Khi nghe đến cụm từ "những kẻ không thể quên", mọi người đừng lầm tưởng tới những ai có một siêu năng lực nào đó có thể ghi trọn mọi thông tin họ tiếp nhận được nhé. Ý mình không phải là như vậy. Đây chính xác là những người không thể điều khiển được cảm xúc của mình, những người không thể bỏ được những suy nghĩ tiêu cực hay phiền não ra khỏi tâm trí để cứ vướng bận trong bứt rứt và khó chịu. Dường như có thể đây gọi là những người "nhạy cảm".
Unsplash.com


Trong cuộc sống mà sự tàn phá tinh thần của người khác bằng ngôn từ, định kiến, sự phán xét đến một cách dễ dàng thì những người nhạy cảm như những bệnh nhân yếu đuối và dễ cảm thấy tổn thương hơn lúc nào hết. Người nhạy cảm thường là những người có xu hướng cường điệu hóa mọi cảm xúc, họ dường như không có cái gọi là giới hạn để điều chỉnh cảm xúc ở cả 2 cực vui và buồn của mình. Họ có thể dễ dàng cảm thấy hạnh phúc lâng lâng cả ngày vì một vài lời khen ngợi của bạn bè hoặc đồng nghiệp và cũng dễ dàng rơi vào khổ sở, tổn thương khi nhận về mình những lời lẽ không hay.
Thực sự mà con người có thể tự kiểm soát cảm xúc của mình thì có lẽ trên thế gian này đã không còn niềm đau nữa rồi. Ta có thể giữ lại những niềm vui và bỏ qua những sự tiêu cực một cách dễ dàng theo ý ta muốn như trở bàn tay vậy. Nhưng điều này thì thật là viển vông và đặc biệt thật là khổ sở cho những người nhạy cảm, những người vốn sống dựa quá nhiều vào cảm xúc và cũng khổ sở không ít nhiều về nó. 
Hơn ai hết, có thể nói những người nhạy cảm là những người hiểu rõ nhất sức mạnh của ngôn từ. Sự đau đớn khó chịu khi nghe những lời chê bai, phán xét là vô cùng lớn. Đôi khi chỉ là những lời nói vô ý là không hề có ý định công kích của người khác nhưng họ cũng có thể dễ dàng mường tượng ra hàng tỉ thứ liên quan để rồi sợi dây liên kết những cảm xúc đó lại đưa họ tới những cảm xúc tiêu cực. Chỉ những lời đôi khi tưởng chừng vô hại với người khác đã đủ để đánh bật một người nhạy cảm thì hãy tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy ra khi họ thực sự nghe chính những lời ác ý từ mọi người. Khó chịu, bức bối, tổn thương là những cảm xúc cơ bản mà họ sẽ ném trải.
Unsplash.com
Nhiều người cho rằng mình có quyền được sống thật với chính mình mà mặc sức buông những lời khó nghe với người khác. Họ luôn biện hộ rằng tôi chỉ nói sự thật mà thôi, tôi chỉ là tôi thấy bình thường khi nghe những điều tương tự, tôi sẽ sớm quên nó mà thôi. Có hàng vạn lý do để tự bào chữa cho chính hành vi của họ nhưng dường như họ vẫn không bao giờ thử nghĩ rằng đối phương nghe những lời nói của mình là ai và họ sẽ cảm thấy như thế nào? Họ cứ việc thoả mãn cái cảm xúc được là mình mà quên đi rằng hậu quả họ để lại cho người khác sẽ tồi tệ tới đâu.
Vì hiểu rõ được những cảm xúc không mấy thoải mái mà mình nhận phải từ những lời khó nghe mà những người nhạy cảm có sức chống trả quá yếu ớt trước những lời nói cay độc. Họ không muốn mình lại tự hóa thân thành những người đã tổn thương họ, thay vào đó sự im lặng và tự nghiền ngẫm những suy nghĩ thường là sự lựa chọn dẫu đau buồn nhưng lại là giải pháp tốt nhất có thể.
Những người nhạy cảm thường được người khác xem là kì lạ, bất thường. Họ luôn thắc mắc tại sao tâm trạng của những người này cứ thay đổi liên tục, sáng nắng chiều mưa. Đơn giản vì họ đâu có khả năng suy nghĩ quá mức như những người nhạy cảm đâu.
Có một lời khuyên cho những ai luôn thấy khổ sở với những suy nghĩ của mình, nếu thực sự bạn đang cảm thấy một nỗi uất ức và khó chịu nào đó từ những lời lẽ không mấy dễ chịu. Hãy tự trò chuyện với chính mình, chỉ có chính chúng ta là người hiểu rõ bản thân và tin tưởng nhất để tâm sự. Bản ngã chúng ta chỉ ngồi đó và nghe, thấu hiểu chơ không đưa ra bất kì lời phán xét nào, chính là nơi bạn giải bày mọi cảm xúc. Tự mình nghe những điều đó, tự mình cảm nhận nó và hãy tự mình điều chỉnh nó. Hãy có cho riêng mình một quyển sổ cảm xúc để bất cứ khi nào ta có một nỗi niềm không vui thì ta có thể tự mình viết ra hết. Viết là cách dễ nhất để bạn tự nhìn lại chính con người của mình, viết không có nhanh như nói, nó diễn ra từ từ và chú tâm vào từng con chữ và từng điểm cảm xúc nhỏ, bạn sẽ dễ dàng rà soát lại tâm trí của bản thân và giải thoát cho tâm hồn của chính mình. Một ngày nào đó khi nhìn lại những dòng chữ này, ta mới thấy được chúng ta đã mạnh mẽ như thế nào để vượt qua hết mọi ưu buồn. Mình còn có thể cảm nhận được vẻ đẹp của chính những nỗi buồn đó...
Unsplash.com
Mọi việc từ bây giờ bạn không cần phải nói với ai nữa khi đã có thể tự trò chuyện với mình, tránh xa nhiều mối quan hệ độc hại để có thể toàn tâm phát triển sức mạnh tinh thần mình một cách toàn diện là sự lựa chọn thông minh hơn hết. Dần dần rồi bạn sẽ nhận ra, tìm được một người để có thể lắng nghe, có thể chia sẻ, là người tinh tế khi đưa ra lời khuyên, nhận xét và quan trọng hơn hết là thái độ của họ đối với những vấn đề của bạn là điều vô cùng khó. Hầu hết mọi người sẽ không quan tâm những ưu phiền của bạn đâu và một số thì lại cảm thấy vui vì điều đó. Học cách tự giải quyết những vấn đề của mình chắc chắn là cách để những kẻ không thể quên có thể tồn tại trong xã hội mà người cho mình cái quyền phán xét người khác một cách dễ dàng.
Đừng bao giờ dễ dãi và cho phép người khác làm tổn thương cảm xúc của mình. Hãy học cách bảo vệ nó vì nơi đó là nơi lưu giữ linh hồn của chính bạn...
Trong quyển sách "Tôi là Jack Ma" mình thật sự ấn tượng về một đoạn nói về "cấm ngữ". Khi miệng bạn ngưng nói thì đó là lúc tâm trí bạn sẽ giao tiếp (mình không nhớ rõ lắm nhưng đại khái là như thế), đây chẳng qua cũng là một trạng thái khi bản ngã con người chúng ta tự thoát ra bên ngoài để có thể tự quan sát lại bản thân. Chung qui việc cấm khẩu cũng là một hình thức của việc hạn chế việc tiếp xúc quá nhiều đến các mối quan hệ không tốt và tự mình trò chuyện với tâm trí. Sự giác ngộ về chính con người mình sẽ đến khi bạn hiểu rõ những khúc mắc trong suy tư bằng cách tự hỏi bản thân mình. "Cấm ngữ" của Jack Ma hay "Think Week" của Bill Gates đều là phương thức tách biệt bản thân với sự ồn ào của xã hội, đều là cách tái tạo lại nguồn năng lượng sạch cho một tâm trí thanh thản. Những người nhạy cảm với khả năng tự giao tiếp và hiểu rõ tường tận hơn về các cảm xúc sẽ thực sự phù hợp với việc tự mình trò chuyện với cơ thể và thay đổi tốt hơn.