Những mùa trăng năm cũ...
Sài Gòn mấy nay cứ mưa suốt… Mưa ào qua những con phố rồi tháo chạy rất nhanh, đủ để ướt những nỗi buồn vừa đem phơi. Đây không phải...
Sài Gòn mấy nay cứ mưa suốt…
Mưa ào qua những con phố rồi tháo chạy rất nhanh, đủ để ướt những nỗi buồn vừa đem phơi.
Đây không phải là Trung Thu đầu tiên xa nhà, dễ đến bảy, tám mùa trăng rồi ấy nhỉ, thế mà thứ cảm giác thiếu vắng, bồn chồn, nhức nhối cứ xoáy sâu vào lòng, đục một lỗ hổng, trống huếch trống hoác ở đấy.
Đặt điện thoại xuống sau đoạn chat video với bố mẹ, hỏi xem năm nay làng mình tổ chức Trung thu cho bọn trẻ có vui không. Rồi lại quanh quẩn mấy câu hỏi được lặp đi lặp lại trong từng ấy thời gian: “Con có ăn uống đầy đủ không?”/ “Có tăng được cân nào không đấy?”/“Công việc tốt không hả con?”.Và cũng là từng ấy câu trả lời, giống nhau đến 99%, cái vòng lặp tưởng chừng nhạt nhẽo vô vị ấy đã cuộn chặt chúng tôi lại, bọc chặt thứ tình cảm mộc mạc ấy khỏi bị hao mòn theo năm tháng.
Tôi nhớ những mùa trăng của năm cũ, khi tôi còn là một bé con đen nhẻm, gầy như một cây dừa. Sinh ra và trưởng thành ở một làng quê Bắc Bộ, lớn lên với lúa ngô khoai sắn và những trò chơi dân dã suốt bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông. Bọn trẻ chúng tôi mong chờ Trung thu chẳng kém gì ngóng đợi Tết và nghỉ hè. Vào mỗi đầu tháng Tám âm lịch, khi lúa ngoài đồng bắt đầu ngả sang màu vàng, bông lúa khệ nệ đỡ lấy những hạt thóc, vất vả đến nỗi cong gập cả người lại, mấy đứa trẻ trong làng lại tụ tập ở ngoài sân đình, tập Mốt Hai Mốt, tập múa hát để thi cắm trại và thi đội hình đội ngũ với các chi đoàn khác trong Xã ngay tại khuôn viên của Ủy Ban Nhân Dân vào đúng ngày 14 Âm lịch. Bọn con nít chúng tôi không có khái niệm rước đèn trung thu, có lẽ vì tiền lệ không thấy bố mẹ hay anh chị lớn làm thế bao giờ. Những chiếc đèn Trung thu thủ công được làm bằng giấy bóng màu sắc thường được mua để trang trí trại thu, theo thời giá lúc đó là khoảng 2.500 đồng một chiếc. Nếu mà mua một cái đèn ấy để chơi là sẽ bị hao hụt mất 50% quỹ tiền tiêu trung thu của chúng tôi. Một đứa trẻ quản lý tài chính thông minh sẽ không làm thế. Những chiếc đèn có thể phát sáng và có cả bài hát bật lên là một mặt hàng xa xỉ lúc đó. Đứa trẻ “Rich Kid” nào được bố mẹ mua cho một chiếc có quyền vênh mặt tự hào suốt mùa Trung Thu năm đó và cả những năm sau nếu nó muốn.
Cứ chập choạng tối, khi mặt trăng hình lưỡi liềm lười biếng thôi vùi mặt vào đám mây, chậm chạp ló mình khỏi rặng tre, tỏa xuống mặt đất thứ ánh sáng dịu dàng, nghe tiếng mấy đứa trẻ í a í ới gọi nhau trên con đường nhỏ đổ bê tông là tôi lại vội vội vàng vàng ăn cơm thật nhanh để xin mẹ cho ra ngoài đình tập văn nghệ. Chúng tôi mặc những bộ quần áo hoa đủ màu, thường là quần lửng và áo cộc tay, tóc buộc chúm lại sau gáy, chân đi dép lê loẹt quẹt, túm tụm với nhau thành từng tốp trên đường, cười giòn tan đến ếch, nhái, chão chuộc cũng phải giật mình mà quên kêu ran ran. Mấy đứa vừa đi vừa ngẩng cổ lên trời chỉ trỏ hình chú Cuội ngồi trên cung trăng, chỉ nhau xem ông thần Nông đang khom lưng làm ruộng, chăn vịt, đố xem đàn vịt ông chăn có mấy con,…
Sân đình được thắp sáng bởi một hai bóng đèn sợi đốt nhỏ, treo cao trên con sào, vừa đủ để thắp sáng khoảng sân bằng thứ ánh sáng tù mù, sáng hơn đèn dầu leo lét nhưng chẳng sánh được với bóng đèn huỳnh quang của Rạng Đông. Bọn trẻ tụ tập lại thành hai hàng trước cửa đình, trai một bên, gái một bên, theo hiệu lệnh trống cái của chi đội trưởng và hai trống con của chi đội phó, bước đều bước một hai vòng quanh sân, đứa nào cũng chú ý dậm chân thật mạnh, vung tay cho đều, lỡ có bị ngược tay với cả đội sẽ có đứa đằng sau thúc cùi trỏ nhắc nhở ngay. Tập đội hình đội ngũ xong còn phải tập một bài thể dục nhịp điệu và một bài múa nữa. Phải tập cho thuộc động tác, múa cho dẻo, vì phần này cũng được chấm điểm mà.
Cận kề ngày Trung Thu, mấy anh chị thanh niên sẽ mang bộ đồ múa sư tử trong kho, dong trống múa Lân khắp làng để xin tài trợ, bọn trẻ túa ra từ khắp con ngõ nhỏ, bám đuôi đoàn lân sư đi khắp làng trên, xóm dưới, trèo cả lên cây nhãn, cây vải cạnh cầu ao để nhìn chiếc đầu khổng lồ đỏ đỏ vàng vàng hục hặc lúc lắc liên hồi.
Sau khi tập thiếu niên được hai mùa, tôi được triệu tập vào đội Văn Nghệ thôn chuẩn bị các tiết mục đặc sắc, để tối ngày mười bốn sẽ có một sân khấu văn nghệ được dựng lên, các chi đoàn thôn phải chuẩn bị hai tiết mục, thi thố với nhau. Phần này được nhiều điểm lắm, lại đông bà con đi xem, nên chi đội nào cũng đầu tư chỉn chu để mang đi đè bẹp các đội khác. Tôi còn nhớ cảm giác khi lần đầu tiên được ánh đèn sân khấu chiếu rọi, bộ váy Hằng Nga đang mặc trên người phát ra thứ ánh sáng đẹp đẽ kỳ diệu, giọng nói của tôi vang vọng trên loa, đám đông phía dưới chen chúc, xích lại gần sân khấu, chăm chú lắng nghe. Tôi sánh vai chú Cuội kính cẩn bẩm tấu Ngọc Hoàng, mỗi khi diễn tả một màn đối đáp hài hước, hoặc hát vài câu nhạc chế, đám đông lại thích thú cười rộ lên, vỗ tay không ngớt. Đấy là lần đầu tiên, một bé gái học lớp sáu, lớp bảy như tôi cảm giác được chút thành tựu, lần đầu tiên cảm thấy tự hào về bản thân, lần đầu tiên rũ bỏ vẻ nhút nhát và rất nhiều “lần đầu tiên” khác trong cuộc đời.
Bọn trẻ nhà quê chúng tôi không biết đến tiền hầu hết thời gian trong năm. “Tiền tiêu vặt” là cụm từ không xuất hiện trong từ điển của phần lớn chúng tôi. Ngoại trừ những dịp đặc biệt như lễ hội, Tết, hoặc mỗi khi được mẹ sai đi mua chai nước mắm, bánh đa nem hay vài thứ lặt vặt khác, chúng tôi chẳng bao giờ có tiền trong túi. Nhưng Trung Thu là một ngoại lệ, chúng tôi được cho tiền tiêu vặt, thường là vài ngàn đồng và được mua đồ ăn vặt tùy thích. Tôi nhớ vào mỗi ngày Trung thu, tôi và em gái tôi lại diện những chiếc áo đẹp nhất trong tủ, được bố tôi đích thân chở lên Ủy ban xã trên con xe Dream huyền thoại. Trung thu gần như là lần duy nhất trong năm bố đèo hai chị em đi chơi. Ông là một bác sĩ, luôn bận bịu với những bệnh nhân từ sáng đến tối mịt. Bố cũng chưa bao giờ đi họp phụ huynh cho tôi hoặc xem tôi diễn kịch vào đêm Trung Thu. Thế nhưng tôi và em tôi chưa bao giờ nghi ngờ tình yêu của bố. Sau khi thả hai chị em xuống trước cửa Ủy Ban, bố sẽ phát cho mỗi đứa mười ngàn đồng, rồi dặn là dành tiền đó mua đồ gì ngon mà ăn, chiều bố sẽ quay lại đón. Chúng tôi sướng rơn nhận lấy tờ tiền, vâng dạ thật to rồi nhìn bố quay đầu xe trở lại với những bệnh nhân của bố, những người cần bố hơn chúng tôi.
Với số tiền bố cho, chúng tôi có thể mua kem bông, ăn chè thập cẩm, kem ốc quế bảy màu và nếu bớt ham ăn, có thể mua được một em búp bê baby cỡ nhỏ, giá khoảng năm ngàn đồng.
Những mùa trung thu cứ thế trôi qua êm đềm, nó đến trong sự chờ mong, háo hức của bọn trẻ và đi mất trong niềm nhớ tiếc hùi hụi. “Giá mà mình ăn thêm một chiếc kem bông.”
Sau này xa nhà, sống ở một khu Chung cư đông đúc, ban công chỉ bé vừa đủ phơi quần áo và để máy giặt, muốn nhìn trăng cũng phải nhoài người ra mới thấy. Có vẻ như trăng xa lạ với ánh đèn thành phố nên buồn bã đứng yên lặng tít trên cao. Phải rồi, ánh đèn thành phố đục ngàu, những tiếng còi xe giục giã, ánh điện xa hoa của những tòa tháp chọc trời đâu có thân thiện với trăng. Đến đứa bé ngày trước suốt ngày trải chiếu ra hàng hiên, nằm gối đầu lên lòng bà để ngắm trăng, nghe kể chuyện xưa giờ đã đổi thay nhiều. Đã bao lâu rồi ấy nhỉ, kể từ khi chúng ta thôi ngẩng mặt lên trời mà cúi gằm vào những chiếc màn hình: điện thoại, lap top, tivi, màn hình quảng cáo, màn hình lớn trong rạp chiếu phim. Chúng ta tự trói mình quanh những đoạn dây xạc ngắn, sân khấu của ta là mạng xã hội, nơi chúng ta dầy công tô vẽ chồng chất những lớp hóa trang, vai diễn của chúng ta là một con người thành đạt, hạnh phúc, một người trẻ nhiệt huyết hừng hực lửa sẵn sàng thiêu rụi mọi công kích, đôi khi chúng ta thích đóng vai nạn nhân ngập tràn trong những lời than thở, và với vai diễn này, chúng ta là những diễn viên không tồi.
Đi vội.
Ăn vội.
Yêu vội.
Thay vì là hạt gạo trải qua gió sương được nấu thành cơm trắng, chúng ta sống vội như một gói mì tôm. Không chờ nổi một nhịp đèn, ngấu nghiến thức ăn nhanh, chẳng kiên nhẫn đọc một quyển sách dày,… Có lần ngồi cà phê với đứa bạn, nghe tôi than thở, nó chép miệng bảo: “Thời thế thay đổi rồi, mày cứ ôm lấy cái ngày xưa làm gì? Kỷ niệm cũng không đổi ra được tiền mặt, không thể trả tiền ăn, tiền xăng xe điện nước. Xã hội này coi trọng năng suất và cường độ làm việc, muốn sống nhẩn nha thì chỉ còn nước về nhà mà trồng rau thôi!”
Tôi buồn vì nó đã nói đúng quá. Kỷ niệm chẳng thể đổi lấy vật chất, nhưng với tôi nó là cái cọc để bấu víu lại sau bão dông của cuộc đời, giữ cho tôi khỏi bị cái nhịp sống vồ vập này cuốn văng đến quẫn trí, nhắc nhở tôi rằng, mình đã từng là một bé con đáng yêu thơ thẩn trước sân nhà, tràn trề sức sống dưới sân khấu nhỏ, cười giòn tan như những vệt nắng vỡ, bé con của những mùa trăng năm cũ…
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất