Nghe có vẻ tiêu cực nhưng nếu chỉ có nỗ lực thôi, thì mình sẽ rất lâu mới có thể đạt được tới thành công. Bởi vì thành công ấy à, nó cần nhiều hơn một sự nỗ lực đơn thuần.
Tôi có một người bạn, tạm gọi là A. Hồi còn học chung cấp 1 và cấp 2, câu là một người rất vô tư, hay cười và quan trọng là rất ham học. Cậu ta bao giờ cũng rủ một đứa thích ru rú như tôi ra ngoài, theo như lời cậu ta thì, " ngắm nhìn thế giới tươi đẹp kia". Ai cũng nghĩ rằng cậu ất sẽ có một tương lai sáng lạn với ước mơ trở thành công an, cho đến một ngày gia đình cậu ấy bị vỡ nợ, bố mẹ cậu li hôn và cậu phải theo mẹ cậu về quê ngoại. Dĩ nhiên, A phải bỏ học cấp 3 để đi làm phụ mẹ, dở dang việc học. Lần gần nhất tôi gặp lại A, cậu khác xưa rất nhiều, trưởng thành hơn, cậu bảo cậu đi làm thuê cho một công ti nọ, chỉ cần sức khỏe tốt, không yêu cầu trình độ, cũng đủ cho hai mẹ con đủ sống. Cậu bảo cậu sống rất thoải mái, lúc trước cậu muốn đi học lại nhưng mà bây giờ cậu không muốn nữa, tại cậu ngại học chung với mấy đứa nhỏ tuổi hơn, cũng... mệt nữa! Nhiều người bạn của tôi bảo A không biết nỗ lực, chỉ biết nghĩ đến cái trước mắt mà không nghĩ đến tương lai. Thế những, tôi lại cho rằng cậu phải gánh quá nhiều áp lực, phải kháng đáng rất nhiều gánh nặng, cậu không thể nào tập trung được vào việc học.
Hồi nhỏ, khi có nhiều người khen tôi học giỏi, mẹ tôi liền nói nửa đùa nửa thật:" Xời, nó có phải làm gì đâu, chỉ có mỗi học thôi mà không giỏi nữa thì đáng tội." Đúng là tôi không cần phải làm gì, được bố mẹ tạo điều kiện hết sức nên kết quả cũng không đến nỗi tệ. Thành công ở một lĩnh vực đòi hỏi sự bỏ công bỏ sức rất nhiều, nhưng quan trọng không kém chính là sự giúp đỡ từ gia đình. Có thể nhiều người sẽ nói rằng, có rất nhiều đứa trẻ sinh ra trong nghèo khó, vừa phải phụ giúp gia đình vẫn đạt được thành tích rất cao, thì tôi phải nói rằng cái "thành tích cao" đấy nó chỉ cao với các bạn ấy, cao trong hoàn cảnh của bạn ấy,chứ không phải là cao so với những bạn cùng chang lứa. Bởi vậy, sinh ra trong một gia đình không tốt đã là một trở ngại vô cùng to lớn đầu tiên mà những bạn kém may mắn gặp phải. Thế nhưng, ở đây tôi không trách hay đổ lỗi cho các gia đình nghèo khó, hay oán trách các thế hệ phụ huynh bởi lẽ tôi không hề có quyền làm việc đó, hơn nữa, kể cả bản thân sự nghèo khó ấy cũng xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, không đơn thuần là do họ không chịu nỗ lực. Trong cuốn sách Outliner( tiếng Việt: Những kẻ xuất chúng), tác giả Malcolm Gladwell đã nghiên cứu về thành công của Bill Gates, một người mà chúng ta thường ca tụng là một người vô cùng xuất chúng. Thế nhưng, chúng ta thường quên mất một điều đó là Bill Gates có một xuất thân ở một gia đình vô cùng giàu có và ông được học tập ở một ngôi trường có những chiếc máy tính đầu tiên trên thế giới. Đây chính là cơ hội để ông mày mò, nghiên cứu về những thứ mà ngày nay chúng ta vẫn coi nó như một phần không thể thiếu trên chiếc mỗi máy tính. Thành công của ông ta hội tụ đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Tất nhiên, tôi không hề phủ nhận rằng ông ta đã bỏ công bỏ sức rất nhiều, bởi ông đã bỏ ra 10000 giờ- con số vàng luyện tập để trở thành bậc thầy trong một lĩnh vực nào đó. Thế nhưng, ông ta không cần phải bận tâm về chuyện cơm áo gạo tiền, không để những chuyện vụn vặt cỏn con làm ảnh hưởng đến bản thân mới có thể dành ra từng ấy thời gian chuyên tâm nghiên cứu, luyện tập. Một ví dụ thực tế hơn, chính là có một vài người bạn của tôi thời sinh viên vừa đi học, vừa đi làm để trả tiền học phí. Tôi không nói rằng điều này không tốt, nhưng nếu xét về mặt học tập, các bạn ấy không thể nào bắt kịp với những bạn chỉ tập trung cho học tập, hay vừa học vừa đi làm thêm chỉ để kiếm thêm kinh nghiệm chứ không phải vì vấn đề tài chính. Cho nên, khi đề cập đến việc ai đó xuất sắc ở một lĩnh vực nào đó, nếu nói rằng thành công của họ 100% là đến từ nỗ lực thì quả thật là vô cũng phiến diện.
Nguồn: google. com
Nguồn: google. com
Thế nhưng, không phải vì đọc được điều này mà tôi trở nên chán nản, thất vọng. Ngược lại, tôi lại cảm thấy bản thân mình không cần phải đi so sánh bản thân với người khác bởi lẽ, kể cả điểm xuất phát cũng không giống nhau thì chẳng có gì đáng để so sánh cả. Trước đây, tôi cố ép mình không đi so sánh chỉ vì mọi người bảo nó không tốt, gây áp lực cho bản thân, nhưng bây giờ thì tôi đã hiểu bản chất của nó. Hơn nữa, không có điều kiện ngoại cảnh tốt cũng chẳng sao, thành công của mỗi người được định nghĩa bởi chính người ấy. Nỗ lực bao nhiêu cũng không đủ, là khi cái nỗ lực ấy đặt vào mục tiêu của người khác, mục tiêu của xã hội chứ không phải mục tiêu của riêng mình. Bởi lẽ, yêu cầu của xã hội càng ngày càng cao, ngày càng có nhiều người giỏi với mục tiêu cao vời, mình cứ bám lấy đó mà cố gắng thì khi thất bại, tôi sẽ cảm thấy thất vọng một cách phi lí về bản thân.