Nguồn: Spiderum
Nguồn: Spiderum

Vượt qua sự bó buộc của “ngành”

Nhóm ngành Nhân văn luôn xuất hiện với rất nhiều câu hỏi, kể cả câu hỏi có tính phê phán bản thân sự tồn tại của nó, như chuyện tri thức có thể được chia đều đặn thành từng “ngành” (discipline) hay không. Và nếu phủ nhận sự phân chia các hạng mục tri thức thành ngành, thì thật khó để Nhân văn tồn tại như một thứ có thể đào tạo trong các thiết chế học thuật như “khoa”, “viện”, “trường”,... trong đại học và các cơ sở nghiên cứu. Thật vậy, có thể phân định khá rõ ràng về mặt phương pháp luận (mà chúng tôi sẽ làm rõ ở bài viết cuối cùng của series giới thiệu về ngành Nhân văn) giữa các ngành thuộc lĩnh vực Nhân văn và Khoa học Tự nhiên, khó khăn hơn một chút khi cố phân biệt nhóm Nhân văn và Khoa học Xã hội, và… rất khó khi phân tách các ngành khác nhau thuộc khối Nhân văn. 
Ngành thì gắn liền với nghề. Trong thực tế, việc phân tri thức, hay sự lao động nói chung, thành ngành, cho thấy nhu cầu của xã hội trong việc khai thác các nhóm năng lực khác nhau của con người nhằm phân luồng và tăng tốc dòng chảy của các giá trị trong xã hội và chủ yếu ở đây chúng ta sẽ nói đến tiền. Nói trắng ra, nếu bạn làm một thứ không thể được định danh thành nghề, thì thật khó để bạn được trả tiền, vì hầu hết sự lao động của chúng ta đã bị “bao vây” bởi một thứ gọi là “thị trường nghề nghiệp”. Sự bá quyền của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa tối ưu các ngành học thuật theo nghĩa giúp chúng sản xuất ra nhiều chuyên gia hơn, nhưng không giúp họ sản xuất ra thêm những tri thức mới. 
Nguồn: The Chronicle of Higher Education
Nguồn: The Chronicle of Higher Education
Vì lẽ này, nhóm ngành Nhân văn của thế kỷ 20 chứng kiến sự ra đời của một số phong trào “phản ngành” (anti-disciplinary), “hậu ngành” (post-disciplinary) hay “liên ngành” (inter-disciplinary) là từ quen thuộc hơn đối với chúng ta. Điển hình nhất là Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Đương đại (Centre for Contemporary Cultural Studies) được thành lập bởi Stuart Hall, Richard Hoggart, Raymond Williams… đã cho ra đời ngành Nghiên cứu Văn hoá (Cultural Studies) - một ngành phản-ngành. Nó đã phá vỡ ranh giới giữa nhiều lĩnh vực nghiên cứu vốn trước đó bị phân chia nặng nề bởi xu hướng chuyên biệt hoá của các cơ sở đào tạo. Nhóm chúng tôi ít nhiều có sự đồng cảm, và hơn thế, được đào tạo trong lãnh giới của Nghiên cứu Văn hoá, nơi có sự giao thoa của nhiều lĩnh vực: Triết học, Nhân học, Phê bình Văn học, Nghiên cứu Truyền thông, Ngôn ngữ học… Sự phản ngành, hậu ngành và liên ngành này chỉ ra rằng các khung tri thức truyền thống đã đạt đến giới hạn trong việc mô tả một thế giới ngày càng phức tạp.
Và như một lẽ dĩ ngẫu, nhiều vấn đề hơn tức là cần nhiều giải pháp hơn, cần nhiều giải pháp hơn tức là cần… nhiều “ngành” hơn, và như vậy các trường đại học, cùng các ngành công nghiệp lại kiếm được nhiều tiền hơn từ việc đó. Có nhiều cách để bạn bán mình cho tư bản khi học một trong số các ngành hiện có trong lĩnh vực Nhân văn, dù bạn là người theo, chống, hay vượt qua khung hiểu biết hiện có về chủ nghĩa tư bản.

Đi học rồi ở lại trường làm giảng viên

Nếu bạn không muốn “sellout” hệ thống lý thuyết phê phán phức tạp và vốn dĩ, được sinh ra để đối đầu với chủ nghĩa tư bản, bạn có thể tiếp tục học lên thạc sĩ, tiến sĩ, sau tiến sĩ… để giảng dạy trong các hệ thống hàn lâm. Dĩ nhiên, chúng tôi muốn cảnh báo với các bạn trước rằng hệ thống các trường công thì đang được thị trường hoá mạnh mẽ, và những cái tên Đại học lớn bạn nghe đến trong các bảng xếp hạng trường đào tạo ngành Nhân văn tốt thì đều là những cỗ máy kiếm tiền khổng lồ. 
Stuart Hall bế con cho một học viên | Nguồn: Frieze
Stuart Hall bế con cho một học viên | Nguồn: Frieze
Điểm đặc biệt của chúng là, thay vì phải “dumb down”, hay đơn giản hoá tri thức chuyên môn thành nội dung dễ hiểu, có một số phần sai lệch để độc giả tiêu thụ được giống như trong thị trường sản xuất nội dung, thì đại học và các viện nghiên cứu là hệ thống chuyên biệt lưu thông tri thức khó hiểu, còn sinh viên, nghiên cứu sinh, giảng viên và các nhà nghiên cứu vừa là người sản xuất, vừa là người tiêu thụ các sản phẩm này. 

Nhận các đề tài nghiên cứu cao cấp

Một số nhà nghiên cứu nhận đơn đặt hàng đề tài từ nhà nước, các thiết chế công cộng, các tổ chức phi chính phủ, hoặc tư nhân. Đề tài nghiên cứu cơ bản, đào sâu vào khía cạnh lý thuyết thường nhận được ít tài trợ hơn. Còn đề tài có tính thực hành, giải quyết vấn đề thực tiễn như cải thiện sinh kế, nghiên cứu văn hoá nhóm người nhằm… giải phóng mặt bằng, hoặc nghiên cứu thị trường bản địa thường nhận được rất nhiều tiền tài trợ. Điều này không khiến nhà nghiên cứu giàu có, nhưng giúp họ vượt qua hình ảnh “bác học điên” khắc khổ.

Gia nhập thị trường báo chí và xuất bản

Sản phẩm nghiên cứu bên cạnh việc đào tạo ra các lứa sinh viên mới, thì vẫn luôn là xuất bản công bố khoa học dưới hình thức các bài báo trên tạp chí chuyên ngành, hoặc xuất bản sách giáo khoa. Nhưng giống như các tri thức khó hiểu chúng tôi đã đề cập, các tác phẩm hay (nhưng có trên dưới 40 người đọc sau hàng chục năm ra mắt) chủ yếu được lưu thông trong hệ thống hàn lâm, và không mấy thân thiện với quảng đại công chúng. 
Vì thế để kiếm tiền, rất nhiều nhà nghiên cứu là nhà báo và tác giả sách phổ thông. Họ sử dụng tri thức chuyên ngành mình có để bình phẩm, phân tích các vấn đề xã hội nóng trên mặt báo. Họ viết về các đề tài mình quan tâm và nghiên cứu nhiều năm nhưng với hành văn thân thiện, dễ hiểu để sản xuất các bản thảo sách đại chúng. Họ viết các nhập môn gần gũi với công chúng qua cả hai hình thức này.

Sản xuất nội dung

Chúng tôi lại nhấn mạnh, nhà nghiên cứu vẫn cần kiếm tiền. Thị trường nội dung ngày nay vô cùng màu mỡ và nhiều học giả sẵn sàng nhảy vào. Họ cho rằng điểm trừ về kênh truyền như một video TikTok thì quá ngắn, status trên Facebook chỉ được dành 1.7s trung bình để đọc… hoàn toàn có thể được vượt qua nếu như bạn làm nội dung hay. 
Vì thế ngày nay, ta dễ dàng tìm thấy các kênh YouTube, podcast, blog… hay các diễn đàn, nhóm kín nói về triết học và các chuyên ngành khác, được tạo ra bởi các học giả. Chúng tôi không dám chắc sản xuất nội dung học thuật kiếm được bao nhiêu tiền, vì ít nhất nhóm tác giả không có thu nhập chính thức từ công việc này. Song một chút kinh nghiệm và thực hành đưa nội dung khó hiểu đến công chúng thì chúng tôi có.
Abigail Thorn, chủ kênh Philosophy Tube | Nguồn: Out Magazine
Abigail Thorn, chủ kênh Philosophy Tube | Nguồn: Out Magazine
Ví dụ này sẽ chỉ minh hoạ cho bài viết của chúng tôi, và đã từng áp dụng được với chúng tôi, chứ chưa chắc đã áp dụng được với tất cả người sản xuất nội dung. Chuyện thật nghe như đùa, một trong số các thành viên của Humanities_gang đã từng được TikTok mời làm nội dung triết học qua video 15 giây. Đó là một đề bài không-thể, song cậu ấy đã dành một vài năm tiếp theo của cuộc đời để lồng ghép kiến thức hàn lâm vào nhiều dạng format truyền thông khác nhau, từ long-form (vốn rất gần gũi đối với các học giả) cho đến short-form (hầu hết mọi người sẽ kêu là chưa đủ để diễn giải hết một khái niệm). 
Cậu ấy nhận ra, một thước nội dung có thể truyền đạt một thông điệp dày về kiến thức đối với người đọc, người xem không nhất thiết phải ngồn ngộn trích dẫn cùng các câu phức và khái niệm không thể được giải thích trong một câu. Chúng tôi tập tành viết “content” có phần đại chúng hơn bằng cách trình bày đúng những gì mình hay làm ở đại học và viện, nhưng chỉ dùng 1 đến 2, thậm chí, 0 thuật ngữ chuyên môn nào. Điều đó cần sự bù đắp bởi rất nhiều chất liệu hình ảnh và tự sự, khiến bài viết dài hơn bình thường. Chúng tôi sau đó tập rút gọn nội dung mình đã làm, thậm chí cắt thành nhiều phần và tổ chức lại chúng theo nhiều format khác nhau.

Làm bất cứ ngành nghề nào, với cái đầu “phản tư”

Thực ra, nhóm chúng tôi cho rằng sự học không nên bị gò khuôn vào một kết quả duy nhất, đó là kiếm việc như thế nào. Đó là đặc quyền của chúng tôi trong việc theo đuổi những lĩnh vực dễ bị đánh giá là phi thực tiễn: nhân học, truyền thông & văn hoá, và văn học. Chúng tôi có người tồn tại trong thị trường nghề nghiệp gần 1 thập kỷ nhưng chỉ kiếm tiền để đi học, có người bước sang đầu 3 nhưng vẫn theo đuổi con đường học vấn và xa lánh thị trường, có người đứng ở vị trí lấp lửng giữa bỏ và theo ngành hàn lâm.
Chúng tôi cho rằng giữa giáo dục và đào tạo có khoảng cách khá xa. Trong khi đào tạo đơn thuần chỉ là người dạy truyền đạt tới người học một hệ thống các kỹ năng làm nghề, và nếu điều đó thành công thì người học có thể làm được cái nghề họ đã học. Thì giáo dục có mục đích lớn lao hơn thế, nó định hình thế giới quan của người học, và cả các chất vấn của họ đối với thế giới quan đó. Giáo dục cho phép chúng ta có một thế giới, hiểu về thế giới đó, và hoài nghi sự hiểu biết của mình. Nó khiến chúng ta biết và làm được nhiều hơn là sự sao chép.
Sự phản tư | Nguồn: Annette Markham
Sự phản tư | Nguồn: Annette Markham
Những gì chúng tôi kỳ vọng là gắn liền với giáo dục, có thể được cô đọng trong một danh từ duy nhất - sự phản tư. Phản tư là đồng thời hiểu về chính mình, hiểu về thế giới, và hiểu về vị trí của mình bên trong thế giới đó. Phản tư cho chúng ta sự ngập ngừng khi đứng trước cái khó. Khi ấy ta không vượt qua sự bất định của việc mình không-hiểu để đưa ra một nhận định hời hợt, mà lùi lại một cho đến nhiều bước để nhìn được xa hơn.
Như vậy, nhóm ngành Nhân văn thực tế là cho chúng ta một phương pháp luận để nhìn, để nghe, để cảm, để hiểu. Hãy nghĩ về việc cắt một chiếc bánh, bạn dùng một con dao. Con dao đó là phương pháp, tức là, thuần tuý như một công cụ. Nói rộng hơn, phương pháp là những kỹ năng cần thiết để làm nghề. Còn phương pháp luận là cả một bộ dao, là khái niệm của những thứ có thể được sử dụng để cắt. Nó là sự lập luận, luận thuyết về phương pháp. Để khi cầm con dao và cắt bánh, chúng ta hiểu trong khoảnh khắc đó những gì diễn ra, thay vì để mọi thứ trôi theo quán tính và chiếc bánh chiu tọt vào mồm.