Những suy nghĩ trong lúc đọc Rượu, chưa đủ (1959) của Dương Nghiễm Mậu
Vì sao Phí Ích Nghiễm lại chọn bút danh là Dương Nghiễm Mậu? Là bởi vì ông đặt tên ông ở giữa hai chữ đầu của quê ngoại (Dương Liễu)...
Vì sao Phí Ích Nghiễm lại chọn bút danh là Dương Nghiễm Mậu? Là bởi vì ông đặt tên ông ở giữa hai chữ đầu của quê ngoại (Dương Liễu) và quê nội (Mậu Hòa). Tôi không khỏi liên tưởng đến Dzư Văn Tâm đặt tên mình ở “trong lòng” tên của người con gái mà mình yêu, Thanh Tuyền, để làm thành bút hiệu Thanh Tâm Tuyền.
Dương Nghiễm Mậu sinh năm 1936, cũng bằng tuổi Thanh Tâm Tuyền. Và nghĩa là, năm ông vào Nam (1954), ông 18 tuổi.
Ông xuất hiện lần đầu trên Sáng Tạo ở số 28-29 bộ cũ (tháng 1-2 năm 1959), với truyện ngắn Rượu, chưa đủ. Mai Thảo kể đã nhặt bản thảo truyện này trong sọt rác của một tòa soạn để đem về đăng.
Lúc viết Rượu, chưa đủ, Dương Nghiễm Mậu 23 tuổi.
Không liên quan, nhưng mà hình như không phải cứ sống lâu, đọc nhiều là sẽ viết hay. Sự hay rất có thể chỉ xuất hiện trong một số khoảnh khắc xuất thần của cuộc đời. Cũng như “con tằm nhả được tơ óng mãi hay sao?”
Tinh anh phát tiết ra ngoài.
Ngàn thu bạc mệnh một đời tài hoa.
Mai Thảo bình, truyện có một lối vào “mạnh dạn mới lạ, khác biệt hẳn với lối vào truyện vòng vo ngập ngừng thường thấy ở những người viết mới”. Hẳn Mai Thảo muốn nói đến những tiền giả định: Khi viết “về đến đầu ngõ thì tôi chia tay Thùy”, tác giả không cần nói rõ họ vừa đi đâu về, và Thùy là ai mà lại bước đi với dáng vẻ “lặng lẽ cuối đầu”. Tác giả cũng không cần giới thiệu Hùng là ai ngay từ đầu, cũng không giải thích vì sao mình thừa biết Hùng đọc cuốn sách gì. Chi tiết đó có lẽ chỉ để nói về sự quen thuộc và chán chường trong sinh hoạt của nhân vật chính và Hùng, một sự quen thuộc đến mức việc có hay không có người kia cũng không còn quan trọng. Giữa họ không có hồ hởi, không có thắm thiết.
Hùng rất là cynical, hình như hầu hết bạn bè của nhân vật chính đều cynical. Họ không còn tin vào những êm ái.
Tôi chỉ mới đọc qua ba truyện Niềm đau nhức của khoảng trống, Rượu, chưa đủ và Kẻ sống đã chết, nhưng cũng thấy cái nhận định nói rằng có rất nhiều nhân vật mồ côi trong truyện của Dương Nghiễm Mậu là đúng.
Những con sư tử là gì? Vì sao chúng lại bị khuyết tật (không có tai, mù mắt, cụt chân)? Và phải chăng vì khuyết tật nên chúng càng hung tợn? “Đến nay, hơn hai mươi tuổi đầu tôi sống như vậy”. Nhưng sống như vậy là sống thế nào? Là sống một cuộc đời được ẩn dụ như bị xâu xé bởi những con sư tử khuyết tật, hay là sống một cuộc đời toàn gặp ác mộng?
Tôi muốn van xin sự vắng mặt nhưng chính tôi thường vắng mặt. Những trang sách cứ qua mãi cho đến khi đôi mắt nhíu lại, cho đến khi bầu dầu vơi đi, cũng như những chặng đường, ngắn dần, lùi dần và cuộc đời lớn dần già dần, rồi tan dần đi. Tôi nghĩ đến những người đang ồn ào trong xóm. Những lúc tranh đua kiếm miếng có khi nào nghĩ đến cái thân phận làm người của họ không? Hôm nay họ xanh trẻ, thời gian sau họ già nua. Con cái họ lớn lên và già theo cùng những vui buồn, sinh tử, sợ hãi, chán ghét… rồi họ chết đi nhưng xóm nhỏ thì đông thêm, đông thêm mãi cho đến khi nào những người còn sống quên dần những người đã chết.
Dương Nghiễm Mậu, tuy vẫn viết về thời cuộc, nhưng nhiều khi, và ngay trong tác phẩm này, đã có khuynh hướng phổ quát đến kiếp người, cõi người. Ở tuổi 23, Dương Nghiễm Mậu đã nói về cuộc đời như thể rằng nó chỉ có bao nhiêu đó, và chẳng có gì vui đâu.
Cuộc sống ngày nay mất đi những tham dự của sức mạnh siêu hình mà người trước tin cẩn để sống. Nhưng có lẽ thái độ can đảm liều lĩnh ấy khiến cho chúng tôi đau đớn hơn. Chúng tôi không thể đổ lỗi cho ai được khi chúng tôi tự cho mình là Thượng đế.
Và đến đây thì dấu vết Nietzsche khá rõ. Nhưng việc đưa vào mạch văn một triết lý như này quả có phần hơi thô.
Lại nói, vì sao nhân vật chính của Dương Nghiễm Mậu rất giống với nhân vật chính trong Bếp lửa của Thanh Tâm Tuyền ở chỗ: là trí thức, trẻ tuổi, nhưng sớm buồn chán với cuộc đời, lung lạc và vô định?
Phải chăng chỉ có những người nhìn thấy được những giới hạn không thể vượt qua và ý thức mạnh mẽ về mối quan hệ giữa “tôi” và “chúng ta” thì mới tìm đến hiện sinh? Và dù ta đã biết Sartre và Camus đã xuất hiện xong từ trước 1954, nhưng các thảo luận xoay quanh hiện sinh ở miền Nam bắt đầu sôi nổi từ lúc nào, như thế nào? Rượu, chưa đủ có phải là một tiếng nói vang lên giữa cái âm nền đó, khi mà tác giả liên tục nói về "lựa chọn", "tự do", "cái chết"?
Đêm. Những lối ngõ. Phòng trọ tối. Ánh đèn đường xuyên qua những thanh chắn hắt lên tường trong lúc nhân vật chính nằm. Cái vibe này đã có trong Niềm đau nhức của khoảng trống. Hình như, một số nhà văn sẽ có khoái cảm trong việc dựng nên một cái atmosphere gần gũi với họ. Đó, rất có thể là không gian sống của Dương Nghiễm Mậu, ở độ tuổi đôi mươi.
Thực tôi đọc bài phê bình của Mai Thảo về đoạn cuối (“thật là chửng chạc và cũng thật là cảm động”) trước khi đọc đoạn cuối, nên nó làm tôi hơi thất vọng.
Và cách Dương Nghiễm Mậu đan xen đoạn tự sự của nhân vật chính và những đoạn văn được viết bởi một cô bạn của anh, tên Hương, có cần thiết không? Phải chăng những đoạn được trích ra là để làm cho rõ hơn cái ý niệm về miễn cưỡng, mất tự do? Những dòng văn có vẻ xô vỡ luân lý ấy (anh chàng 20 làm một người đàn bà 40 chửa hoang rồi phải đối mặt với trách nhiệm, hai người bạn tranh cãi về chuyện cái gì quan trọng hơn chuyện đứng bên này hay bên kia của một giòng sông ranh giới, và một người nói về việc con người bị kết án tự do) làm tôi nghĩ đến sự tò mò thích thú của bọn vừa dậy thì khi chơi trò truth or dare, hỏi những câu về chuyện phòng the. Thực ra, nếu đã nhìn thấy ranh giới đủ lâu, con người ta sẽ không còn thấy có gì hồi hộp hay hào hứng ở những sự phá bỏ luật lệ nữa.
Phải chăng Bếp lửa là sự ngộp thở trước “sự đa dạng khôn kiệt của cuộc đời”, và Rượu, chưa đủ cũng vậy?
Có một đoạn nói về việc đứa bé ở công viên thôi không còn chơi trò xây nhà đắp đê mà chuyển sang chơi trò đá dế. Chi tiết này Dương Nghiễm Mậu đưa ra chỉ để nói về sự rời bỏ những thú vui trẻ thơ khi người ta trưởng thành. Nhưng khi đọc nó, nhất là vào lần đọc đầu tiên, tôi không khỏi liên tưởng đến cái “bài học đường đời đầu tiên” của con dế Mèn của Tô Hoài, những choai choai ngu ngục. Và một đoạn phim Ngày giỗ (2003) của Hàm Trần, đoạn cross-cutting xen kẽ giữa trò chơi đá dế của hai anh em ngày còn nhỏ, với cảnh hai anh em cầm súng truy đuổi nhau ngoài chiến trường. Ngày xưa ráy dế cho các chú ấy nóng tiết thì đá nhau mới sung, ngày nay bị làm dế cho người ta quay. "L’histoire est faite par des jeunes et des erreurs!"
Tôi cũng liên tưởng đến chi tiết chủ tiểu giết con ếch vì thích thú trước biểu hiện kỳ lạ khi một con vật chết trong Xuân, hạ, thu, đông… rồi lại xuân (2003).
Bây giờ mùa nắng sắp tàn và sắp xa thêm những kỷ niệm. Dù có khuất xa đi nhưng nhờ những kỷ niệm để nắng tin rằng mình đã sống.
07.08.20
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất