Hồi cấp Hai, ta có cái đề bài Tập làm văn như sau: "Nêu suy nghĩ của em về câu: "Sách là ngọn đèn bất diệt soi sáng trí tuệ con người"".
Mạn phép cho bản thân người viết không làm lại cái đề này (văn phong sợ lủng củng quá, mất hay!), mà xin được tự ra một đề bài khác, với một chút sự tương đồng, là đều xoay quanh chủ thể "Sách" :"Hãy nêu những suy nghĩ của bạn về vai trò của sách trong việc xây dựng tình yêu cuộc sống".
Có lẽ là không theo lối hành văn kiểu xưa, vì phân tích dài dòng sẽ gây lê thê, thiếu hàm súc và tính đúc kết. Thay vào đó, ta cùng trả lời một câu hỏi không liên quan cho lắm: "Lần bạn buồn nhất là bao giờ?"
Nỗi buồn là một cái gì đấy luôn thường trực trong con người, như là Sự chết mà nhà văn Haruki Murakami từng đề cập đến trong kiệt tác "Rừng Na Uy" của mình, rằng nó tồn tại như là một phần sự sống - thay vì là một khái niệm đối nghịch, và bằng cách sống, ta đang nuôi dưỡng "Sự chết" trong mình. Nỗi buồn cũng giống như vậy, nó chỉ là một phần của niềm vui, một điều tưởng như tương phản mà gần như giống nhau hoàn toàn, là sự định hướng tới niềm vui, bởi gần giống như trong Upside Out vậy (một phim hoạt hình về cảm xúc con người, hay lắm đó), những kí ức buồn nhất lại cũng có thể là niềm động viên an ủi lớn nhất, là niềm vui quý báu nhất của ta trong lúc gian khó. Không có buồn, làm sao có vui.
Và cũng giống như niềm vui mang đủ dáng hình thanh âm, nỗi buồn sầu cũng chân thực, sắc nét chẳng kém màn hình phẳng LCD. Chúng đều có những "nỗi buồn nho nhỏ", "niềm vui to to" và ngược lại. Y chang dáng vóc con người vậy đó! Tương tự như vậy, cách ta đối phó với nỗi buồn, cũng không khác gì cách ta đối đầu với một tên bắt nạt bất kì, mắc bệnh trầm cảm ở trường là mấy. Một chiến, hai biến, và gần như ít có ngoại lệ, sự lựa chọn nào khác hơn. Với một "chiến binh" - hay nôm na là cái đứa "cái - gì - cũng - phải - giải - quyết - cho - xong - chuyện", chúng thường chọn cách giảm thiểu nỗi buồn nhờ "liên minh" với những phương thức giải sầu đặc biệt, mà tiêu biểu là tứ đại khắc tinh "ăn, chơi, ngủ, nghỉ", hoặc là tự nhét mình vào chồng bài tập, nhúng lên nhúng xuống cho đến khi bay màu thì thôi.
Lại giả thử nữa, nếu như tất cả những người đó, chỉ được phép đọc một cuốn sách - bất kể thể loại, để làm liều thuốc giải sầu cho mình, thì nó phản ánh cái gì? Giống việc chọn nhạc để nghe, ta chọn loại sách đem lại cho ta niềm vui thích lớn nhất - bất kể có là tác phẩm kinh dị, giật gân hay là truyện cười dân gian. Như đã nói ở trên, từ buồn mới có vui, sách không nhất thiết đọc xong mà ta tự dưng thấy vui lên liền (có mà sách Thánh??), ở đây ta đến một ngưỡng khác của cảm xúc, nó không hẳn là niềm vui sướng, hay nỗi buồn sầu, mà là kết tinh của hai thứ đó - Niềm sống.
Như là Sự chết, Niềm sống cũng tồn tại như là một bản thể tương đương, tạo thành một sự toàn vẹn nhất định trong con người. Nhưng tại sao niềm sống lại được tạo ra bởi hai khái niệm Vui - Buồn như trên?  
Bởi vì, bản thân Niềm sống không chỉ đến từ Niềm vui - cảm giác hân hoan thường thấy làm cho con người ta tràn trề sức sống, cùng với ham muốn được tồn tại rạo rực cháy bỏng, mà nó còn xuất phát từ Nỗi buồn - sự cô đơn, lạc lõng, nỗi đau dày xé tâm can, hay cảm giác chán nản, tuyệt vọng.
Lại nói về sách, hay về những con chữ, và những bộ óc đằng sau những áng văn ấy. Đã bao giờ ta bắt gặp những "tuyệt tác từ nỗi buồn"? 
Chẳng thể không kể đến, tiêu biểu là "Mùa xuân nho nhỏ" của Thanh Hải, được viết vào độ gần đất xa trời của chính tác giả, cái độ mà người ta hãy còn ám ảnh về Sự chết, về tuổi già bệnh tật ập đến, mà huống chi là bài thơ ấy sáng tác đúng một tháng trước lúc tác giả lìa trần. Bất kể vậy, khi đọc lên những câu thơ, ta không thấy chút đượm buồn, hay nuối tiếc nào, mà tất cả chỉ là Niềm sống, hay cái khát khao được cống hiến mình, làm đẹp cho cuộc đời. 
                                     "Một mùa xuân nho nhỏ
                                       Lặng lẽ dâng cho đời
                                        Dù là tuổi hai mươi
                                       Dù là khi tóc bạc."
Từ hoàn cảnh khó khăn, u uất và khổ đau, con người ta lại toát lên cái vẻ đẹp phi thường của Niềm sống, của khao khát được lan tỏa những giá trị quý báu. Tất cả những thứ ấy được dồn vào những áng văn bất hủ.
Hay như Ông già và Biển cả của Hemingway - một đại văn hào của Mĩ, viết về một ông lão đánh cá ra biển đến biết bao nhiêu ngày không bắt được cá, mà kể cả sau khi đánh được một con cá lớn, thì lại bị cá mập rỉa để lại toàn xương đem về (cay vl!). Trong cái cảnh khốn cùng như thế, ta tưởng như không còn dù chỉ là một chút hi vọng nhỏ nhoi, nhưng ông lão ấy vẫn kiên cường chiến đấu, với một Niềm sống lớn lao, mãnh liệt, trong cuộc chiến một mất một còn vĩ đại với thiên nhiên. Niềm sống trong tác phẩm ấy phảng phất đâu đó một tầm vóc lớn lao của con người làm chủ thiên nhiên và làm chủ vận mệnh.
Những trang sách ấy mang trong mình một Niềm sống dồi dào, bất tận, và đủ đưa đưa ta đi qua mùa đông băng giá. 
Đó là "Cuốn sách Niềm sống". Có thể là bất cứ đầu sách nào, với một nội dung bất kì, nhưng mang trong đó một sức mạnh đủ lớn để giúp ta đương đầu với khó khăn, và tiếp tục sống, bằng thứ vũ khí tiếng cười lạc quan hay giọt nước mắt sâu cay, triết lý.
Nói vậy chứ, chẳng phải tìm phát được luôn một cuốn sách như vậy, khi mà ta luôn chăm chăm vào việc đọc một kiểu sách, mà thiếu đi sự thử nghiệm những lĩnh vực sách khác. Cái mà ta cần là sự nhiệt thành với việc đọc. Có trao đi nhiệt thành, mới nhận lại được thành quả.
Sách mang trọn trong nó cả một nguồn năng lượng sống dồi dào, cùng với đó là sự khai sáng vô minh không thể kể xiết, cung cấp cho ta vô vàn những vốn sống vô giá và cho ta mục đích sống, hay chí ít là định ra con đường sống cho ta - như là "Man Searching For Meaning" (Người đi tìm lẽ sống) của Viktor Frankl. 
Thay cho phần kết, mạn phép lần nữa xin kể cho quý độc giả nghe một câu truyện cười về sách:
Một nhạc sĩ nổi tiếng về quê thăm cha trong ngày lễ. Trước khi quay trở về nhà, ông dặn cha mình: 
- Khi gian khó, ba cứ mở cuốn sách học nhạc của con ra là mọi âu lo đều tan biến.
Thế rồi, sau đó vài năm, người cha rơi vào cảnh túng thiếu. Đang đau đầu không biết xoay sở kiểu gì thì ông chợt nhớ lại lời đứa con năm xưa.
Ông ta tìm quyển sách học nhạc của cậu con ra, và chỉ trong chốc lát, mọi cơ mặt của ông như dãn hẳn ra, hồng hào trắng trẻo trở lại và ngập tràn sức sống.
Bên trong quyển sách cậu con có kẹp một tờ séc trị giá vài triệu đô.