Những ấn tượng đầu tiên với người Hồi ở Thái
Chiang Mai đánh dấu lần đầu tiên trong cuộc đời mình đi chơi cùng các bạn người Hồi – theo cái kiểu ngẫu nhiên và may mắn người ta...
Chiang Mai đánh dấu lần đầu tiên trong cuộc đời mình đi chơi cùng các bạn người Hồi – theo cái kiểu ngẫu nhiên và may mắn người ta chỉ có thể có trong những chuyến solo travel.
Tóm tắt lại thì nó là như vầy:
Trên máy bay từ Bangkok đến Chiang Mai, mình hỏi chuyện một bạn Thái đang về trường làm luận văn Thạc sĩ. Bạn nói Tiếng Anh rất ổn và chủ động giúp đỡ mình tìm xe songthaew từ sân bay về khách sạn, và thế là chúng mình quen nhau. Mấy hôm sau, bạn rủ mình ra chợ đêm Chiang Mai cùng các bạn ở câu lạc bộ. Như một phép màu, câu lạc bộ ấy tên là “Muslim Club” – nghe tên chắc đoán được luôn là ai tham gia rồi ha.
Sau một vài cú sốc nhẹ (má ơi Thái chỉ có 5% là Hồi giáo và mình đã va vào hẳn một tập đoàn) thì các bạn đã đủ quý đến mức đề nghị xế mình ra quán café quen chơi Ma Sói (tất nhiên là không đội mũ bảo hiểm rồi). Rồi biết mình sắp đi Pai, anh bạn mình quen trên chuyến bay đã lái xe lên tận đó đưa mình đi chơi cùng với vài người bạn của anh ấy.
Ba ngày cuối cùng tung tăng ở phía Tây Bắc Thái, vì thế, đã thay đổi cái nhìn của mình về Hồi giáo và lối sống của những người trẻ ở đây (và về tình yêu nữa, nhưng cái đó nói sau đi, haha).
Sơ lược một chút về Hồi giáo nhe.
Hồi giáo đang là tôn giáo lớn thứ hai – và là tôn giáo phát triển nhanh nhất hiện nay. Người Hồi phân bố chủ yếu ở Trung Đông (phần lớn thuộc Tây Á và Bắc Á), nhưng Indonesia thuộc Đông Nam Á lại là đất nước có dân số Hồi lớn nhất thế giới. Những nước bên cạnh Indonesia như Thái Lan hay Việt Nam mình có tỷ lệ dân Hồi khá nhỏ, chỉ từ 5% đến 7%. Bản thân mình, có lẽ vì sống ở miền Bắc và chưa tới Tây Nam Bộ, chưa bao giờ gặp người Việt nào theo đạo Hồi cả.
Hồi giáo, cùng với Thiên chúa giáo và Do Thái giáo, là tôn giáo đặc trưng cho hệ Độc Thần giáo. Câu tuyên bố đức tin (Declaration of Faith) của đạo Hồi – được gọi là Shahada – là “Tôi chứng thực rằng không có thần linh nào khác ngoài Thượng đế (Đấng Allah) và tôi chứng thực rằng Đức Mohammed là Tiên tri của Thượng đế”.
Người Hồi giáo có những quy tắc riêng về việc ăn uống, ngủ nghỉ và cầu nguyện mà họ bắt buộc phải tuân theo nếu muốn theo đạo. Ví dụ như chỉ được ăn đồ ăn Halal – đồ ăn đúng chuẩn Hồi giáo, cần cầu nguyện đủ 5 lần một ngày, nhịn ăn một tháng trong năm và nhiều quy tắc khác.
Shahada
Mình đã từng dở khóc dở cười khi lần đầu tiên thấy các bạn Hồi cầu nguyện. Chuyện là có một đêm mình ở mixed dorm trong hostel cùng ba bạn con trai Hồi và khi các bạn chuẩn bị cầu nguyện thì cần trải thảm quay ngay đúng giường mình đang nằm – người Hồi cầu kinh cần hướng về thánh địa Mecca, mà không hiểu sao mình chọn trúng cái giường trùng hướng Mecca. Mình ngại quá chạy vọt ra ngoài đợi xong không may khóa luôn cửa, ngồi đợi 10 phút tưởng các bạn cầu nguyện xong rồi bèn đập cửa ầm lên kiểu “Ê xong chưa cho tui vào với”. Cửa không mở, mình ngẩn tò te. Đang định chạy đi tìm nhân viên khách sạn kêu cứu thì một bạn (vẫn còn mặc áo truyền thống Hồi giáo) chạy ra gọi vào, bảo là “Nãy bọn tui chưa cầu nguyện xong nên chưa có mở được cửa, giờ xong rồi bà vô đi”. Rồi vô. Vừa vô vừa thấy mình vô duyên tệ.
Tới bình minh hôm sau, các bạn cũng dậy sớm cầu kinh – bài kinh nghe như bài hát. Mình lúc đó lỡ nghe được còn chẳng dám mở mắt, nằm im không đụng cựa, cảm giác tội lỗi như đang xâm hại điều gì thiêng liêng lắm.
Đi ăn với các bạn người Hồi, mình mới biết về đồ ăn Halal. Trước giờ chỉ nghĩ là người Hồi không ăn thịt lợn thôi, không biết là các bạn có cả một bộ quy tắc về đồ nào được phép ăn và đồ nào bị cấm – kể cả những món thịt được phép ăn cũng cần phải giết mổ theo đúng quy tắc để đảm bảo sự thuần khiết Hồi giáo. Người giết mổ cũng buộc phải là người trong Độc thần giáo. Vì thế nên các bạn thường chỉ tìm những nhà hàng có chữ “Halal” để vào ăn, không bao giờ chọn bừa phứa một hàng mà nhảy vào, dù hàng đó bán thịt gà. Cũng tùy đất nước mà đồ ăn khác nhau, nên đồ ăn Hồi của người Thái cũng ngon chẳng kém những đồ Thái khác.
Dấu hiệu Halal
Mình tìm hiểu kỹ hơn về cách giết mổ của người Hồi thì ra vài điều thú vị. Con vật sẽ được giữ cho khỏe mạnh và dù bị đưa vào nơi giết mổ nhưng cũng không nhìn thấy lưỡi dao cho đến khi gần bị giết. Để giữ cho con vật không bị stress, đồ tể chỉ rút dao ra trong những giây cuối cùng, làm một đường sắc bén nhanh gọn vào cổ nó (nhưng phải giữ cho đầu không lìa ra) và để yên cho nó giãy chết. Trước khi mổ, đồ tể còn cần gọi tên đấng Allah, sau khi mổ phải rửa hết sạch máu ra khỏi thịt. Mình thấy hay ho và khá nhân đạo khi một tôn giáo lại quan tâm tới cảm xúc của con vật mà họ ăn đến như vậy.
Đi với các bạn chỉ một hai ngày thôi nhưng thói quen quan sát người lạ của mình thay đổi. Mình để ý những người Hồi hơn. Mình nhận ra là dù chiếm phần nhỏ dân số, nhưng Hồi giáo ở Thái được tôn trọng như bất cứ tôn giáo nào khác. Số lượng nhà hàng Halal không hề ít – từ canteen trường đại học, ngoài phố đến trong ga tàu Hua Lamphong ở Bangkok đều có khu đồ ăn riêng cho người Hồi. Những nhà thờ Hồi giáo với mái vòm đặc trưng vẫn khiêm nhường nằm đó, đón tiếp người theo đạo. Nghe nói ở vùng Nam Thái, người Hồi và người Phật giáo sống sát vách và chia sẻ văn hóa cùng nhau – miền Nam của Thái đa dạng gần như Sài Gòn của ta vậy.
Rồi tới khi thân thiết hơn một chút, mình có hỏi han thêm về câu chuyện tôn giáo – rằng bạn có gặp khó khăn gì không khi là một nhóm tôn giáo thiểu số ở một đất nước trọng Phật giáo, bạn có hòa nhập được không. Bạn từ tốn nói với mình, bạn là người chọn chuyển từ theo đạo Phật sang theo đạo Hồi (convert) – mới được vài năm thôi, và bố mẹ bạn vẫn là người Phật giáo. Bạn nói, cách người Thái theo đạo Phật khiến bạn đặt ra nhiều câu hỏi và không trả lời được – như là Phật dạy không sát sinh nhưng tại sao người ta vẫn ăn thịt; thờ cúng ảnh và tượng liệu có phải là thờ Phật – hay là thờ người làm ra tượng Phật. Bạn nghi ngờ đức tin của mình ngày trước nên quyết định tìm sang Hồi giáo để có được một niềm tin mới mạnh mẽ và thuần khiết hơn về Đấng Allah. Vì vậy nên bạn hoàn toàn thoải mái khi được là người Hồi và tuân theo những quy tắc Hồi giáo.
Nhân đây cũng muốn kể một chút về cách sống của người Thái mà mình cảm nhận được.
Người Thái kín đáo và truyền thống và nhiều quy tắc hơn so với người Việt (không kể những ngành nghề cần phơi da thịt nha). Để ý một chút sẽ thấy họ mặc đồng phục nhiều hơn hẳn bên mình – sinh viên Đại học cũng có đồng phục quần đen áo trắng, những ngành nghề như Giáo viên, cảnh sát, văn phòng đều yêu cầu nữ giới mặc quần dài hoặc mặc đầm dài quá đầu gối cùng với áo sơ mi. Thêm nữa, việc phân chia giới tính cũng khá nặng nề – bên ngoài Bangkok thì kể cả vợ chồng hay người yêu cũng không được nắm tay nhau trên đường, còn bạn khác giới mà đi với nhau thì cần ít nhất là 3 người chứ không được đi đôi. Ở các trường Đại học, nữ giới và nam giới được chia hai khu riêng cho hầu hết các hoạt động. Một điều không biết là vui hay buồn, chính phủ Thái khá lỏng lẻo với khách du lịch về vấn đề mại dâm (sex show các thứ nữa) nhưng cấm toàn bộ người Thái tới mấy “ổ” đó. Họ tới là bị phạt liền, nên không mấy khi bạn thấy người địa phương ở những khu tai tiếng đó.
Khi mình qua gặp các bạn ở Muslim Club, mình đã bị sốc 2 tập. Tập 1 là việc các bạn là người Hồi. Tập 2 là các bạn đi ăn chung nhưng con trai tụm lại ngồi riêng và con gái ngồi riêng – không có đứa con trai nào có ý định sang ngồi hóng chuyện với con gái và ngược lại. Kể cả khi đi café và chơi Ma sói cũng vậy luôn. Rồi khi tới phòng sinh hoạt chung của các bạn thì thấy nguyên cái màn quây chia khu nam nữ riêng biệt, không biết khi các bạn họp hành thì có ngồi bàn bạc qua cái màn đó luôn không. Mình và một anh người Thái có vài lần ngồi cạnh nhau trong khi xung quanh không có ai cả, ngồi cạnh nói chuyện buổi sáng thôi nha, mà mình đã có cảm giác như mình phạm tội gì rồi.
Thêm nữa, tính cách người Thái nói chung khá khép kín. Không phải họ không hào phóng đâu, ngược lại ấy, nhưng họ không chủ động tiếp xúc người lạ. Sinh viên Việt Nam mình hay ra ngoài đường nói chuyện với người nước ngoài để tăng khả năng Tiếng Anh, nhưng sinh viên Thái hoàn toàn chưa có khái niệm đó đâu. Mình được dịp trò chuyện với một cô bạn được học bổng của ĐH Chiang Mai và Tiếng Anh khá tốt – nhưng bạn ấy nói đa số sinh viên ở đây không đi vào phố cổ “săn Tây” dù phổ cổ Chiang Mai ngay đó. Bạn luyện tiếng Anh với gia sư của bạn thôi. Các gia đình Thái cũng không hề có thói quen cho người nước ngoài ở nhờ – nên mình kiếm Couch Surfing mỏi mắt mà không có host người địa phương nào đồng ý. Thành ra mình thấy mình may mắn quá, tự nhiên va vào một bạn Thái cởi mở nên mới có cơ hội chuyện trò với người địa phương.
Nhưng nếu bạn chủ động hỏi han làm quen với người Thái – họ sẽ rất nhiệt tình giúp đỡ, đến mức khiến bạn ngạc nhiên. Có đêm mình và bạn ghé vào một hàng xăng và muốn đổ chỉ 10 bath (7k) cho cái xe máy mình thuê thôi vì mình sắp trả xe, trong khi mức tối thiểu để đổ xăng bên ý là 20 bath. Mình bèn ngu ngơ hỏi một chị người Thái cách đổ xăng với 10 bath và chị ý đã dễ thương đến mức định cho mình 20 bath vì tưởng mình hết tiền. Rồi mấy lần mình hỏi đường đều có người chỉ tận tình, còn vẽ bản đồ xe bus vào tay mình. Rồi mình được các bạn Thái lái xe đưa đi chơi vòng quanh 2 ngày mà không đòi một đồng. Tốt quá kể hong hết luôn.
—-
Hồi trước mình thích đọc mấy cuốn sách du ký lắm, giờ đỡ rồi. Vì rất hiếm sách du ký hay bài viết có thể thỏa mãn được sự tò mò của mình về nét văn hóa, lịch sử và lối sống đặc trưng của một đất nước – kể cả Lonely Planet. Nên mình chọn tự làm seri du ký của riêng mình, về những điều phía kia chân trời mà chính bản thân đắm chìm, cảm thông và hiểu đủ để viết ra. Có thể seri du ký này sẽ mất nhiều thời gian lắm, nhưng kệ. Mình sẽ đi, sẽ kể đến khi đôi chân này không thể đi được nữa.
Vì càng tới những vùng đất lạ, chúng ta sẽ càng quen hơn với cuộc sống này.
Chuỗi bài viết về Thái Lan:
Phần 1: Tại sao Thái rẻ - Nét chấm phá Hindu trên đất Chùa Vàng
Phần 2: Lanna - Hay cách người Thái gìn giữ văn hóa
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất