Vừa rồi trên một trang báo mạng xuất hiện hai bản tin đặc biệt khiến tôi chú ý, mỗi bài nói về những món quà ý nghĩa mà cha mẹ dành tặng cho con cái, bản tin thứ nhất có nội dung sơ lược như sau:
Một nam thanh niên tên N. sinh năm 1994 tự tử bằng cách uống thuốc diệt cỏ rồi treo cổ để chết cho chắc, để lại 4 bức thư tuyệt mệnh cho gia đình. Khi phóng viên về thăm hỏi đã chứng kiến cảnh người vợ ngồi ôm hai đứa con nhỏ (2 tuổi và 4 tuổi) gào khóc bên cỗ quan tài. Được biết mẹ anh N. bệnh ung thư giai đoạn cuối, bố anh bị câm điếc bẩm sinh (!) và bà nội năm nay ngoài 80 tuổi, ốm đau triền miên. Nguyên nhân tự sát được anh cho biết là gặp nhiều áp lực, không kiếm ra tiền, anh gửi lời xin lỗi bố mẹ vì chưa báo đáp được gì, căn dặn vợ sống tốt và nuôi dạy 2 đứa con nên người.
Đó là bản tin đầu, bản tin thứ hai có nội dung như sau:
Một cô gái tên Trang, đang du học trường RMIT ở Úc được bố tặng một chiếc xe trị giá 1,9 tỷ nhân dịp sắp tốt nghiệp đi làm, bố cô cho biết muốn tặng xe để con gái phấn đấu khi ra trường. Khi đem xe đến nơi, người bán bất ngờ với căn biệt phủ rộng 2000 hecta có vườn tược rộng đẹp ở Long Thành.
Đọc qua hai bản tin trên chúng ta chỉ thấy cám cảnh cho hai số phận trái ngược nhau. Trái ngược là đúng vì đó là mối quan hệ nhân-quả của việc xuất thân có ảnh hưởng to lớn như thế nào đến số phận của một người, phản ứng thường gặp của chúng ta là xót thương cho hoàn cảnh thương tâm ở bản tin đầu và thầm ganh tỵ với câu chuyện thứ hai. Mới đầu tôi cũng cảm giác y như vậy, nhưng xét kỹ chúng ta sẽ thấy câu chuyện đầu tiên là một sự thất đức và câu chuyện thứ hai chính là đạo lý ở đời. Và một sự thất đức thì khó lòng thông cảm được.
Ở câu chuyện đầu, món quà mà người cha, người mẹ bệnh tật của nam thanh niên dành tặng cho con mình là gì? Chẳng có gì cả, hoàn toàn trống rỗng, chỉ là một cuộc sống tù đọng gian khổ và cái chết là món quà cuối mà họ tặng cho anh. Họ không trực tiếp giết chết anh mà họ giết anh bằng sự nghèo đói kéo dài hàng chục năm trời trước khi đứa con ấy gục ngã.
Người ta thường đưa ra những câu chuyện con nhà nghèo vượt khó để lừa mị rằng đói nghèo là nguồn động lực để những đứa trẻ vươn lên, quả thực cũng có một số nhỏ vươn lên được nhưng nhìn chung đa số sinh ra trong đói nghèo sẽ chết trong đói nghèo.
Ở bài viết “Chút suy nghĩ về chuyện bạo hành người già” (https://spiderum.com/bai-dang/Chut-suy-nghi-ve-chuyen-bao-hanh-nguoi-gia-r85) tôi đã kết luận rằng: “Việc sinh ra một đứa trẻ trong túng quẫn là một điều thất đức, không biết cách giáo dục đứa trẻ trở thành người tử tế là điều thất đức thứ hai…”, tôi xin bổ sung một điều nữa đó là không biết giữ gìn sức khỏe của mình để thành gánh nặng cho con là điều thất đức thứ ba. Như vậy ở vụ việc này người cha câm điếc, người mẹ ung thư của anh ta đã mắc cả ba, tuy nhiên cũng phải xét xem rốt cuộc sinh ra trong hoàn cảnh ấy anh ta có tử tế không? Ở một bài viết khác cho biết:
“N làm nghề thợ mộc, là cậu bé hiếu thảo, ngoan ngoãn, hiền hành và không cờ bạc, rượu chè. Vì thương mẹ, nên năm ngoái, cậu N đã bán 1 quả thận để có tiền chạy chữa cho mẹ” (Link: https://kenh14.vn/bac-ninh-de-lai-4-la-thu-tuyet-menh-nam-thanh-nien-quyen-sinh-vi-nha-qua-ngheo-20200923075236491.chn)
Có lẽ hai người này đã rất may mắn khi con mình không trở thành một thanh niên du thủ du thực, đó quả là một sự cố gắng lớn của anh khi rơi vào cảnh như thế. Đặc biệt, người mẹ bệnh tật còn tặng thêm một "món quà" cho con mình: mất đi một quả thận để có tiền chữa bệnh cho bà. Nhưng có hiếu thảo, có ngoan ngoãn đến đâu thì cuối cùng thì lựa chọn tự sát của anh ta đã biến anh thành một kẻ thất đức không hơn không kém. Đó là bởi: Mọi thứ rốt cuộc cũng sẽ đi theo đúng quỹ đạo của nó, xuất thân nghèo khó là thứ bóp chết mọi nhân tính của con người, dù có nỗ lực cứu vãn tới đâu, nhân tính rồi cũng tiêu tan. Nguyên tắc này đặc biệt đúng ở các nước "đang phát triển" như VN.
Khu vực anh N. treo cổ tự vẫn
Những điều thất đức này không chỉ xảy ra ở thế hệ trước mà nó có tính di truyền, đời cha mẹ có thì đời con cũng phạm phải y như vậy. Anh ta chỉ mới sinh năm 1994 nhưng đã có tới hai mặt con, cùng một người vợ. Anh ta chọn cách tự sát để giải quyết vấn đề, nghĩa là anh chối bỏ luôn nghĩa vụ giáo dục con cái, bỏ mặc con cái trong nghèo đói. Đây không phải là chuyện đáng xót thương mà rất đáng lên án. Nếu anh ta thấy mình không chịu nổi áp lực cuộc sống thì lẽ ra đừng đẻ ra 2 đứa con để bắt nó phải chịu đựng sự khốn khó giống như mình và cũng đừng nên lấy vợ để biến cô thành một góa phụ, muốn tự sát thì tự mình làm trong cô độc đừng bắt ai phải hứng chịu nỗi đau sau đó. Mà đôi khi tôi nghĩ nếu anh ta chưa từng lập gia đình có lẽ gánh nặng đã không lớn đến mức anh phải tự sát. Ở đây anh ta đã đi từ tội ác này sang tội ác khác.
Khi mọi nỗ lực đã trở nên vô ich, và sự vô đạo phải trở về đúng như guồng quay của nó. Người thanh niên không thể trở nên vô đạo như bằng cách bạo hành cha mẹ già, nên anh ta buộc phải vô đạo bằng cách kết liễu chính mình.
Khối tài sản của cha mẹ tác động rất lớn đến tiền đồ của đứa con sau này, thậm chí tác động đến cả nhân cách của đứa trẻ. Tài sản càng lớn, tiền đồ con cái càng xán lạn và nhân cách càng lớn, chúng sẽ ít có xu hướng làm tổn hại đến người khác. Câu chuyện người thanh niên này chính là một điển hình về việc làm tổn hại người khác, mà nó có tính "di truyền" từ sự thất đức của cha mẹ nghèo. Những lời huyễn hoặc chúng ta hay nghe rằng nhà nghèo mà giàu tình người, nghèo mà hạnh phúc hoặc con nhà giàu chỉ là phá gia chi tử đều là những lời dối trá, có thể nó đúng đấy nhưng chỉ là một thiểu số. Mà cho dù như thế đi nữa thì giàu tình người đến mấy cũng sẽ tới lúc không giàu tình người nổi nữa, hạnh phúc cách mấy thì sẽ tới lúc không hạnh phúc nổi nữa, rõ ràng thanh niên này rất hiếu thảo và ngoan ngoãn đấy nhưng rồi chuyện gì đã xảy ra? Cái nghèo sẽ phá hủy tất cả. Mọi nỗ lực trong cuộc sống đều vô vọng. Chẳng phải chúng ta đều thấy những vụ con cái đánh đập cha mẹ già đều gom hết vào các gia đình nghèo khó đấy ư, đó là nghèo mà giàu tình người đấy ư? Là hạnh phúc? Còn những người cha mẹ giàu có khi con cái đã lớn có sự nghiệp đầy đủ thì họ đi du lịch năm châu, an dưỡng tuổi già với những dịch vụ sang trọng là sai trái, là không tốt?
Ở câu chuyện thứ hai thì hiện ra một cảnh tượng hoàn toàn tương phản: Người cha giàu có chăm lo cho cô con gái từng ly từng tí, để cô có động lực sau khi ra trường ông đã tặng cả một chiếc xe gần 2 tỷ đồng cho cô. Ông đã sinh ra cô trong giàu có và nuôi dưỡng cô thành một cô gái xinh đẹp có học vấn cao (thanh niên trong câu chuyện đầu chỉ học đến lớp 7), ông quan tâm đến cả tâm trạng bỡ ngỡ của con mình sau khi tốt nghiệp nữa, vì vậy ông tặng cho cô chiếc xe. Nếu đây không phải là đạo lý thì chúng ta mong đợi thế nào mới là đạo lý? Mọi sự quan tâm, săn sóc phải được hiện thực hóa bằng những thứ có thật, có thể tai nghe mắt thấy chứ không phải là lời nói chót lưỡi đầu môi hay những bài lên lớp về công cha nghĩa mẹ đầy giả dối. Chúng ta có thể dễ dàng dự đoán được tương lai của cô sẽ vô cùng tươi sáng, cô sẽ lập gia đình với những đứa con kháu khỉnh và những đứa con ấy sẽ lớn lên trong hạnh phúc, vì vô đạo có tính di truyền thì đạo lý cũng có tính di truyền. Tôi dám chắc trong những gia đình thịnh vượng như thế người cha người mẹ chẳng bao giờ lên lớp con cái rằng cha mẹ cực khổ nuôi con nên con phải thế này thế kia hay quát mắng đánh đập con cái, tình yêu thương của họ thể hiện bằng sự sung túc dành cho con và đúng là nó phải nên như thế. Quan trọng hơn nữa chúng ta cũng nghe gì về bệnh tật hiện diện trong các gia đình thịnh vượng, vì người ta có trách nhiệm khi giữ gìn sức khỏe ở tình trạng tốt nhất để tránh phiền lụy đến con cháu, cho dù có chẳng may ngã bệnh đi nữa, thì vẫn có tiền chữa bệnh.
Biệt phủ rộng 2000 hecta của gia đình cô gái trẻ ở Đồng Nai
Chúng ta có bao giờ tưởng tượng nổi cảnh những người có tiền đồ sáng sủa như thế đột nhiên tự sát, để lại thư tuyệt mệnh kể lể và bỏ lại cha mẹ cùng mấy đứa con trong nghèo đói không? Chắc chắn là không, do cha mẹ cung cấp nền tảng giáo dục tốt, mỗi bước đường họ đi đều có sự suy tính và cân nhắc kỹ lưỡng, việc tìm đến cái chết không bao giờ có trong suy nghĩ của họ, việc bỏ mặc những người thân khác để đi tìm sự giải thoát không phải là lựa chọn của họ.
Nói về chuyện của cải đã nhiều rồi, bây giờ nói thêm một chút về vấn đề sức khỏe. Có một cách đơn giản để nhận biết sự thất đức của người làm cha làm mẹ, đó là hãy xem họ có thói quen hút thuốc hay uống rượu hay không, đặc biệt là trước mặt con cái. Không giống như sự nhiễm độc thực phẩm hay ô nhiễm môi trường sống nói chung, đây là những thứ có thể phòng tránh một cách đơn giản bằng cách nói không nhưng họ cũng không làm được thì nói gì đến yêu thương con cái? Ai rồi cũng sẽ già sẽ bệnh song cách phòng ngừa ngay bây giờ nói lên rất nhiều điều về tinh thần trách nhiệm của họ. Tôi lấy ví dụ, bạn hãy nhìn trên đường phố, nếu thấy một gia đình đèo nhau trên chiếc xe cà tàng, người cha cầm điếu thuốc phì phò trong khi con nhỏ ngồi phía trước thì chắc chắn cái gia đình đó sẽ không có kết cục gì tốt đẹp. Một chuyện như thế sẽ rất hiếm khi diễn ra trong các gia đình giàu có.
Bạn có thể tham khảo thêm một trường hợp khác tại Hà Tĩnh theo bài báo dưới đây:
Trong bài báo này thật nực cười câu nói của bà mẹ: "Con phải ráng học để sau này thay đổi đời mình" (?) Con bà có thể ráng học nhưng tiền đâu để làm được điều đó? Muốn cuộc đời con thay đổi thì lẽ ra bà đã thay đổi cuộc đời mình từ lâu rồi chứ không phải nói những câu sáo rỗng như thế, còn nếu không thì tốt nhất bà đừng nên sinh con. Một người khổ là đủ đừng kéo thêm người nữa. Động cơ có con của bà là gì? Chính là để có người chăm sóc cho bà khi về già chứ chẳng phải cao đẹp gì cả. Bà rất có phước vì cô con gái hiếu thuận với mẹ và không (hay chưa?) trở thành một trường hợp đánh đập cha mẹ già như ở bao nhiêu gia đình nghèo khó khác. Nhưng rồi cô ấy sẽ gắng gượng được bao lâu? Đây là một trường hợp may mắn được lên báo nên sẽ nhận được nhiều trợ giúp từ mọi người, vì vậy cuộc đời cô bé có thể thay đổi thật nhưng còn hàng ngàn, hàng chục ngàn trường hợp tương tự khác thì sao? Xin trả lời: Thì sẽ rơi vào vết xe đổ của cha mẹ, vì sự thất đức cũng có tính di truyền.

Hung Le