Những nụ cười trong bệnh viện: Vui trước đã, buồn cứ để sau!
Nếu bạn nghĩ cuộc đời mình đáng chán đến mức thở cũng thấy mệt, bạn hãy thử vào bệnh viện. Tôi không dám chắc tâm trạng của bạn sẽ...

Đọc thêm:
Nếu bạn nghĩ cuộc đời mình đáng chán đến mức thở cũng thấy mệt, bạn hãy thử vào bệnh viện. Tôi không dám chắc tâm trạng của bạn sẽ khá hơn nhưng tôi tin chắc, bạn sẽ thấy trân trọng cuộc đời của mình hơn… rất rất nhiều.
Cái nơi mà sự sống và cái chết gần nhau hơn gang tấc. Dòng người hối hả vào ra phòng cấp cứu. Tiếng giày dép loạt xoạt qua lại dọc hành lang suốt đêm. Người nhà bệnh nhân nằm vạ vật trên các băng ghế đợi chờ phán quyết cuối cùng. Có một em bé cất tiếng khóc chào đời ở phòng hộ sinh. Có tiếng nấc nghẹn của ai đó sau khi mất người thân trong một tai nạn giao thông. Những âm thanh hỗn tạp ấy kéo bạn vào một thế giới không rõ âm u hay tươi sáng nhưng nó khác hẳn những gì đang diễn ra bên ngoài chiếc cổng kia.
---
Trong phòng bệnh dành cho những bệnh nhân đã phẫu thuật xong. Khoảng mươi bệnh nhân. Có người đã mổ được vài ngày. Có người mới mổ hôm nay. Có người đã đi lại được. Có người vẫn còn yếu lắm. Có người mới giai đoạn đầu phát hiện bệnh. Có người đã bước vào những giai đoạn muộn hơn. Họ hoàn toàn là những con người xa lạ nhưng tiếng nói chuyện cứ rôm rả khắp gian phòng cứ y như mấy bà hàng xóm có-thâm-niên. Họ chia sẻ về bệnh tình của nhau bằng cái giọng tỉnh bơ như đang nói về ai đó ở đâu đâu. Họ chia sẻ về cuộc sống gia đình, về người chồng, về những đứa con, về những sự thay đổi sau khi phát hiện bệnh. Tất nhiên, vẫn cái giọng vô tư, sảng khoái và vui vẻ như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Không thể tưởng tượng nổi những người đang đối mặt với căn bệnh quái ác, tử thần sẵn sàng cướp đi mạng sống của họ bất cứ lúc nào lại có thể nói chuyện bình thường như vậy. Cái sự bình thường của họ làm người ta phải nể. Ai cũng biết đằng sau cái sự bình thường đấy, họ đã phải trải qua những cuộc khủng hoảng tinh thần, đau đớn thể xác để rồi học cách chấp nhận và sống lạc quan như hôm nay.
Ngoài hành lang, mấy ông chồng rủ rê nhau uống trà nóng, ngồi tâm tình như những người bạn lâu năm mới gặp lại. Họ hỏi nhau về quê quán. Họ nói về chuyện vườn tược, ruộng đồng. Hoặc, họ bàn chuyện thời sự, quốc gia. Lắng nghe câu chuyện của họ thấy cảm giác yên bình lạ lắm!
Thời điểm đó rơi vào đợt nghỉ Tết dương lịch. Không có những ca phẫu thuật mới. Những người đã mổ trước vài ngày thì phải đợi qua lễ mới có thể làm thủ tục xuất viện. Và, thế là cả phòng hóa thân nhau. Họ kéo nhau đi xin cơm từ thiện phát trước cổng mỗi buổi sáng. Họ chia nhau mấy loại trái cây mà thân nhân đến thăm nom. Họ mách nhau ăn những đồ ăn nào tốt cho sức khỏe. Họ sẵn sàng mua giúp nhau những thứ vặt vãnh, linh tinh để rồi khi người này, người kia trả tiền lại thì xua tay vẫy vẫy: “Khùng quá! Có bao nhiêu đâu mà.”
Thỉnh thoảng, có mấy đoàn từ thiện ghé thăm, cả phòng lại rộn ràng lên hẳn. Những lời động viên, những lời trêu đùa, những lời cảm ơn, những tiếng cười vui hể hả cứ hòa vào nhau khiến lòng người ấm áp. Những món quà nho nhỏ thôi, khi là cháo, khi thì mì, khi là vài hộp sữa, khi là hộp cơm chay… nhưng nó mang lại niềm hạnh phúc đặc biệt cho cả người nhận và người cho.
Đọc thêm:
Nhớ ngày đó, một người nhà bệnh nhân trong phòng nghe tin chùa gần đấy hỗ trợ tiền viện phí. Thế là, tức tối lập hội rồi kéo cả phòng đi. Nhìn dáng họ lúp xúp trong bộ đồ bệnh viện đi bên nhau, nói cười vui vẻ, dễ thương vô cùng. Họ đội những cái nón bo nhỏ vành ngồi chờ gọi tên trong khu nhà mát của chùa. Thỉnh thoảng, bật lên cười vì câu chuyện đùa của ai đó. Trong buổi chiều hanh nắng ấy, chỉ những bệnh nhân có sổ hộ nghèo mới được hỗ trợ. Nhưng không sao cả, chả ai buồn vì điều đó. Mọi người lại kéo nhau về rôm rả như lúc ra đi.
Rồi cũng đến cái ngày, cả phòng được xuất viện về nhà. Ai nấy cũng hân hoan chờ đợi giây phút ấy nhưng trong ánh mắt họ, thoáng chút nỗi buồn lưu luyến. Họ lật đật thu dọn hành lý, nói lời chào nhau thân tình không quên kèm nụ cười tươi rói rồi chia tay nhau. Có bao giờ còn gặp lại nữa?
Nếu một ngày, bạn thấy thế giới của mình sao mà tẻ nhạt quá hãy thử đi vào bệnh viện. Nếu một ngày, bạn thấy sao con người đối xử tệ bạc với nhau quá hãy thử đi vào bệnh viện. Nếu một ngày, bạn thấy sao mình đáng thương quá hãy thử đi vào bệnh viện. Nếu một ngày, bạn muốn biết được sống trên đời có ý nghĩa đến thế nào hãy thử đi vào bệnh viện.
---
Đứng trong góc nhỏ, tôi lơ đễnh nhìn về khoa nhi. Một bà mẹ cõng đứa con với mái đầu nhẵn nhụi bước chầm chậm xuống cầu thang. Hai mẹ con nói gì đó mà thấy họ hân hoan lắm!
Dưới góc cầu thang nơi tôi đứng cũng có hai bà cháu trải chiếu nằm. Thằng nhỏ nằm cuộn tròn mặc dòng người qua lại. Hình như nó đang mơ điều gì đó rất đẹp, cái miệng nhỏ cứ chúm chím mãi. Bà cụ nằm kế bên quạt đều tay, gió lay lay mớ tóc mai của nó.

Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Ashley Tran
Thầy mình bảo, khi họ khoác tấm áo bệnh nhân, danh tính của họ tạm thời bị tước đi. Họ không còn là ông giám đốc này cô giáo viên nọ, không còn chú xe ôm bà bán hàng nữa, họ đều là bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, những thứ làm nên con người họ, tất cả sự kiêu hãnh hay tự ti ấy đều bị xóa nhòa, họ cười với nhau nhiều hơn, họ chia sẻ với nhau nhiều hơn, họ nượng tựa vào nhau nhiều hơn. Mình vẫn nhớ ngày ấy trong buồng bệnh chật hẹp, một cô BN trông còn khá trẻ và xinh đẹp với đôi tay mềm có lẽ chưa từng làm việc nặng, nắm lấy đôi tay già nua của một bác gái bán rau qua ngày, không ngừng nói với chồng là anh nhớ mang cho bác phần cá hôm trước mình kho, để bác ăn cùng cô ấy. Dù bác kia liên tục từ chối nhưng ánh mắt cô BN thì nói không một cách chắc chắn như thể không có gì có thể thay đổi đc quyết định ấy. Có lẽ thấy cảnh tượng ấy, hơn ai hết, mình là người ngạc nhiên và ấm lòng nhất. Cả cuộc đời này mình được dạy về những màn giao tiếp xã giao giả tạo của chốn phồn hoa, nơi những câu nói và những cái nắm tay và ánh mắt đều có chủ đích và ý nghĩ nhất định, nơi con người nói vậy không hẳn vì họ muốn vậy. Quả đúng là chỉ cần vào bệnh viên thôi, bạn sẽ biết trân trọng cuộc sống của bạn hơn rất nhiều, khi thấy những khuôn mặt hốc hác vì bị bệnh tật tàn phá nhưng vẫn ngời lên sự hy vọng, bạn sẽ ngừng mạo hiểm, sẽ thôi uống quá nhiều rượu, sẽ thôi ăn uống thất thường, sẽ thôi buông thả,... Cảm ơn bạn
- Báo cáo

Mều Ngáo
Thật sự là vào bệnh viện là 1 thế giới hoàn toàn khác, tâm hồn mình sẽ mở rộng hơn rất nhiều. Mình cũng cảm ơn câu chuyện bạn chia sẻ nhé!
- Báo cáo

Ashley Tran
Ừ nhưng cố đừng vào viện nhiều nhé trừ khi cậu làm ở đấy ;)
- Báo cáo

Mều Ngáo
và bị bệnh :)))
- Báo cáo

summerboo
vâng, giao thừa này tui đã ở bệnh viện nhi, trải nghiệm quá thú vị
- Báo cáo

Phuong Tran Xuan
Hay quá :))))
- Báo cáo

Ngọc Quỳnh Hồ
Cảm ơn bạn/anh/chị đã chia sẻ những dòng đầy ý nghĩa này ạ. Mình cũng từng phải đi viện 2 ngày, đi cùng bố lên viện mổ 1 ngày, và những ngày đi khám định kì lê lết ở viện, mình rất thấm những gì bạn đã chia sẻ. Đúng là cả thế giới thu nhỏ khi ở viện. Lúc đó mới cảm thấy được người Việt mình dân dã, thân thiện và tốt bụng đến thế nào, mới cảm thấy con người đối xử với nhau tốt ra sao, mới thấy cuộc sống mạnh khỏe của mình hiện tại may mắn như thế nào và rung động thật sự trước nỗi đau của người khác. Ở viện mới thấy cả ngày dài như thế kỉ vì phải chờ đợi. Nhưng cũng chính vì thế mà lúc đấy tâm trí mới thực sự tách khỏi bộn bề của học tập công việc ngoài kia để mà nghĩ về nhiều điều khác sâu sắc và trăn trở hơn.
- Báo cáo
Frank. Nguyen
Mình! một tên mà hay phải vào bệnh viện bởi toàn bệnh lặt vặt...Mỗi lần vào viện nhìn xung quanh toàn những người đang chiến đấu với nỗi đau bệnh tật mới thấy trân trọng biết bao cuộc sống, sức khỏe. Đoạn mở đầu của bạn thật đúng với những gì mình thấy, mình nghĩ mỗi lần vào viện. Cảm ơn bạn với câu chuyện ngắn nhưng ý nghĩa để chúng ta càng yêu quý chân trọng hơn cuộc sống này ^^ 

- Báo cáo

Mều Ngáo
Cảm ơn bạn nhiều nhé! :)
- Báo cáo