Do tóm tắt nội dung phim không phải là mục đích chính của bài viết này nên mình sẽ chỉ tóm gọn sơ qua bối cảnh, mong mọi người có thể trải nghiệm tác phẩm một cách trọn vẹn.
Hirokazu Koreeda là một đạo diễn tài năng của Nhật Bản với rất nhiều giải thưởng trong nước cũng như quốc tế, tiêu biểu là giải Cành Cọ Vàng cho sự xuất sắc của tác phẩm Shoplifters. Con người, gia đình là yếu tố chủ đạo trong các tác phẩm của ông, từ nền tảng về những mảnh đời bình thường không có gì nổi trội, ông đã gửi gắm vào đó những thông điệp sâu sắc, nhức nhối về xã hội cũng như gia đình theo một góc nhìn trực diện. Nobody Knows là một tác phẩm mang đậm chất điện ảnh của Hirokazu Koreeda, được lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật tại quê hương của ông vào năm 1988, một bà mẹ đã bỏ lại 4 đứa con của mình tại căn hộ chật hẹp ở Tokyo để theo bạn trai chuyển đi nơi khác. Điều đáng nói ở đây là 4 đứa trẻ còn rất nhỏ và mỗi đứa trẻ lại là của một người cha khác nhau, cả bốn đứa trẻ đều không được đi học và không ai biết đến sự tồn tại của chúng trừ những người tạo ra chúng. Bộ phim hầu như đều do Hirokazu dựng lên, chỉ dựa vào khung xương 4 anh chị em cùng mẹ khác cha bị bỏ rơi và sống cùng nhau trong 6 tháng, còn các vấn đề về tuổi tác cũng như giới tính của bọn trẻ đều được sáng tạo ra.
Để giải thích về cái tên “Nobody Knows” Hirokazu Koreeda đã nói:
“Theo nghĩa đen thì đây là câu chuyện về những đứa trẻ bị bỏ rơi và không ai thực sự biết chuyện gì đã xảy ra với chúng. Nhưng tôi không muốn bàn về hoàn cảnh của họ theo góc nhìn của nạn nhân. Điều tôi muốn thể hiện là sức chịu đựng cũng như ham muốn sống kèm theo đó là đặc tính dễ bị tổn thương và phức tạp của trẻ em - đó cũng là một khía cạnh của trẻ em mà không được quan tâm tới. Sức sống của trẻ em cũng dễ dàng bộc lộ khi họ hoàn toàn bị bỏ rơi.”
Theo đó, mục đích của Hirokazu Koreeda không phải là làm khán giả cảm động đẫm nước mắt theo kiểu thường thấy trong phim ảnh, bởi vốn dĩ đây đã là một câu chuyện rất buồn. Những nét nhẹ nhàng, âm nhạc dịu dàng, khung cảnh ấm áp của bộ phim rất giống với phong cách thường thấy trong phim của Hirokazu, giống như "After Life", nhưng đó lại chỉnh là lớp nền cho cả tấn bi kịch ngầm cứ từ tích tụ để rồi vỡ ra ở phần cuối của phim.

Đám trẻ không khóc

Nếu để ý kĩ, ta có thể thấy xuyên suốt bộ phim ta hầu như không thấy giọt nước mắt nào xuất hiện, có duy nhất có cảnh ở đầu phim khi Akira thấy mẹ của cậu rơi lệ trước khi thức dậy. Đây có thể giọt nước mắt hối hận của cô khi đã lầm lỡ rồi phải chịu trách nhiệm với 4 đứa con của mình hoặc đây cũng có thể là giọt nước mắt cuối cùng trước khi cô quyết định bỏ rơi 4 mảnh đời nhỏ bé để cứu vớt lấy cuộc đời của riêng mình. Đây cũng là thông điệp mà Akira muốn nhắc nhở tới thế hệ trẻ, những người có cuộc sống phóng túng, thoải mái rằng họ còn quá trẻ để có thể có trách nhiệm với con cái của mình. Và nếu đã có con thì hãy làm một người mẹ đúng nghĩa.
Để trả lời cho câu hỏi Tại sao việc bỏ rơi con cái lại trở thành một vấn đề lớn ở Nhật Bản?” Koreeda đã trả lời:
“Chắc chắn là có rất nhiều lý do ở Nhật Bản nhưng những phóng viên người Pháp và Ý đã phỏng vấn tôi tại Cannes thì nói rằng đây là điều bình thường ở đất nước của họ. Khi các gia đình Nhật Bản ngày càng được quy hoạch về hai thế hệ, ông bà thường không sống với con cháu, nên bố mẹ của những đứa trẻ không thể tham khảo ý kiến của chính cha mẹ mình về cách nuôi dạy con cái của họ và dựa vào đó để nuôi dạy chúng. Ngoài ra, giống như thời tôi còn nhỏ, sống ở thành phố nghĩa rằng bạn sẽ không thể nhờ hàng xóm trông con giúp mình được. Nên tôi nghĩ rằng các bà mẹ đều chịu trách nhiệm nuôi nấng con cái.”
Quay lại với những giọt nước mắt, độc chỉ có nước mắt của người mẹ? Vậy tại sao những đứa trẻ trong phim của Hirokazu lại không khóc? Chúng không buồn ư? Chúng rất buồn nhưng đó lại là cái độc đáo mà Hirokazu Koreeda nhắm tới, đó là những mũi tên tẩm nỗi buồn, xuyên qua da thịt của đám trẻ, không để lại vết thương thể chất, mà lại làm tổn thương tinh thần. Những mũi tên ấy xuyên qua màn kính, nhắm thẳng vào khán giả, những người cũng bị một loạt mũi tên bi kịch công phá, họ cảm nhận nỗi đau đớn của những đứa trẻ giống như chính nỗi đau của mình. Mọi chuyện sẽ tốt hơn nếu như ta thấy những đứa trẻ đó khóc, khóc là một cách để ta xả hết nỗi buồn bực trong người thông qua những giọt nước mắt. Nhưng những đứa trẻ lại dửng dưng như không có gì, gương mặt không hề có một chút biểu cảm, kết hợp với khung cảnh nhẹ nhàng, sáng sủa trong phim tạo thành một tổ hợp độc dược ngấm qua da, trú ngụ trong từng lớp cơ của thân thể. Cảm giác dửng dưng, lạnh lùng ấy còn đáng sợ hơn việc thấy chúng khóc. Đạo diễn từ từ làm nỗi buồn thấm vào cơ thể, ngũ quan của người xem, cũng giống như những đứa trẻ, họ buồn nhưng không khóc.

Vậy ai mới là người đáng thương?

Giống như tiêu đề của bộ phim Nobody Knows - Không ai biết, chẳng ai biết thực sự rằng ai mới là người đáng thương trong bộ phim này, vì nếu xét theo góc nhìn đa chiều, ắt hẳn sẽ có nhiều người thấy những đứa trẻ đáng thương vì chúng không xứng đáng bị bỏ rơi, những đứa trẻ nên được đi học chứ không phải ngồi tính từng đồng xu, sống chui sống lủi trong khi các bạn đồng trang lứa tung tăng bay nhảy. Nhìn cảnh 4 đứa trẻ quần áo rách rưới trong căn nhà bẩn thỉu, bốc mùi ẩm mốc, chúng phải tìm cách sinh tồn trong một xã hội đương nhiên khiến khán giả đại chúng phẫn nộ và việc mẹ chúng làm có phần trái với đạo đức con người. Nếu nhìn ngược lại, ta thấy Keiko - mẹ của những đứa trẻ cũng có phần đáng thương, rằng việc có nhiều con như thế là điều cô không hề mong muốn và ngay cả cha của những đứa bé cũng từ bỏ, không chu cấp đều đặn cho chúng. Mặc dù cái tính phóng đãng có phần quá đà của Keiko chính là tác nhân đẩy cô vào hoàn cảnh này nhưng cũng không thể phủ định công sức của cô, chính Keiko đã nuôi nấng 4 đứa trẻ, thông qua phân đoạn đầu phim, ta có thể thấy mẹ con cô sống rất hạnh phúc, nụ cười luôn trên môi mọi người dù điều kiện sống không dư giả. Nhưng có lẽ như thế lại là quá nhiều đối với Keiko, cô cũng có cho mình những lý do để rời đi.
Việc ai đáng trách, ai đáng thương tùy thuộc vào góc nhìn của mọi người, mình chỉ đứng trên góc độ trung lập để phân tích các khía cạnh của tác phẩm. Mong bạn đọc thông cảm!

Cấu trúc vòng lặp

Xuyên suốt bộ phim ta thấy được niềm vui và nỗi buồn của bọn trẻ được đan xen lẫn lộn theo cấu trúc vòng lặp, buồn - vui - buồn cứ thế cho đến hết phim. Những cảnh như đám trẻ được Keiko tặng đồ khi trở về sau hơn một tháng, hay khi chúng được mẹ gửi tiền vào dịp lễ, đó đều là những khoảnh khắc vui vẻ hiếm hoi trong khoảng thời gian bi thảm của chúng. Để rõ hơn về vấn đề này ta có thể lấy nhân vật chính Akira làm ví dụ, cậu đã rất vui khi đi chơi cùng đám bạn hư hỏng, nhưng khi bị chúng bỏ rơi thì cậu lại quay về trạng thái buồn bã trong căn phòng chất đầy rác; cậu lại thấy vui khi kết bạn với Saki - nữ sinh trung học mà bọn trẻ vô tình quen biết, rồi sau đó lại căm ghét Saki vì hành động của cô; Akira lại vui khi được chơi bóng chày, đây có lẽ là niềm vui lớn nhất của Akira thông qua cái cách cậu tận hưởng trận đấu nhưng niềm vui lớn nhất cũng đi kèm với nỗi buồn lớn nhất, sự ra đi của Yuki - em út trong nhà.
Calling me into the dark
With eyes as wilted as ice
I’m growing up
A jewel pungent with a stench that brook is no one’s approach.
Lời bài hát cuối phim như một bản tóm tắt ngắn gọn về cuộc đời của đám trẻ. Khép lại một tác phẩm sáng mà tối.

Thay cho lời kết

Nobody Knows là một bộ phim tuy cảm động nhưng có lẽ sẽ không tiếp cận được khán giả đại chúng bởi tính gai góc và có phần trần trụi của bộ phim. Nhưng đây là một bộ phim rất đáng xem về tình cảm gia đình, thông điệp mà đạo diễn muốn truyền tải cũng đã được thể hiện một cách hoàn hảo xuyên suốt tác phẩm. Mong toàn thể bạn đọc có thể trải nghiệm phim để có một cái nhìn rõ hơn về những gì đạo diễn Hirokazu Koreeda muốn nói.