Chào các writter 
 Mình là dân học Y. Câu chuyện gần nhất được kể liên quan đến nghề là cách đây hai năm trước, khi mình đi trực cấp cứu. Hai năm lâm sàng từ Y3 đến Y5 mình đã gặp biết bao câu chuyện sinh lão bệnh tử. Mình cứ tưởng cái chết là đáng sợ nhất nhưng ám ảnh nhất đến bây giờ đối với mình là hình ảnh những người trẻ nằm bất động trên giường. Trong vô vàn câu chuyện, mình nhớ đến X, 22 tuổi, một du học sinh Đức sau khi hoàn thành 4 năm ĐH, về nước ăn Tết. Trong một lần đi chơi với bạn bè cậu bị TNGT, chấn thương sọ não nặng gây liệt tứ chi, đái ỉa không tự chủ. Một năm ròng tập PHCN X đã biết ra dấu khi bố mẹ gọi nhưng chỉ là cái đảo mắt, ngón tay máy máy. Bố mẹ X bỏ hết công việc ở quê để lên chăm sóc cậu ấy. Ngày đó, mình buồn rười rượi khi nghe bố bạn chia sẻ. Đôi mắt bác ấy chứa đầy sự hy vọng vào tương lai phía trước của X. Mọi sự gần như tắt hẳn từ đây. Nhưng bạn ơi, ngay trong hoàn cảnh ấy mình vẫn thấy hai bác cười nói, động viên X mỗi khi cậu co nhẹ được cơ tay, cùng nhau chăm sóc cậu cẩn thận từ việc di chuyển đến cái giấy lau miệng sau mỗi lần ăn xong. Chắc chỉ có tình cảm cha mẹ là lớn lao, bền bỉ như vậy. 
 Đi lâm sàng mình cũng gặp những người phải vào viện tâm thần. Đêm đến họ cứ đi dọc hành lang nói nhảm, tối đến tranh dành nhau gói mì tôm nước sôi chần và ai cũng được uống/ tiêm một liều an thần. Họ từ tỉnh rồi cũng thành mơ. Mình tự hỏi, nếu có kiếp trước thì họ đã làm gì để ngày hôm nay họ thành ra như thế này?
 Những câu chuyện mình biết đa phần là những câu chuyện buồn nên cũng không hay gì để chia sẻ thường xuyên. Người ta hay chia sẻ những gì khơi gợi sự lạc quan, tích cực mà. Hôm nay, sau bao tháng ngày mòn dép trên viện, chứng kiến nhiều cảnh đời mình lại muốn viết đôi điều để làm cái ghi nhớ nếu mai này có đọc lại. 
 Thứ Bảy, ngày 17 tháng 4 năm 2021, buổi trực cuối cùng Sản vòng 2. 
 Một bệnh nhân PARA 0020, chửa ngoài tử cung lần thứ 3. Trong cuộc chiến có con và dành lấy con, chị ấy có lẽ đã quá mệt mỏi rồi. Ba lần mang thai thì 2/3 lần phải vào phẫu bệnh lý. Nỗi đau này còn ai chịu đựng được hơn chị ấy buồn đến lặng người. Lúc cùng anh chồng chị trong thang máy mình đã góp ý với anh rằng chị ấy là người bị tổn thương nhất. Hãy động viên chị ấy thật nhiều. 
 Ca thứ hai là một chị rất trẻ, PARA 1011. Một bé vừa lưu hơn tháng trước đã hút nạo buồng tử cung thì nay đau bụng dữ dội, ra ít máu âm đạo, mặt tái nhợt đi vì đau. BetaHCG lên đến 2000, PUTB rõ lên bác sĩ nghi ngờ một case chửa ngoài tử cung đã vỡ. Mổ ra 500ml máu trong ổ bụng và đúng như bác sĩ chẩn đoán có một túi thai ngoài tử cung. Hôm nay mình đã tận mắt chứng kiến case ngoài tử cung vỡ nó đau đến mức nào. 
 Ca thứ ba là một chị thai 26 tuần đi vào viện chăm chồng TNGT thì bỗng có hiện tượng ra máu âm đạo tăng dần, đau bụng dữ dội, sờ bụng chị cứng gắc. Siêu âm có khối máu tụ sau bánh rau. Chị được chẩn đoán rau bong non và lên bàn mổ gấp. Bác sĩ giải thích cứu tính mạng mẹ được đặt lên hàng đầu. Em bé trong bụng có nguy cơ không cứu sống được vì em bé còn quá nhỏ. Chị bật khóc kêu đứa con trong bụng. Chị đã chăm sóc nó bao nhiêu ngày qua mà giờ có khả năng gia đình chị mất bé. Nhìn người mẹ đầy những vất vả trên khuôn mặt, mang thai mà tay tay chân gầy guốc mình thấy thương vô cùng. Nắm tay chị mình chỉ biết động viên chị bình tĩnh, đứa con vẫn còn cơ hội sống. Nếu có chuyện gì xảy ra có chăng là do mẹ con chưa có duyên gặp nhau. Em bé sau đó được chuyển ngay đến hồi sức sơ sinh. Mong em bé sẽ mạnh mẽ vượt qua cửa sinh tử này. Như một case ls mình biết trước đó. 
 Buổi trực  chưa dừng lại tại đó mà còn có một case áp xe vú phải chính rạch và nặn lấy mủ. Đau chẳng khác gì đau đẻ. Mình và cô bạn cùng trực chỉ biết nói rằng phải thật đồng cảm với những người phụ nữ. Những cơn đau như thế này sẽ ám ảnh họ đến cả đời. Mà theo Y học chúng mình nó ít nhiều sẽ mang đến những stress, chỉ là ở những mức độ khác nhau. 
 Mình đã từng chứng kiến những giọt nước mắt của những người đàn ông thương vợ vì bất lực với cơn đau của vợ. Dù sao nó cũng là niềm an ủi rất lớn với người phụ nữ khi có chồng ở bên. Mình cũng từng chứng kiến sau những cơn đau đẻ khóc lên khóc xuống là những giọt nước mắt hạnh phúc khi mẹ con được da kề da. Được ôm còn vào lòng, được thấy hình hài của con sau 9 tháng 10 ngày trong bụng quả là một điều thiêng liêng, tuyệt vời nhất trong cuộc đời.  Kết thúc lâm sàng sản bằng màn hỏi vấn đáp 1-1 giữa mình và bác sĩ. Bạn mình đã dành những lời có cánh cho mình vì thấy mình khá tự tin khi trả lời. Cảm ơn bạn đã động viên mình. Mình còn thiếu sót nhiều nhưng những kiến thức về sản quả hấp dẫn với mình.
 Những buồn vui khi đi lâm sàng sản mình xin ghi dấu vào đây.  Có một thời sinh viên dạt dào tình cảm như vậy! Dù chẳng mong mình sẽ buồn vì những câu chuyện nơi bệnh viện mình gặp nhưng chắc chắn mình không mong sẽ bàng quang với mọi chuyện. Gặp nhiều số phận, mình càng thấy mình may mắn khi có gia đình, bạn bè bên cạnh, được ăn học và khỏe mạnh như ngày hôm nay. Mình xin trích câu nói của một nhà văn, rằng "Cuộc sống là một hành trình, hãy tận hưởng từng khoảnh khắc ngọt ngào của hiện tại khi chúng ta đang có nó, nếu tương lai có là biến cố, là đắng cay... thì ít nhất chúng ta cũng từng có những ký ức đẹp..."
Một chiều nắng tại bệnh viện Sản Nhi Nghệ An

Đọc thêm: