Bạn có còn nhớ câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng Thỏ và rùa không?

Phải rồi, chắc hẳn không ai trong chúng ta lại không biết đến nó. Vậy thì bây giờ bạn cũng hiểu được phần nào phong cách của truyện ngụ ngôn rồi đấy. Điều này quan trọng để tôi đi đến những quan điểm chính dưới đây.

Trước khi viết bài này tôi đã đọc một bài viết có cái nhìn rất trái ngược so với cách nhìn tốt đẹp của nhiều người đọc về cuốn Nhà giả kim và tôi quyết định viết blog như một cách để khẳng định lại những giá trị mà Nhà giả kim đem đến cho tôi. Tác giả Thanh Huệ viết trên Tramdoc về Nhà giả kim như thế này: http://tramdoc.vn/tin-tuc/nha-gia-kim-ca-vu-tru-hop-lai-thanh-mot-bai-hoc-don-dieu-nxbGgW.html

Trên thị trường sách ngày càng quá tải như ngày nay thì việc khẳng định quyển sách nào cũng chứa đựng nhiều giá trị bổ ích và mang tâm huyết của tác giả thì thật là không phải. Nhưng những ai đã từng đọc Nhà giả kim thì hẳn sẽ thấy một tâm hồn hời hợt sẽ không thể có những lời văn trau chuốt, chưa kể đến việc cuốn sách đã chiếm được cảm tình của đông đảo độc giả trên toàn thế giới, kèm theo nhiều giải thưởng danh giá.

Với hình thức ngụ ngôn, điều chúng ta cần ở Nhà giả kim chính là nội dung ẩn ý đằng sau cốt truyện, là giá trị cốt lõi của truyện. Giống như trong câu chuyện Thỏ và Rùa, điều mà chúng ta cần nhớ về nó chỉ đơn giản là Kiên trì sẽ dẫn tới thành công, cần cù bù thông minh,...chứ không phải là cuộc thi ấy diễn ra ở đâu, quy mô ra sao, có bao nhiêu con vật tham gia, tên con thỏ là gì, tên con rùa là chi,...Tóm lại, với những chuyện mang hướng ngụ ngôn, không gì quan trọng bằng những bài học ẩn đằng sau nó.

Tại sao chị lại cho rằng tên của cậu chăn cừu là quan trọng, số lượng cừu cậu mang theo là quan trọng ngang với những bài học mà quyển sách mang lại?. Tôi chỉ là không thể lý giải được cách hiểu này.

Ngoài ra, trong bài viết ở Tramdoc, tôi hoàn toàn không đồng tình với ý kiến rằng : người đọc không cần đọc sâu, không cần suy ngẫm, tất cả bài học đều đã lồ lộ trước mặt, thậm chí người viết còn nói rằng chúng được ấn vào tay người đọc. Tôi có cảm giác như thế thì tất cả những người yêu thích Nhà giả kim đều là những kẻ thụ động, không động não khi đọc sách. Nhất là với những kẻ chọn đọc lại lần 2, lần 3 như tôi thì quả là phí phạm thời gian. Mà chắc không chỉ có tôi, còn có tổng thống Mỹ Bill Clinton, ca sĩ Madonna, ca sĩ Will Smith, chị Thái Minh Châu,...Chà! Danh sách này còn dài và ấn tượng lắm!. Nhưng hãy quay lại với vấn đề chính một chút. Những bài học trong nhà giả kim có những bài học được hiểu một cách trực tiếp qua lời nói của nhà vua xứ Salem như là câu nói vô cùng nổi tiếng : "Vận mệnh chính là điều mà anh luôn muốn đạt được. Bất kể anh là ai, anh làm gì, khi anh thật tâm mong muốn điều gì, thì điều mong muốn ấy sẽ được hình thành trong cõi tâm linh vũ trụ. Đó sẽ là nhiệm vụ của anh trên Trái Đất.". Bên cạnh đó, Nhà giả kim là tổng thể của nhiều câu chuyện xuyên suốt hành trình tìm kho báu của cậu chăn cừu ( à giờ thì tôi đã hiểu, chúng ta nên nhớ tên nhân vật để tiện viết vào bài cảm nghĩ của mình!). Trong những câu chuyện ấy, tôi vẫn phải suy nghĩ trước khi hiểu và rồi ghi nhớ. Trình tự nhận thức ấy diễn ra trong câu chuyện đầu tiên về chúa Giê-su cho đến câu chuyện về hoa thủy tiên, chuyện bà lão người Digan, chuyện người bán kem,...và hầu hết trong tất cả các câu chuyện. Rõ ràng là, ít nhất với tôi, các câu chuyện trong Nhà giả kim vẫn khiến tôi phải suy nghĩ về những bài học đằng sau nó chứ nó không đơn giản như chiếc bánh kem trước mặt và ai đó ấn cái thìa vào tay để tôi cứ thế mà xúc ăn.

Người viết trên Tramdoc dường như không thích cách mà ông Paulo lặp đi lặp lại bài học của mình. Thực tế là, tôi lại khá thích cách mà tác giả nhắc lại điều mà ông cho là quan trọng trong tác phẩm của mình. Việc đó khiến cho tôi cảm thấy mình được nhắc nhở một cách khéo léo về ý nghĩa của việc theo đuổi ước mơ khi ta rơi vào cảnh khó khăn khốn cùng. Thêm một thực tế nữa đấy là, Paulo chỉ lặp lại đúng một câu nói mà theo tôi nghĩ là câu nói quan trọng, đóng vai trò điểm nhấn trong toàn bộ câu chuyện còn đối với những bài học khác, bản thân chúng đã khiến ta nhớ mãi không quên.

Thêm một điều nữa mà tôi cảm thấy không phù hợp để dựa vào nó để đánh giá cuốn sách Nhà giả kim đó là : thứ nhất là hoàn cảnh sa mạc và thứ hai là thái độ với những người phụ nữ. Cuốn sách Nhà giả kim dày 217 trang. Không quá dày nhưng cũng không quá mỏng nếu so sánh với những truyện ngụ ngôn hay truyện cổ tích khác. Ý của tôi ở đây là với thể loại truyện ngụ ngôn hay cổ tích nếu có thể càng giản dị hiệu quả lại càng cao. Chúng ta đều không muốn đọc truyện ngụ ngôn nào dài lê thê phải không? Vì cốt yếu của nó là những bài học. Truyện ngụ ngôn không thể bỏ đi phần bối cảnh, như thế thì sẽ khiến người đọc không hiểu được chuyện gì xảy ra nhưng cũng không thể nói nhiều về bối cảnh vì như thế sẽ khiến câu chuyện trở nên dài dòng. Nhà giả kim đã có những miêu tả bao quát về sa mạc, có liệt kê được một số những trở ngại, hiểm nguy nơi đây qua những câu nói bông đùa của những người trong đoàn, những lời miêu tả súc tích. Với tôi, thế là quá đủ. Sa mạc, không cần phải nghiền ngẫm hết cuốn Trên sa mạc và trong rừng thẳm thì ta mới biết đó là nơi khó sống và cũng không có chuyện như chị Huệ nói là "nhún chân bước qua là đến ốc đảo xanh".

Về thái độ với người phụ nữ, tôi khẳng định rằng 100% tất cả con người trên cõi đời này đều tôn trọng phụ nữ là lời nói dối. Thật đáng tiếc là Paulo chỉ thuật lại một thực tế đáng buồn trong câu chuyện thôi. Và nhân vật chính của ông là cậu chăn cừu vậy nên về cơ bản cậu chăn cừu hãy tiếp tục hành trình của cậu. Bài học ở đây là phụ nữ không nên quá yếu đuối và phụ thuộc như vậy, phải mạnh mẽ lên. Tùy vào cách bạn nhìn nhận mà bài học sẽ xuất hiện dưới hình thức này hay hình thức khác.

Ngoài ra điều tối kị với tôi mà chị Huệ lại nhắc đến đấy là hoàn cảnh sống của mỗi người.

Bạn có chắc là một người sống nghèo đói kém hạnh phúc hơn một người giàu có nhưng bế tắc không?

Ý của tôi thật rõ ràng là chúng ta không thể hiểu hoàn cảnh của bất kì ai nếu chúng ta không ở vị trí người đó.

Ai bảo là Santiego vốn là kẻ lang bạt?. Santiego có một gia đình đầy đủ, một cuộc sống vốn được sắp xếp cho anh thành linh mục, lấy một cô vợ đẹp, ấm no ổn định. Nhưng anh từ bỏ, để được tự do nay đây mai đó. Một sự đánh đổi lớn đấy chứ, đâu chỉ là "lấn cấn vì bầy cừu và cô con gái nhà buôn" như chị Huệ nói đâu?!. Mà kể cả lấn cấn vì bầy cừu hay con gái nhà buồn thì cũng chưa hẳn đã là điều gì dễ dãi lắm. Để vượt biên sang một vùng đất lạ hoắc, cậu chăn cừu cũng phải bán hết những con cừu mà mình hằng ngày vẫn chung sống, quên đi cô con gái mà mình vẫn hằng thương nhớ, xa gia đình, bỏ lại những điều thân thuộc. Cậu vẫn phải đánh đổi để thực hiện được giấc mơ của mình. Một sự đánh đổi liều lĩnh và dũng cảm!.

Bên cạnh đó, tôi cũng không hiểu cách lý luận của chị Huệ: Nhà giả kim là phương tiện truyền tải bài học nhưng bản thân nó lại không có giá trị?!, vậy nó lấy đâu ra bài học để truyền tải, hay nói cách khác là có tồn tại giá trị nào để nó được đóng vai trò là phương tiện truyền tải. Thật khó hiểu!

Thực lòng, khi viết những lời này tôi vẫn còn băn khoăn không rõ có phải Tramdoc cố tình đưa ra bài viết như này để nhằm mục đích nào đó khác tốt đẹp hơn mà tôi chưa nhận ra không. Nhưng người viết chủ quan đến mức không cho rằng có ai đó sẽ lay động trái tim vì Nhà giả kim, những nhân vật nhàm chán đến không đáng nhớ, không đáng để yêu quý,...

Tôi thấy rất buồn vì chị còn cho rằng Nhà giả kim đơn điệu và chỉ giành cho những tâm hồn đơn điệu.