùa đông người ta bán than đốt lò sưởi. Đấy chính là thuận theo lòng người trong thiên hạ. Người ta gọi những kẻ bán nước đá vào mùa đông, bán than vào mùa hè là những kẻ ngu muội. Nếu bọn họ cứ cố bán nước đá giữa ngày đông tháng giá mà không ai thèm mua, liệu bọn họ có quyền trách cứ hay chăng? Liệu bọn họ có thể rủa sả những người không mua được chăng? Thật là nực cười làm sao!
anh hùng hào kiệt "không gặp thời" có nghĩa là họ không hòa hợp, có độ lệch với tinh thần của thời đại. Tương tự, chúng ta thấy những trường hợp được gọi là "nghìn năm một thuở," đạt được thành công vĩ đại, chẳng qua là do những con người đó đã có khả năng phát huy được khí lực của dân chúng một cách phù hợp với thời thế.
cuộc chiến Pháp-Phổ bốn năm trước (1870-1871). Có người nói Pháp thua do Napoleon III dùng phải thất sách còn Phổ thắng là nhờ Bismarck khéo tài xoay xở, nhưng không phải vậy. Yếu tố phân định thắng bại ở đây không phải là khoảng cách tài năng giữa Napoleon và Bismarck mà chính là "thời thế". Lúc bấy giờ người dân Phổ rất đoàn kết, mạnh mẽ còn người dân Pháp thì phân hóa, yếu ớt.Bismarck đã thuận theo cái thế ấy phát huy dũng khí của người dân Phổ để giành thắng lợi, còn Napoleon III thì thất bại vì đã đi trái với lòng người dân Pháp.
Cả tri thức và đạo đức đề cập ở đây lại lần lượt được phân thành hai tiểu loại. Thứ nhất chúng ta có thể gọi là đạo đức cá nhân - những đức tính bên trong tâm hồn con người ta bao gồm thực thà, trong sạch, khiêm tốn, chung thủy... Thứ hai là đạo đức tập thể - những đức tính xuất hiện trong tiếp xúc với người khác cũng như xã hội bên ngoài như liêm sỉ, chính trực, công bằng, dũng cảm... Thứ ba chúng ta có thể gọi cái “trí lực” nhận thức sự vật và hành xử đúng theo nhận thức ấy là tri thức cá nhân. Thứ tư chúng ta có thể gọi cái “trí lực” phân biệt mức độ nặng nhẹ, lớn nhỏ trong hành vi con người, từ đó định ra thứ tự hành xử sao cho phù hợp với từng thời gian và địa điểm cụ thể là tri thức tập thể. Ta có thể gọi tri thức cá nhân là cái tri thức kỹ năng nhỏ, còn tri thức tập thể là cái tri thức thông thái lớn. Trong bốn loại tri thức, đạo đức kể trên, tri thức tập thể đóng vai trò trọng yếu nhất.
Nói về tuổi trẻ của tôi thì từ khi còn ở Nakatsu, tức là từ lúc nhỏ tuổi đến thời thanh niên, dù cố gắng thế nào tôi vẫn không thể tâm sự hay kết giao chân tình với những người cùng lãnh địa. Tôi không có người bạn nào thực sự thân thiết đến mức có thể sẻ chia tâm sự. Không chỉ là người ngoài mà cả trong họ hàng thân thích cũng không có một ai. Nói như thế không có nghĩa tôi là người kỳ quặc và không thể kết giao với ai được. Khi gặp đàn ông hay phụ nữ, tôi cũng đều nói chuyện thoải mái, thậm chí còn thuộc vào kiểu người hay nói, nhưng đúng ra đó chỉ là vẻ ngoài mà thôi
Thực ra, tôi không bao giờ có ý bắt chước người này hay ao ước muốn trở thành người kia. Khi được khen cũng không lấy làm vui mừng, bị nói xấu cũng không hề sợ hãi, nghĩa là tôi không quan tâm đến tất cả những điều ấy. Nói theo nghĩa xấu thì tôi coi ý kiến của mọi người không ra gì và không có chút ý định tranh đấu với ai. Bằng chứng là tôi chưa bao giờ đánh, cãi nhau với trẻ con cùng lãnh địa. Chưa có lần nào tôi đánh nhau với bạn, khóc và chạy về nhà mách mẹ. Chưa bao giờ đánh nhau và cũng chưa bao giờ bị thương tích. Tôi là đứa trẻ ăn nói thì giỏi, nhưng thực chất bên trong lại lành hiền, không có vấn đề gì.
Như thế, có thể trong suy nghĩ của mọi người, tôi là một kẻ kỳ quặc, nhưng tuyệt nhiên không phải như vậy. Tính cách của tôi khi kết giao với người khác không có ý thương ghét, không phân biệt quý hay hèn, giàu hay nghèo, quân tử hay tiểu nhân. Gặp kỹ nữ hay thấy những cô gái làng chơi bình thường, tôi cũng chẳng hề nghĩ gì. Không nghĩ gì, không phải vì tôi mắc cỡ, cũng không phải vì cho họ là những sinh vật bẩn thỉu, không thể ngồi chung được và làm ra vẻ mặt nhăn nhó, còn trong lòng thì sôi lên vì khó chịu.
Như vậy, từ khi còn trẻ tôi đã không hề có hành động thất thố nào đối với phụ nữ. Chẳng hạn, khi say rượu, những điều cần giữ gìn tôi vẫn giữ gìn, những câu cấm kỵ đối với phụ nữ tôi cũng không buột miệng nói ra bao giờ. Lúc say cũng không hề làm mất bản tính, vừa cẩn trọng nói chuyện, vừa cười đùa, đàm tiếu một cách tự nhiên mà không nghĩ đến những sự hiềm kỵ, nghi ngờ của người đời. Bản tính của tôi là một người đàn ông không dễ sa ngã, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, tự mình quyết định một lối sống riêng.
Những lời giáo huấn như trai gái đi đêm phải mang đèn sáng, khi nhận hay cho vật gì không được tay trao liền tay, theo cách nhìn của tôi là những điều vô cùng nực cười. Tôi nghĩ sao mà nhút nhát, với những sự kiêng kỵ kỳ quặc như thế, làm sao sống hết được kiếp người? Con người mà để ý đến những điều vặt vãnh thì chỉ thêm bận rộn. Và tôi tự quyết định không để mình bị ràng buộc bởi những lời răn dạy cổ xưa đó
Từ nhỏ tôi đã thích rượu, vì rượu tôi đã từng làm những chuyện không hay và không hề giữ gìn sức khỏe cho bản thân. Nhưng xét ở một mặt khác, tính cách tôi khá nghiêm túc. Hồi nhỏ, dù tôi có học chung với những cậu học trò ngỗ nghịch, hay cả sau khi lập gia đình và giao tiếp với mọi người trong xã hội, tôi cũng không bao giờ tỏ ra hơn người. Trong xã hội đen, có thể tôi lạ lẫm, không thích, nhưng dù có như thế thì trên thực tế, tôi vẫn biết tường tận về chuyện làng chơi, chuyện trăng hoa. Đó là bởi vì tôi hay chú ý lắng nghe khi người khác say sưa nói những chuyện bậy bạ và để trong lòng. Vì vậy, không chuyện gì là tôi không biết.
Chuyện về xã hội làng chơi, tôi cũng hay nghe người khác kể lại và quan sát nên biết rất rõ. Biết, nhưng bản thân thì vững như đá, không hề sa ngã. Tính cách đó có thể gói bằng một câu: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Tuy nhiên, đầu óc con người vốn linh hoạt và không gì trên đời có thể hoàn toàn kiểm soát trói buộc nó. Chắc chắn nó sẽ tìm ra kẽ hở ở đâu đó để nhờ đó mà có không gian hoạt động. Bởi vậy, tuy tầng lớp thị dân-nông dân luôn bị hạn chế sự thăng tiến về địa vị, nhưng họ không gặp phải quá nhiều trở ngại khi muốn lao tâm khổ tứ để tích lũy tài sản và làm ăn buôn bán. Và do đó, một số người tháo vát đã chuyên tâm làm ăn tích lũy, bất chấp gian khổ ra sức lao động, tiết kiệm, để rồi tạo nên cho mình cả một khối tài sản khổng lồ.
Tâm hồn con người đã bị áp chế thì rất khó khai mở trở lại. Thế nhưng, nếu chỉ nhiệt thànhkhuyến khích đức hạnh cá nhân để loài người - loài có linh trí đứng đầu vạn vật - tránh khỏi những hành vi thất đức, vô nhân và xem đó là mục tiêu tối thượng của cuộc đời, bao trùm lên tất cả, làm khô kiệt trí lực của con người thì đành phải nói rằng đấy là hành vi coi thường, áp chế con người; là hành vi gây phương hại đến sự phát triển bản tính của con người vậy.
Tóm lại, thiện ác trong lòng người tùy ở từng cá nhân, không phải là thứ người xung quanh có thể tùy ý thao túng. Nhìn về thời cổ đại, ta có thể thấy khi đạo đức còn chưa được giảng dạy rộng khắp thì vẫn có người tốt, phần lớn những đứa trẻ trí lực còn chưa phát triển đều trung thực. Như thế, ta phải nói rằng bản tính con người vốn thiện lương. Mục đích lớn nhất của giáo dục đạo đức là phải làm sao không ngăn trở mầm thiện ấy phát triển. Việc khuyến thiện trong gia đình, bạn bè không phải là truyền cái thiện từ bên ngoài vào tâm hồn đang thiếu vắng thiện lương của họ, mà là dạy phương cách để gỡ bỏ những chướng ngại cản trở cái thiện nội tại, để giúp bản thân người đó có thể nỗ lực phát huy cái thiện lương của người ta từ bên trong. Như thế, ta có thể nói đạo đức không phải là thứ có thể tạo ra bằng cách giảng dạy mà đạo đức sinh ra do nỗ lực tự thân của người rèn học.
Nói tóm lại, bản thân tôn giáo không có gì lợi hay bất lợi. Chỉ là giá trị của chúng thay đổi tùy theo trí tuệ của những người tin theo. Giáo lý của Jesus Christ hay của Thích Ca vào tay kẻ ngu xuẩn thì sẽ chỉ phục vụ mục đích của kẻ ngu xuẩn. Thần đạo, Nho giáo, Phật giáo thời nay trở nên viển vông bởi lẽ việc giảng dạy những giáo lý ấy lại ở trong tay tu sĩ, nhà Nho, tăng lữ bây giờ. Nếu những người này (thật ra cũng không có mấy hy vọng) nỗ lực học tập, mang học vấn, kỹ thuật trang sức cho giáo lý, có thể khiến cho những con người văn minh nghe theo, thì giá trị của tôn giáo ấy sẽ tăng gấp trăm lần. Ai nhìn vào ắt cũng phải ngưỡng mộ!
Thế nên tôi mới nói, đức hạnh cá nhân nhờ có trí tuệ mà tỏa sáng. Nhờ có trí tuệ dẫn đường, đức hạnh cá nhân mới phát huy được tác dụng đích thực. Nếu không có cả hai yếu tố trí tuệ và đạo đức, thì không thể trông mong gì xã hội trở nên văn minh được
nếu xét về mặt trí tuệ thì anh chàng cựu samurai này chỉ như một cái thùng rỗng. Anh ta có thể biết phân biệt màu sắc nhưng không thể biết trong quang phổ của ánh sáng trắng bao gồm bảy màu. Anh ta biết chào hỏi sao cho phù hợp với thời tiết nóng lạnh từng mùa nhưng không biết cơ chế hoạt độngcủa nhiệt kế. Anh ta không trễ giờ dùng bữa nhưng không biết dùng đồng hồ ra sao. Anh ta cũng không biết ngoài quê hương chôn nhau cắt rốn của mình còn có đất nước Nhật Bản, và ngoài Nhật Bản còn có thế giới. Do đó, anh ta không biết đến tình hình trong nước, cũng chẳng biết có sự bang giao với nước ngoài. Anh ta chỉ biết giữ những phong tục cổ truyền; gia đình là thế giới nhỏ của anh ta, tầm mắt của anh ta chỉ quanh quẩn trong nhà, bước ra khỏi cửa một bước thì tựa hồ mọi thứ tối đen như mực.