Mỗi con người sinh ra đều có vô vàn nỗi sợ: sợ bóng tối, sợ độ cao, sợ máu, sợ thi trượt, sợ thất bại, sợ mất đi người thân, vv.... Tôi tự hỏi trong rất nhiều những nỗi sợ ấy, có nỗi sợ nào là nỗi sợ cốt lõi, nỗi sợ chủ đạo hay không?
Nếu có, thì nỗi sợ cốt lõi của tôi chắc chắn là nỗi sợ bị bỏ rơi (fear of abandonment). Trong thời gian gần đây khi tôi tìm cách chữa lành đứa trẻ bên trong mình, tôi nhận ra nỗi sợ bị bỏ rơi đã bám rễ rất sâu vào tâm trí tôi ngay từ khi mới sinh và chi phối rất nhiều sự kiện đau thương mà tôi còn nhớ được đến bây giờ.
Tôi không có nhiều ký ức của những năm đầu đời, chỉ nghe mẹ tôi kể rằng lúc sinh tôi ra, mẹ rất thất vọng vì tôi là con gái (tôi đã có 1 chị gái). Mẹ đã mong tôi là một bé trai, thậm chí còn đã đặt sẵn một cái tên con trai cho tôi - tên là Kiên.
Không chỉ vậy, khi sinh ra tôi còn bị thiếu cân - chỉ nặng có hơn 2 cân 6, thậm chí còn tím tái và không khóc. Mãi cho đến khi bị bà đỡ xốc ngược lên và tét mông nhiều lần, tôi mới bật khóc và mẹ biết tôi còn sống.
Tôi vẫn luôn là một đứa trẻ ốm yếu, thường xuyên bị sốt đến mức co giật và phải đi viện hàng tuần. Dù mẹ rất yêu thương tôi, tình yêu đó luôn đi kèm với sự thất vọng. Mẹ nói bà cảm thấy xấu hổ mỗi lần nhìn bố bế tôi vì tôi quá gầy yếu. Giống như mẹ tôi đã không làm tròn nghĩa vụ của 1 người vợ - không thể sinh con trai và không thể sinh một đứa bé khoẻ mạnh.
Rồi đến năm tôi 2 tuổi, bố mẹ và chị gái tôi chuyển sang một thành phố khác sống, để lại tôi cho ông bà nội ở quê nuôi vì sợ ông bà buồn. Bố mẹ chỉ về thăm tôi vào mỗi cuối tuần.
Tôi không còn ký ức gì về thời gian đó, nhưng sau này khi được đón sang sống với bố mẹ để đi học mẫu giáo, tôi thường bám bố mẹ rất chặt. Tôi nhớ rất rõ cảm giác khủng hoảng mỗi sáng thức dậy phải đến lớp. Tôi thường khóc ngặt và không muốn rời khỏi nhà, cảm giác như bị bứt ra khỏi một bầu không khí an toàn mà mình vẫn hít thở vậy.
Khi bố đưa tôi đến cửa lớp, tôi sẽ cố hết sức bám chặt chân bố, không cho bố rời đi. Rồi kiểu gì cô giáo cũng dụ được tôi vào lớp, nhưng tôi sẽ khóc mất nửa buổi sáng và bám lấy đứa bạn trong xóm cùng đi học với tôi. Hôm nào nó không đi học thì tôi sẽ khóc và tự chơi một mình.
Ký ức của tôi về những năm đầu đời là không nhiều và rời rạc, nhưng chúng đủ để tôi hiểu rằng cảm giác bất an, nỗi sợ bị bỏ rơi và có thể là cảm giác mình không đủ tốt, không thể tự bảo vệ bản thân đã bắt đầu nhen nhóm từ rất sớm trong đời tôi như vậy.
Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet
Một ký ức in đậm khác những năm tiểu học là một hôm đi học về, tự dưng thấy nhà khoá cửa, không có ai trong nhà, cả xóm hôm đó cũng vắng lặng, hình như là dịp cuối năm. Không hiểu sao lúc đó tôi bắt đầu hoảng loạn, cố gắng đập cửa và gọi bố mẹ, gọi chị. Gọi không được, tôi sụp xuống khóc mãi đến tận gần tối lúc cả nhà về.
Hoá ra bố mẹ đưa chị tôi về quê có việc đột xuất mà không kịp báo cho tôi. Bố mẹ và chị tôi chỉ cười tôi quá mít ướt, nhưng lần đó trở thành một ký ức tôi vẫn nhớ cực kỳ rõ cho đến tận bây giờ.
Năm lớp 4, khi tôi thi trượt giải nhất học sinh giỏi, mẹ không nói chuyện với tôi 3 ngày, khiến tôi vô cùng hoảng sợ, thậm chí ốm sốt 40 độ. Từ đó, tôi nhận ra nếu mình không đủ giỏi, không đủ tốt và làm mẹ thất vọng thì tôi sẽ không được yêu thương, không được quan tâm nữa. Và tôi học như điên như dại để tránh vết xe đổ đó.
Không chỉ nỗ lực để được mẹ yêu thương, tôi còn luôn nỗ lực để được bạn bè chấp nhận. Những năm cấp 2, tôi chơi với một nhóm bạn trong lớp. Dù rất cố gắng để hoà nhập với chúng, nhưng tôi luôn cảm thấy mình bị thừa ra. Khi chúng nói chuyện mà tôi đến, chúng đứng dậy bỏ đi; khi cùng đạp xe đi học, chúng cố đạp nhanh để tôi không kịp theo.
Cảm giác mình không đủ tốt, mình bị bỏ lại như một bóng ma liên tục đeo bám và ám ảnh tôi. Nó khiến tôi không ngừng nỗ lực thay đổi bản thân để đáp ứng nhu cầu của những người xung quanh, miễn sao làm họ hài lòng và họ sẽ quan tâm đến tôi.
Giống như một đứa trẻ bị bỏ đói lâu ngày, tôi vồ lấy mọi dấu hiệu của sự yêu thương và quan tâm dù là nhỏ nhất từ người khác. Hoặc ngược lại, đôi lúc tôi chọn bỏ rơi người khác dù tôi rất thích họ trước khi họ có thể bỏ rơi tôi. Điều đó dẫn đến vô vàn sai lầm trong các mối quan hệ cả về tình cảm và quan hệ xã hội sau này của tôi.
Và kết cục là tôi trở thành một người có low self-esteem, lòng tự tôn thấp; một người luôn sợ hãi bị bỏ rơi và cố gắng làm hài lòng người khác để họ cho tôi dù chỉ là một chút quan tâm. Tôi đã sống một cách thực sự đáng thương hại như vậy trong thời gian rất lâu.
Chỉ đến gần đây, khi tôi gặp nhiều va vấp trong cuộc sống và tự chữa lành cho mình, tôi mới nhận ra xu hướng này của bản thân. Nỗi sợ chủ đạo về việc bị bỏ rơi như một bài học cuộc đời đặt ra cho tôi: chỉ khi nào tôi thực sự vượt qua được nó thì tôi mới có thể tìm được cảm giác bình an.
Vì vậy, tôi tìm đến sách vở, đến triết lý Phật trong sách thiền sư Thích Nhất Hạnh. Tôi học cách tự chăm sóc bản thân, làm những việc mình thích và thấy có ý nghĩa. Tôi tập đi du lịch một mình, rồi viết ra những suy nghĩ của bản thân. Tất cả những điều này giúp tôi sáng tỏ những tổn thương trong quá khứ và chữa lành chúng, cũng như cho tôi thêm niềm tin rằng tôi có thể tồn tại kể cả khi những người khác quay lưng lại với mình.
Tôi có thể làm được và sẽ làm được. Chỉ là cần thời gian và luyện tập thôi.
Cảm ơn các bạn đã đọc một bài viết rất dài và lảm nhảm này. Các bài viết của tôi trên Spiderum đa phần là chia sẻ những chuyện cá nhân trong hành trình tự chữa lành và chúng chẳng mang lại thông tin hay kiến thức hữu ích gì cho ai, vì vậy tôi rất cảm ơn bất kỳ ai có theo dõi ủng hộ.