Trong một tiết học của môn Biên kịch & Quay phim, tôi tình cờ được xem một phim ngắn của đạo diễn Hàm Trần. Bộ phim có tên là Ngày giỗ (The anniversary). Trước đó, được nghe bảo là tác phẩm điện ảnh này đã đạt được 25 giải thưởng quốc tế và lọt vào vòng bán kết của Academy Awards cho hạng mục phim ngắn, tôi đoán chắc tám chín phần là có liên quan đến chiến tranh Việt Nam. Và đúng thế thật! 
Đạo diễn Hàm Trần
Hàm Trần (tên thật là Trần Quang Hàm) là đạo diễn người Mỹ gốc Việt, từng làm đạo diễn những phim như Âm mưu giày gót nhọn, Đoạt hồn, Bạn gái tôi là sếp,... và dựng những phim như Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng, Để mai tính, Long ruồi,...
Tuy nhiên nói riêng về đề tài chiến tranh Việt Nam, những bộ phim tuyệt vời nhất với tôi là những bộ phim mà ở đó nỗi đau không phải làm phương tiện cho một sự nghiệp nào cả. “Bất bạo lực trở nên vô nghĩa nếu bạo lực viện cớ tự vệ mà tồn tại” (Ghandi). Và bộ phim The anniversary, với một kịch bản vô cùng nhân văn và không thiên vị, đã kể lại một câu chuyện có tính điển mẫu cho nỗi đau chiến tranh. Và với những tâm hồn rộng mở, nó còn có thể mang theo một ý nghĩa vượt lên bên trên cả ranh giới thời cuộc hay quốc gia.
Bộ phim nói về hai anh em thất lạc nhau từ bé do chiến tranh và gặp lại nhau trong một tình cảnh hết sức trớ trêu: họ trở thành hai người lính ở hai chiến tuyến, đánh nhau đến một mất một còn. Nhưng tất cả những hình ảnh ngày ấu thơ lẫn trên chiến trường đều hiện ra trong ký ức của người anh, nay đã trở thành một nhà sư, trong ngày giỗ của người em trai mình (cũng có thể là ngày giỗ của người thân nào đó).
Đoạn sau đây: spoiler alert! Nên mời mọi người tìm xem phim trước (nếu cần).

Bộ phim này ngay từ phút đầu tiên đã thấy được cách sử dụng màu trong cảnh. Scene đầu tiên thấy có cảm giác là phối màu bổ sung đỏ cam của đèn bàn thờ và xanh lá của tàu chuối ngoài ô cửa sổ, nổi lên trên căn phòng tối. Tiếp theo đó lại là phối màu đơn sắc nâu đất. Lá rụng về cội. Chỉ những màu sắc ấy thôi cũng tạo nên cảm giác về luân hồi, vòng tuần hoàn, thời gian sống của đời người. Và nhà sư xuất hiện, cinematographer dùng silhouette để thể hiện. Trông rất là khắc khoải và nặng trĩu. Riêng về màu sắc và bố cục khung hình, những cảnh trong chùa được tính toán khá kỹ lưỡng, có giá trị mỹ thuật cao.

Tiết tấu ban đầu rất chậm rãi với âm thanh là tiếng kinh nhật tụng và tiếng chim hót ngoài vườn, để làm bật lên sự khác biệt của các cảnh hồi tưởng lúc sau với âm thanh chiến trường.  
Phim sử dụng nhiều cross-cuts đan cài nhau tới 3 cảnh: cảnh thanh tịnh trong chùa – cảnh chơi đùa ngày thơ bé – cảnh truy kích ở chiến trường. 
Có những phân đoạn dùng cross-cutting rất đáng chú ý như: Cảnh nhà sư tìm thấy con dế trên bàn thờ và mang phóng sinh nó ở vườn đan cài với cảnh mà thằng anh giết con dế của đứa em trai vì nó thua trong trận đá dế. (đoạn này làm mình nhớ tới phim “Spring, summer, fall, winter... and spring” của Hàn Quốc); Cảnh người anh truy kích em trai của mình trên chiến trường và cảnh người anh ngày còn nhỏ truy lùng em trai mình trong trò chơi trốn tìm. Cùng với cảnh hai người lính đánh nhau và cảnh hai con dế bị bỏ vào lồng đá nhau. Hai đoạn này mình nghĩ có giá trị nhân sinh cao. Nó giống như kiểu mỗi sinh linh đều có quan hệ thượng hạ vị. Chúng ta ngày bé là những kẻ vì tò mò mà chơi đùa với sinh mạng của những sinh vật nhỏ như kiến, dế.v.v.. Và lớn lên, chúng ta lại trở thành con rối cho thời cuộc giật dây; Cảnh 2 anh em chia lìa ngày còn bé và cảnh 2 anh em nhận ra nhau ngay sau khi người anh vừa bắn chết người em trên chiến trường.
Con dế, trò trốn tìm, vết sẹo trên mu bàn tay người em, dây bùa màu đỏ đeo cổ của người anh là những chi tiết mang móc nối các khoảng thời gian với nhau.
Cách chọn chữ cho title cũng rất phù hợp với không khí phim. Những đường lượn uyển chuyển và độ dày nét biến đổi giống chữ viết tay Sanskrit gợi âm hưởng phật giáo.
Về âm thanh, ba bài hát Điệu buồn - Đào Duy – Sĩ Phú, Thương tình ca – Phạm Duy – Khánh Ly, Người về - Phạm Duy – Hà Thanh cùng với tiếng radio có giá trị gợi không khí xưa cũ, cái kỷ nguyên thu âm từ tính còn nghe mono với những tiếng scratches, hisses và dusts của đĩa than.

Xem tới cái đoạn hội ngộ tréo ngoe đó, tự nhiên mình nhớ đoạn trả lời phỏng vấn của Khánh Ly trong album “Một đời Việt Nam”:
“Như tôi và quý vị chúng ta cùng thấy, là chúng ta đã mất mát quá nhiều. Một cuộc chiến mà theo tôi không có người thắng mà cũng không có người thua. Chỉ là anh em. Giữa anh em với anh em đánh nhau, giết nhau. Cũng như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói rằng, hãy lật xác quân thù ra, thì chỉ thấy mặt người Việt Nam trên đó. “
Thay lời kết, mình nghĩ đây là một bộ phim rất hay về đề tài chiến tranh Việt Nam. Mọi người hãy thử tìm xem nhé.