[Public speaking - Nói trước đám đông] Vài ghi chú về cách làm chủ phần thảo luận với khán giả (Q&A session)
Hôm qua ở Toastmasters mình thực hiện 1 dự án về " How to handle Q&A session ", bao gồm 1 bài nói tầm 10' và sau đó là khoảng tầm...
Hôm qua ở Toastmasters mình thực hiện 1 dự án về "How to handle Q&A session", bao gồm một bài nói tầm 10' và sau đó là khoảng tầm 10' dành cho thảo luận - Q&A. Đắn đo một hồi mình quyết định chọn nói về bất bình đẳng (inequality), một chủ đề mình hy vọng sẽ thu hút được sự chú ý của khán giả cũng như dễ dàng để họ có nhiều câu hỏi thảo luận hơn. Kết quả ngoài sức mong đợi của mình, khán giả nhao nhao giơ tay, phần Q&A thậm chí sôi nổi quá mức cần thiết, và tí quá giờ :))
Sau đây là một vài thứ mình đúc rút được và muốn chia sẻ lại với các Nhện:
1. Luôn bắt đầu câu trả lời bằng việc ghi nhận câu hỏi của khán giả trước. Cái này hôm qua mình cũng hơi bất ngờ mình làm một cách tự nhiên như thế luôn, nhưng có lẽ mình học được một cách thụ động sau quá trình dài đã dự và nghe quá nhiều sự kiện. Thường xuyên mở đầu câu trả lời là: "That's a really interesting/good question" (hoặc nếu quá nhàm thì thêm thắt tí muối như: That's a very important point that I couldn't allude to in my talk, but ...) Không phải chỉ là để có thêm thời gian hệ thống lại suy nghĩ, mà mình nghĩ còn có tác dụng với cả người hỏi cũng như khán giả xung quanh, như một cách tế nhị để khích lệ họ mạnh dạn hỏi hơn hay đưa ra ý kiến ấy.
2. Luôn tóm tắt ngắn gọn lại câu hỏi trước khi trả lời. Đây cũng là một cách khác để thể hiện sự quan tâm đến toàn bộ khán giả, vì nhiều khi nếu khán phòng rộng hay không có mic thì chưa chắc ai cũng nghe rõ câu hỏi như bạn.
3. Nếu câu trả lời dài, hay bạn muốn chia sẻ thêm suy nghĩ có liên quan, nên kết thúc bằng việc hỏi lại người đưa ra câu hỏi xem câu trả lời ấy đã vào đúng câu hỏi của họ chưa? Sẽ tốt hơn là kết thúc cái rụp rồi quay sang tìm người định hỏi tiếp theo (Nhưng cái này đôi khi lại khiến họ hơi lúng túng, vậy nên mình chỉ áp dụng với các câu trả lời dài, còn câu ngắn thì khi trả lời xong mình im lặng và nhìn họ 1 2 nhịp, thường đủ để họ mỉm cười và gật đầu là được).
4. Dù là trả lời câu hỏi trực tiếp từ một người hỏi, nhưng nên tìm cách để nói cho toàn bộ khán giả. Thỉnh thoảng mình cũng quên cái này. Nhưng có 1 tip khá hay là khi nói gần hết câu trả lời (tức là lúc ấy não không phải nghĩ thêm nữa), thì bạn nên đưa mắt một vòng toàn bộ khán giả.
5. Đừng bao giờ để Q&A quá thời gian cho phép. Tốt nhất nên kết thúc sớm một chút, để bạn có thời gian cho phần kết luận cuối cùng của bạn. Cái này rất quan trọng, đặc biệt nếu bạn thực sự muốn khán giả nhớ được thông điệp của bài nói.
6. Đừng cố trả lời hết toàn bộ câu hỏi, vì thực ra điều ấy không cần thiết. Bài tủ của mình khi dạy học là thỉnh thoảng gặp câu nào của sinh viên hơi kho khó, hay có thể gợi liên tưởng mở rộng, thì thay vì vắt óc suy nghĩ và trả lời ngay, mình hay đẩy lại cho cả lớp. Chả hiểu sao mình cảm thấy cái này có tác dụng như chút keo gắn cả lớp lại ấy, vì sau đấy cảm giác không khí thường tập trung và chúng nó có vẻ ham hố học hơn … được một lúc. Và làm thế này thì yên tâm mình có đủ thời gian nghĩ kỹ hơn, để kể cả nếu không đứa nào nghĩ được gì mình vẫn có thể trả lời sau đó. Hôm qua ở Toastmasters mình cũng thực hiện điều này, và feedback của mọi người khá tốt, đồng thời chính mình cũng học hỏi được 1 ý kiến khá hay về nội dung mà mình sẽ chia sẻ dưới đây.
Về phần nội dung bài nói mà mình chuẩn bị, cũng có một vài ý khá hay muốn chia sẻ lại với các Nhện.
(Cái này mình nghĩ có lẽ sẽ đặc biệt có ích cho các bạn muốn xin học bổng, đặc biệt là về học bổng nghiên cứu nhé)
7. Thực ra bất bình đẳng trở lại là một chủ đề nóng trong không chỉ kinh tế mà cả triết, chính trị, vv. là từ cuốn "Capital in the 21st century" của Thomas Piketty, trong đó ông chỉ ra rằng bất bình đẳng đã tăng rất cao từ sau thế chiến thứ 2 (WWII), đã gần đạt lại mốc trước 2 cuộc chiến tranh thế giới. Và nó thực ra được cho là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến 2 cuộc thế chiến đó.
8. UK đang là 1 trong những nước có tỷ lệ bất bình đẳng thu nhập cao nhất thế giới. Mình đã thực sự choáng khi biết rằng nghiên cứu đợt đầu Covid (tầm tháng 4/2020) chỉ ra rằng có đến 9% trẻ ở tuổi đi học ở UK không có máy tính để học online. Tức là cứ 10 đứa trẻ thì có 1 đứa đã không thể học online, ít nhất là cho đến khi có sự trợ giúp từ bên ngoài.
9. Chúng ta đang mất dần cảm nhận tích cực về một thế giới ngày càng đi lên và tốt đẹp hơn, cảm nhận mà chúng ta đã có từ sau WWII đến gần đây. Ở UK năm 2003, 50% dân số cho rằng trong tương lai cuộc sống của con cái họ sẽ tốt đẹp hơn cuộc sống của họ. Nhưng đến 2020 thì con số đó giảm chỉ còn 25%. Điều tương tự cũng được ghi nhận ở Pháp. Hai lý do chính được cho là thay đổi khí hậu và bất bình đẳng thu nhập.
10. Trong một nghiên cứu gần đây được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu của King's College London, có đến 80% số người trả lời cảm thấy lo ngại về bất bình đẳng thu nhập. Nhưng thú vị là chỉ có 40% đồng ý khi được hỏi là chính phủ nên thực hiện các biện pháp nhằm tái phân phối thu nhập. Tức là chính thị trường tự do từ thời Magaret Thatcher (1980s) khiến bất bình đẳng tăng cao, nhưng người dân lại không tin chính phủ, có lẽ là thể chế duy nhất có thể thực sự tác động để cải thiện tình hình. Đây là một trong những lý do chính khiến bất bình đẳng là một vấn đề vô cùng nan giải với các nước phát triển.
11. Một nguyên nhân sâu xa hơn khiến bất bình đẳng rất khó giải quyết, đó là vì chúng ta thực ra chưa bao giờ có được bất cứ một tiêu chí nào khách quan để đánh giá về bất bình đẳng. Ví dụ, ngay cả thứ mà hầu hết mọi người đều đồng ý: rằng nếu họ cố gắng nỗ lực chăm chỉ trong công việc, thì phần lương thưởng họ nên nhận được toàn bộ, với càng ít thuế má và các nghĩa vụ càng tốt. Nhưng ngay cả điều này cũng đã bị thách thức, đơn cử như học thuyết về bình đẳng của triết gia chính trị John Rawl đã từng đặt câu hỏi: "Nếu ngay cả sự chăm chỉ trong công việc cũng là một thứ bẩm sinh thì sao?" Và thực ra không dễ để bác bỏ hoàn toàn giả thuyết này của ông.
12. Một ý nữa mình thu được từ khán giả (khi áp dụng #6 ở trên): khi có bạn hỏi về bất bình đẳng giới trong thị trường việc làm, mình nghĩ câu này có thể mở rộng được, nên thay vì trả lời mình đẩy lại câu hỏi cho toàn bộ khán giả. Kết quả là có một bạn chia sẻ rằng ở Đức giờ người ta đang áp dụng việc bỏ tên ứng viên trong hồ sơ ở vòng ứng tuyển đầu tiên. Mình nghĩ cái này chất thực sự (dù mới chỉ dừng ở vòng đầu tiên, vì các vòng sau đằng nào cũng biết thôi. Nhưng như thế mình tin cũng đã tạo ra rất nhiều khác biệt rồi). Hy vọng mấy bạn HR nhà mình nếu có đọc được bài có thể giúp lan truyền cái này nhé, mình nghĩ sẽ rất tốt cho tương lai đấy.
A Dreamer
Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất